Bản tin thời sự sáng 24/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều gói thầu thiết bị y tế chống Covid-19 ở TP.HCM giá cao bất thường; tiền vào chứng khoán tiếp tục giảm, thấp nhất hai tháng gần đây; xây cầu vượt, bãi gửi xe để tạo thuận lợi cho người dân đi metro; điều chỉnh đầu tư, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cần thêm hơn 4.000 tỷ đồng; Đà Nẵng thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn 1 tỷ đồng…

Nhiều gói thầu thiết bị y tế chống Covid-19 ở TP.HCM giá cao bất thường

Thanh tra Chính phủ xác định nhiều gói thầu mua thiết bị chống Covid-19 ở TP.HCM thông qua trung gian nên bị nâng giá cao bất thường. Một số sai phạm đã chuyển công an điều tra.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM

Ngày 23/12, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM.

Theo đó, hai gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ phòng chống dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) làm chủ đầu tư bị Thanh tra Chính phủ cho rằng có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu, gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, vi phạm này còn xuất hiện ở Gói thầu Mua sắm trang phục phòng chống dịch cấp 1 năm 2021 lần 1 và lần 2 do Bệnh viện Từ Dũ làm chủ đầu tư và Gói thầu Mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch lần 10 năm 2021 do Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM làm chủ đầu tư.

Theo kết luận thanh tra, bốn nhà thầu cung cấp một số loại trang thiết bị y tế thuộc các gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư có giá trúng thầu cao bất thường so với giá vốn nhập khẩu.

Điển hình, máy X-quang di động DR do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT trúng thầu giá cao gấp 4,67 lần, chênh lệch 19 tỷ đồng so với giá vốn nhập khẩu.

Gói thầu Mua kit hoá chất dùng trong xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR do Bệnh viện Nhi đồng 1 làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông trúng thầu có giá cao gấp 2,59 lần so với giá vốn nhập khẩu, từ đó giá trị chênh lệch 6,6 tỷ đồng…

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, đề nghị Bộ Công an điều tra dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản nhà nước tại HCDC và các dấu hiệu vi phạm về đấu thầu, có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường.

Tiền vào chứng khoán tiếp tục giảm, thấp nhất hai tháng gần đây

Thanh khoản trên sàn HoSE phiên ngày 23/12, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, đạt chưa tới 7.000 tỷ đồng, mức thấp nhất hai tháng gần đây.

Sàn HoSE ghi nhận hơn 230 mã giảm, 174 mã tăng phiên ngày 23/12
Sàn HoSE ghi nhận hơn 230 mã giảm, 174 mã tăng phiên ngày 23/12

Dòng tiền yếu, cùng sự thận trọng của nhà đầu tư đang khiến nhịp giao dịch ngày càng chậm hơn. Tuy nhiên, dù thanh khoản chạm đáy, những pha rung lắc vẫn giúp biên độ trong phiên ngày 23/12 đạt gần 15 điểm, điều kiện giúp giao dịch phái sinh sôi động hơn là thị trường cơ sở.

Đầu phiên, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, nhưng nhanh chóng bị kéo về quanh ngưỡng tham chiếu khi dòng tiền vẫn đứng ngoài quan sát. Nhịp giao dịch chậm, giằng co cho tới nửa đầu phiên sáng, trước khi thị trường nới rộng đà giảm. Lực bán không quá mạnh nhưng lực đỡ chặn mua yếu khiến chỉ số nhanh chóng nới rộng sắc đỏ. VN-Index lùi về gần ngưỡng 1.010 điểm trước giờ nghỉ trưa.

Sang phiên chiều, xu hướng thay đổi, nhưng hôm nay là theo khía cạnh tích cực. Trạng thái giằng co được duy trì trong 30 phút đầu phiên chiều trước khi chỉ số đảo chiều tăng ngược trở lại. Nhịp kéo nhanh, dứt khoát nhờ một số mã trụ giúp VN-Index có lúc trở lại sắc xanh, trước khi vòng về dưới tham chiếu.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 2 điểm (0,22%), xuống sát ngưỡng 1.020 điểm. VN30-Index giảm hơn 4 điểm (0,41%), còn 1.034,13 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa gần tham chiếu.

Thị trường có phần cân bằng hơn dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Sàn HoSE ghi nhận hơn 230 mã giảm cuối phiên, so với 174 mã tăng. Riêng nhóm VN30, số mã giảm áp đảo hơn với tỷ lệ 16:12.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm nay chỉ đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ phần giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 420 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 6.800 tỷ đồng, thấp nhất trong gần hai tháng. Khối ngoại ngày 23/12 vẫn giữ nhịp mua ròng nhưng quy mô thu hẹp chỉ còn hơn 200 tỷ đồng.

Khởi công cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương

Cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, nối hai phường Kim Long và Phường Đúc, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), được đầu tư 1.500 tỷ đồng, xây dựng trong 3 năm.

Phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương

Phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương

Sáng 23/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khởi công xây cầu Nguyễn Hoàng, cầu thứ tám bắc qua sông Hương, quy mô lớn nhất đến nay.

Theo thiết kế, cầu vòm thép dài 380 m gồm 5 nhịp, rộng 43 m, 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3 m, đường dẫn hai đầu dài 210 m. Cầu được kết cấu bằng bê tông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30 m, cao 6 m. Đường đi bộ rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông là 4 cầu nhánh cong. Hai nút giao đầu cầu được thiết kế đường vòng xuyến.

Cầu Nguyễn Hoàng nằm trong Dự án Cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng, tổng mức đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương (ngân sách trung ương 800 tỷ đồng), thời gian thực hiện 4 năm.

Thừa Thiên Huế đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hương gồm Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, Bạch Hổ, Tuần, Chợ Dinh và Thảo Long. Trong đó, cầu Bạch Hổ là cầu cho tàu hỏa và Thảo Long kiến trúc trên là cầu, dưới là đập ngăn mặn.

Xây cầu vượt, bãi gửi xe để tạo thuận lợi cho người dân đi metro

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, TP.HCM sẽ xây 9 cầu vượt trên xa lộ Hà Nội và làm các bãi giữ xe máy gần 9 ga trên cao để tạo thuận lợi cho người dân đi Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Tàu điện tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy thử ngày 21/12

Tàu điện tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy thử ngày 21/12

Theo ông Hiển, Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ vận hành thương mại vào cuối năm 2023. Để khai thác hiệu quả, Thành phố đã có dự án xây dựng 9 cầu bộ hành băng qua xa lộ Hà Nội để kết nối với 9 ga trên cao. Các cầu vượt sẽ hoàn thành cùng thời điểm Metro số 1 vận hành.

Gần 9 ga trên cao (trừ ga Bến xe miền Đông mới và Deport Long Bình) cũng được bố trí các bãi đỗ xe (khoảng 1.500 m2 mỗi bãi, đủ chứa 500 xe máy). Riêng ba ga ngầm trong nội đô sẽ không có bãi đỗ xe mà ưu tiên tiếp cận bằng đường bộ và xe buýt để hạn chế xe cá nhân. Thay vào đó, nơi đỗ xe được bố trí ở các tòa nhà xung quanh.

Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng có kế hoạch tăng cường kết nối xe buýt dọc tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Các nhà chờ xe buýt sẽ được xây dựng gần các ga và điều chỉnh lộ trình tuyến buýt để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận.

Metro số 1 dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến Depot Long Bình, với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến metro đầu tiên ở TP.HCM, có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Toàn dự án hiện đạt khoảng 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm sau.

Điều chỉnh đầu tư, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cần thêm hơn 4.000 tỷ đồng

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km sau khi được điều chỉnh chủ trương đầu tư cần nguồn vốn khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với quy mô ban đầu.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bộ KH&ĐT cho biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ngày 3/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo hướng đầu tư hoàn chỉnh quy mô cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, giao UBND các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh.

Dự án đang trong quá trình thực hiện và UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan chủ trì quản lý dự án nên cần thiết phải thực hiện một số công tác liên quan đến tạm dừng thực hiện Dự án trên hiện trường, tiến hành các thủ tục liên quan với 10 bước thực hiện. Tổng thời gian Dự án cần dừng thi công khoảng 19 tháng.

Về nguồn vốn bố trí cho Dự án, căn cứ theo suất vốn đầu tư xây dựng ban hành tại Quyết định 610 ngày 13/7/2022 của Bộ Xây dựng, tổng mức đầu tư cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, dài 40,2 km ước tính khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng thêm 4.087 tỷ đồng so với ban đầu.

Đà Nẵng thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn 1 tỷ đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán trên địa bàn TP. Đà Nẵng cao nhất là hơn 1 tỷ đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.

Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất tại TP. Đà Nẵng thuộc về doanh nghiệp dân doanh

Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất tại TP. Đà Nẵng thuộc về doanh nghiệp dân doanh

Chiều 23/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết đã nhận báo cáo từ 75 doanh nghiệp về kết quả tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Cụ thể, tiền lương cao nhất 287 triệu đồng/tháng thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiền lương thấp nhất là 4,16 triệu đồng/tháng.

Về thưởng Tết Dương lịch năm 2023, đối với các công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất là 23 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước, mức cao nhất là 2 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.

Với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 25 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng. Còn với các doanh nghiệp FDI, mức cao nhất là 161,372 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.

Về mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão, đối với các công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất là 48 triệu đồng, thấp nhất là 4,5 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 90 triệu đồng, thấp nhất là 800.000 đồng.

Với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 1,004 tỷ đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.

Với nhóm doanh nghiệp FDI, tiền thưởng cao nhất là 484,116 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.

Tỷ lệ đất xây bãi đỗ xe rất thấp so với quy chuẩn

Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ đất xây dựng bến, bãi đỗ xe thực tế trên đất xây dựng đô thị rất thấp so với quy chuẩn, yêu cầu của các đồ án quy hoạch.

Xe đỗ kín hai bên lề đường tại phố Đinh Núp, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp

Xe đỗ kín hai bên lề đường tại phố Đinh Núp, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp

Cử tri TP. Đà Nẵng mới đây gửi Bộ Xây dựng kiến nghị quy hoạch bãi đỗ xe khi xây dựng các tòa nhà cao tầng vì đây là nỗi nhức nhối ở các thành phố lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.

Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy thực trạng phát triển bãi đỗ xe còn nhiều bất cập. Số lượng bãi đỗ trong đô thị, đặc biệt tại các khu vực trung tâm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... thiếu nhiều so với nhu cầu của người dân.

Đơn cử tại Hà Nội, số liệu của Sở Giao thông vận tải cho thấy, có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy), chưa kể lượng xe ngoại tỉnh ra vào Thành phố hàng ngày. Trong khi đó, tổng diện tích giao thông tĩnh là hơn 90 ha, chỉ đáp ứng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe. Điều này khiến các điểm đỗ xe trái phép, sai quy hoạch mọc lên.

Ở TP.HCM, áp lực thiếu bãi đỗ xe, đặc biệt là cho ô tô ở khu vực trung tâm cũng rất lớn khi lượng xe Thành phố quản lý là hơn 850.000 chiếc cùng hơn 7,8 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai. Tuy nhiên, hệ thống bến bãi ở Thành phố hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha sau năm 2020.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân thiếu bãi đỗ xe chủ yếu là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là ở các khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, chính sách về đầu tư, giá, phí trong đầu tư, xây dựng, khai thác chưa thực sự khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của bến bãi.

Công ty CP Xây dựng FLC FAROS bị xử phạt 80 triệu đồng

Chiều 23/12, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND Tỉnh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với Công ty CP Xây dựng FLC FAROS.

Quần thể FLC Quy Nhơn tại Bình Định

Quần thể FLC Quy Nhơn tại Bình Định

Theo quyết định xử phạt, công ty này đã đưa hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy tại công trình Khách sạn Novotel thuộc Dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn (khu đất DV1, DV4 thuộc khu đô thị - thương mại - dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn).

Công ty CP Xây dựng FLC FAROS bị xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng, buộc thực hiện nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Thời gian khắc phục hậu quả là 90 ngày kể từ ngày nhận quyết định.

Xem xét kỷ luật Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Hữu Thanh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương kết luận, các vi phạm của Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Hữu Thanh đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật đảng.

Sở Y tế tỉnh Hải Dương

Sở Y tế tỉnh Hải Dương

Ngày 23/12, Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương thông tin về kết luận kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, liên doanh liên kết trang thiết bị y tế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã nghe Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, liên doanh liên kết trang thiết bị y tế tại Sở Y tế, Sở Tài chính, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tỉnh.

Sau khi xem xét báo cáo của Đoàn kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương kết luận, Đảng ủy Sở Tài chính, Đảng ủy Sở Y tế đã vi phạm quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm trong việc quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, liên doanh liên kết trang thiết bị y tế, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm của đảng viên là người đứng đầu Đảng ủy và người đứng đầu tổ chức đảng trực thuộc.

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trên, trách nhiệm thuộc về Đảng ủy Sở Tài chính, Đảng ủy Sở Y tế và ông Phạm Hữu Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Đinh Huy Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính của Sở này.

Các vi phạm của Đảng ủy Sở Tài chính, Đảng ủy Sở Y tế và các ông Phạm Hữu Thanh, Đinh Huy Hưng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật đảng.

Chuyên đề