Bản tin thời sự sáng 24/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là học sinh Hà Nội đến tiêm vaccine được cấp căn cước công dân gắn chip; TP.HCM ngưng phát túi thuốc B cho F0 tại nhà; sân bay Điện Biên sẽ được mở rộng để đón được máy bay Airbus A320/A321; thí điểm thu phí không dừng trên toàn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kiến nghị tạm hoãn dự án buýt nhanh ở TP.HCM; kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 2 dự án đường sắt 90.000 tỷ đồng…

Học sinh Hà Nội đến tiêm vaccine được cấp căn cước công dân gắn chíp

Với cách làm sáng tạo, lực lượng Công an Hà Nội có thể tranh thủ làm thủ tục cấp căn cước công dân, đồng thời giúp học sinh hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.

Công an kiểm tra thông tin, căn cước công dân của học sinh trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng để đối chiếu thông tin, phục vụ tích hợp dữ liệu.

Công an kiểm tra thông tin, căn cước công dân của học sinh trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng để đối chiếu thông tin, phục vụ tích hợp dữ liệu.

Theo nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội, thực hiện kế hoạch trong năm 2021 cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho toàn bộ công dân Thành phố từ đủ 14 tuổi trở lên, cùng với các đơn vị chức năng liên quan, Công an các quận, huyện, thị xã đang nỗ lực hoàn thành thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân.

Tính đến ngày 15/11, lực lượng Công an đã thu nhận được 5.189.820 hồ sơ cấp căn cước công dân và đã trả 4.426.816 thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Đáng chú ý, Công an một số quận, huyện, thị xã đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân.

Điển hình, ngày 23/11, Công an quận Hai Bà Trưng đã tranh thủ việc Thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh dưới 18 tuổi tại Trường Đại học Bách Khoa và Trường PTTH Trần Nhân Tông để làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Tại 2 điểm trường này, học sinh của 8 trường PTTH trên địa bàn quận Hai Bà Trưng sẽ được sắp xếp lịch tiêm.

Căn cứ lịch tiêm, Công an quận Hai Bà Trưng bố trí lực lượng tổ chức làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho học sinh.

Theo Công an thành phố Hà Nội, với cách làm này, lực lượng Công an có thể tranh thủ làm thủ tục cấp căn cước công dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đồng thời giúp học sinh hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.

TP.HCM ngưng phát túi thuốc B cho F0 tại nhà

F0 tại nhà ở TP.HCM trở nặng sẽ được bác sĩ cho dùng một liều thuốc kháng viêm, chống đông trước khi chuyển viện thay vì được phát túi thuốc B.

Nhân viên y tế Phường 3, Quận 8 đến thăm khám, phát thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà

Nhân viên y tế Phường 3, Quận 8 đến thăm khám, phát thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà

Quy định mới về cấp phát túi thuốc B (kháng viêm, chống đông) được Sở Y tế TP.HCM đưa vào Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, phiên bản cập nhật ngày 23/11.

Theo đó, F0 tại nhà cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần một phút hoặc đo SpO2 dưới 96%) cần liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh dùng một liều duy nhất thuốc B trước khi chuyển viện.

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện thuốc B do trạm y tế địa phương quản lý, chỉ phát cho F0 sau khi bác sĩ khám, chỉ định dùng, tùy mức độ bệnh. Sở Y tế Thành phố rút bớt số lượng túi B và cho sử dụng khi người bệnh vào các cơ sở điều trị, theo phác đồ của Bộ Y tế.

Từ tháng 8 đến trước khi có hướng dẫn mới này, F0 tại nhà ở TP.HCM được cấp 3 túi thuốc A (hạ sốt, vitamin C) - B - C (thuốc kháng virus molnupiravir), tùy tình hình bệnh. Trong đó, túi thuốc B được hướng dẫn là khi có triệu chứng sớm của suy hô hấp nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế hỗ trợ thì có thể tự uống không quá 3 ngày.

Chủ trương cấp phát thuốc cho F0 tại nhà được Sở Y tế TP.HCM triển khai thời gian qua trong bối cảnh người tiêm vaccine chưa nhiều, số F0 tăng quá nhanh, số ca trở nặng, tử vong tăng cao, khiến ngành y tế quá tải. Khi ấy đã xảy ra tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc đầy đủ, toàn diện, không phát hiện chuyển viện kịp thời lên tuyến trên...

Sân bay Điện Biên sẽ được mở rộng để đón được máy bay Airbus A320/A321

Bộ Giao thông vận tải vừa điều chỉnh quy hoạch sân bay Điện Biên để đón được máy bay Airbus A320/A321 hoặc tương đương.

Máy bay tại sân bay Điện Biên

Máy bay tại sân bay Điện Biên

Theo Quy hoạch điều chỉnh sân bay Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030, đường cất hạ cánh được mở rộng thành 2.700 m x 280 m, thay vì 1.830 m x 30 m như hiện nay. Hệ thống đường lăn được xây dựng mới nối vào sân đỗ, chiều rộng đường lăn 15 m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng và lề hai bên rộng 5 m.

Sân đỗ được mở rộng để tiếp nhận 4 tàu bay, gồm 3 vị trí đỗ máy bay A320/A321 hoặc tương đương và một vị trí đỗ ATR72, đồng thời tiếp tục sử dụng sân đỗ hiện nay.

Nhà ga hành khách được quy hoạch mở rộng từ 300.000 lên 500.000 hành khách mỗi năm. Nhà ga hàng hóa được bố trí chung trong nhà ga hành khách.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã lập Dự án đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên, kinh phí hơn 1.540 tỷ đồng, thực hiện trong 34 tháng. Dự án gồm mở rộng đường băng, sân đỗ, cải tạo nhà ga, đảm bảo đón được các tàu bay Airbus A320, A321.

Hiện tại, do đường băng ngắn, sân bay Điện Biên chỉ đón được các loại máy bay nhỏ như ATR72 và tương đương.

Thí điểm thu phí không dừng trên toàn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thí điểm thu phí không dừng từ tháng 4/2022, không còn làn thu phí một dừng như hiện nay.

Thí điểm thu phí không dừng trên toàn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ tháng 4 năm 2022

Thí điểm thu phí không dừng trên toàn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ tháng 4 năm 2022

Theo Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng, cơ quan này đã thống nhất với chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu phí hoàn toàn bằng hệ thống tự động không dừng (ETC). Chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được đi trên tuyến.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tuyên truyền trong 3 tháng (từ nay đến hết quý I/2022) để chủ xe nắm được thông tin và chuẩn bị dán thẻ ETC. Sau thời gian này, xe không đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Chủ xe có thể chuyển sang Quốc lộ 5 và vẫn sử dụng vé lượt khi qua trạm thu phí.

Đề cập nguy cơ ùn tắc tại trạm thu phí nếu ôtô phải quay đầu, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, lực lượng chức năng sẽ cắm biển xe không đủ điều kiện thì không được vào cao tốc và phân làn ngay đầu tuyến. Nếu chủ xe không chấp hành sẽ bị xử phạt.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc thí điểm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, từ đó nhân rộng ra các tuyến cao tốc trên cả nước.

Hiện tài khoản giao thông đã liên thông với tài khoản ngân hàng thông qua ví điện tử. Điều này sẽ giải quyết tình trạng chủ xe không có tiền trong tài khoản.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang áp dụng thu phí không dừng tại nhiều làn. Ngoài ra, còn có làn một dừng, làn hỗn hợp. Nếu không sử dụng dịch vụ không dừng, lái xe phải lấy thẻ và trả tiền khi ra khỏi cao tốc.

Kiến nghị tạm hoãn dự án buýt nhanh ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM kiến nghị tạm hoãn thực hiện tuyến buýt nhanh Số 1 cho đến khi đồng bộ các công trình kết nối, nhằm đảm bảo hiệu quả dự án.

Phối cảnh trạm BRT Số 1

Phối cảnh trạm BRT Số 1

Vấn đề trên đề cập trong báo cáo rà soát các nội dung Dự án Phát triển giao thông xanh ở TP.HCM (Dự án buýt BRT Số 1), vừa được Sở GTVT gửi UBND Thành phố.

Tuyến BRT Số 1 ở TP.HCM dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Dự án đi qua các quận huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP. Thủ Đức. Trên tuyến cũng xây dựng các hạ tầng kỹ thuật kèm theo như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu cuối, bãi hậu cần, hệ thống quản lý hiện đại... Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2022, tương lai kết nối Metro số 1, 2, 3A và 5.

Đánh giá các yếu tố để tuyến BRT Số 1 khi đưa vào khai thác được hiệu quả, Sở GTVT cho biết TP.HCM cần hoàn thành các dự án như Metro số 1, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 1 (từ nút giao An Lạc đến Long An)... Tuy nhiên, các yếu tố này đến nay đều chưa đảm bảo sự đồng bộ.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết qua rà soát, tuyến BRT khi vận hành năm 2022, nhiều khả năng lượng khách không đạt dự báo khoảng 28.000 lượt mỗi ngày như tính toán của tư vấn...

Mặt khác theo Sở GTVT, gói thầu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt, nghiên cứu quy hoạch lại toàn bộ các tuyến xe và bổ sung các tuyến buýt gom cho BRT Số 1 hiện mới xong công tác lựa chọn nhà thầu, dự kiến cuối năm 2022 hoàn thành. Điều này làm thiếu cơ sở đánh giá, xác định cụ thể các tuyến buýt gom chở khách từ những đầu mối giao thông lớn và khu dân cư đến buýt BRT...

Dự án xây dựng buýt nhanh Số 1 của TP.HCM được phê duyệt năm 2013, tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Năm ngoái, Dự án được điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD. Đây là tuyến đầu tiên trong tổng 6 tuyến BRT được quy hoạch ở TP.HCM.

Kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 2 dự án đường sắt 90.000 tỷ đồng

Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ GTVT kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 2 dự án kết nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu).

Sẽ kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hai dự án kết nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu).

Sẽ kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hai dự án kết nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu).

Theo Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Dương Hồng Anh, dự án đường sắt vào cảng Lạch Huyện có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa thuộc tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng.

Từ ga Dụ Nghĩa, tuyến đường sắt này vượt qua sông Lạch Tray xuống phía nam TP. Hải Phòng, tới bán đảo Đình Vũ; tiếp đó chạy song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu, rồi rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 32.600 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và hoàn trả vốn vay trong 30 năm.

Dự án đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dài 84 km, khổ 1.435 mm, đi song song quốc lộ 51 qua khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải và cảng Bến Đình - Sao Mai. Vốn đầu tư Dự án khoảng 56.800 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay 30 năm.

Với 2 dự án nêu trên, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần... Trong đó, Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Tuyến tránh BOT Cai Lậy hư hỏng nặng

Mặt đường tuyến tránh BOT Cai Lậy nhiều đoạn bị bong tróc, đọng nước, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu gây nguy hiểm cho người đi đường.

Mặt đường lồi lõm, đọng nước ở gần trạm thu phí trên tuyến tránh

Mặt đường lồi lõm, đọng nước ở gần trạm thu phí trên tuyến tránh

Tình trạng mặt đường xuống cấp trên tuyến tránh BOT Cai Lậy xuất hiện giữa tháng 10, gây nhiều vụ tai nạn. Mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều chỗ sụp lún; một số đoạn ngập nước, hai bên lề đường, vỉa hè chưa được san phẳng. Ngoài ra, nhiều biển báo, cọc tiêu ở trên tuyến bị ngả nghiêng, xiêu vẹo...

Các chỗ hư hỏng nặng xảy ra ở vị trí nút giao với tỉnh lộ 868 và khu vực hai bên trạm thu phí mới (xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy). Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ sớm sửa chữa các chỗ xuống cấp của tuyến tránh.

Theo Cục trưởng Cục quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ) Nguyễn Văn Thành, ngay sau khi nhận được phản ánh của tỉnh Tiền Giang, Cục đã yêu cầu nhà đầu tư sớm khắc phục. Theo báo cáo của nhà đầu tư, do đang vào mùa mưa cùng với thời gian dịch bệnh kéo dài, việc khắc phục các hư hỏng bị chậm.

Cục trưởng Cục quản lý đường bộ 4 cũng cho hay, nhà đầu tư đang tập kết vật liệu, máy móc khắc phục các đoạn phát sinh nhiều ổ gà, ổ trâu, sình lún..., dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 12. Ngoài tuyến tránh BOT Cai Lậy, các đoạn bong tróc, hư hỏng mặt đường tuyến Quốc lộ 1 thuộc dự án cũng được sửa chữa.

Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km kinh phí trên 300 tỷ đồng.

Thêm 4 đoàn tàu Metro số 1 sắp về TP.HCM

Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, bốn đoàn tàu Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên về đến TP.HCM, nâng tổng số tàu nhập về Thành phố lên 11 đoàn.

Đoàn tàu đầu tiên (3 toa) trên đường vận chuyển về Depot Long Bình

Đoàn tàu đầu tiên (3 toa) trên đường vận chuyển về Depot Long Bình

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, dự kiến ngày 28/11, đoàn tàu 8 và 9 thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ cập cảng Khánh Hội (Quận 4) sau 8 ngày xuất bến.

Hai đoàn tàu này sẽ được vận chuyển đến Depot Long Bình (TP. Thủ Đức) ngày 30/11.

Theo kế hoạch, đến ngày 5/12, Thành phố tiếp tục đón hai đoàn tàu 10 và 11. Sau đó, hai đoàn tàu trên sẽ đến Depot Long Bình trong ngày 6 và 8/12.

Tháng 10/2020, TP.HCM đón đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1. Đến tháng 6/2021, tuyến này đã tiếp nhận 7/17 đoàn tàu.

Như vậy, sau khi tiếp nhận thêm 4 đoàn tàu vào đầu tháng 12 tới, toàn tuyến có 11/17 đoàn tàu được nhập về.

Các đoàn tàu sau khi về Depot Long Bình sẽ được kết nối với hệ thống tín hiệu tại khu vực này. Sau khi công việc kiểm tra được hoàn tất, các đoàn tàu được đưa vào vận hành thử nghiệm.

Giai đoạn đầu, MAUR sẽ nhận và vận hành loại tàu có 3 toa (dài 61,5 m), sức chở 930 khách (147 khách ngồi, 783 khách đứng). Tàu có tốc độ tối đa 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h lúc chạy ngầm.

Giai đoạn 2, tàu loại 6 toa sẽ chạy thử nghiệm từ Ga Bình Thái đến Ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) và giai đoạn cuối từ Ga Văn Thánh đến Ga Bến Thành (Quận 1).

Đến tháng 11/2021, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt hơn 88% khối lượng. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM, dài 19,7 km, trong đó đi ngầm 2,6 km, còn lại là đoạn trên cao. Thành phố đặt mục tiêu đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành thử nghiệm từ cuối năm nay.

Chuyên đề