Bản tin thời sự sáng 24/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiều hối về TP.HCM đạt hơn 6,6 tỷ USD; nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng mở cửa xuyên Tết; lần đầu tiên vốn đầu tư trong nước ở Bình Dương vượt vốn FDI; sớm phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh…

Kiều hối về TP.HCM đạt hơn 6,6 tỷ USD

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 6,6 tỷ USD. Lượng kiều hối những ngày đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Lượng kiều hối qua các tổ chức trên địa bàn TP.HCM năm 2022 đạt hơn 6,6 tỷ USD

Lượng kiều hối qua các tổ chức trên địa bàn TP.HCM năm 2022 đạt hơn 6,6 tỷ USD

Mặc dù giảm 6,67% so với năm 2021 nhưng lượng kiều hối hơn 6,6 tỷ USD là nguồn lực không nhỏ và ý nghĩa đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế Thành phố trong năm 2022, năm phục hồi sau đại dịch. Ngoài yếu tố kiều bào có quê hương, gia đình ở thành phố thì môi trường đầu tư, việc đang là trung tâm tài chính năng động và lớn nhất của cả nước, cùng với tiện ích và hiệu quả của hệ thống chi trả kiều hối…

Mỗi dịp Tết đến, lượng kiều hối luôn tăng trưởng cao cả chuyển về qua hệ thống chuyển tiền (ngân hàng, công ty kiều hối) và mang trực tiếp khi kiều bào, người lao động về quê ăn Tết. Chẳng hạn, riêng công ty kiều hối Sacombank thống kê trong thời điểm gần tết, lượng kiều hối chuyển về (cả doanh số và số món) tăng mạnh so với cùng kỳ Tết Âm lịch năm 2022, tăng trên 50%. Bên cạnh đó, trong những ngày qua, các cửa khẩu, sân bay quốc tế luôn chật kín người về quê ăn Tết mang nguồn lực kiều hối mà kiều bào mang trực tiếp về. Đây cũng là nguồn lực không nhỏ mỗi khi dịp Tết đến.

Nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng mở cửa xuyên Tết

Bên cạnh một số siêu thị như trung tâm thương mại và siêu thị Aeon, nhiều cửa hàng tiện lợi như Circle K, GS 25, Familymart, Cheers... cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ người dân.

Nhiều cửa hàng tiện lợi vẫn mở cửa xuyên Tết

Nhiều cửa hàng tiện lợi vẫn mở cửa xuyên Tết

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo nhanh về tình hình mua sắm trong ngày đầu năm Quý Mão 2023. Cơ quan này cho biết, tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị vẫn mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân ngày mùng 1 Tết.

Trong đó, TP. Hà Nội có 1.223 địa điểm của các đơn vị phân phối đăng ký mở cửa bán hàng trở lại từ ngày mùng 1.

Một số doanh nghiệp phân phối mở cửa bán hàng trong ngày mùng 1 Tết như Trung tâm thương mại Aeon, cùng một số hệ thống cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu Circle K, Cheers, GS 25, Familymart...

Theo khảo sát, giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 1 Tết tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi có mở cửa xuyên Tết ổn định so với ngày hôm trước.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong ngày mùng 2 Tết có thêm một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market... Giá một số hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị ổn định.

Tại các chợ dân sinh, một số hàng rau quả tươi sẽ bắt đầu mở bán từ chiều ngày mùng 2 Tết, số lượng ít nên giá có thể cao hơn so với ngày thường.

Lần đầu tiên vốn đầu tư trong nước ở Bình Dương vượt vốn FDI

Theo báo cáo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2022, vốn đầu tư trong nước rót vào Tỉnh đạt 96.722 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD), tăng 28,1% so với năm 2021. Trong đó, có 6.224 doanh nghiệp đăng ký mới và 1.517 đơn vị bổ sung tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bình Dương mở rộng nhiều khu công nghiệp để thu hút đầu tư.

Bình Dương mở rộng nhiều khu công nghiệp để thu hút đầu tư.

Về thu hút vốn FDI, trong năm 2022 đạt 3, 078 tỷ USD. Tính đến nay, Bình Dương có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ USD. Bình Dương tiếp tục giữ vị trí thứ 2 sau TP.HCM về thu hút vốn FDI.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đây là năm đầu tiên Tỉnh thu hút đầu tư trong nước cao hơn vốn FDI. Việc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; trong đó, tăng mạnh vốn đầu tư trong nước, góp phần lành mạnh hóa thị trường đầu tư, giảm lệ thuộc vào nguồn vốn ngoại, kích thích thêm động lực phát triển mới và bền vững.

Việc tăng nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường cũng góp phần nâng tầm về hoạt động thương mại - dịch vụ, gia tăng sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn. Cụ thể, trong năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt kim ngạch 35,7 tỷ USD (tăng 9% so với năm 2021), thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD.

Sớm phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh

Ba dự án thành phần đường Hồ Chí Minh đang được hoàn thiện hồ sơ để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý II/2023.

Sớm phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Sớm phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Thông tin về tình hình triển khai các dự án thành phần để cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, hiện tại, Dự án thành phần Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn đã được hoàn thành thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đang hoàn chỉnh thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng qua tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Dự kiến, chủ trương đầu tư Dự án sẽ được phê duyệt trong quý II/2023.

Đối với Dự án thành phần đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 1/2023.

Dự án thành phần đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến cũng đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và thu xếp vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2023.

Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn dự án thành phần Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn có chiều dài khoảng 28,5 km; đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có tổng chiều dài gần 52 km.

Căn cứ nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các dự án thành phần này dược đề xuất đầu tư quy mô 2 làn xe, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.570 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nhu cầu vốn để cơ bản hoàn thành năm 2025 khoảng 4.450 tỷ đồng.

Với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án này có chiều dài 87,5 km là tuyến cao tốc phía Tây và phần lớn đi trùng đường vành đai 5 - vùng Thủ đô, quy mô 4 - 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Xả trạm thu phí qua cầu Rạch Miễu do ùn ứ giao thông kéo dài

Tính đến 17 giờ ngày 23/1, trạm thu phí qua cầu Rạch Miễu đã phải xả trạm một lần đối với làn 1, 3, 5 hướng Tiền Giang đi Bến Tre; xả trạm hai lần đối với làn 2, 4, 6 hướng Bến Tre đi Tiền Giang.

Ngày 23/1, Xả trạm thu phí qua cầu Rạch Miễu do ùn ứ giao thông kéo dài

Ngày 23/1, Xả trạm thu phí qua cầu Rạch Miễu do ùn ứ giao thông kéo dài

Do lưu lượng giao thông tăng đột biến cả 2 bờ Tiền Giang và Bến Tre nên trong ngày 23/1 (mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão), trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu phải nhiều lần xả trạm theo yêu cầu của lực lượng chức năng để giải phóng lưu lượng xe.

Từ khoảng 9 giờ sáng 23/1, một lượng lớn xe gắn máy và ô tô các loại hướng từ Tp.HCM "rồng rắn" nối đuôi nhau chờ qua cầu Rạch Miễu để về các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh...

Đến khoảng 13 giờ 20 cùng ngày, lượng xe ngày càng nhiều khiến giao thông ùn ứ kéo dài từ chân cầu Rạch Miễu đến vòng xoay ngã 3 Trung Lương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Trước tình hình trên, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã xả trạm theo yêu cầu của lực lượng chức năng để "giải phóng" bớt phương tiện.

Tính đến 17 giờ ngày 23/1, trạm thu phí này đã phải xả trạm một lần đối với làn 1, 3, 5 hướng Tiền Giang đi Bến Tre vào thời điểm là 14 giờ 41 phút đến 15 giờ 11 phút; xả trạm hai lần đối với làn 2, 4, 6 hướng Bến Tre đi Tiền Giang, trong đó lần dừng thu phí gần nhất vào lúc 16 giờ 34 phút đến 16 giờ 56 phút.

Tàu du lịch hạng sang chở hơn 500 khách châu Âu đầu tiên đến Đà Nẵng Xuân 2023

Ngày 23/1 (mùng 2 Tết Quý Mão), ngành Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức đón hơn 500 khách tàu biển châu Âu đầu tiên đến Thành phố trong năm mới 2023.

Đà Nẵng đón chào du khách trên chuyến tàu biển đầu tiên đến tham quan dịp đầu Xuân 2023

Đà Nẵng đón chào du khách trên chuyến tàu biển đầu tiên đến tham quan dịp đầu Xuân 2023

Chuyến tàu biển du lịch Silver Spirit cập cảng Tiên Sa vào ngày mùng 2 Tết Quý Mão. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng trong năm mới.

Trong 1 ngày tàu lưu lại Đà Nẵng, các du khách trên tàu sẽ tham quan, du lịch tại các điểm đến đặc sắc như danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, Bảo tàng điêu khắc Chăm… Tàu Silver Spirit là tàu du lịch sang trọng do hãng du thuyền Silversea (Ý) vận hành. Tàu có sức chứa 648 người. Trước dịch Covid-19, tàu đã từng cập cảng Tiên Sa vào tháng 2/2020.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng số chuyến bay đến Thành phố này dịp Tết Âm lịch (từ ngày 20 - 26/1) dự kiến đạt 768 chuyến với hơn 98.000 lượt khách. Trong đó, có 444 chuyến bay nội địa ước khoảng 57.000 lượt khách, chặng bay quốc tế có 324 chuyến bay, ước đạt hơn 42.000 lượt khách.

Năm 2022, Vnsteel lỗ 822,4 tỷ đồng

Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel, mã chứng khoán: TVN) ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 38.477,1 tỷ đồng, giảm 5,2% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 822,4 tỷ đồng.

Năm 2022, Vnsteel lỗ 822,4 tỷ đồng

Năm 2022, Vnsteel lỗ 822,4 tỷ đồng

Trong quý IV/2022, Vnsteel ghi nhận doanh thu 8.099 tỷ đồng, giảm 27,2% so với quý IV/2021; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 410,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 211,8 tỷ đồng, tức giảm 198,7 tỷ đồng.

Luỹ kế trong năm 2022, Vnsteel ghi nhận doanh thu đạt 38.477,1 tỷ đồng, giảm 5,2% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 822,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 859,4 tỷ đồng, tức giảm 1.681,8 tỷ đồng.

Năm 2022, Vnsteel đặt kế hoạch doanh thu 38.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 788,9 tỷ đồng, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch có lãi trong năm tài chính.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Vnsteel giảm 15,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 4.216,59 tỷ đồng về 23.178,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 6.319,6 tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 4.702 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 3.228,6 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.957,6 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.507,3 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 9,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 863,8 tỷ đồng về 7.841,8 tỷ đồng.

Doanh thu nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt 160.000 tỷ đồng

Trong năm 2022, giá dầu thô liên tục biến động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt hơn 167.000 tỷ đồng.

Doanh thu nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt 160.000 tỷ đồng

Doanh thu nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt 160.000 tỷ đồng

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - chủ sở hữu và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV và lũy kế cả năm 2022 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, trong quý IV/2022, doanh thu thuần của nhà máy lọc hóa dầu này đạt 40.430 tỷ đồng. Tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần tăng cao lên hơn 38.700 tỷ đồng khiến lãi gộp của nhà máy đạt 1.727 tỷ đồng.

Doanh thu về hoạt động tài chính của Lọc dầu Dung Quất mang về cho doanh nghiệp 648 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, nhà máy lọc hóa dầu này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.494 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của ông lớn lọc hóa dầu này đạt 167.123 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.394 tỷ đồng.

Năm 2022, Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 91.678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ. Như vậy, kết thúc năm 2022, chủ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vượt 82% mục tiêu về doanh thu và cao hơn 11 lần mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty hóa dầu này đạt 77.796 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 22.853 tỷ đồng, tăng 6.507 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 16.349 tỷ đồng, tăng hơn 57% so với đầu năm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư