Bản tin thời sự sáng 24/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công cải tạo kênh dài nhất TP.HCM; sắp đấu giá hiện vật về vua Khải Định, Bảo Đại; Bộ Xây dựng giảm mục tiêu đề án xây nhà xã hội; TP.HCM tìm được 3.200 việc làm giới thiệu cho công nhân Pou Yuen; giá thép lên sát mốc 16 triệu đồng/tấn…

Khởi công cải tạo kênh dài nhất TP.HCM

Dự án xây hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên tổng vốn 8.200 tỷ đồng được khởi công sáng 23/2, nhằm giảm ô nhiễm, tăng kết nối giao thông.

Phối cảnh Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Phối cảnh Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Công trình có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Toàn tuyến dài gần 32 km, đi qua Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, sẽ được kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7 - 12 m mỗi bên. Dự án cũng làm 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, 3 cây cầu, cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, việc triển khai công trình có thuận lợi khi phần lớn mặt bằng đã được đền bù, giải tỏa từ giai đoạn trước, với hơn 3.200 hộ. Hiện, Dự án chỉ còn một phần diện tích chưa bàn giao ở Quận 12 và Gò Vấp, với 166 trường hợp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đây là dự án hạ tầng trọng điểm ở Thành phố, nhằm chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống người dân. Khi hoàn thành, công trình sẽ là trục thoát nước chính cho gần 15.000 ha khu vực xung quanh. Dự án cũng giúp giảm tải cho Quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh đi qua 7 quận, huyện; đồng thời kết nối giao thông thuỷ TP.HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP.HCM. Giai đoạn một của Dự án đã triển khai từ 21 năm trước với việc giải phóng mặt bằng và nạo vét, đắp bờ đất hai bên, xây dựng cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh xung quanh. Giai đoạn hai của Dự án bị chậm trễ do thiếu vốn. Đến năm 2021, Dự án được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, kết hợp vốn của Trung ương và Thành phố.

Sắp đấu giá hiện vật về vua Khải Định, Bảo Đại

Ảnh vua Khải Định, Bảo Đại cùng nhiều vật dụng, tranh ảnh xuất xứ hoàng cung triều Nguyễn sẽ được đấu giá ở Paris (Pháp).

Sắc phong thời vua Khải Định. Ảnh: Lynda Trouvé

Sắc phong thời vua Khải Định. Ảnh: Lynda Trouvé

Nhà đấu giá Lynda Trouvé vừa giới thiệu phiên Indochine Chapitre 15 với 339 hiện vật bao gồm tranh, ảnh, đồ cổ, dự kiến diễn ra ngày 17/3 tại Trung tâm Drouot. Album có tên Nhà ảnh Hương Kỳ kính dâng ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nhân chuyến đi của hoàng đế Bảo Đại ra Bắc Kỳ, nằm ở lô 101, dự kiến đạt mức giá 8.000 - 10.000 Euro (202 - 253 triệu đồng). Bảo Đại (1913 - 1997) - con của vua Khải Định - là vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vua cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam.

Theo nhà đấu giá, sau chín năm sang Paris học tập, năm 1932, Bảo Đại trở lại quê hương tiếp quản ngôi vị. Vua đi từ Huế ra Bắc Kỳ để gặp gỡ dân chúng. Album gồm 428 bản in bạc, ghi lại các hoạt động như duyệt binh với sự hiện diện của Thống đốc Pasquier, đua ngựa, hội chợ, thăm xưởng thủ công, hội chưng cất rượu Bắc Kỳ, tới Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với sự tiếp đón của hiệu trưởng Victor Tardieu... Hầu hết bức ảnh chưa được công bố. Bìa album trang trí bằng giấy dó thường dùng cho các sắc lệnh triều đình, viết bằng chữ Hán.

Lô 97 gồm hai tấm bưu ảnh Khải Định đến Sài Gòn và Marseilles vào tháng 5/1922, đính kèm là một bản in con tàu của Pháp - Messageries Maritimes; bộ tám bản in bạc về chuyến thăm trường trung học phổ thông Đà Lạt của Bảo Đại. Lô này được chào bán với giá từ 80 - 120 Euro (2 - 3 triệu đồng).

Phiên đấu giá cũng chào bán sắc phong triều vua Khải Định vào khoảng năm 1920, kích thước 52x134 cm, với mức ước tính 500 - 600 euro (12,6 - 15,2 triệu đồng). Văn bản thư pháp bằng chữ Hán được viết trên giấy dó màu vàng kim, được trang trí bằng họa tiết rồng màu bạc, đóng ấn đỏ của vua. Khải Định (1885 - 1925) là hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn, trị vì trong 10 năm.

Bộ Xây dựng giảm mục tiêu đề án xây nhà xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất giảm số căn nhà xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu, vốn thực hiện cũng bớt 280.500 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đề xuất giảm số căn nhà xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu

Bộ Xây dựng đề xuất giảm số căn nhà xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Phần lớn trong 18 góp ý của các thành viên Chính phủ đồng tình nhưng riêng Bộ Tư pháp không đồng ý và yêu cầu làm rõ sự cần thiết khi xây dựng Đề án.

Trong dự thảo trước đó, mục tiêu được cơ quan này đưa ra là hơn 1,4 triệu căn hộ (giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 571.200 căn, giai đoạn 2025 - 2030 là 845.500 căn). Nguồn vốn huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng. Nhưng nhiều thành viên Chính phủ cũng đề nghị cân nhắc mục tiêu, số lượng nhà ở và nguồn lực để thực hiện.

Mục tiêu này, theo Bộ Xây dựng, được tổng hợp theo số liệu của các địa phương trên cơ sở kế hoạch phát triển nhà đã được thông qua hoặc số lượng mới đăng ký. Tuy nhiên, trước lo ngại từ các thành viên Chính phủ, Bộ đề xuất Thủ tướng điều chỉnh mục tiêu đề án xuống còn hơn 1 triệu căn nhà (giảm 354.500 căn). Nguồn lực thực hiện cũng giảm 280.500 tỷ đồng, tức chỉ cần 849.500 tỷ đồng.

TP.HCM tìm được 3.200 việc làm giới thiệu cho công nhân Pou Yuen

TP.HCM đã kết nối 15 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.200 lao động để giới thiệu cho hơn 2.300 công nhân nhà máy Pou Yuen bị cắt giảm sắp tới.

Công nhân Pou Yuen tan ca

Công nhân Pou Yuen tan ca

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thông tin trên.

Công ty Pou Yuen thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, là doanh nghiệp đông lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của Nhà máy lên đến hơn 50.500 người.

Trước đó, thông tin từ bộ phận nhân sự Nhà máy Pou Yuen, trong tháng 3, doanh nghiệp sẽ cắt giảm hơn 2.300 công nhân. Về tình hình sắp tới, Công ty phải căn cứ vào đơn hàng mới có phương án cụ thể. Riêng chế độ cho người lao động, hiện Công ty vẫn chờ quyết định chính thức từ công ty mẹ.

Để hỗ trợ những công nhân bị cắt giảm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã lập tổ công tác theo dõi. Trung tâm đã kết nối 15 doanh nghiệp có những ngành nghề tương tự trên địa bàn quận Bình Tân và khu vực lân cận có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.200 lao động. Ngoài ra, đơn vị cũng liên hệ Long An và Tiền Giang, hai địa phương có nhiều lao động bị cắt giảm, để kết nối giới thiệu việc làm.

Lắp hộ lan lốp ô tô trên 4 đoạn đèo qua Tây Nguyên

Hơn 360 m tường lốp cao su được lắp đặt ở 4 đoạn đèo dốc, có khúc cua gấp, liên tục và vực thẳm, trên Quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi.

Hộ lan bằng lốp ô tô lắp trên Quốc lộ 24

Hộ lan bằng lốp ô tô lắp trên Quốc lộ 24

Ngày 23/2, ông Phan Mười, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Kon Tum cho biết, đơn vị thi công vừa hoàn thành lắp đặt hàng trăm mét hộ lan trên các đoạn đèo nguy hiểm. Đây là hạng mục nằm trong Dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24, do Sở Giao thông vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư.

Hộ lan được xây dựng bằng cách đóng nhiều trụ thép sâu 1,4 m xuống nền đường, sau đó gắn các lốp cao su cũ chứa đầy cát. Khi tông vào bức tường cao su này, lực đàn hồi giúp xe giảm thiểu hư hại, không lao xuống vực và đâm vào vách núi. Chi phí lắp đặt mỗi mét hộ lan lốp ô tô khoảng 3 triệu đồng, tiết kiệm nhiều so với làm lan can bình thường.

Quốc lộ 24 dài trên 168 km, nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với miền Trung. Đây là tuyến huyết mạch, song có nhiều đồi núi hiểm trở, ngoằn ngoèo và xuyên qua rừng. Năm 2020, Kon Tum đầu tư 850 tỷ đồng mở rộng đường từ 5 - 7 m lên 9 - 10 m, đoạn từ xã Hiếu, huyện Kon Plông đến TP. Kon Tum (dài 31 km). Đến năm 2022, dự án này hoàn thành.

Trước đó, trên đèo Lò Xo (Kon Tum), Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Tuy Phong, Bình Thuận) cũng lắp đặt hộ lan bằng lốp ô tô cũ, giúp hạn chế tai nạn.

Giá thép lên sát mốc 16 triệu đồng/tấn

Cuối tháng 2, các doanh nghiệp sản xuất đồng loạt tăng tiếp giá thép cuộn xây dựng lên 150.000 - 210.000 đồng/tấn, đánh dấu lần tăng thứ 4 của giá thép chỉ trong một tháng.

Giá thép lên sát mốc 16 triệu đồng/tấn

Giá thép lên sát mốc 16 triệu đồng/tấn

Mới đây, nhiều công ty thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Việt Sing... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng ở mức trung bình 150.000 - 210.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Đơn cử, Hòa Phát điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Sau điều chỉnh giá thép ở hai miền lần lượt ở mức 15,96 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Nam, Hòa Phát tăng 150.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên 15,98 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng tăng thêm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 lên 15,91 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ ở mức 15,81 triệu đồng/tấn; Thép Việt Đức cũng điều chỉnh tăng 210.000 đồng/tấn lên 15,71 triệu đồng/tấn với thép cuộn CB240.

Trong khi đó, các doanh nghiệp như Kyoei, Thép miền Nam, Thép Thái Nguyên, Thép Việt Nhật, Pomina… chưa có động thái điều chỉnh tăng với loại thép trên.

Như vậy, đây là lần tăng thứ tư liên tiếp của giá thép từ đầu năm đến nay. Tổng mức tăng sau 4 lần điều chỉnh khoảng 1 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.

Chưa thể đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 6 qua Mộc Châu

Liên quan đến việc đầu tư cải tạo mở rộng Quốc lộ 6 địa phận huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp tuyến đường này.

Bộ GTVT cho biết, trong điều kiện như hiện nay chưa có điều kiện để đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 6 qua Mộc Châu

Bộ GTVT cho biết, trong điều kiện như hiện nay chưa có điều kiện để đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 6 qua Mộc Châu

Theo báo cáo của Bộ GTVT, Quốc lộ 6 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Trung du miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Vì vậy, Bộ GTVT đã đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Quốc lộ 6 được quy hoạch với chiều dài khoảng 466 km (đoạn qua tỉnh Sơn La có chiều dài khoảng 213 km), quy mô cấp 3, bề rộng mặt đường 2 - 6 làn xe.

Bộ GTVT cho biết, do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí cho tuyến quốc lộ này. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp tuyến đường.

Trong khi chưa có điều kiện đầu tư nâng cấp, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Hàng nghìn người bị công ty luật ở Sài Gòn khủng bố để đòi nợ

Công an xác định, hàng nghìn người liên quan đến món nợ ngân hàng, công ty tài chính, đã bị nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt đe dọa, khủng bố khi đi đòi nợ thuê.

Cảnh sát khám xét Công ty Luật TNHH Pháp Việt

Cảnh sát khám xét Công ty Luật TNHH Pháp Việt

Ngày 23/2, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã xác định được hàng nghìn người trên địa bàn và ở Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội... bị Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) đòi nợ kiểu xã hội đen.

Liên quan vụ án này, nhà chức trách đã bắt tạm giam Trần Văn Châu, Hồ Quốc Hùng (Phó Giám đốc Công ty Pháp Việt), Nguyễn Đình Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng) và ít nhất 13 người khác về hành vi Cưỡng đoạt tài sản và có dấu hiệu của tội Khủng bố, theo Điều 170 và 299 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Công an Tiền Giang nhận được tin tố giác tội phạm về hành vi đe dọa khủng bố, cưỡng đoạt tài sản của người dân và một số cơ quan trên địa bàn. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ, dấu hiệu Cưỡng đoạt tài sản.

Trưa 14/2, hơn trăm cảnh sát vũ trang đã phong tỏa, ập vào trụ sở Công ty Pháp Việt, bắt quả tang 133 người đang đòi nợ thuê; thu giữ 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản...

Cơ quan điều tra xác định, Châu, Hùng và các bị can là tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật.

Hàng tháng, Công ty Luật TNHH Pháp Việt nhận 140.000 - 240.000 hồ sơ khách vay (chưa trả tiền) của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Với các hồ sơ khách hàng trên, Ban Giám đốc Công ty phân chia cho nhân viên đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố. Công ty sẽ được trả công từ 25 - 35% trên tổng số tiền thu được.

Tổng số tiền mà các nghi phạm đòi được là gần 1.000 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, do Châu và đồng phạm thu lợi nhuận rất lớn nên yêu cầu thành viên Công ty không từ một thủ đoạn nào, miễn buộc được nạn nhân phải trả tiền.

Chuyên đề