Bản tin thời sự sáng 23/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động; dự án BOT Cai Lậy sẵn sàng thu phí thử vào ngày 25/9; Bắc Ninh bổ sung hơn 100 dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022; hàng ngày sẽ có tàu hỏa đi Lào Cai phục vụ khách du lịch Sapa…

Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động

Lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.

Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu...

Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu...

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Các quyết định này có hiệu lực từ 23/9.

Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm.

Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.

Động thái này diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành phát ra thông điệp nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ cũng như hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.

Trong khi tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không đáng kể, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của giới nhà băng, qua đó, có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.

Dự án BOT Cai Lậy sẵn sàng thu phí thử vào ngày 25/9

Ôtô cá nhân của người dân ở 41 xã, phường trong bán kính 10 km quanh trạm thu phí Dự án BOT Cai Lậy thuộc thị xã Cai Lậy và 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được miễn vé qua trạm.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1

Trạm thu phí BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1

Ngày 22/9, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư Dự án BOT Cai Lậy cho biết, các khâu chuẩn bị về an ninh, an toàn giao thông đã cơ bản hoàn thành để thu phí thử vào ngày 25/9. Đến đầu tháng 10/2022, việc thu phí tại Dự án BOT Cai Lậy sẽ chính thức bắt đầu trở lại sau nhiều năm tạm dừng.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành mức phí sử dụng đường đối với Dự án BOT Cai Lậy. Ô tô cá nhân của người dân ở 41 xã, phường nằm trong bán kính 10 km quanh trạm thu phí thuộc thị xã Cai Lậy và 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được miễn vé qua trạm…

Khi dự án BOT Cai Lậy thu phí trở lại, xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên bắt buộc đi vào tuyến đường tránh. Hiện nay, trạm thu phí trên Quốc lộ 1 có 8 làn, mỗi hướng 4 làn. Trong đó, 6 làn thu phí không dừng và 2 làn hỗn hợp. Trạm tuyến tránh Cai Lậy có 4 làn, mỗi bên 2 làn; trong đó 1 làn thu phí không dừng và 1 làn hỗn hợp.

Bắc Ninh bổ sung hơn 100 dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022

Trong 8 tháng năm 2022, tỉnh Bắc Ninh có 1.751 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021), với tổng vốn đăng ký hơn 14.269 tỷ đồng.

Tỉnh Bắc Ninh bổ sung 107 dự án, diện tích gần 644ha vào kế hoạch sử dụng đất năm nay của các huyện, thành phố; trong đó, lĩnh vực công nghiệp

Tỉnh Bắc Ninh bổ sung 107 dự án, diện tích gần 644ha vào kế hoạch sử dụng đất năm nay của các huyện, thành phố; trong đó, lĩnh vực công nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Tỉnh Bắc Ninh bổ sung 107 dự án, diện tích gần 644 ha vào kế hoạch sử dụng đất năm nay của các huyện, thành phố; trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh bổ sung 7 dự án, bao gồm 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp.

Cụ thể, các khu công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II quy mô 82 ha do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm nhà đầu tư; Khu công nghiệp Quế Võ II giai đoạn 1 quy mô 30 ha; Khu công nghiệp Yên Phong II-A do Công ty Hạ tầng Western Pacific làm nhà đầu tư, có quy mô 30 ha.

Khu công nghiệp Thuận Thành 1 do Tổng công ty Viglacera làm nhà đầu tư, quy mô 40 ha; Khu công nghiệp Thuận Thành III-khu B do Công ty CP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh làm nhà đầu tư, quy mô 130 ha.

Các cụm công nghiệp bao gồm: Cụm công nghiệp Vạn Ninh - Cao Đức do Công ty CP Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Nam Bắc Ninh làm nhà đầu tư, có quy mô 44 ha và Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ giai đoạn 2 bổ sung do Công ty Địa ốc sông Hồng làm nhà đầu tư với quy mô 7,5 ha.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong 8 tháng năm 2022, Tỉnh có 1.751 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021), với tổng vốn đăng ký hơn 14.269 tỷ đồng.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8,15 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 97,58%, đứng thứ 7 cả nước.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 21.851 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 347.285 tỷ đồng; trong đó, 17.204 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 283.738 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 16,5 tỷ đồng.

Hàng ngày sẽ có tàu hỏa đi Lào Cai phục vụ khách du lịch Sapa

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) sẽ tổ chức chạy hàng ngày đôi tàu khách SP3/SP4 tuyến Hà Nội - Lào Cai, đáp ứng nhu cầu khách du lịch Sapa tăng cao.

Đường sắt chạy tàu hàng ngày đi Lào Cai phục vụ du khách du lịch Sapa

Đường sắt chạy tàu hàng ngày đi Lào Cai phục vụ du khách du lịch Sapa

Cụ thể, từ ngày 13/10/2022, chạy hàng ngày tàu SP3 xuất phát ga Hà Nội lúc 22 giờ, đến ga Lào Cai lúc 5 giờ 55 phút. Từ ngày 14/10/2022, chạy hàng ngày tàu SP4 xuất phát ga Lào Cai lúc 21 giờ 30 phút, đến ga Hà Nội lúc 5 giờ 25 phút.

Cùng đó, duy trì chạy đôi tàu SP1/SP2 trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Tàu SP1 chạy thứ Sáu hàng tuần, xuất phát ga Hà Nội lúc 21 giờ 35 phút, đến ga Lào Cai lúc 5 giờ 15 phút. Tàu SP2 chạy Chủ nhật hàng tuần, xuất phát ga Lào Cai lúc 20 giờ 55 phút, đến ga Hà Nội lúc 4 giờ 35 phút.

Hiện nay, đường sắt đang tổ chức chạy tàu SP3 vào các ngày thứ Hai, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần; tàu SP4 chạy vào các ngày thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần.

Cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa sẽ khởi công giữa năm 2023

Ngày 22/9, UBND tỉnh Đăk Lăk đã lên kế hoạch thực hiện Dự án thành phần 3 (dài 48,5 km) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) sẽ theo từng mốc thời gian.

Hướng tuyến cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột.

Hướng tuyến cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, địa phương hoàn thành báo cáo tác động môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt trước 12/11/2022; tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước 20/1/2023 và bàn giao 70% mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước 30/6/2023, bàn giao diện tích còn lại trước 31/12/2023.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng xe đông trong năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác toàn Dự án cao tốc giai đoạn 1 vào năm 2027.

Theo quy hoạch, giai đoạn đầu cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, đường rộng 17 m, bố trí các điểm khẩn cấp. Sau đó, tuyến được mở rộng hai làn khẩn cấp. Dự án có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước.

Hà Nội yêu cầu hãng xe công nghệ báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động

Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT Hà Nội) vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải công nghệ (Grab, Be, FastGo...) thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về hoạt động.

Dịch vụ giao hàng của Grab.

Dịch vụ giao hàng của Grab.

Văn bản do ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT ký gửi các doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; trong đó có Công ty TNHH Grab; Công ty CP Be Group; Công ty TNHH Gojek Việt Nam; Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (ứng dụng My Go); Công ty CP FastGo Việt Nam và các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe hai bánh) trên địa bàn Thành phố.

Theo Sở GTVT Hà Nội, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ của các đơn vị còn chưa được đầy đủ.

Hiện tại, hoạt động vận tải dần khôi phục trở lại, do đó để có dữ liệu phục vụ công tác quản lý, Sở GTVT Hà Nội đề nghị các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải trên địa bàn Thành phố phối hợp cung cấp các nội dung cơ bản về quá trình hoạt động.

Đảo Phú Quý hết xăng

Tất cả cửa hàng xăng dầu trên huyện đảo Phú Quý đều hết sạch xăng từ hai ngày qua, người dân ở đây không thể mua nhiên liệu thiết yếu.

Cây xăng dầu Hải Hiến 1 ở xã Tam Thanh dựng bảng thông báo hết xăng

Cây xăng dầu Hải Hiến 1 ở xã Tam Thanh dựng bảng thông báo hết xăng

Sáng 22/9, nhiều người đi xe máy trên đảo Phú Quý phải dắt bộ do không đổ được xăng. Đến các cửa hàng nhiên liệu, người dân đều được trả lời xăng không còn.

Trên đảo Phú Quý có tất cả ba cửa hàng xăng dầu tư nhân, trong đó hai cửa hàng ở xã Tam Thanh và một ở xã Long Hải. Đến trưa 22/9, ba cửa hàng đều để bảng "hết xăng".

Ông Lê Quang Vinh, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, xác nhận tình trạng đảo hết xăng. Huyện đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra và có hướng giải quyết sớm cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng Kinh tế huyện đảo cũng cho biết, trong sáng 22/9, tổ liên ngành đã tiến hành kiểm tra, xác định trong kho chứa của các doanh nghiệp trên đảo không còn xăng. Lượng hàng trữ trong kho đã hết sạch.

Phú Quý cách đất liền (cảng Phan Thiết) 56 hải lý về hướng Đông Nam. Đảo rộng hơn 16 km2, chia làm 3 xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải, với hơn 30.000 dân sinh sống. Nghề chính của cư dân trên đảo là đánh bắt hải sản.

Nhà máy nước sạch sông Đà cấp nước trở lại sau sự cố rò rỉ dầu

Chiều 22/9, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thông báo cấp nước trở lại từ 13h30 cùng ngày, sau khi tạm dừng cấp nước từ 21h30 ngày 21/9 do gặp sự cố.

Hiện trường nơi xảy ra vụ lật xe dẫn đến việc rò rỉ dầu ra suối

Hiện trường nơi xảy ra vụ lật xe dẫn đến việc rò rỉ dầu ra suối

Chiều 22/9, ông Nguyễn Xuân Quý - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO) thông tin, sau khi ngừng cấp nước cho người dân trong đêm 21/9 vì phát hiện nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy, đến nay nhà máy đã cấp nước trở lại.

Theo ông Quý, sự cố này không phải chủ quan của Công ty nước sạch sông Đà mà là sự cố khách quan của môi trường bên ngoài, nằm trong vùng bảo hộ của hồ Đồng Bài, tác nhân bên ngoài mang lại trong vùng bảo hộ nước hồ.

Trước đó, khoảng 18h ngày 21/9, tại khu vực suối Cun, xóm Văn Minh, xã Quang Tiến, một tài xế lái xe chở đá kè ao cho 1 hộ gia đình. Chiếc xe đã bị lật xuống khu vực lòng suối Cun do tài xế không làm chủ được tay lái.

Theo lãnh đạo xã Quang Tiến, tai nạn khiến phương tiện lật xuống lòng suối Cun, đồng thời một lượng dầu máy bị rò rỉ ra lòng suối Cun nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch Sông Đà.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, địa phương đã phối hợp với nhà máy dùng phao chặn dòng suối. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã tiến hành lấy mẫu tại 3 vị trí - điểm tại chỗ lật đổ, điểm giữa và điểm gần khu chảy vào nhà máy nước.

Chuyên đề