Sáng ngày 23/8, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Sáng ngày 23/8, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới COVID-19 nào được ghi nhận. Đây là sáng ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 130 trường hợp đã âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.
Sáng ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới |
Tính đến 6h ngày 23/8, Việt Nam có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 532 ca. Tính từ 18h ngày 22/8 đến 6h ngày 23/8, không có ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 77.380 người. Trong đó, 2.095 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 19.808 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 50.477 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này có 563 bệnh nhân/1014 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Tính đến sáng ngày 23/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 40 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 49 ca, số ca âm tính lần 3 là 41 ca. Đến nay, VIệt Nam đã có 26 trường hợp tử vong.
Bộ Chính trị làm việc với các Đảng bộ trực thuộc T.Ư về Đại hội khoá mới
Tính đến ngày 22/8, Bộ Chính trị đã làm việc với 15/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phú, UVBCT, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước vào sáng 18/8 |
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có thông cáo báo chí về việc Bộ Chính trị làm việc (tuần đầu, đợt 2) với các đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Thông cáo nêu rõ: Thực hiện Kết luận số 79-KL/TW, ngày 16/6/2020 của Bộ Chính trị, từ ngày 17 đến ngày 22/8 (tuần đầu, đợt 2), Bộ Chính trị tiếp tục làm việc theo nhóm với 11 đảng bộ trực thuộc Trung ương để cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp uỷ trước khi tiến hành đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị.
Nhóm 1 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đã làm việc với Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước.
Nhóm 2 do Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, đã làm việc với Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.
Nhóm 3 do Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chủ trì, đã làm việc với Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Nam Định, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai.
Tham dự các buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các ban đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và đại diện một số bộ, ngành.
Tại các buổi làm việc, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Đảng bộ các tỉnh trình bày dự thảo các văn kiện và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025, ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến vào các văn kiện của các đảng bộ.
Như vậy, tính đến ngày 22/8/2020, Bộ Chính trị đã làm việc với 15/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Chính thức quy hoạch 5G trên băng tần 24.25 - 27.5GHz
Hiện đã có tổng cộng 3 nhà mạng tại Việt Nam gồm Viettel, MobiFone và VNPT được cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G.
Việt Nam đã có điện thoại 5G đầu tiên do Vsmart sản xuất |
Theo Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành ngày 20/8/2020, dải băng tần 24.25 - 27.5GHz chính thức được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Cụ thể, băng tần 24.25 - 27.5GHz sẽ được chia thành 8 khối theo phương thức truyền dẫn song công (phát một tần số, thu một tần số), mỗi khối rộng 400MHz.
Trong đó, mỗi doanh nghiệp viễn thông được xem xét cấp phép không quá 3 khối trong tổng số 8 khối và được sử dụng theo quy định trong giấy phép sử dụng băng tần.
Được biết, hiện đã có tổng cộng 3 nhà mạng tại Việt Nam gồm Viettel, MobiFone và VNPT được cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT có thể sẽ cấp phép cho một số nhà mạng nữa trong nỗ lực đẩy mạnh độ phủ của mạng 5G len lỏi tận ngõ ngách.
Trước đó, vào tháng 6 năm nay, các nhà mạng cũng đã ký một thoả thuận giao ước sẽ dùng chung 1.200 trạm BTS để tiếp tục triển khai hạ tầng, giảm chi phí đầu tư phát triển 5G.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khởi công vào tháng 9
Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất, Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km sẽ được khởi công vào tháng 9 tới.
Đoàn kiểm tra thị sát khu vực đất xây cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây |
UBND Đồng Nai cùng Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư) vừa có buổi khảo sát công tác giải phóng mặt bằng Dự án.
Theo UBND Đồng Nai, đến nay việc giải phóng mặt bằng tại 2 huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh cơ bản hoàn thành. Các công trình hạ tầng kỹ thuật ở đây đang được di dời để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
UBND huyện Xuân Lộc đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ 531 trong tổng số 723 trường hợp (đã phê duyệt phương án đền bù); tiếp tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ 192 trường hợp còn lại.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99 km, trong đó đi qua Đồng Nai 51 km. Để thực hiện Dự án, Đồng Nai thu hồi diện tích đất khoảng 412 ha của 3 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP. Long Khánh.
TPHCM: Lắp cửa van 460 tấn ở dự án chống ngập
Hai cửa van khổng lồ nặng 460 tấn được lắp đặt ở cống ngăn triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) thuộc công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng vào ngày 22/8.
Hai cửa van khổng lồ được lắp đặt tại cống ngăn triều Cây Khô vào ngày 22/8 |
Cống ngăn triều Cây Khô là cống ngăn triều lớn, khẩu độ 80 m, quy mô 3 trụ pin, 2 cửa van cống (cao 8,5 m, rộng hơn 40 m), một âu thuyền và một khu nhà quản lý. Hạng mục được triển khai trên sông Cần Giuộc, kết nối giữa huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Cửa van là hạng mục rất quan trọng của cống, giúp điều tiết lượng nước từ các sông vào bên trong. Cống ngăn triều sẽ mở cửa tiêu nước khi mực nước trong kênh lớn hơn ngoài sông, đóng cửa khi nước sông lớn hơn trong kênh và không ảnh hưởng đến giao thông thủy.
Dự án chống ngập được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố.
Dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với quy mô: 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
Người mạo danh Cục Báo chí tặng hoa Công an Thanh Hóa dùng thẻ nhà báo giả
Liên quan đến việc người đàn ông mang danh Cục Báo chí đến tặng hoa Công an tỉnh Thanh Hoá, cơ quan chức năng đã làm rõ đối tượng này và cho biết đối tượng còn sử dụng thẻ nhà báo giả.
Người đàn ông mạo danh người của Cục Báo chí sử dụng thẻ nhà báo giả |
Ngày 22/8, nguồn tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa xác định được người đàn ông mạo danh người của Cục Báo chí mang lẵng hoa đi chúc mừng Công an tỉnh Thanh Hóa dịp kỷ niệm ngày 19/8 vừa qua.
Người này là Trịnh Ngọc Tuyên (trú tại tỉnh Thanh Hóa). Tại buổi làm việc với lực lượng chức năng, người đàn ông này khai nhận giả danh người của Cục Báo chí đi tặng hoa công an nhằm mục đích "đánh bóng tên tuổi".
Trong buổi làm việc, ông Tuyên có xuất trình một thẻ nhà báo mang tên Trịnh Ngọc Tuyên (SN 1984); bút danh Tuyên Ngọc, cơ quan Báo Pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, qua tra cứu đây là thẻ nhà báo giả vì kiểm tra hệ thống quản lý thẻ nhà báo không có ai tên Trịnh Ngọc Tuyên. Số thẻ nhà báo IBT00154 in trên thẻ mang tên Trịnh Ngọc Tuyên là số thẻ đã cấp cho một nhà báo đang công tác tại một cơ quan báo chí khác.
Trước đó, Cục Báo chí đã có công văn gửi Công an tỉnh Thanh Hóa, Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa để nghị điều tra, làm rõ một người đàn ông mạo danh người của Cục Báo chí.
Công văn nêu: Thời gian qua, Cục Báo chí cũng không cử cán bộ, không gửi lẵng hoa chúc mừng công an ở các địa phương. Vì vậy, Cục Báo chí đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa, Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa tổ chức kiểm tra, xác minh sự việc, nếu có vi phạm, đề nghị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiên Giang: Đã thu hồi 900 tỷ đồng tiền sai phạm liên quan đến đất đai, khoáng sản…
Thông báo Kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết, về việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai... ở Kiên Giang đã gây thất thoát trên 2.300 tỷ đồng. Hiện Kiên Giang đã thu hồi 900 tỷ đồng.
Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang buông lỏng quản lý rừng, cấp sổ đỏ trên đất rừng, để dân bao chiếm đất rừng; tách thửa hơn 17.800 thửa đất nông nghiệp |
Theo Cục Thuế Kiên Giang, hiện đã thu hồi 3,3 tỷ đồng tiền doanh nghiệp nợ đọng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường; hơn 822 tỷ đồng nợ đọng tiền sử dụng đất; gần 52 tỷ đồng tiền sai phạm trong đất đai, khoáng sản; 23 tỷ đồng tiền nợ cấp quyền khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có gần 40 tỷ đồng không thể thu hồi do doanh nghiệp phá sản, không triển khai dự án.
Đối với số tiền hơn 1.570 tỷ đồng sử dụng đất, thuê đất doanh nghiệp nợ đọng, qua kiểm tra thực tế, Cục Thuế Kiên Giang cho biết số tiền đơn vị này theo dõi hơn 1.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 21 tỷ đồng so với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh miễn giảm cho doanh nghiệp hơn 463 tỷ đồng do giảm diện tích đất giao.
Đối với 43 dự án mà trong Thông báo Kết luận Thanh tra Chính phủ đã nêu ra, yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi, do các dự án này chậm tiến độ thực hiện dự án… Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc là đơn vị được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát để thực hiện các bước thu hồi theo quy định pháp luật.