Bản tin thời sự sáng 23/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam cho phép sử dụng vaccine Pfizer do Mỹ sản xuất; khu công nghiệp ở TP.HCM vẫn sản xuất "3 tại chỗ" từ 23/8; kết quả giai đoạn 3a của vaccine Nano Covax có nhiều triển vọng; đề xuất đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng mở rộng 5 cầu, hầm; gần 2.900 chiến sĩ đến xã, phường ở TP.HCM hỗ trợ người dân; 13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động tại Hà Nội bằng ôtô, xe buýt…

Việt Nam cho phép sử dụng vaccine Pfizer do Mỹ sản xuất

Vaccine Pfizer BioNTech do Mỹ sản xuất với quy cách đóng gói 25 lọ/khay, 6 liều/lọ, vừa được phê duyệt sử dụng tại Việt Nam.

Vaccine Covid-19 Pfizer Comirnaty đã được Bộ Y tế phê duyệt trước đó

Vaccine Covid-19 Pfizer Comirnaty đã được Bộ Y tế phê duyệt trước đó

Bộ Y tế vừa có Quyết định 4035 về việc bổ sung Điều 1 Quyết định 2908 (ban hành ngày 12/6) của Bộ trưởng Y tế. Văn bản do Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký. Theo đó, nội dung 3 khoản (1, 4 và 5) trong Điều 1 của Quyết định 2908 được điều chỉnh.

Về tên vaccine, bên cạnh Comirnaty, Bộ Y tế bổ sung tên khác là Pfizer BioNTech Covid-19 vaccine.

Về đóng gói, bên cạnh loại 195 lọ/khay, 6 liều/lọ, Bộ Y tế bổ sung loại 25 lọ/khay, 6 liều/lọ.

Với Quyết định mới, Bộ Y tế bổ sung cơ sở sản xuất là Pharmacia & Upjohn Company LLC - Mỹ và Hospira Incorporated - Mỹ.

Trước đó, Quyết định 2908 của Bộ trưởng Y tế đã phê duyệt có điều kiện loại vaccine Comirnaty do Pfizer (Bỉ) và BiOnTech (Đức) sản xuất, đóng gói 195 lọ/khay, 6 liều/lọ cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài 3 khoản được bổ sung, các nội dung khác tại Quyết định 2908 được giữ nguyên.

Đến nay, Việt Nam đã có hợp đồng mua 51 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer, bao gồm 20 triệu liều dành cho vị thành niên 12 - 17 tuổi. Lô vaccine phòng Covid-19 Pfizer đầu tiên về Việt Nam từ tháng 7 và sau đó đều về thêm hàng tuần, tuy nhiên số lượng còn hạn chế. Theo kế hoạch trước đây, vaccine Pfizer sẽ về nhiều vào quý IV/2021.

Khu công nghiệp ở TP.HCM vẫn sản xuất "3 tại chỗ" từ 23/8

HEPZA vừa thông báo đến các doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" tiếp tục được hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp từ 23/8.

Công ty CP Cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Công ty CP Cơ khí Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) vừa gửi văn bản đến các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp về việc tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo đó, HEPZA yêu cầu các đơn vị tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu và quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và tuyên truyền cho người lao động "ai ở đâu ở đấy", không di chuyển khỏi nơi sản xuất.

Theo HEPZA, các doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" tiếp tục được phép hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa chống dịch vừa sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Công Thương, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức, các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu tại Kế hoạch 2715 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Kết quả giai đoạn 3a của vaccine Nano Covax có nhiều triển vọng

Nhóm nghiên cứu vừa công bố kết quả giai đoạn giữa kỳ pha 3a và tiếp tục đề xuất cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vaccine Nano Covax.

Vaccine phòng Covid-19 Nano Covax được Công ty Nanogen phát triển

Vaccine phòng Covid-19 Nano Covax được Công ty Nanogen phát triển

Ngày 22/8, Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế tiếp tục thẩm định kết quả lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3a vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax của Công ty Nanogen.

Theo báo cáo, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên ở Hà Nội và Long An. Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược với tỷ lệ 6:1 (6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược).

Việc chọn mẫu tham gia pha 3a đảm bảo cân bằng về giới, đa dạng nhóm tuổi, trong đó trẻ nhất là 18 tuổi, người cao tuổi nhất là 81. Nhóm 18 - 45 tuổi chiếm 60%, 46 - 60 tuổi chiếm 22%, hơn 17% còn lại là nhóm trên 60 tuổi.

Đáng lưu ý, nghiên cứu cũng cho phép các tình nguyện viên có tiền sử dị ứng, bệnh tim mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, từng mắc ung thư, người béo phì…, tham gia với tổng 162 người. Kết quả, vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn.

Kết quả đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà virus bằng phương pháp PRNT50 của những người đã tiêm vaccine Nano Covax cho thấy ở thời điểm ngày thứ 42 sau tiêm mũi 1 và là ngày 14 sau tiêm mũi 2, tỷ lệ có khả năng trung hoà virus sống là 96,5%.

Gộp chung giai đoạn 2 và 3a, nhóm nghiên cứu kết luận trung bình nhân nồng độ kháng thể Anti-S-IgG đạt 57.56 U/ml, tăng gấp 218.93 lần sau 42 ngày tiêm vaccine. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt 99.2%

Do đó, nhóm nghiên cứu kết luận vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vaccine Nancovax.

Đề xuất đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng mở rộng 5 cầu, hầm

Bộ Giao thông vận tải đề xuất mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A với tổng vốn đầu tư khoảng 2.223 tỷ đồng.

Hầm Đèo Ngang kết nối Hà Tĩnh và Quảng Bình

Hầm Đèo Ngang kết nối Hà Tĩnh và Quảng Bình

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, các dự án mở rộng gồm: cầu Xương Giang bắc qua sông Thương (tỉnh Bắc Giang); cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh); cầu Gianh bắc qua sông Gianh (tỉnh Quảng Bình); cầu Quán Hàu bắc qua sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình); hầm Đèo Ngang kết nối Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Dự kiến tổng mức đầu tư các dự án khoảng 2.223 tỷ đồng (hơn 96 triệu USD), gồm vốn vay ODA của Hàn Quốc khoảng 1.839 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước 384 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 2 lập đề xuất dự án, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2026.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư các dự án trên nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông vận tải trên Quốc lộ 1A, đảm bảo quy mô 4 làn xe cơ giới, nâng cao khả năng kết nối và năng lực khai thác, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Gần 2.900 chiến sĩ đến xã, phường ở TP.HCM hỗ trợ người dân

2.890 chiến sĩ sẽ được điều động về 312 phường, xã, thị trấn tại TP.HCM để hỗ trợ người dân trong 2 tuần siết chặt giãn cách xã hội.

Gần 2.900 chiến sĩ đến xã, phường ở TP.HCM hỗ trợ người dân

Gần 2.900 chiến sĩ đến xã, phường ở TP.HCM hỗ trợ người dân

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, 2.890 chiến sĩ của Quân khu 7 đã được điều động đến 312 phường, xã, thị trấn ở TP.HCM. Như vậy, trung bình mỗi phường, xã được phân bổ khoảng 9 chiến sĩ, số lượng cụ thể tùy theo quy mô từng địa phương.

Lực lượng này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ địa phương triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân, kết hợp tuyên tuyền đến từng hộ dân để người dân chấp hành "ai ở đâu ở yên đó", không ra khỏi nhà.

Các chiến sĩ sẽ được thu xếp để ở lại ngay tại phường, xã, thị trấn mà mình làm nhiệm vụ để hạn chế di chuyển.

Đại tá Bảo cho biết, 2.890 chiến sĩ này chỉ triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân, còn việc kiểm soát các trạm, chốt sẽ do lực lượng khác thực hiện. TP.HCM sẽ có 12 chốt kiểm soát cấp thành phố và 251 chốt, trạm cấp quận, huyện.

Theo kế hoạch mới nhất của UBND TP.HCM, từ 0h ngày 23/8 đến hết 6/9, người dân sẽ không đi ra đường và không mua hàng trực tiếp. Thay vào đó, chính quyền sẽ "đi chợ hộ". Trường hợp người dân khó khăn sẽ được trao các túi an sinh miễn phí.

Lực lượng cung ứng, phân phối hàng cho người dân là Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố...), công an, quân đội. Tần suất "đi chợ hộ" là 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp cho người dân và hộ dân trả tiền.

13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động tại Hà Nội bằng ôtô, xe buýt

Bên cạnh 13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động, TP. Hà Nội sẽ kêu gọi mở rộng mô hình này trong trường hợp cấp bách.

13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động tại Hà Nội bằng ôtô, xe buýt

13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động tại Hà Nội bằng ôtô, xe buýt

Theo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, 12 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng ôtô gồm: Công ty Sữa nông trại Ba Vì, Công ty Dafusa Việt Nam, Công ty Thực phẩm Phú Thiên Tân, Công ty Lotte Việt Nam, Công ty Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi, Công ty Aeon Việt Nam, Công ty Thực phẩm Lương An; Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong, Công ty Rau an toàn Hà Nội, Câu lạc bộ Làng nghề cốm Mễ Trì, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát.

Riêng Công ty Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe buýt bán hàng lưu động.

Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng ôtô, xe buýt sẽ bán ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế tiếp xúc, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.

Đến nay, Hà Nội có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến do địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.

Để sẵn sàng khi dịch diễn biến phức tạp hơn, UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động. Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng bằng xe buýt, xe ôtô.

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả.

Hai chuyến bay đưa 400 phụ nữ mang thai, trẻ em về Quảng Bình

Hai chuyến bay đưa gần 400 phụ nữ có thai, trẻ em từ TP.HCM về quê ở Quảng Bình, chiều 22/8.

Hai chuyến bay đưa 400 phụ nữ mang thai, trẻ em về Quảng Bình

Hai chuyến bay đưa 400 phụ nữ mang thai, trẻ em về Quảng Bình

Ngày 22/8, chuyến bay số hiệu QH9206 chở gần 200 người dân Quảng Bình ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam hạ cánh an toàn xuống sân bay Đồng Hới. 200 người còn lại tiếp tục về quê trên chuyến bay số hiệu QH9208. Trước đó, tổ công tác đặc biệt của tỉnh Quảng Bình đã vào TP.HCM để làm thủ tục đưa đón người.

Vì lý do an toàn, mỗi chuyến bay được chở không quá 40 người mang thai từ 28 - 36 tuần và không quá 19 trẻ em dưới 2 tuổi; không vận chuyển các phụ nữ mang thai trên 36 tuần.

Cơ quan chức năng đã đưa người dân đến cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Luật miền Trung, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, trong thời gian 14 ngày.

Thượng tá Ngô Mậu Quý, Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình) cho biết, khu cách ly tập trung đặc biệt này có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nên công tác bảo đảm sức khỏe được đặt lên hàng đầu, từ khâu chăm sóc y tế, đến dinh dưỡng từng bữa ăn.

Trước khi đưa người dân về quê, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ trực tiếp 6,5 tỷ đồng cho 6.500 người, và 3,8 tỷ đồng qua hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM để giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong các tỉnh giãn cách xã hội.

Thêm 2 doanh nghiệp chậm nộp thuế ở TP.HCM bị cưỡng chế

Từ ngày 25/8, Công ty Montrose Consulting và Công ty Hồng Việt sẽ bị dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do nợ thuế tổng cộng hơn 4,2 tỷ đồng.

Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra hồ sơ nợ thuế của doanh nghiệp

Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra hồ sơ nợ thuế của doanh nghiệp

Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư vừa ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hồng Việt (địa chỉ số 14 đường Phan Bội Châu, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM, mã số thuế: 0302497645) để thi hành nội dung Công văn số 6892/CTTPHCM-QLN ngày 4/8/2021 của Cục Thuế TP.HCM.

Lý do doanh nghiệp này bị cưỡng chế là có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế trên 3,9 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty TNHH Montrose Consulting (địa chỉ số 343 đường Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM, mã số thuế: 0314960963) cũng bị cưỡng chế dừng làm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đề nghị của Cục Thuế TP.HCM. Số tiền thuế bị cưỡng chế gần 250 triệu đồng.

Trong hơn 3 tháng qua, theo đề nghị phối hợp của Cục Thuế TP.HCM về công tác thu hồi nợ, Cục Hải quan TP.HCM đã ban hành hàng chục quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp nợ thuế chây ì. Nhiều trường hợp sau khi bị cưỡng chế mới nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Phát hiện 5 lô máy tạo oxy nhập lậu tại Lào Cai

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai vừa phát hiện lô hàng 5 máy tạo oxy không giấy tờ. Cơ quan chức năng tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa vi phạm

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa vi phạm

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT Lào Cai phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra tại khu vực đường Trần Viết Xuân, phường Lào Cai, TP. Lào Cai, phát hiện lô hàng gồm 5 máy tạo oxy nhãn hiệu SANTAFELL do nước ngoài sản xuất.

Chủ lô hàng là ông L.M.T. (trú tại tổ 27 phường Lào Cai, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Tại thời điểm kiểm tra, ông T. không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến tính hợp pháp của lô hàng 5 máy tạo oxy nêu trên.

Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, vụ việc được lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện, bắt giữ thông qua việc theo dõi, nắm bắt thông tin trên mạng xã hội (do Tổ Thương mại điện tử của Cục QLTT tỉnh Lào Cai nắm bắt, cung cấp).

Thành phố Phan Thiết giãn cách xã hội đến ngày 31/8

Sau 22 ngày áp dụng Chỉ thị 16, từ 0h ngày 23/8, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) giãn cách xã hội thêm 9 ngày.

Thành phố Phan Thiết giãn cách xã hội đến ngày 31/8

Thành phố Phan Thiết giãn cách xã hội đến ngày 31/8

TP. Phan Thiết rộng hơn 200 km2, thực hiện giãn cách xã hội từ hôm 1/8. Theo UBND Bình Thuận, những ngày qua, thành phố gần 230.000 dân này vẫn còn phát sinh sinh nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong các khu cách ly và phong tỏa. Do vậy, địa phương cần tiếp tục giãn cách để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

10 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ đường bộ tiếp tục hoạt động 24/24h, kiểm soát chặt người và xe ra vào Thành phố và các khu dân cư.

TP. Phan Thiết được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, không để người dân chủ quan, lơ là; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đến nay, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 1.683 ca mắc Covid-19. Trong đó, thị xã La Gi có số ca mắc cao nhất với 1.213 ca, tiếp đến là TP. Phan Thiết với 281 ca. Hai địa phương này đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Các huyện còn lại áp dụng Chỉ thị 15.

Bình Thuận đang xét nghiệm sàng lọc toàn tỉnh để khoanh vùng, dập dịch với hơn 300.000 người được lấy mẫu, dự kiến đến ngày 31/8 hoàn tất. Căn cứ trên kết quả sàng lọc, địa phương sẽ xác định rõ vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ; lên phương án giãn cách cụ thể cho từng khu vực xã, phường.

Chuyên đề