Ba tập đoàn nước ngoài cam kết đầu tư 3,7 tỷ USD trong năm nay
Dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Các dự án được cam kết bao gồm sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong Hội nghị này, đã có 3 tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD.
Đó là các nhà đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế. Cụ thể, sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1,5 tỷ USD, sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỷ USD.
Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao…
Quảng Ninh dành hơn 6.500 ha đất cho 8 khu công nghiệp mới
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã công bố, Quảng Ninh sẽ dành quỹ đất 6.589,03 ha cho 8 khu công nghiệp (KCN) mới.
KCN Sông Khoai do Tập đoàn Amata đầu tư vào Quảng Ninh hiện đang được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng |
Tỉnh Quảng Ninh đang có 16 KCN, bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Tổng diện tích của 16 KCN là 12.886,8 ha nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đăng kí Đầu tư và thành lập. Những KCN gồm: Cái Lân, Đông Mai, Việt Hưng, Hoành Bồ, Hải Yên, Texhong Hải Hà - giai đoạn I (thuộc khu công nghiệp- Cảng biển Hải Hà), Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng (thuộc khu công nghiệp - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc) với tổng diện tích 4.632,22 ha. Trong đó có 7 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp như: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, Sông Khoai và Bắc Tiền Phong).
Những KCN tập trung tại các địa phương như TP. Hạ Long, TP. Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên, nơi hạ tầng giao thông sẵn có như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái chạy suốt đến cửa khẩu Móng Cái,.v.v…
Cũng theo quy hoạch mới, Tỉnh sẽ có thêm 8 KCN nữa với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03 ha ngoài 16 KCN đã có. Trong đó: KCN phía Nam Đầm Nhà Mạc (1.334 ha), KCN phía Bắc Đầm Nhà Mạc (1.400 ha), KCN phía Đông sông Rút (340 ha), KCN phía Tây sông Khoai (400 ha) tại thị xã Quảng Yên, KKT ven biển Quảng Yên; KCN Uông Bí (1.200 ha) tại TP. Uông Bí, KKT ven biển Quảng Yên; KCN Việt Hưng 2 (500 ha) tại TP. Hạ Long; KCN Cẩm Phả 2 (228 ha) tại TP. Cẩm Phả; KCN Đông Triều 2 (1.187,03 ha) tại thị xã Đông Triều.
Bắt đầu nhận khách đăng ký tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM dịp lễ 30/4
Lần đầu tiên, du khách và người dân TP.HCM sẽ có cơ hội tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia hơn 110 năm tuổi là trụ sở HĐND và UBND TP.HCM dịp lễ 30/4.
Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM sẽ đón khách tham quan dịp lễ 30/4 |
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. Đây là công trình đã có tuổi đời hơn 110 năm.
Theo đó, dịp lễ này vào các ngày 29 và 30/4, du khách nội địa và quốc tế đi theo đoàn và có đăng ký sẽ được tham quan, trải nghiệm một phần trụ sở HĐND và UBND TP.HCM gồm khu vực sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế, cầu thang chính… của tầng trệt và tầng một.
Để triển khai kế hoạch này, Sở Du lịch được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng chương trình tham quan, là đầu mối tiếp nhận đăng ký tham quan của du khách; chủ trì phối hợp với Bảo tàng TP.HCM và Văn phòng UBND TP.HCM xây dựng sơ đồ hướng dẫn, bộ nhận diện cho khách tham quan.
Bắt đầu từ ngày 22/4, Sở Du lịch sẽ tiếp nhận đăng ký tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục triển khai chương trình đến doanh nghiệp lữ hành, định hướng doanh nghiệp làm mới sản phẩm nội đô gắn với điểm nhấn di tích trụ sở HĐND và UBND thành phố với các điểm đến khác theo hướng tuyến hoặc theo chuyên đề lịch sử, kiến trúc.
Đây là hoạt động du lịch lần đầu tiên được triển khai nhằm giới thiệu sự hình thành và phát triển lịch sử của thành phố và các khu di tích quốc gia, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu TP.HCM.
Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được xây dựng từ năm 1889 và hoàn thành vào năm 1909, đây là một trong những công trình kiến trúc cổ và tiêu biểu của thành phố. Từ 30/4/1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của HĐND và UBND TP.HCM.
Hải Phòng cưỡng chế thu hồi khu đất vàng hơn 13.000 m2
Khu đất nằm tại trung tâm quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng bị cưỡng chế thu hồi sau khi chủ đầu tư không thực hiện xây dựng khối tháp cao 21 tầng như đã cam kết.
Khu đất thực hiện tòa tháp 21 tầng bị cưỡng chế thu hồi do chủ đầu tư không thực hiện dự án. |
Ngày 22/4, đại diện UBND quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) cho biết, quận vừa có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi khu đất rộng 13.524,9 m2 tại lô 20A, đường Lê Hồng Phong, Khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền của Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư EIE.
Theo đại diện chính quyền quận, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế được lập ra sau khi công ty EIE không thực hiện đầu tư như cam kết, không chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND TP. Hải Phòng.
Trước đó, năm 2005, UBND TP. Hải Phòng có quyết định giao 30.130 m2 tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền để Công ty EIE thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại EIE. Chủ đầu tư cam kết một năm sau hoàn thành khối siêu thị, đến cuối năm 2010 hoàn thành khối tháp có quy mô 21 tầng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, EIE mới chỉ thực hiện hạng mục xây dựng siêu thị 3 tầng trên phần dịch tích hơn 16.000 m2. Dự án tòa tháp 21 tầng trên diện tích hơn 13.000 m2 chưa được chủ đầu tư thực hiện như đã cam kết.
Sau nhiều lần đôn đốc, tháng 6/2020, UBND TP Hải Phòng gia hạn thêm 24 tháng sử dụng đất nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đến cuối tháng 12/2022, thành phố ra quyết định thu hồi diện tích đất nói trên và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý đến khi có quyết định khác của thành phố.
Cáp quang biển có băng thông lớn nhất gặp sự cố mới
APG, tuyến cáp có băng thông lớn nhất, phát sinh lỗi mới trên nhánh S7 gần trạm cập bờ Đà Nẵng, giữa lúc cả 5 tuyến chưa sửa xong.
APG - tuyến cáp có băng thông lớn nhất, phát sinh lỗi mới. Ảnh minh họa |
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết, vấn đề mới phát sinh trên phân đoạn APG rẽ nhánh vào Việt Nam, cách điểm cập bờ tại Đà Nẵng 206 km. Hiện chưa có thông tin về thời gian khắc phục sự cố.
Asia Pacific Gateway (APG) là tuyến cáp biển có băng thông lớn nhất đang kết nối tới Việt Nam, với chiều dài 10.400 km, khả năng cung cấp băng thông tối đa 54 Tb/giây và được đưa vào khai thác từ cuối 2016. Cuối tháng 12/2022 và giữa tháng 1, APG gặp lỗi trên nhánh S6 hướng đi Hong Kong và nhánh S9 với vị trí lỗi cách trạm cập bờ SEA 151 km. Hai sự cố khi đó gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến APG.
Vấn đề trên nhánh S9 hướng đi Singapore và Nhật Bản của APG được sửa xong cuối tháng 3. Trong khi đó, thời gian khắc phục nhánh S6 đang bị lùi sang cuối tháng 4.
Việt Nam có năm tuyến cáp quang biển đang hoạt động và lần đầu cả năm tuyến cùng gặp sự cố. Bên cạnh APG, tuyến AAE-1 lỗi từ ngày 24/11/2022, mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong và dự kiến được sửa từ 2/5 đến 17/5.
Tuyến AAG gặp sự cố vào tháng 12/2022 và tháng 1, mất dung lượng tất cả các hướng. Trong đó, nhánh S1I và S1G sẽ được khắc phục vào đầu tháng 5, còn S1B và S1D chưa có lịch sửa. Tuyến IA lỗi cuối tháng 1 và có thể được khôi phục trong tháng 4, trong khi SMW-3 gặp lỗi nhỏ vào tháng 2 nhưng chưa được sửa.
Ngày 9/2, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau. Tình trạng Internet chập chờn dần giảm bớt, nhưng theo đánh giá của nhiều người dùng, chất lượng Internet chưa thể trở lại như giai đoạn bình thường.
Mỗi tấn thép giảm một triệu đồng trong tháng 4
Trong một tháng, nhiều đơn vị điều chỉnh giá thép 2-3 lần liên tiếp, hiện mỗi tấn giảm khoảng một triệu đồng, về quanh 15 triệu đồng.
HPG vừa hạ giá thép cuộn CB240 về 15 triệu đồng một tấn |
Hòa Phát (HPG) vừa hạ giá thép cuộn CB240 về 15 triệu đồng một tấn, giảm 200.000 đồng so với hồi giữa tháng. Thép thanh vằn CB300 D10 cũng được điều chỉnh 130.000 đồng về 15,45 triệu đồng một tấn. Đây là lần thứ ba trong tháng này, Hòa Phát giảm giá thép, lũy kế đến nay đã hạ gần một triệu đồng mỗi tấn.
Tương tự, các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Nhật, Pomina... cũng liên tục điều chỉnh giá bán sản phẩm. Như vậy, sau giai đoạn tăng 6 lần liên tiếp trong tháng 1 và tháng 2, mặt bằng giá thép nay trở lại mức đầu năm.
Theo số liệu từ Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina, sản lượng tiêu thụ thép ba tháng đầu năm giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đưa ra thống kê, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm hơn 25% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu giảm 9%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 21%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 600.000 tấn.
VSA lý giải thêm giá thép giảm còn do giá nguyên liệu sản xuất đang đi xuống giúp các doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán phù hợp với chi phí đầu vào. Ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm tiếp.
Đà Nẵng chấm dứt dự án ôm 'đất vàng' 4 mặt tiền suốt 15 năm
Dự án Golden Square nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng đã chấm dứt hoạt động sau 15 năm “ôm” đất vàng.
Dự án Khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp Golden Square (khoanh đỏ) "đắp chiếu" trong nhiều năm qua |
Ngày 22/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Đà Nẵng vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp Golden Square của Công ty CP Địa ốc Đông Á.
Tại thông báo này, Sở KH&ĐT cho hay, dự án đã chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/12/2022 do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động để thực hiện chuyển nhượng đất và tài sản trên đất theo quy định.
Sở này yêu cầu Công ty CP Địa ốc Đông Á có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước liên quan đến dự án theo quy định của pháp luật; nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP. Đà Nẵng cấp lần đầu ngày 2/1/2008.
Dự án Golden Square được khởi công từ đầu năm 2008, với thiết kế bao gồm 3 tòa tháp cao từ 21-36 tầng với 353 phòng khách sạn và 576 căn hộ. Chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Đông Á. Tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự án này có diện tích hơn 10.660m2, nằm tại vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Nguyễn Thái Học, Yên Bái, Phạm Hồng Thái và Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu).
Thời điểm khởi công, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác dự án trong vòng 3 năm. Golden Square từng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị trung tâm TP. Đà Nẵng.
Tuy nhiên, từ khi khởi công, tiến độ của dự án liên tục chậm. Hiện tại dự án thi công dang dở và bỏ hoang trong hơn 10 năm qua gây lãng phí.
Hà Nội tiếp nhận hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP. Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư.
Quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi |
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa cho biết, hiện tại, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (PMUR) thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận một phần hồ sơ tài liệu có liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi.
Sau khi hoàn thành công tác tiếp nhận, MRB sẽ tham mưu UBND TP. Hà Nội triển khai các bước tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi theo quy hoạch.
Trước đó, để cụ thể hóa mạng lưới quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới đường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT bàn giao hồ sơ dự án cho UBND TP. Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư; đồng thời, Bộ GTVT chủ trì phối hợp với UBND TP. Hà Nội xác định lộ trình đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông để thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn tuyến đường sắt quốc gia cho Hà Nội.
Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1) đang trong giai đoạn cập nhật hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng khu tổ hợp Ngọc Hồi nên khó hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024.
Công an khám xét trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T ở Đồng Nai
Ngày 22/4, lực lượng công an đã tiến hành khám xét trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T tại phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cùng một số địa điểm đặt văn phòng của trung tâm này cũng tại TP. Biên Hoà và thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Cơ sở của trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T |
Lực lượng chức năng đi xe ô tô công vụ Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP.HCM đến Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đã tiến hành làm việc với một số nhân viên của trung tâm để phục vụ công tác điều tra.
Theo thông tin ban đầu, việc khám xét, thu giữ tài liệu và làm việc với nhiều người tại các địa điểm của trung tâm này được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác điều tra về các sai phạm liên quan.