Bản tin thời sự sáng 24/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa; hủy quyết định tặng Huân chương Lao động với Công ty Việt Á; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu phí thử nghiệm; nước máy ở TP. Vinh nhiễm E.coli, Mangan…

Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)

Tại họp báo thường kỳ chiều 23/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời thông tin liên quan tới việc Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) thông báo tập trận quân sự ngày 19/6 tại khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn vi phạm tương tự.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng, lập trường của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong Công hàm 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 lưu hành tại Liên Hợp Quốc. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Việt Nam cho rằng, các nước đều chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung là duy trì và thúc đẩy hòa bình ổn định hợp tác và phát triển tại Biển Đông, giải quyết tranh các chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Hủy quyết định tặng Huân chương Lao động với Công ty Việt Á

Chủ tịch nước hủy quyết định tặng Huân chương Lao động hạng ba với Công ty CP Công nghệ Việt Á, do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây dư luận xấu.

Chủ tịch nước hủy quyết định tặng Huân chương Lao động hạng ba với Công ty CP Công nghệ Việt Á

Chủ tịch nước hủy quyết định tặng Huân chương Lao động hạng ba với Công ty CP Công nghệ Việt Á

Quyết định được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 23/6, sau khi nhận được tờ trình của Thủ tướng.

Tháng 2/2020, trong bối cảnh Covid-10 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài nghiên cứu cấp quốc gia "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019", Học viện Quân y thực hiện. Trong 17 thành viên tham gia đề tài có 14 người thuộc Học viện Quân y, 4 người của Công ty Việt Á.

Một tháng sau, kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và đến tháng 12/2020 lưu hành chính thức. Nhiều cá nhân và tập thể sau đó được khen thưởng. Công ty Việt Á được nhận Huân chương Lao động hạng ba vào tháng 3/2021.

Kit test của Việt Á sau đó được cung cấp cho nhiều tỉnh thành. Nghi ngờ doanh nghiệp này có dấu hiệu nâng khống giá và đưa hối lộ, tháng 12/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an khởi tố vụ án. Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt cùng 5 cấp dưới bị bắt.

Đến nay, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố hơn 70 người, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thử nghiệm thu phí không dừng

Từ 14h ngày 23/6 đến cuối tháng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thu phí không thu tiền sau gần hai tháng tuyến được đưa vào hoạt động.

Trạm thu phí Cai Lậy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Trạm thu phí Cai Lậy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, việc thu phí để đánh giá các chỉ tiêu về hệ thống thiết bị, hoàn thiện kỹ năng phục vụ của nhân viên tại các trạm.

Trên tuyến cao tốc này có 4 trạm thu phí gồm Thân Cửu Nghĩa, Cai Lậy, Cái Bè, An Thái Trung. Mỗi trạm có từ 4 - 6 làn được lắp đặt thu phí không dừng (ETC). Hiện, các trạm bố trí 1 - 2 làn không dừng và một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.

Trong thời gian thử nghiệm, các xe đã dán thẻ ETC, tài khoản đủ điều kiện thanh toán sẽ đi vào tất cả làn thu phí, hệ thống ghi nhận và barier sẽ tự động mở cho đi qua, không trừ tiền. Trường hợp thẻ gắn trên xe không liên hệ được với trạm, nhân viên thu phí sẽ phát thẻ để xe vào cao tốc.

Các xe chưa dán thẻ hoặc tài khoản không đủ điều kiện thanh toán sẽ đi vào làn thu phí hỗn hợp, tài xế nhấn nút nhận thẻ IC và trả thẻ cho nhân viên thu phí tại đầu ra để kiểm soát. Chủ xe muốn sử dụng thẻ ETC sẽ được dán tại trạm thu phí.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, rộng 16 m, 4 làn xe, hoạt động chính thức từ cuối tháng 4.

Trước đó, chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến thu phí từ đầu tháng 7, với mức 108.000 - 432.000 đồng mỗi lượt.

Nước máy ở TP. Vinh nhiễm E.coli, Mangan

Ba mẫu nước máy lấy ngẫu nhiên ở TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) nhiễm E.coli, Mangan và một số thành phần khác, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Nước xả trực tiếp từ vòi tại hộ dân ở phường Vinh Tân

Nước xả trực tiếp từ vòi tại hộ dân ở phường Vinh Tân

Ngày 23/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An trả kết quả xét nghiệm 3 mẫu nước máy lấy ngẫu nhiên ở TP. Vinh hôm 12/6. Trong 26 thông số theo quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch phục vụ sinh hoạt trên địa bàn thì mẫu ở Nhà máy nước Hưng Vĩnh không đạt chuẩn - Mangan 0,173 mg/L (ngưỡng giới hạn cho phép là 0,1 mg/L).

Mẫu lấy tại hộ dân ở phường Vinh Tân có 4 thông số Pecmanganat, Mangan, Coliforms và E.coli đều vượt ngưỡng cho phép. Mẫu còn lại tại hộ dân ở phường Hà Huy Tập có Pecmanganat và Mangan cũng quá giới hạn cho phép.

Theo CDC Nghệ An, các thông số không đạt chuẩn có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân, như E.coli và Colifoms có thể gây hại cho đường tiêu hóa.

Cơ quan này kiến nghị Công ty CP Cấp nước Nghệ An báo cáo đầy đủ sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch cho cơ quan quản lý, chính quyền và người dân; Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động cấp nước sạch.

CDC Nghệ An đã lấy thêm 6 mẫu nước tại TP. Vinh gửi tới Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường để xét nghiệm 98 thông số song chưa có kết quả.

Rào chắn một phần cầu Phú Mỹ trong ba tháng

Mặt đường cầu Phú Mỹ hướng từ Quận 7 đi TP. Thủ Đức (TP.HCM) sẽ bị rào chắn một phần từ 2/7 - 4/10 để sửa hai khe co giãn.

Xe từ hướng TP. Thủ Đức qua Quận 7 đi bình thường như hiện nay.

Xe từ hướng TP. Thủ Đức qua Quận 7 đi bình thường như hiện nay.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong 30 ngày đầu (2/7 - 2/8), cầu sẽ được thi công phía ngoài cùng bên trái, các loại ô tô lớn đi làn giữa; ô tô con và các loại xe 2 - 3 bánh chạy làn trong cùng bên phải (phía lan can cầu).

Từ 3/8 - 3/9, đơn vị sẽ thi công làn giữa, làn ngoài cùng bên trái cầu dành cho ô tô lớn; ô tô con và các loại xe 2 - 3 bánh đi làn trong cùng bên phải (phía lan can cầu). Từ 4/9 - 4/10, việc thi công tập trung làn trong cùng bên phải, ô tô con và xe 2 - 3 bánh đi ở làn giữa; làn ngoài cùng bên trái dành cho các loại ô tô.

Hai khe co giãn trên cầu Phú Mỹ bị hư hỏng từ hồi tháng 7/2020 được nhà đầu tư dự án dùng các tấm thép chắn tạm. Tuy nhiên, do mật độ ô tô nhiều, tấm thép lệch nghiêng. Mỗi khi xe tải nặng chạy qua vị trí hư hỏng, tấm sắt lại rung lên, tạo âm thanh lớn.

Cầu Phú Mỹ dài hơn 2 km, là cầu dây văng lớn nhất TP.HCM bắc qua sông Sài Gòn, tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng, hoàn thành năm 2009. Công trình nằm trên tuyến Vành đai 2, là trục giao thông duy nhất nối Quận 7 với TP. Thủ Đức và là một trong hai tuyến ra vào Cát Lái - cảng biển lớn nhất nước.

Để chiếm đất công, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Long Thành bị bắt

Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Trưởng Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), cùng ba người khác bị cáo buộc sai phạm khi để đất công bị chiếm dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Trưởng Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành và các bị can đã thiếu trách nhiệm trong việc xác minh nguồn gốc đất tại xã Bình Sơn

Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Trưởng Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành và các bị can đã thiếu trách nhiệm trong việc xác minh nguồn gốc đất tại xã Bình Sơn

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Long Thành để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Liên quan đến hành vi này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 bị can khác gồm: Dương Thị Duyên (chuyên viên Phòng TN-MT huyện Long Thành); Nguyễn Quang Thảo (Tổ trưởng Tổ đền bù, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh huyện Long Thành) và Bùi Văn Hồng (viên chức Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh huyện Long Thành).

Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm liên quan đến việc chiếm đất công tại Cụm công nghiệp Bình Sơn.

Hồi tháng 5/2021, Công an huyện Long Thành đã bắt tạm giam hai cán bộ UBND xã Bình Sơn về cùng hành vi.

Theo điều tra, ông Nghĩa và các bị can đã thiếu trách nhiệm trong việc xác minh nguồn gốc đất tại xã Bình Sơn, để một số người dân lợi dụng chiếm đất công tại Cụm công nghiệp Bình Sơn. Sau khi có xác nhận của cán bộ địa chính và lãnh đạo xã Bình Sơn, ông Nghĩa và những người này đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục hợp thức hóa giấy tờ, tiếp tay cho người dân chiếm dụng đất công, gây thất thoát tài sản nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an mở rộng điều tra, làm rõ.

Chuyên đề