Bản tin thời sự sáng 24/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM kỷ luật 7 đảng viên liên quan các vụ án lớn; giá xăng lập đỉnh mới vượt 30.500 đồng một lít; chủ đầu tư khu đất 61 Trần Phú chấp thuận điều chỉnh công trình theo yêu cầu của Hà Nội; sẽ khởi công Vành đai 4 TP.HCM vào năm 2024; hai doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh nợ thuế hơn trăm tỷ đồng…

TP.HCM kỷ luật 7 đảng viên liên quan các vụ án lớn

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kỷ luật 7 đảng viên liên quan đến các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi.

Nhiều đảng viên thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bị thi hành kỷ luật
Nhiều đảng viên thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bị thi hành kỷ luật

Theo công bố ngày 23/5, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cảnh cáo ông Nguyễn Văn Đậm, Tổng giám đốc Công ty CP Tiếp vận Đông Sài Gòn; nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) thuộc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Sai phạm của ông Đậm liên quan vụ án xảy ra tại SADECO, đưa ra xét xử hồi đầu năm nay. Ông Đậm được cho đã ký chi nguồn tiền thù lao còn thừa năm 2016 cho các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát hơn 990 triệu đồng, song chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

Cơ quan Kiểm tra Thành ủy cũng cảnh cáo ông Phạm Nguyễn Thanh Tú, chuyên viên Phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận, Văn phòng Đăng ký Đất đai Thành phố thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Thanh Tú bị xác định thiếu trách nhiệm khi tham mưu xác nhận biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn sang Tổng công ty Phong Phú để chuyển nhượng dự án trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, ba cựu nhân viên là Nguyễn Tấn Tài, Hà Thị Ngà, Trần Thị Kim Trúc bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khiển trách vì đã tham gia hợp thức hóa hồ sơ, hợp đồng du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm của tổng công ty, góp phần làm thất thoát tiền nhà nước.

Cùng bị kỷ luật khiển trách là bà Ngô Thị Ngoan, nguyên thư ký Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận và Lê Thành Nhân, Kế toán trưởng, nguyên Kế toán tổng hợp Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn, thuộc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Giá xăng lập đỉnh mới vượt 30.500 đồng một lít

Từ 15h ngày 23/5, mỗi lít xăng tăng khoảng 670 - 680 đồng, lập đỉnh mới; trong khi các loại dầu giảm 760 - 1.100 đồng.

Điều chỉnh giá lúc 15h chiều 23/5

Điều chỉnh giá lúc 15h chiều 23/5

Liên bộ Công Thương - Tài chính tăng 680 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92, tăng 670 đồng xăng RON 95. Đây là đợt tăng giá thứ tư liên tiếp từ 21/4 đến nay, và sau đợt tăng này, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.650 đồng một lít. Còn giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng mỗi lít.

Dầu hoả là 24.400 đồng một lít, giảm 760 đồng. Dầu diesel là 25.550 đồng, giảm 1.100 đồng. Dầu mazut lần này hạ 970 đồng, về mức 20.590 đồng một kg.

Ngoại trừ RON 95-III, loại phổ biến trên thị trường và được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành, trên thị trường còn có loại xăng RON 95-IV đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 tại vùng 1 (đô thị, thành phố lớn) là 30.750 đồng một lít. Ở vùng 2 (nông thôn, vùng sâu, xa), giá loại xăng này là 31.360 đồng một lít.

Riêng loại xăng RON 95-V (tiêu chuẩn Euro 5) được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thông báo giá bán mới ở mức 31.250 đồng một lít.

Tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chỉ sử dụng 300 đồng mỗi lít cho xăng RON 95 từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Mức chi từ quỹ này với E5 RON 92 là 100 đồng mỗi lít. Các mặt hàng dầu không chi sử dụng từ Quỹ.

Cùng đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính tăng trở lại mức trích vào Quỹ Bình ổn xăng dầu với mặt hàng dầu diesel lên 300 đồng một lít (kỳ trước là 0 đồng), dầu mazut là 400 đồng (tăng 367 đồng mỗi kg so với kỳ điều hành ngày 11/5). Mức trích với dầu hoả giữ nguyên 300 đồng một lít.

Chủ đầu tư khu đất 61 Trần Phú chấp thuận điều chỉnh công trình theo yêu cầu của Hà Nội

Theo ông Phạm Cao Thắng - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án 61 Trần Phú, chủ đầu tư sẽ chấp thuận điều chỉnh công trình theo yêu cầu của UBND TP. Hà Nội.

Khu đất dự án 61 Trần Phú, Hà Nội thực hiện đúng quy hoạch phê duyệt.

Khu đất dự án 61 Trần Phú, Hà Nội thực hiện đúng quy hoạch phê duyệt.

Liên quan đến Dự án Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội, UBND Thành phố vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình này.

Cụ thể về phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định và công khai, minh bạch. Việc sử dụng đất, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp với Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.

Cũng theo kết quả kiểm tra, rà soát Dự án Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 Trần Phú của UBND TP. Hà Nội, dự án này được thực hiện theo đúng quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Quy trình, thủ tục quản lý đầu tư, quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật; chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục cũng như của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ. Dự án đầu tư có thể tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Để tiếp tục triển khai Dự án, UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan và chủ đầu tư tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm, chuẩn hóa chức năng, công năng công trình.

Theo ông Phạm Cao Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án 61 Trần Phú, đến thời điểm hiện nay, đơn vị mới chỉ dọn dẹp, trả mặt bằng sạch cho Dự án. "UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện như thế nào, chủ đầu tư sẽ chấp thuận như thế", ông Thắng cho biết.

Sẽ khởi công Vành đai 4 TP.HCM vào năm 2024

Vành đai 4 TP.HCM dài 200 km, vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng dự kiến khởi công năm 2024 và khai thác sau bốn năm tạo trục liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ba tuyến vành đai giúp TP.HCM kết nối các địa phương lân cận nhưng hiện chưa tuyến nào khép kín

Ba tuyến vành đai giúp TP.HCM kết nối các địa phương lân cận nhưng hiện chưa tuyến nào khép kín

Tiến độ dự kiến triển khai tuyến Vành đai 4 vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi 4 tỉnh có tuyến đường đi qua gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi các bên đã thống nhất.

Vành đai 4 được thiết kế 6 - 8 làn xe, có điểm đầu giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Giai đoạn một, Dự án sẽ giải phóng toàn bộ mặt bằng theo thiết kế nhưng làm trước 4 làn xe đáp ứng nhu cầu vận tải cho khu vực.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự kiến cuối năm nay hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư tháng 3 năm sau. Việc chọn nhà đầu tư hoàn tất giữa năm 2024 để khởi công Dự án. Công trình thi công trong 3 năm, thông xe kỹ thuật cuối năm 2027 và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý I/2028.

Trước đó tháng 9/2021, Thủ tướng đồng ý giao 5 tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư các đoạn thuộc Vành đai 4 qua địa bàn. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km; Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không tính cầu Thủ Biên), dài 45 km.

Tỉnh Bình Dương được giao xây dựng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM) dài khoảng 71 km; còn TP.HCM làm đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài 17 km.

Hai doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh nợ thuế hơn trăm tỷ đồng

Khách sạn Soleil và Cung điện Mùa đông - hai doanh nghiệp bị huỷ phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh - đang nợ thuế, phí hơn 177 tỷ đồng.

Công ty Soleil và Công ty Cung điện mùa Đông của Tân Hoàng Minh nợ thuế “khủng”
Công ty Soleil và Công ty Cung điện mùa Đông của Tân Hoàng Minh nợ thuế “khủng”

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai hơn 1.000 doanh nghiệp nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với tổng giá trị hơn 1.420 tỷ đồng (kỳ khóa sổ ngày 28/2). Trong danh sách này có hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng với khoản nợ hơn 177 tỷ đồng - thuộc vào diện doanh nghiệp nợ lớn nhất đợt này.

Cụ thể, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Khách sạn Soleil mới chỉ nộp thuế gần 15 tỷ đồng trên tổng phải nộp hơn 147 tỷ đồng. Đến giữa tháng 4, doanh nghiệp này vẫn đang nợ hơn 132 tỷ đồng.

Khoản nợ lớn nhất của Soleil là do nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển quyền sử dụng đất hơn 73 tỷ đồng, tiếp theo là 35,4 tỷ thuế giá trị gia tăng và hơn 16 tỷ đồng vì chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

Doanh nghiệp thứ hai thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đang nợ thuế là Công ty CP Cung điện Mùa đông (nợ gần 45,6 tỷ đồng). Trong đó, phần lớn là khoản nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển quyền sử dụng đất.

Hai công ty này cũng nằm trong 3 doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh có các đợt phát hành trái phiếu bị hủy thời gian vừa qua do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng công bố gần 20 đơn vị nợ tổng cộng 1.058 tỷ đồng các khoản liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất. Trong đó, Khu liên hợp thể thao quốc gia là đơn vị có khoản nợ "khủng" gần 833 tỷ đồng, gồm 483 tỷ nợ thu tiền thuê mặt đất và gần 350 tỷ tiền chậm nộp các khoản điều tiết 100% ngân sách địa phương...

Gỡ vướng quy định thanh toán BHYT dịch vụ xét nghiệm trên máy mượn

10 ngày sau khi dấy lên nhiều kiến nghị về thanh toán BHYT dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán trên máy mượn, đặt, Bộ Y tế gửi công văn đến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị tiếp tục thực hiện.

Hệ thống xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Hệ thống xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Đây là động thái tiếp theo sau cuộc họp giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về vấn đề trên. Khi ấy, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết chờ công văn này của Bộ Y tế mới "gỡ khó" cho các đơn vị để tiếp tục tiến hành thanh toán BHYT cho dịch vụ xét nghiệm trên máy mượn, đặt tại bệnh viện.

Theo đó, cơ quan đầu ngành y tế đề nghị Bảo hiểm Xã hội tiếp tục thanh toán BHYT cho các dịch vụ như trên, đến khi hết hợp đồng đã ký kết với đơn vị đầu tư. Điểm mới lần này là Bộ Y tế loại bỏ quy định "hồ sơ mời thầu ghi rõ đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp máy móc", đồng thời nói rõ "văn bản mới này thay thế công văn bãi bỏ hôm 9/5".

Như vậy, việc thanh toán BHYT tiếp tục thực hiện theo quy định từ năm 2018, bệnh viện vẫn được sử dụng máy mượn, đặt để thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cho người bệnh.

Trước đó, ngày 9/5, Bộ Y tế ban hành văn bản bãi bỏ Công văn 2009 năm 2018 hướng dẫn thanh toán BHYT cho dịch vụ xét nghiệm trên máy được bệnh viện mượn, đặt. Ngay sau đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông báo các địa phương dừng thanh toán cho dịch vụ nói trên khiến cho nhiều bệnh viện hoang mang, bị động do sở hữu tới 80% máy xét nghiệm mượn, đặt.

UBND TP.HCM và 7 bệnh viện kiến nghị khẩn cấp cho tiếp tục thanh toán dịch vụ này hoặc thực hiện chuyển đổi theo lộ trình để người bệnh không bị ảnh hưởng. Theo UBND TP.HCM, số máy móc mượn, đặt đóng vai trò rất lớn trong công tác khám chữa bệnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư