Bản tin thời sự sáng 23/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD ngân hàng lên kịch trần 24.452 đồng; TP.HCM sẽ phát triển 42 công viên ven sông Sài Gòn; Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây cảng có thể đón du thuyền 6.000 khách; khởi động lại dự án 1.000 tỷ giữa trung tâm Bình Dương…

Giá USD ngân hàng lên kịch trần 24.452 đồng

Giá USD ngân hàng ngày 22/10 lên kịch trần 24.452 đồng, bằng mức kỷ lục thiết lập hồi giữa năm.

Giá USD ngân hàng ngày 22/10 lên kịch trần 24.452 đồng

Giá USD ngân hàng ngày 22/10 lên kịch trần 24.452 đồng

Ngày 22/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 22.240 đồng, tăng 12 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng giá từ 23.028 đồng đến tối đa 25.452 đồng.

Các ngân hàng thương mại ngày 22/10 cũng đồng loạt tăng giá đôla Mỹ lên mức trần. Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 25.062 - 25.452 đồng, tăng 22 đồng so với hôm qua. Tỷ giá mua bán tại BIDV lên 25.188 - 25.452 đồng; Eximbank cũng nâng lên 25.150 - 24.452 đồng.

Sau nhiều phiên đi lên liên tiếp, giá USD ngân hàng đã tăng 680 đồng, tương đương 2,75% so với đầu tháng. Còn so với đầu năm, mỗi USD ngân hàng tăng hơn 1.000 đồng, tương đương hiệu suất 4,2%.

Hiện, tỷ giá ngân hàng giao dịch khá sát với đồng USD trên thị trường chợ đen. Sáng 22/10, các điểm thu đổi ngoại tệ mua bán USD quanh mức 25.460 - 25.560 đồng.

TP.HCM sẽ phát triển 42 công viên ven sông Sài Gòn

TP.HCM dự tính phát triển mảng xanh dọc sông Sài Gòn với 42 công viên, kết hợp đầu tư hạ tầng đa chức năng giúp cải tạo cảnh quan, phát triển kinh tế, dịch vụ.

Sông Sài Gòn, đoạn qua khu trung tâm TP.HCM

Sông Sài Gòn, đoạn qua khu trung tâm TP.HCM

Đây là một trong những nội dung nêu trong báo cáo tổng kết của UBND TP.HCM về Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020 - 2045. Phạm vi nghiên cứu của Đề án là dọc theo hành lang sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa bàn Thành phố, gồm TP. Thủ Đức, quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh và 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn.

Định hướng phát triển chuỗi công viên thuộc nhóm xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, kết nối giao thông và triển khai các dự án thành phần ven sông. Kế hoạch này được đưa ra sau khi các chuyên gia và tư vấn nghiên cứu, đề xuất tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Các công viên khi hình thành được kỳ vọng phát huy lợi thế, tiềm năng sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, chất lượng cảnh quan... Việc triển khai các dự án sẽ phân kỳ, phân đoạn, phân vùng, gắn với giao thông và hạ tầng dọc bên.

Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Đoạn sông chảy qua TP.HCM dài khoảng 80 km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Hiện dọc sông đoạn qua nội đô thành phố mới có một số công viên như Bạch Đằng, bờ sông bên Thủ Thiêm, công viên trong khu Vinhomes Central Park...

Trong kế hoạch triển khai các nội dung thuộc Đề án, chính quyền Thành phố cho biết, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ tập trung rà soát quỹ đất dọc hành lang sông, đồng thời đề xuất phương án tạo quỹ đất, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư... Thành phố cũng sẽ ưu tiên triển khai hạ tầng xanh và khuyến khích các đối tác tư nhân tham gia đầu tư.

Toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha.

Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây cảng có thể đón du thuyền 6.000 khách

Cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu sẽ được xây ở khu vực bãi Trước, vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, đón những du thuyền hạng sang chở 5.000 - 6.000 khách.

Phối cảnh cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu

Phối cảnh cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu

Theo phương án vừa được liên danh tư vấn PORTCOAST - TEDIPORT - HPEC đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND Tỉnh, cảng tàu khách quốc tế Vũng Tàu được xây ở vị trí giáp khu tổ hợp nhà ga cáp treo ở bãi Trước.

Quy mô dự án gồm nhà ga hành khách kết hợp với cửa hàng miễn thuế; văn phòng khách sạn và căn hộ du lịch; bến du thuyền, bãi đỗ xe; các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cầu tàu, bờ kè và đê chắn sóng...

Bến khách với cầu cảng dài 420 m, trong đó sàn đón khách 140 m cho phép du thuyền cỡ lớn 225.000 - 228.000 GT (dung tích tàu) đậu hai bên; cầu dẫn nối bờ dài khoảng 700 m. Khu vực bên trong bến bố trí các bến du thuyền, tàu công vụ, dịch vụ hàng hải, cảng vụ. Ở phía Đông và Đông Nam cảng là bến thủy phi cơ.

Dự án khi hình thành sẽ là bến cảng khách của cả khu vực phía Nam, cảng cửa ngõ, thu hút khách trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, đây là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế và lễ hội; quảng bá các sản phẩm của địa phương; hình thành các dịch vụ thương mại 5 sao, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Dự án đang được cơ quan chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thiện hồ sơ tiền khả thi và lên phương án chọn nhà đầu tư.

Với lợi thế "cửa ngõ" ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu những năm gần đây thu hút đông khách tàu biển (năm 2023 hơn 80.000 khách). Năm nay có 50 du thuyền đăng ký cập cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, mỗi chuyến đưa hàng nghìn khách đến tham quan các điểm đến ở Tỉnh và TP.HCM...

Khởi động lại dự án 1.000 tỷ giữa trung tâm Bình Dương

Dự án gần 20 ha nằm giữa trung tâm TP. Thủ Dầu Một được phê duyệt 14 năm trước, sau thời gian dài dừng triển khai vì vướng pháp lý, nay sẽ được khởi động lại.

Dự án KDC Võ Minh Đức nằm giữa trung tâm TP. Thủ Dầu Một

Dự án KDC Võ Minh Đức nằm giữa trung tâm TP. Thủ Dầu Một

Sáng 22/10, trong buổi họp báo kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, UBND Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Khu dân cư Võ Minh Đức từ tháng 8/2024.

Theo quyết định, quý IV/2026 dự án sẽ hoàn tất các thủ tục môi trường, giải phóng mặt bằng và hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng vào quý IV/2028.

Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức (tên thương mại Central Residence) được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt từ năm 2010 nằm tại phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một do Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên làm chủ đầu tư.

Dự án khu dân cư có diện tích ban đầu là 19,4 ha, sau đó được điều chỉnh lên 19,7 ha với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng với quảng cáo 400 căn nhà phố, biệt thự và 200 căn hộ chung cư.

Sau khi có chủ trương đầu tư, chủ đầu tư tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng 15 ha và đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gần 10 ha. Mặc dù chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý và chưa được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn triển khai thi công và bán nhà cho người dân.

Do xảy ra vi phạm trong thực hiện dự án, cơ quan chức năng xử phạt hành chính và yêu cầu dừng ngay các hoạt động xây dựng trái phép tại dự án. Để đảm bảo tính pháp lý dự án cũng như tránh việc người dân mua nhà đất khi chưa đủ điều kiện, chính quyền địa phương cũng cắm biển cảnh báo người dân về tình trạng pháp lý của dự án và ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng trái phép.

Không công bố thông tin theo quy định, BB Sunrise Power bị phạt 92,5 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP BB Sunrise Power.

Không công bố thông tin theo quy định, BB Sunrise Power bị phạt 92,5 triệu đồng. Ảnh minh họa

Không công bố thông tin theo quy định, BB Sunrise Power bị phạt 92,5 triệu đồng. Ảnh minh họa

Cụ thể, UBCKNN phạt BB Sunrise Power 92,5 triệu đồng do Công ty không công bố cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu: Báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022 và 6 tháng năm 2023.

Đồng thời, Công ty gửi nội dung công bố thông tin không đúng thời hạn cho HNX các tài liệu: Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2022, Báo cáo tình hình thực hiện cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022.

Công ty CP BB Sunrise Power được thành lập vào tháng 9/2019, với lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là lắp đặt, sửa chữa và truyền tải phân phối điện. Trụ sở chính Công ty đặt tại A2023, Tháp The Manor, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. BB Sunrise Power đang nằm trong hệ sinh thái của BB Group do ông Vũ Quang Bảo sáng lập.

Trong nửa đầu năm 2024, BB Sunrise Power lỗ sau thuế hơn 134,2 tỷ đồng giảm đáng kể so với mức lỗ 247,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Thua lỗ lớn đã khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp về mức âm gần 222 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái gần 88 tỷ đồng).

Đến cuối quý II/2024, tổng nợ phải trả của BB Sunrise Power ở mức 4.886 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/VCSH là âm 22,01 lần. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp còn 477 tỷ đồng.

BB Sunrise Power đang lưu hành lô trái phiếu BBSP.H.20.23.001 với giá trị hơn 500 tỷ đồng, phát hành 22/12/2020, kỳ hạn 3 năm. Vào tháng 5/2024, BB Sunrise Power được trái chủ chấp thuận kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu này từ 3 năm thành 5 năm. Do đó, ngày đáo hạn được điều chỉnh từ 22/12/2023 thành 22/12/2025, lãi suất 8%/năm.

Vừa qua, Công ty BB Sunrise Power đã thực hiện 3 đợt mua lại một phần trước hạn lô trái phiếu với giá trị gần 23 tỷ đồng, do đó khối lượng lưu hành của lô trái phiếu này có giá trị hơn 477 tỷ đồng.

Công ty Bảo hiểm Hàng không thua lỗ do phải đền bù thiệt hại bão Yagi

Tác động từ bão Yagi đã khiến chi phí bồi thường của Bảo hiểm Hàng không tăng mạnh, qua đó khiến công ty báo lỗ quý III.

Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không lỗ 39 tỷ đồng trong quý III do phải đền bù thiệt hại từ bão Yagi

Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không lỗ 39 tỷ đồng trong quý III do phải đền bù thiệt hại từ bão Yagi

Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không - VNI (UPCoM: AIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với khoản lỗ ròng 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 6 tỷ đồng.

Khoản lỗ quý III đã kéo lùi kết quả kinh doanh 9 tháng, khiến doanh nghiệp bảo hiểm này lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 30 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Theo giải trình từ phía VNI, chi phí bồi thường tăng mạnh do ảnh hưởng của bão Yagi (cơn bão số 3) đã tác động đến lợi nhuận sau thuế của công ty.

Báo cáo tài chính cho thấy riêng trong quý III, tổng chi phí bồi thường bảo hiểm của VNI đã tăng 44%, lên mức 211 tỷ đồng. Các khoản bồi thường xe cơ giới, sức khoẻ, thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu vẫn chiếm tỷ trọng lớn tuy nhiên không biến động nhiều so với cùng kỳ. Lý do chính khiến chi phí bồi thường bảo hiểm của công ty tăng mạnh là khoản dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc lên đến 466 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước khoản này đã giảm 130 tỷ đồng.

Trong quý III, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm của VNI tăng 12%, đạt trên 497 tỷ đồng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tổng chi phí đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng 11%, đạt trên 493 tỷ. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 47%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của VNI đã tăng 15%, đạt 1.556 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động bảo hiểm tăng tương ứng cùng khoản dự phòng lớn trong quý III đã khiến lợi nhuận 9 tháng của công ty rơi xuống mức âm 20 tỷ đồng.

Theo cập nhật trước đó của Bảo hiểm Hàng không, chỉ trong hơn 3 tuần kể từ khi siêu bão Yagi đi qua, công ty đã tiếp nhận 822 lượt thông báo thiệt hại xe cơ giới, trong đó, 750 xe đã được thực hiện các thủ tục bảo lãnh hoặc chi trả bồi thường, 72 xe còn lại là các xe có tổn thất lớn, đang được sửa chữa tại các xưởng. Tổng số tiền tạm ứng và bảo lãnh mà doanh nghiệp đã thực hiện là hơn 11 tỷ đồng.

Thêm một trạm thu phí BOT ở Bình Dương dừng hoạt động

Từ 0h ngày 22/10, trạm thu phí BOT Bình Thắng trên đường ĐT 743A (TP. Dĩ An, Bình Dương) chính thức dừng thu phí.

Trạm thu phí BOT Bình Thắng thông báo dừng thu phí từ 0h ngày 22/10

Trạm thu phí BOT Bình Thắng thông báo dừng thu phí từ 0h ngày 22/10

Sáng 22/10, các barie tại đây đã được dựng lên để các ô tô qua lại tự do. Cùng thời điểm, một số công nhân đang tiến hành tháo dỡ các hạng mục của trạm thu phí. Giao thông qua khu vực ùn ứ nhẹ do hai làn ở giữa bị phong tỏa để các nhân viên làm việc.

Công ty CP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (đơn vị quản lý) đã có thông báo gửi UBND tỉnh Bình Dương, UBND TP. Dĩ An, cùng các ban ngành khác về việc chấm dứt hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao Dự án Đầu tư công trình cải tạo - nâng cấp đường Bình Thung - Tân Vạn dài 5.062 m (nay là đường ĐT 743A).

Thông báo nêu rõ, công ty sẽ dừng thu phí trại tạm BOT Bình Thắng kể từ 0h ngày 22/10, đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành chấm dứt hợp đồng BOT, và chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng của dự án trên theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 31/10/2020, một trạm thu phí khác tại TP. Dĩ An cũng đã dừng hoạt động là trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1K (phường Đông Hòa).

Hiện trên địa bàn TP. Dĩ An còn một trạm thu phí hoạt động là trạm thu phí BOT Bình Thung cũng do Công ty CP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương quản lý.

Chuyên đề