Bản tin thời sự sáng 23/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giao thông vận tải sẽ bình ổn giá vé máy bay; Hà Nội yêu cầu kiểm tra kết quả đấu giá đất; Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ thông tin sai sự thật về việc 'thu hộ chiếu'; hơn 30 triệu euro xây đê biển ở Cà Mau…

Bộ Giao thông vận tải sẽ bình ổn giá vé máy bay

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định sẽ thực hiện giải pháp nhằm ổn định giá vé như điều chỉnh thời gian hoạt động tàu bay để tăng hiệu quả khai thác.

Bộ GTVT khẳng định sẽ thực hiện giải pháp nhằm ổn định giá vé

Bộ GTVT khẳng định sẽ thực hiện giải pháp nhằm ổn định giá vé

Bộ GTVT cho biết đã nhận được câu hỏi của cử tri TP.HCM về giá vé máy bay. Cử tri cho rằng, hiện giá vé máy bay trong nước tăng cao, đề nghị Bộ xem lại các khoản phí, lệ phí, phân tích, đánh giá tính hợp lý của giá thành và chi phí tổ chức bộ máy của các hãng hàng không, tổ chức dịch vụ mặt đất.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết, chi phí chuyến bay, nhiên liệu bay chiếm 37 - 42%; chi phí liên quan đến thiết bị bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay 32-41%; phục vụ chuyến bay từ mặt đất, điều hành bay chiếm 6 - 7%. Các chi phí còn lại như nhân công, bán hàng, quản lý, phục vụ hành khách... chiếm 16 - 19%.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Qua kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng, Bộ GTVT ghi nhận hãng thực hiện đúng quy định về mức giá tối đa (nằm trong khung giá) đối với hạng phổ thông trên đường bay nội địa.

Giá vé máy bay tăng nằm trong xu hướng chung của thế giới do sụt giảm quy mô đội tàu bay, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, Tết và biến động tăng giá nhiên liệu bay, tăng tỷ giá ngoại tệ. Tháng 7, tỷ giá USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi 80% chi phí hàng không liên quan ngoại tệ.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định giá vé, cân đối vận tải trên các đường bay và giữa thị trường nội địa với quốc tế. Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh thời gian khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu của máy bay khi chuyển tiếp chặng bay nhằm tối ưu hóa khả năng khai thác tàu bay trong ngày; tăng cường thêm các chuyến bay đêm.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường giám sát kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định, cũng như khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có cơ hội lựa chọn mức giá vé phù hợp.

Hà Nội yêu cầu kiểm tra kết quả đấu giá đất

UBND TP. Hà Nội vừa có yêu cầu kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn vừa qua.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu kiểm tra và xử lý vi phạm trong đấu giá đất (nếu có)

UBND TP. Hà Nội yêu cầu kiểm tra và xử lý vi phạm trong đấu giá đất (nếu có)

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký Văn bản số 2771/UBND-TNMT yêu cầu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Thành phố vừa qua.

Theo văn bản, thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội có hiện tượng trúng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm như tại huyện Thanh Oai (cao gấp 7 - 8 lần), huyện Hoài Hoài Đức (cao nhất gấp 18 lần).

Việc trúng đấu giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp ngay với các sở: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua, kịp thời phát hiện xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có); báo cáo UBND Thành phố trước ngày 25/8/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với sở: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố rà soát quy trình, thủ tục, quy chế... về đấu giá quyền sử dụng đất của các quận, huyện, thị xã; báo cáo UBND TP. Hà Nội chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật, hoàn thành trước ngày 27/8/2024.

UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật; báo cáo UBND Thành phố những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ thông tin sai sự thật về việc 'thu hộ chiếu'

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng bác bỏ những thông tin sai sự thật của truyền thông Anh về việc "công dân đến Việt Nam có thể bị cấm xuất cảnh hoặc thu hộ chiếu."

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra giấy tờ hành khách trước khi vào khu vực soi chiếu.

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra giấy tờ hành khách trước khi vào khu vực soi chiếu.

Chiều 22/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc truyền thông Anh cho biết nước này đã có cảnh báo công dân đến Việt Nam có thể bị cấm xuất cảnh hoặc thu hộ chiếu, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những thông tin sai sự thật như vậy. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho công dân nước ngoài đến Việt Nam với mục đích học tập, làm việc, đầu tư, tìm hiểu thị trường và du lịch phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam".

Hơn 30 triệu euro xây đê biển ở Cà Mau

Liên minh châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu euro, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho vay hơn 19 triệu euro và vốn đối ứng của Cà Mau để xây đê biển.

Tuyến kè chống sạt lở đê Biển Tây tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Tuyến kè chống sạt lở đê Biển Tây tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Sáng 22/8, Bộ Tài chính và AFD ký thỏa ước Dự án Xây dựng đê Biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp. Bên cạnh khoản viện trợ và cho vay của EU và AFD, tỉnh Cà Mau sẽ chi khoảng 9 triệu euro vốn đối ứng.

Dự án được triển khai từ nay đến năm 2028 với 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là ngăn chặn xói lở bờ biển thông qua việc xây dựng 11 km kè chắn sóng, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có; phục hồi 2.000 ha rừng ngập mặn ven biển và cửa sông; nâng cao độ an toàn của hệ thống đê biển cũng như bảo vệ 15.000 ha đất nội đồng tại các huyện Phú Tân và Trần Văn Thời.

Thứ hai là xây dựng 19 km đê biển Tây và tạo tuyến giao thông ven biển nối thị trấn Cái Đôi Vàm với kênh Năm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ trong khu vực.

Mục tiêu thứ ba là xây dựng chiến lược quản lý tích hợp vùng bờ biển và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế tại 5 xã ven biển huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, đa dạng hóa hoạt động sinh kế tăng thu nhập cho cộng đồng, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản gần bờ, góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

Cà Mau địa hình thấp, ba mặt giáp biển, đường bờ biển dài và chịu ảnh hưởng của hai chế độ triều cường gồm nhật triều của Biển Tây và bán nhật triều không đều của Biển Đông.

Từ những năm 2000, phần lớn diện tích Biển Tây ở Cà Mau không còn được bồi lắng, trong khi thường xuyên bị sạt lở, xói mòn. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh phải đầu tư củng cố, bảo vệ bờ biển cũng như nạo vét kênh rạch.

Đề xuất giảm tốc độ ô tô qua trạm BOT ở TP.HCM còn 30 km/h

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đề xuất ô tô qua các trạm thu phí BOT trên địa bàn chỉ được chạy tối đa 30 km/h để đảm bảo an toàn.

Xe chạy qua trạm BOT cầu Phú Mỹ

Xe chạy qua trạm BOT cầu Phú Mỹ

Đề xuất vừa được Trung tâm gửi Sở Giao thông vận tải Thành phố, sau quá trình khảo sát cùng các đơn vị liên quan. Động thái này được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn sau vụ tai nạn một nhân viên thu phí ở trạm xa lộ Hà Nội bị xe tông tử vong cách đây hơn 3 tháng.

TP.HCM đang có 3 tuyến đường bố trí trạm thu phí cho các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, tại TP. Thủ Đức gồm hai trạm: xa lộ Hà Nội trên đại lộ Võ Nguyên Giáp và BOT cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công. Trạm còn lại trên quốc lộ 1, quận Bình Tân, thu phí cho dự án BOT đoạn An Sương - An Lạc.

Cả ba đều là những trục giao thông huyết mạch với mật độ xe dày đặc, nhất là ôtô trọng tải lớn. Hiện vận tốc tối đa ô tô được chạy trên các tuyến này khoảng 60 - 80 km/h.

Theo phương án đề xuất, ô tô chạy gần tới các trạm thu phí buộc phải giảm dần tốc độ. Khi cách trạm khoảng 50 m, xe chỉ được đi tối đa 30 km/h để vào làn thu phí. Các đơn vị sẽ lắp đặt thêm hệ thống biển báo và tăng cường tuyên truyền cho tài xế nắm rõ việc điều chỉnh giao thông để hạn chế gây xáo trộn.

Đại diện một nhà đầu tư dự án BOT ở TP.HCM cho biết, trước đây khi chưa triển khai thu phí không dừng, xe qua các trạm đều chạy chậm để dừng chờ đóng tiền. Với việc thu phí tự động, barie tự mở, nhiều xe chạy nhanh hoặc tài xế bất cẩn, thiếu quan sát dễ gây tai nạn cho nhân viên làm việc ở trạm. Việc giảm tốc độ xe qua trạm cũng giúp hệ thống thu phí tự động đọc và xử lý dữ liệu tốt hơn.

Chứng khoán ASAM bị xử phạt 85 triệu đồng

Chứng khoán ASAM bị phạt do đã không công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Chứng khoán ASAM bị xử phạt 85 triệu đồng. Ảnh minh họa

Chứng khoán ASAM bị xử phạt 85 triệu đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Chứng khoán ASAM vừa công bố thông tin nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, Chứng khoán ASAM bị phạt 85 triệu đồng do đã không công bố thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty đã không công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Chứng khoán ASAM phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Công ty CP Chứng khoán ASAM thành lập năm 2008, có địa chỉ tại số 3 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp của Công ty là ông Kim Hwan Kyoon. Theo thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, vốn điều lệ hiện tại của Công ty là 203 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Công ty ghi nhận tổng chi phí hoạt động gần 18,6 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lãi từ các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của công ty tăng 50% so với cùng kỳ lên gần 8,4 tỷ đồng.

Lâm Đồng chỉ đạo xử lý các sai phạm về xây dựng, đất đai

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu huyện Bảo Lâm không hợp thức hóa sai phạm về đất đai, quy hoạch và kiên quyết xử lý công trình xây dựng vi phạm…

Khu vực xây dựng công trình sai phạm tại xã Lộc Thành

Khu vực xây dựng công trình sai phạm tại xã Lộc Thành

Ngày 22/8, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn đề nghị Huyện ủy Bảo Lâm tiếp tục theo dõi, lãnh đạo UBND huyện xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo đó, đối với công trình sai phạm tại Thôn 10A, xã Lộc Thành, UBND huyện Bảo Lâm cần rà soát, lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, với quan điểm sai đến đâu xử lý đến đó.

UBND huyện Bảo Lâm có trách nhiệm yêu cầu các trường hợp xây dựng công trình tại khu vực xã Lộc Thành phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, tránh tình trạng hợp thức hóa sai phạm của các cá nhân, tổ chức để điều chỉnh quy hoạch.

Về việc mở điểm kinh doanh dịch vụ giải trí không phép tại dự án bất động sản trái phép thuộc xã Lộc Quảng, UBND huyện Bảo Lâm phải lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tránh để người dân có phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại làm phức tạp tình hình.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư