Bản tin thời sự sáng 23/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối Trung Quốc điều tàu tuần tra đến đảo Phú Lâm; Thủ tướng chốt khởi công Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 25/6; sửa chữa đường tránh Quốc lộ 1A qua TP. Thanh Hóa; 1.000 tỷ đồng để di dời hạ tầng cho Metro số 2; đề xuất không xây khách sạn 7 tầng cạnh hồ Xuân Hương…

Việt Nam phản đối Trung Quốc điều tàu tuần tra đến đảo Phú Lâm

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Trung Quốc cử tàu tuần tra Hải Tuần (Haixun) 03 đến đảo Phú Lâm, dự kiến tuần tra vùng biển xung quanh đến hết tháng 7/2023, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 22/6 nêu rõ: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định: "Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, không có lợi cho hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông".

Việt Nam đã nhiều lần phản đối các động thái trái phép của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao cũng nhiều lần nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng chốt khởi công Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 25/6

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Phối cảnh Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Phối cảnh Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh hoàn thiện các thủ tục theo quy định tổ chức Lễ khởi công đồng loạt các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 25/6/2023 theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu phù hợp, bảo đảm thực chất, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo, các đơn vị liên quan sau khi khởi công phải triển khai ngay công tác thi công xây dựng trên toàn Dự án theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ.

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được quy hoạch có quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Dự án dài khoảng 112,8 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng (ngân sách trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 29.447 tỷ đồng).

Sửa chữa đường tránh Quốc lộ 1A qua TP. Thanh Hóa

Đường tránh Quốc lộ 1A qua TP. Thanh Hóa xuống cấp, gây mất an toàn giao thông nên buộc phải sửa chữa tạm thời trong nửa tháng.

Vệt bánh xe hằn lún kéo dài trên tuyến đường 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa

Vệt bánh xe hằn lún kéo dài trên tuyến đường 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa

Ngày 22/6, ông Lưu Hùng Sơn - Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.1 cho biết, đơn vị đang sửa chữa tạm thời mặt đường 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa trong thời gian nửa tháng nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Tuyến đường này đã xuống cấp nhiều năm nay. Nặng nhất là đoạn từ nút giao vòng xuyến BigC, phường Đông Hải đến điểm cuối giao với Quốc lộ 1A thuộc phường Quảng Thịnh. Mặt đường nhiều chỗ bị biến dạng, bong tróc nền nhựa, vệt bánh xe tạo thành rãnh như luống khoai, có vị trí hằn sâu 10 - 15 cm.

Theo thiết kế, tuyến đường cho phép chạy tốc độ 90 km/h, song nhiều phương tiện cơ giới buộc phải giảm tốc xuống 30 - 40 km/h để đảm bảo an toàn do vệt hằn lún kéo dài, phương tiện dễ mất lái, gây tai nạn.

Ông Sơn cho biết, Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa vẫn chưa bàn giao dự án, trong khi tuyến đường xuống cấp nặng vì không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, Khu quản lý đường bộ II.1 chi khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để sửa chữa tạm thời các hạng mục như thảm nhựa mặt đường, thay thế hệ thống biển báo, vạch sơn, khe co giãn ở các cây cầu trên tuyến.

Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa được đưa vào sử dụng năm 2009 với tổng chiều dài hơn 10 km, chiều rộng nền đường 26 m. Tổng vốn đầu tư ban đầu của Dự án là 822 tỷ đồng, theo hình thức BOT.

Theo hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dự án giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư - Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa, thời gian thu phí hoàn vốn đường tránh TP. Thanh Hóa dự kiến thực hiện trong vòng 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận kéo dài thêm 3 năm. Tuy nhiên, tháng 8/2017, sau khi đánh giá thực tế, Bộ GTVT cho rằng đơn vị khai thác đã thu hồi quá số vốn đầu tư nên yêu cầu dừng hoạt động trạm BOT Tào Xuyên sau 7 năm 2 tháng.

1.000 tỷ đồng để di dời hạ tầng cho Metro số 2

TP.HCM dự kiến di dời công trình điện, nước, viễn thông chuẩn bị mặt bằng thi công Dự án Metro số 2 trong gần hai năm, kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dãy nhà mặt tiền đường Cách mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, đã lùi sâu sau khi bàn giao mặt bằng cho Metro Số 2

Dãy nhà mặt tiền đường Cách mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, đã lùi sâu sau khi bàn giao mặt bằng cho Metro Số 2

Tại buổi khởi công di dời hạ tầng kỹ thuật cho Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vào sáng 22/6, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - Chủ đầu tư) cho biết, việc di dời giúp Thành phố có mặt bằng sạch, thi công nhà ga, đường hầm đầu năm 2025.

Theo Chủ đầu tư, việc thi công di dời các công trình sẽ thực hiện trong 20 tháng, tại 9 ga ngầm, hai đoạn đào hở, một ga trên cao của tuyến metro. Quá trình triển khai theo hai giai đoạn, đầu tiên di dời và thi công hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông ở hành lang 5 m bên hông các nhà ga của tuyến. Giai đoạn sau, nhà thầu sẽ di dời và tái lập ngầm vĩnh viễn các công trình điện, viễn thông... phù hợp với thiết kế và cảnh quan tại khu vực.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông, cây xanh... dọc Metro số 2 rất lớn nên công tác di dời và tái bố trí là hạng mục quan trọng để triển khai Dự án. Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ di dời cùng giải phóng mặt bằng để có 100% diện tích sạch trước khi thực hiện gói thầu chính của dự án.

Metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, một ga trên cao. Công trình trước đây dự kiến thi công hoàn thành năm 2026, nhưng gặp nhiều vướng mắc nên đang được gia hạn đến năm 2030, cùng hai năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành.

Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến đạt gần 87% với 508 trong tổng 586 trường hợp đã bàn giao. Vướng mắc chính ở địa bàn quận 3 liên quan đơn giá bồi thường. Các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để đảm bàn giao toàn bộ mặt bằng vào cuối năm nay.

Đề xuất không xây khách sạn 7 tầng cạnh hồ Xuân Hương

Sở Xây dựng Lâm Đồng đề xuất UBND Tỉnh chưa xem xét việc xây khách sạn 5 sao ở khu đất vàng, cạnh hồ Xuân Hương.

Vị trí khu đất vàng được đề xuất xây khách sạn 5 sao sát hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt

Vị trí khu đất vàng được đề xuất xây khách sạn 5 sao sát hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt

Trước đó, Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Mount A xin phép xây dựng khách sạn 5 sao trên khu đất số 11 Trần Quốc Toản, Phường 1, TP. Đà Lạt. Đây là khu đất vàng tại Đà Lạt, sát hồ Xuân Hương có diện tích hơn 6.300 m2.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, công trình khách sạn gồm 7 tầng nổi, 4 tầng hầm. Mật độ xây dựng phần nổi là 60%, phần ngầm 90%. Khoảng lùi xây dựng tối thiểu 6 m với đường Bùi Thị Xuân và 10 m với đường Trần Quốc Toản.

Sở Xây dựng Lâm Đồng đánh giá đề xuất xây dựng công trình khách sạn cao cấp trên là chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt.

Theo đơn vị này, khu đất 11 Trần Quốc Toản thuộc phạm vi đồ án thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương và trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt. Đề xuất các chỉ tiêu xây dựng khách sạn của Công ty Mount A vượt quá quy định tại các đồ án này như mật độ xây dựng tại khu đất vàng này không được quá 40%, với khoảng lùi trên 40 m cũng chỉ được xây công trình cao tối đa 5 tầng.

Đồng thời, Sở cho biết, hiện nay tại vị trí khu đất chưa có quy hoạch phân khu được duyệt. Khu đất này do Công ty TNHH DiDaMa trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trả tiền một lần. Qua quá trình sang nhượng, cho tặng, đến cuối năm 2021, Mount A trở thành chủ của khu đất.

Xét xử vụ Chuyến bay giải cứu vào ngày 11/7

TAND TP. Hà Nội vừa ra quyết định sẽ tiến hành xét xử vụ Chuyến bay giải cứu với 54 bị cáo vào ngày 11/7.

Một "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước trong đợt dịch Covid-19.

Một "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước trong đợt dịch Covid-19.

54 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Cáo trạng xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép bay và cho chủ trương cách ly.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và cả trong quá trình giải quyết vụ án, 25 cá nhân đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ được giao, nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, trong quá trình điều tra vụ án có 2 sĩ quan công an nhận hàng triệu USD để chạy án, lừa đảo. Việc này gây thiệt hại tài sản, làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan tố tụng nói riêng nên cần xử lý nghiêm.

Ở vụ án này, có tới 18 bị can bị VKSND Tối cao truy tố tội Nhận hối lộ theo Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tù 20 năm, Chung thân hoặc Tử hình.

Trong đó, riêng bị can Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022 bị cáo buộc nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

Hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu HLG

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu HLG của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Long.

HNX vừa có quyết định về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu HLG

HNX vừa có quyết định về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu HLG

Cụ thể, HNX hủy đăng ký giao dịch đối với 44.375.385 cổ phiếu HLG của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Long. Ngày giao dịch cuối cùng trên hệ thống giao dịch UPCoM là 12/7/2023. Ngày hủy đăng ký giao dịch là 13/7.

Cổ phiếu HLG bị hủy đăng ký giao dịch do Công ty CP Tập đoàn Hoàng Long hủy tư cách công ty đại chúng theo Công văn số 3584/UBCK-GSĐC ngày 13/6/2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 137 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Trường Đại học dân lập Phương Đông bị tước quyền tự chủ tuyển sinh trong 5 năm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ra văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm với Trường Đại học dân lập Phương Đông.

Trường Đại học dân lập Phương Đông vừa bị tước quyền tự chủ tuyển sinh trong 5 năm

Trường Đại học dân lập Phương Đông vừa bị tước quyền tự chủ tuyển sinh trong 5 năm

Bộ GDĐT vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Đại học dân lập Phương Đông vì đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh.

Cụ thể, Trường Đại học dân lập Phương Đông đã có hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu.

Bộ GDĐT yêu cầu, Trường Đại học dân lập Phương Đông không tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 5/9/2022 đến ngày 5/9/2027.

Thay vào đó, Bộ GDĐT sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho trường này theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục đại học.

Trước đó, có 2 trường cũng bị Bộ GDĐT tước quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm là Trường Đại học Nông lâm TP.HCM và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ ngày 30/3/2023 đến 30/3/2028. Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ ngày 2/4/2023 đến 2/4/2028.

Lý do Bộ GDĐT đưa ra là những trường này có hành vi tuyển sinh vượt số lượng quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Chuyên đề