Bản tin thời sự sáng 23/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ưu tiên tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca; hơn 2.000 trang thiết bị y tế được chuyển tới kho dã chiến ở TP.HCM; 3 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna về Việt Nam ngày 25/7; tạm dừng thu phí qua cao tốc Liên Khương- Prenn từ 12 giờ ngày 22/7; siết hoạt động quảng cáo trên Youtube, Facebook tại Việt Nam; quân đội phun khử khuẩn cho địa bàn nguy cơ cao tại TP.HCM từ ngày 23/7…

Ưu tiên tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca

Theo Bộ Y tế, quyết định ưu tiên tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế.

Ưu tiên tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca

Ưu tiên tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, nước ta có hơn 4,3 triệu người được tiêm 1 liều vaccine và hơn 300.000 người tiêm đủ 2 liều. Trong tháng 7, Bộ Y tế sẽ tiếp nhận 746.460 liều vaccine Covid-19 của Pfizer. Hiện tại, Việt Nam nhận gần 200.000 liều.

Với số lượng này, Bộ đã phân bổ cho các địa phương để triển khai tiêm chủng. Trong quyết định phân bổ nêu rõ trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca từ 8 - 12 tuần nếu người được tiêm đồng ý.

Để tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố, đơn vị được phân bổ Pfizer cần báo cáo riêng kết quả tiêm chủng và sự cố bất lợi sau tiêm với các trường hợp sử dụng kết hợp mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Pfizer.

Đồng thời, các địa phương cần thực hiện đầy đủ quy định về tổ chức, bảo đảm an toàn tiêm chủng, giám sát chặt chẽ các sự cố bất lợi sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng cho biết trong bối cảnh nguồn vaccine Covid-19 hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ để đảm bảo mỗi người được tiêm đủ 2 liều cùng loại khi đến lịch.

Hướng dẫn tạm thời của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc sử dụng vaccine Covid-19 Pfizer ngày 15/6 cũng đề cập đến việc sử dụng kết hợp hai mũi vaccine. Trong đó, người dân sẽ tiêm mũi 2 là Pfizer nếu mũi 1 là AstraZeneca ở những nơi không có sẵn vaccine cùng loại.

Hơn 2.000 trang thiết bị y tế được chuyển tới kho dã chiến ở TP.HCM

Hơn 2.000 trang thiết bị gồm máy thở, máy lọc máu, máy tạo oxy; hơn 12 triệu khẩu trang các loại… đã được chuyển đến kho dã chiến phục vụ chống dịch Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Hơn 2.000 trang thiết bị y tế được chuyển tới kho dã chiến ở TP.HCM

Hơn 2.000 trang thiết bị y tế được chuyển tới kho dã chiến ở TP.HCM

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam, trong đó sẽ tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã chuyển đến kho trang thiết bị này 399 máy thở các loại (trong đó có 299 máy thở chức năng cao, máy xâm nhập và không xâm nhập để điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch). Tập đoàn Vingroup đã chuyển 800 máy thở do Tập đoàn sản xuất để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh.

Cùng đó, Bộ Y tế đã chuyển 3 hệ thống ECMO (2 cho TP.HCM và 1 cho Đồng Nai); 32 máy lọc máu liên tục; 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo ô xy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này.

Ngoài số trang thiết bị trên, Bộ Y tế cũng đã chuyển 60 hệ thống thở ô xy dòng cao đến kho dự trữ này. Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ cấp tiếp 500 hệ thống do một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ; tổng cộng 560 hệ thống.

1,4 triệu test xét nghiệm nhanh đã được phân bổ cho TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Về vật tư y tế trong kho dã chiến sẵn sàng cho công tác chống dịch đến nay có 125.000 khẩu trang N95; 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại; 12.000.000 khẩu trang y tế.

3 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna về Việt Nam ngày 25/7

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Mordena sẽ đến Việt Nam vào ngày 25/7 qua cơ chế COVAX.

Việt Nam sắp tiếp nhận 3 triệu liều vắc-xin Moderna

Việt Nam sắp tiếp nhận 3 triệu liều vắc-xin Moderna

Trước đó, ngày 10/7, cũng qua cơ chế COVAX, Mỹ đã trao tặng Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna. Ngoài 105 triệu liều vaccine đã cam kết và ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán, dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có khoảng 175 triệu liều vaccine Covid-19.

Riêng trong quý III/2021, Pfizer cam kết sẽ chuyển cho Việt Nam 3,5 triệu liều vaccine, tăng 500.000 liều so với lộ trình dự kiến trước đó. Ngoài ra, 20 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi cũng sẽ chuyển cho Việt Nam trong năm 2021. Như vậy, riêng với vaccine Pfizer, trong năm 2021, Việt Nam sẽ mua 51 triệu liều.

Bà Hằng cũng nhấn mạnh, những kết quả đạt được từ “ngoại giao vaccine” mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua.

Đến nay, Việt Nam đã đón nhận hơn 8 triệu liều vaccine hỗ trợ từ các nước và các đối tác; trong đó có thông qua cơ chế COVAX khoảng 4,5 triệu liều, Mỹ 2 triệu liều nằm trong cơ chế trên, Nhật Bản 3 triệu liều, Trung Quốc 500.000 liều, Liên bang Nga tặng 1.000 liều.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đang được triển khai trên cả nước. Tính đến ngày 20/7, đã có hơn 4,3 triệu người được tiêm chủng trong đó có khoảng 4 triệu người tiêm mũi đầu tiên và hơn 300.000 người tiêm mũi thứ hai.

Tạm dừng thu phí qua cao tốc Liên Khương - Prenn từ 12 giờ ngày 22/7

Theo đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ 12 giờ ngày 22/7, Công ty TNHH Hùng Phát tạm dừng thu phí qua cao tốc Liên Khương - Prenn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Từ 12 giờ ngày 22/7 tạm dừng thu phí qua cao tốc Liên Khương- Prenn

Từ 12 giờ ngày 22/7 tạm dừng thu phí qua cao tốc Liên Khương- Prenn

Đại diện Công ty TNHH Hùng Phát (đơn vị quản lý, khai thác cao tốc Liên Khương - Prenn) cho biết, theo đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ 12 giờ ngày 22/7 đơn vị này tạm dừng thu phí qua cao tốc Liên Khương - Prenn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng và Công ty TNHH Hùng Phát về việc đề nghị tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty TNHH Hùng Phát tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Định An, H. Đức Trọng. Thời gian tạm dừng thu phí từ 12 giờ ngày 22/7/2021 đến 0 giờ ngày 1/8/2021. Thời gian tạm dừng thu phí sẽ được bù vào thời gian thu phí của Dự án đường cao tốc Liên Khương - chân đèo Preen.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét chỉ đạo nhà đầu tư của trạm thu phí BOT tại xã Liên Đầm, H. Di Linh thực hiện việc tạm dừng thu phí tại trạm này theo nội dung trên để hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong việc đi lại, sản xuất, kinh doanh.

Siết hoạt động quảng cáo trên Youtube, Facebook tại Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70, siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các đơn vị như Youtube, Google, Facebook tại Việt Nam.

Siết hoạt động quảng cáo trên Youtube, Facebook tại Việt Nam

Siết hoạt động quảng cáo trên Youtube, Facebook tại Việt Nam

Nghị định 70 vừa ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Với Nghị định 70, trách nhiệm quản lý quảng cáo xuyên biên giới sẽ tập trung về Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, nghị định này được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để quy định cụ thể trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trong nghị định mới này, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được định nghĩa là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài, cho người dùng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, họ cũng phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ….

Hồi đầu tháng trước, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho rằng nghị định sửa đổi này để siết quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Facebook, đem lại lợi thế mới cho các cơ quan báo chí truyền thông.

Quân đội phun khử khuẩn cho địa bàn nguy cơ cao tại TP.HCM từ ngày 23/7

Trong 7 ngày, 16 xe đặc chủng được huy động để phun khử khuẩn cho các địa bàn nguy cơ cao tại TP.HCM.

Bộ Tư lệnh TP.HCM dự kiến tiêu độc, khử khuẩn toàn TP.HCM

Bộ Tư lệnh TP.HCM dự kiến tiêu độc, khử khuẩn toàn TP.HCM

Bộ Tư lệnh TP.HCM (Quân khu 7) có kế hoạch tổ chức tiêu độc, khử khuẩn Covid-19 cho TP.HCM.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Thành phố sẽ tổ chức 2 đội cơ động tiêu độc khử khuẩn với 12 chiến sĩ, mỗi đội 6 người. Lực lượng phối hợp gồm Lữ đoàn PH87 (Binh chủng hóa học) với 4 xe chuyên dụng, 40 chiến sĩ; và Tiểu đoàn PH38 (Quân khu 7) với 6 xe chuyên dụng và 25 chiến sĩ.

Phương tiện được sử dụng gồm 16 xe chuyên dụng của Lữ đoàn Phòng hóa 87 (4 xe); Tiểu đoàn Phòng hóa 38 (6 xe); Bộ Tư lệnh Thành phố (4 xe); Quận, huyện (2 xe).

Quá trình phun tiêu độc, khử khuẩn tại địa phương nào thì có lực lượng, phương tiện của địa phương đó tham gia.

Thời gian phun khử khuẩn bắt đầu từ sáng 23/7 và dự kiến kéo dài 7 ngày liên tiếp. Địa điểm là các khu vực có nguy cơ cao tại TP.HCM. Hoá chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỷ lệ 0,5%, đảm bảo an toàn sức khoẻ người dân.

Trước đó, vào ngày 1/6, Quân khu 7 dùng 15 xe đặc chủng phun khử khuẩn toàn bộ quận Gò Vấp khi địa phương này áp dụng Chỉ thị 16 và tại một số khu vực có nguy cơ cao khác.

Khởi tố cán bộ Cục thuế Bắc Giang gây thiệt hại ngân sách hàng tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lưu Thị Hằng là cán bộ Cục Thuế tỉnh Bắc Giang để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm dẫn tới thiệt hại về thuế hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Bị can Lưu Thị Hằng

Bị can Lưu Thị Hằng

Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến quá trình điều tra mở rộng vụ án “Tham ô tài sản và mua bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại Công ty TNHH Wonjin Vina, có địa chỉ ở Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên) đã được CQĐT khởi tố điều tra vào tháng 9/2020.

Quá trình điều tra, ngoài 2 tội danh đã khởi tố đối với các bị can có liên quan trong vụ án, cơ quan công an còn phát hiện sai phạm trong việc hạch toán kế toán, kê khai quyết toán thuế dẫn tới thiệt hại về thuế cho nhà nước với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT xác định, năm 2019, Lưu Thị Hằng là thành viên đoàn kiểm tra thuế của Cục Thuế tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH Wonjin Vina (kỳ kiểm tra năm 2018) nhưng do “thiếu trách nhiệm”, Hằng đã không phát hiện ra các sai phạm của công ty này dẫn tới thiệt hại về thuế cho ngân sách nhà nước.

Cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bị can và thu giữ một số tài liệu có liên quan để phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư