Bản tin thời sự sáng 24/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM; thêm một kim bài quý hiếm bằng vàng thời Duy Tân được đấu giá; nhiều công ty quản lý quỹ bị UBCK xử phạt; lò luyện cốc của Formosa gặp sự cố; Bộ Công an đề nghị Thanh Hóa cung cấp hồ sơ phục vụ điều tra các "chuyến bay giải cứu"…

Yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM

Sau khi nới biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ 3% lên 5%, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ trên địa bàn Thành phố.

Giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do tiếp tục tăng.

Giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do tiếp tục tăng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi các ngân hàng trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ, nhằm kiểm soát hoạt động của các đại lý chi trả ngoại tệ, để bảo đảm các đại lý hoạt động đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh.

Theo cơ quan quản lý, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ 3% lên 5% nhằm phù hợp xu hướng khách quan từ các yếu tố tác động của thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo quan hệ cung cầu ngoại tệ và ổn định thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng ủy quyền cho tổ chức làm đại lý thu đổi ngoại tệ, chi trả ngoại tệ hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận, chi trả ngoại tệ và các quy định khác liên quan của pháp luật.

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các đại lý chi trả ngoại tệ; thu đổi ngoại tệ, để bảo đảm các đại lý hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh trong hoạt động này.

Cũng tại văn bản này, NHNN nhấn mạnh việc mua bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép.

Thêm một kim bài quý hiếm bằng vàng thời Duy Tân được đấu giá

Thêm một Huân chương kim bài quý hiếm bằng vàng thời vua Duy Tân được hãng đấu giá Millon đưa ra đấu giá đợt này cùng chén vàng Khải Định và ấn vàng triều Nguyễn.

Kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân có giá khởi điểm 6-8 ngàn Euro. Ảnh từ Trung tâm đấu giá Drouot.
Kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân có giá khởi điểm 6-8 ngàn Euro. Ảnh từ Trung tâm đấu giá Drouot.

Huân chương kim bài quý hiếm bằng vàng thời vua Duy Tân được Millon đưa ra đấu giá đợt này với giá khởi điểm từ 6.000 - 8.000 Euro (gần 150 - 200 triệu đồng).

Đây là huân chương "kim bài" quý hiếm bằng vàng được làm dưới thời vua Duy Tân (1907 -1916).

Kim bài hình chữ nhật (cao 8,6 cm; rộng 4,3 cm; trọng lượng 37,5g); hai mặt có trang trí chạm nổi và đục chạm 5 con rồng, cá chép đang uốn mình sóng và các diềm hình học đóng khung khắc chữ Hán Việt trong hộp hình chữ nhật “Duy Tân ân tặng” và “Toàn quyền phủ quản lý”.

Dưới thời nhà Nguyễn, loại huy chương kim bài hình chữ nhật được làm bằng ngọc, vàng, ngà hoặc bạc, nhằm thể hiện đẳng cấp của người đeo.

Các mô hình kim bài bằng vàng ban đầu được trao cho các thành viên của Hoàng gia cũng như các quan lại của triều đình An Nam, sau khi chính quyền bảo hộ của Pháp được thành lập.

Theo thông tin từ Trung tâm Đấu giá Drouot, kim bài bằng vàng này nằm trong bộ sưu tập của ông Paul Simoni (186 3 -1931), từng làm Thủ hiến Bắc Kỳ và là ông cố của chủ sở hữu hiện tại.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Paul Simoni đến Bắc Kỳ năm 1889 và làm Thủ hiến tại Bắc Kỳ, Hà Nội (1895) và Hải Phòng (1895).

Huân chương được trao tặng ở đây là một trong số rất nhiều huân chương mà Paul Simoni đã nhận được trong sự nghiệp hơn 25 năm của ông trong chính quyền Pháp ở Đông Dương.

Nhiều công ty quản lý quỹ bị UBCK xử phạt

Ngày 23/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trong tuần qua đã có liên tiếp 3 công ty quản lý quỹ bị "tuýt còi" do có các vi phạm.

Nhiều công ty quản lý quỹ bị UBCK xử phạt

Nhiều công ty quản lý quỹ bị UBCK xử phạt

Cụ thể, UBCK đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý quỹ Eastspring Investments, địa chỉ trụ sở chính tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Mức phạt bao gồm: 85 triệu đồng về hành vi không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý quỹ Eastspring Investments không báo cáo UBCK đối với Báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ năm 2020); 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, các giao dịch chứng khoán của nhân viên công ty quản lý quỹ không được báo cáo đầy đủ cho bộ phận kiểm soát nội bộ trước và ngay sau khi giao dịch.

Một trường hợp khác là Công ty CP Quản lý quỹ Pavo Capital cũng bị UBCK xử phạt 85 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính không tách biệt về nhân sự giữa hoạt động đầu tư tài chính của Công ty và hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán.

Doanh nghiệp này cũng bị phạt thêm 60 triệu đồng do không ban hành đầy đủ các quy trình nội bộ, quy trình nghiệp vụ phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ cung cấp (không ban hành quy trình phân bổ lệnh giao dịch, phân bổ tài sản).

Lò luyện cốc của Formosa gặp sự cố

Hệ thống quạt gió tại lò luyện cốc số 2 của Công ty Formosa bị hỏng, phải xả khí để giảm áp suất khiến lửa, khói mù mịt khuôn viên.

Sau khi xả khí từ lò cao số 2 ra đốt, khói đục bốc lên trong khuôn viên nhà máy Formosa

Sau khi xả khí từ lò cao số 2 ra đốt, khói đục bốc lên trong khuôn viên nhà máy Formosa

Đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, đóng ở khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, xác nhận sự cố xảy ra trên đỉnh tháp lò luyện cốc số 2, kéo dài hàng chục phút, không gây thiệt hại về người.

Lò cao nằm ở phía đông hướng ra biển, ba phía còn lại là nhà xưởng, cách Quốc lộ 1 về hướng tây vài trăm m.

Theo đại diện Formosa, lò cao số 2 được vận hành tự động hóa, công nhân và cán bộ điều khiển từ xa bằng máy móc. Khi sự cố xảy ra, chỉ hệ thống vận hành quạt gió phải ngừng chạy để sửa chữa, các bộ phận khác thuộc lò cao vẫn làm bình thường, hoạt động sản xuất của toàn công ty không bị ảnh hưởng.

Hệ thống quạt gió tại lò luyện cốc của công ty này từng vài lần xảy ra sự cố tương tự, song lần này lượng khí xả ra lớn hơn.

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an Hà Tĩnh, cho biết đã chỉ đạo các lực lượng tiếp cận hiện trường, điều tra nguyên nhân sự cố.

Cơ quan chuyên môn sẽ đo nồng độ khí xả ra, xác định mức độ ảnh hưởng môi trường để đưa ra hướng xử lý.

Formosa Hà Tĩnh xây dựng lò cao số 1 và số 2 để luyện cốc, vận hành năm 2017 - 2018. Tháng 5/2017, lò cao số 1 xảy ra sự cố, quá trình hoạt động, thiết bị lọc bụi phát nổ tạo ra tiếng động lớn, khói bốc lên nghi ngút kèm mùi khét.

Bộ Công an đề nghị Thanh Hóa cung cấp hồ sơ phục vụ điều tra các "chuyến bay giải cứu"

Bộ Công an đề nghị Thanh Hóa cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự liên quan tới các "chuyến bay giải cứu" từ nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19.

Công dân Thanh Hóa lên máy bay về quê tránh dịch

Công dân Thanh Hóa lên máy bay về quê tránh dịch

Bộ Công an mới đây đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự mà cơ quan này đang điều tra.

Theo công văn, Bộ Công an đề nghị địa phương này thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ của khách sạn, resort đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương ("chuyến bay giải cứu") trên các chuyến bay tự trả phí cách ly; những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin là địa điểm cách ly; cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly.

Về chủ trương xin cách ly, thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp đăng ký xin chủ trương cách ly để tổ chức "chuyến bay giải cứu" tự trả phí. Những doanh nghiệp nào được cấp và không được cấp chủ trương cách ly; lý do không cấp chủ trương cách ly; những doanh nghiệp cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước…

Công văn cũng đề nghị Thanh Hóa cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được Tổ 5 của Bộ Công an cấp phép thực hiện chuyến bay.

Việc yêu cầu, giám sát cơ sở lưu trú công khai giá dịch vụ được thực hiện như thế nào, cung cấp cam kết, công khai bảng giá dịch vụ. Sao lưu cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng và đột xuất về công tác tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh mà UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa gửi tài liệu, hồ sơ về cơ quan này trước ngày 1/11/2022.

Tháng 10, sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sụt giảm

Trong tháng 10/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 7,1 triệu khách.

Tháng 10, sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sụt giảm. Ảnh minh hoạ

Tháng 10, sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sụt giảm. Ảnh minh hoạ

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 7,1 triệu khách, giảm 11,6% so tháng 9/2022, tăng 1.814,2% so với tháng 10/2021 và giảm 23,3% so tháng 10/2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Trong đó, khách quốc tế đạt 1,3 triệu khách, giảm 1,4% so tháng 9/2022, tăng 2.794,6% so với tháng 10/2021 và giảm 61,8% so tháng 10/2019; khách nội địa đạt 5,8 triệu khách, giảm 13,6% so tháng 9/2022, tăng 1.679,3% so với tháng 10/2021 và giảm 0,8% so tháng 10/2019.

Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt trên 3,5 triệu khách, giảm 11,7% so tháng 9/2022, tăng 1.853,4% so với tháng 10/2021 và giảm 19,8% so tháng 10/2019.

Trong đó, khách nội địa đạt 2,9 triệu khách, giảm 13,6% so tháng 9/2022, tăng 1.679,3% so với tháng 10/2021 và giảm 0,8% so tháng 10/2019; khách quốc tế đạt 614 nghìn khách, giảm 1,2% so tháng 9/2022, tăng 3.574,4% so với tháng 10/2021 và giảm 59,1% so tháng 10/2019.

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp sản lượng vận chuyển khách nội địa sụt giảm. Trước đó, sản lượng vận chuyển khách của các hãng hàng không Việt Nam tháng 9/2022 cũng giảm tới 13% so với tháng 8/2022.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, việc sản lượng vận chuyển hành khách ghi nhận sự sụt giảm là do thị trường vận chuyển hàng không đã bước vào giai đoạn thấp điểm. Theo thông lệ, giai đoạn thấp điểm có thể kéo dài đến hết tháng 12 hàng năm và chỉ tăng trở lại vào đợt cao điểm vận chuyển Tết.

Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất siêu 7,24 tỷ USD. Đây là một trong những mức xuất siêu kỷ lục được ghi nhận tại một thời điểm trong năm.

Tính đến hết nửa đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất siêu 7,24 tỷ USD.

Tính đến hết nửa đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất siêu 7,24 tỷ USD.

Riêng nửa đầu tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,1 tỷ USD. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 29%; hàng dệt may tăng 22,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,1%; giày dép tăng 39,3%.

Tính chung từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 296,337 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đạt gần 289,1 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 585 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng cùng kỳ năm 2021, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu hơn 7 tỷ USD.

Theo dự báo, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý IV/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD.

Hơn 170 lao động casino Campuchia được đưa về nước

171 người được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp cảnh sát nước bạn giải cứu từ công ty cờ bạc, đưa về qua cửa khẩu Xa Mát.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát xác minh nhân thân, lai lịch trước khi trao trả 171 công dân về nơi cư trú.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát xác minh nhân thân, lai lịch trước khi trao trả 171 công dân về nơi cư trú.

Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát vừa tiếp nhận các công dân từ Campuchia về nước do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang (Vương quốc Campuchia) phối hợp cùng cảnh sát nước bạn giải cứu.

Những người này bị cưỡng bức lao động tại một công ty kinh doanh đánh bạc trực tuyến (ở TP. Samrong, tỉnh Oddar Meancheay) giáp biên giới Thái Lan, được nhà chức trách Campuchia giải cứu từ ngày 11 - 17/10, theo đề nghị của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang.

Sau khi tiếp nhận công dân về từ Campuchia, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát phối hợp Công an tỉnh Tây Ninh rà soát, xác minh nhân thân, lai lịch, hoàn tất các thủ tục trước khi trả về địa phương.

Thời gian qua, các cửa khẩu biên giới với Campuchia ở Tây Ninh, Long An, An Giang, Bộ đội biên phòng liên tục tiếp nhận công dân, người lao động được giải cứu từ các công ty lừa đảo, casino. Phần lớn những người này bị dụ dỗ sang Campuchia, sau đó bị ép lừa đảo người Việt qua mạng.

Bắt vợ chồng giám đốc doanh nghiệp ở Vĩnh Long lừa đảo hàng tỷ đồng

Bà Phạm Thị Linh Phượng, Giám đốc công ty Quốc Huy Anh, cùng chồng Cao Minh Tân vừa bị Công an Vĩnh Long bắt giam để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Phạm Thị Linh Phượng

Bà Phạm Thị Linh Phượng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng và thi hành lệnh khám xét nơi ở với Phạm Thị Linh Phượng và Cao Minh Tân về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, Phượng là giám đốc và chồng là Phó giám đốc Công ty TNHH TMDV Quốc Huy Anh có trụ sở tại TP. Vĩnh Long.

Doanh nghiệp do vợ chồng này đứng tên chưa được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên, Phượng và chồng đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả về việc nạo vét, khai thác cát trên sông Tiền để lừa bán cát cho nhiều người nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chuyên đề