Bản tin thời sự sáng 23/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố do can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; công an TP.HCM đề xuất cán bộ, công chức đi làm trong 2 khung giờ; Việt Nam sẽ mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell; Từ Sơn lên thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh; kè hơn 100 tỷ đồng tại Quảng Nam sụt lún…

Ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố do can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy tố với cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố do can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu

Ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố do can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu

Ông Nguyễn Đức Chung vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, VKS truy tố 6 bị can gồm Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy và các cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp.

Theo cáo trạng, từ 2016 - 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thẩm quyền quyết định là Giám đốc Sở. Tuy nhiên, ông Chung với cương vị Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu trái quy định pháp luật, cơ quan điều tra cáo buộc.

Sau khi dừng thầu, ông Chung yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của Thành phố.

Công ty Nhật Cường được chọn làm thí điểm việc này. Hơn nữa Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm giám đốc) ký hợp đồng kinh tế khống với Công ty Nhật Cường để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực dự thầu và trúng thầu.

Về hành vi vi phạm quy định đấu thầu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lúc đó là Nguyễn Văn Tứ bị cáo buộc thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của ông Chung dừng gói thầu số hoá sai quy định. Sai phạm của ông Tứ và các đồng phạm bị xác định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Chủ mưu vụ án được xác định là Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Nhật Cường). Tuy nhiên bị can này đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã truy nã và tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Công an TP.HCM đề xuất cán bộ, công chức đi làm trong 2 khung giờ

Công an TP.HCM đề xuất cán bộ, công chức Thành phố đi từ chỗ ở đến nơi làm việc lúc 6h30 - 8h và 16h30 - 18h để tiện kiểm soát.

Công an TP.HCM đề xuất cán bộ, công chức đi làm trong 2 khung giờ

Công an TP.HCM đề xuất cán bộ, công chức đi làm trong 2 khung giờ

Nội dung được đề cập trong văn bản về phương án giải quyết đi lại do thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM gửi các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng trên địa bàn; các tổ chức chính trị xã hội của Thành phố và các sở, ngành.

Theo đó, nhằm hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và dùng giấy đi đường không đúng mục đích, Công an Thành phố đề xuất giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan trên được đến trụ sở trong 2 khung giờ: 6h30 - 8h và 16h30 - 18h; lộ trình di chuyển từ chỗ ở đến nơi làm việc.

Nếu người lao động cần ra đường làm nhiệm vụ ngoài khung giờ trên và tuyến đường cố định vẫn dùng giấy đi đường đã cấp; trường hợp đổi ca, bị nhiễm Covid-19 sẽ đổi giấy. Trường hợp do yêu cầu công việc cần đi lại, Công an Thành phố xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và giải quyết từng đơn vị.

Ngoài ra, Công an Thành phố đề nghị các đơn vị gửi danh sách cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở về Sở Nội vụ tập hợp, gửi về Công an Thành phố để cập nhật danh sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, cán bộ, công chức cần khai báo y tế trên phần mềm VNEID của Bộ Công an trước khi ra đường.

Lực lượng công an sẽ kiểm tra thẻ ngành, thẻ nhân viên và lịch công tác hoặc đối chiếu danh sách làm việc đã được cung cấp, cập nhật phần mềm. Công an Thành phố cũng yêu cầu cán bộ, công chức đi làm tại trụ sở phải được tiêm 2 mũi vaccine, gia đình không thuộc vùng phong toả, cách ly.

Việt Nam sẽ mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell

Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu, để mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell của Trung Quốc.

Việt Nam sẽ mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell

Việt Nam sẽ mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell

Theo nghị quyết về việc mua vaccine Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc, Chính phủ chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm với các khiếu nại phát sinh liên quan đến vaccine và sử dụng vaccine; chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản hợp đồng; chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh phán quyết; ngôn ngữ trọng tài là tiếng Trung Quốc.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua vaccine Vero Cell đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ.

Trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết về việc mua vaccine Abdala phòng Covid-19 do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học Cuba sản xuất, với các điều kiện tương tự như lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 45 triệu liều vaccine Covid-19 các loại, riêng Vero Cell (Sinopharm) khoảng 20 triệu liều.

Đến hết ngày 22/9, cả nước đã tiêm được 35,6 triệu liều vaccine, trong đó 28,7 triệu người tiêm mũi một; 6,9 triệu người tiêm đủ hai liều.

Từ Sơn lên thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh

Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) trên cơ sở nguyên trạng hơn 61 km2 và 202.800 người dân của thị xã Từ Sơn.

Từ Sơn lên thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh

Từ Sơn lên thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chiều 22/9.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Từ Sơn đạt cả 5 tiêu chuẩn để trở thành thành phố như quy mô hơn 200.000 dân (quy định là 150.000 trở lên); có 12/12 đơn vị cấp phường (vượt 2 đơn vị theo quy định); xếp hạng đô thị loại III; có cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế đạt chỉ tiêu và người dân ở 12 phường đồng thuận với tỷ lệ 91 - 99%...

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, Từ Sơn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với những lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa sẵn có, đến nay Từ Sơn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển, trong đó tập trung phát triển theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc; hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường và đẩy mạnh đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất cả nước với 822,7 km2, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Toàn Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài. Từ Sơn giáp TP. Hà Nội, là một trong hai đô thị lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.

Kè hơn 100 tỷ đồng tại Quảng Nam sụt lún

Tuyến kè đường Bạch Đằng, bên sông Hoài, phục vụ du khách đi bộ tham quan phố cổ Hội An bị sụt lún dài 7 m, rộng 3 m sau 4 năm khánh thành.

Tuyến kè hơn 100 tỷ đồng tại Quảng Nam sụt lún

Tuyến kè hơn 100 tỷ đồng tại Quảng Nam sụt lún

Điểm sụt lún nằm trước số nhà 11, đường Bạch Đằng, phường Minh An, cách chợ Hội An một dãy nhà, sát cầu Cẩm Nam. Hàng trăm viên gạch bị bong tróc. Hàm ếch khoét sâu, cách móng nhà người dân khoảng 2 m. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền dùng bốn chiếc ghế sắt và căng dây làm rào chắn.

Ngoài điểm sụt lún này, trên toàn tuyến kè 780 m ghi nhận gần 10 điểm lún từ 2 - 5 m...

Các điểm sụt lún thuộc Dự án kè bảo vệ đô thị cổ Hội An, kéo dài từ chùa Cầu đến phường Cẩm Nam, khởi công giữa tháng 11/2015. Công trình gồm nhiều hạng mục, gồm kè bê tông cốt thép dự ứng lực, nạo vét lòng sông, cải tạo vỉa hè, thoát nước, thảm tăng cường mặt đường cũ, làm lại cảnh quan môi trường và hệ thống điện chiếu sáng...

Tổng mức đầu tư Dự án hơn 135 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương từ chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu hơn 80 tỷ đồng, phần còn lại là của ngân sách địa phương.

Cuối tháng 3/2017, công trình hoàn thành và trở thành tuyến phố đi bộ, góp phần bảo vệ phố cổ và tạo mỹ quan cho Hội An. Thời điểm chưa có Covid-19, tuyến phố này mỗi ngày có hàng nghìn du khách đi bộ tham quan Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP. Hội An cho rằng, sụt lún do đường cống thoát nước và kè lớp trên không ăn khớp, khiến cát bên trong bị rút ra ngoài. Vị trí sụt ảnh hưởng đến nhà dân nên sau khi cơ quan chuyên môn khảo sát, Thành phố sẽ chỉ định thầu thi công khẩn cấp, kinh phí dự kiến gần 1 tỷ đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/9

Từ 0h ngày 23/9, 8 đơn vị thành phố, thị xã và huyện ở Bà Rịa - Vũng Tàu được nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 và chỉ áp dụng Chỉ thị 16 ở nơi phong tỏa.

Bà Rịa – Vũng Tàu nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/9

Bà Rịa – Vũng Tàu nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/9

Quyết định do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Tuấn ban hành. Theo đó, Tỉnh cho phép các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung không quá 10 người một phòng; không tụ tập trên 5 người nơi công cộng; giảm 50% người làm việc tại cơ quan; hiếu hỉ, tang lễ không tập trung quá 10 người. Người dân vẫn được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, ăn uống được hoạt động nhưng chỉ phục vụ mang đi; siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ được mở; các chợ truyền thống chỉ kinh doanh hàng hóa thiết yếu; các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bán hàng hàng thiết yếu phải thực hiện đánh giá an toàn phòng chống dịch.

Nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của UBND Tỉnh. Người lao động nông, lâm, ngư nghiệp cam kết di chuyển trên một cung đường từ chỗ ở đến nơi sản suất. Trường hợp đi làm ngoài huyện, thị xã, thành phố phải được chính quyền nơi đi và nơi đến đồng ý; các cảng cá được hoạt động trở lại...

Địa phương tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát cửa ngõ, đường mòn, lối mở, đường giáp ranh với các tỉnh, thành phố kiểm soát người, phương tiện ra vào.

Riêng 10 phường, xã, thị trấn ở TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền đang ghi nhận dịch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Huyện Côn Đảo được nới lỏng các hoạt động, song chưa cho phép các phương tiện vận tải hành khách ra vào. Tàu chở hàng hóa được hoạt động.

Chuyên đề