Bản tin thời sự sáng 2/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hai dự án cao tốc Bắc Nam sẽ thông xe cuối tháng 4; Chính phủ giục Bộ Công Thương trình kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; TP.HCM "tồn" 59.000 căn hộ chưa cấp sổ hồng; Đồng Nai chuyển đổi rừng sản xuất để xây Khu tái định cư Long Phước…

Hai dự án cao tốc Bắc Nam sẽ thông xe cuối tháng 4

Hai dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) dự kiến thông xe dịp 30/4.

Hầm Núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Hầm Núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Hai đoạn cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Hiện 9 trong số 11 dự án thành phần đã được khai thác, còn 2 đoạn chưa hoàn thành.

Tại Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đến giữa tháng 2, sản lượng thi công đạt gần 95%. Một số hạng mục chưa hoàn tất là trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh ITS, nút giao Thuận Nam, đường gom.

Doanh nghiệp dự án cam kết hoàn thành hầm Núi Vung và công trình phụ trợ để đưa vào sử dụng dịp 30/4 theo hợp đồng đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, được khởi công tháng 9/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 8.925 tỷ đồng. Dự án đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Với Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Bộ GTVT cho biết, sản lượng thi công mới đạt khoảng 72% giá trị hợp đồng, chậm 5% so với tiến độ điều chỉnh lần 4. Các hạng mục đang bị chậm là xử lý đất yếu (chậm khoảng 5 tháng), hầm Thần Vũ (chậm 2 tháng), cầu Hưng Đức (chậm 2 tháng).

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km, được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT với Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Đầu tư Xây dựng VINA2. Tuyến đường tiếp nối với đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thành, tạo thành tuyến cao tốc Bắc Nam thông suốt từ Hà Nội đến Vinh.

Theo Bộ GTVT, Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đặt mục tiêu thông xe 30 km từ đầu tuyến (nút giao Quốc lộ 7) đến nút giao Quốc lộ 46B trước 30/4. Đoạn còn lại (19 km) có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Chính phủ giục Bộ Công Thương trình kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương phải trình kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trước ngày 2/3, không chậm trễ thêm, theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ.

Quy hoạch điện VIII xác định tới 2030 phát triển công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW

Quy hoạch điện VIII xác định tới 2030 phát triển công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW

Một năm sau khi Quy hoạch điện VIII được ban hành, kế hoạch thực hiện quy hoạch này - cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn, lưới điện - vẫn chưa có. Tại thông báo mới đây, Thường trực Chính phủ đánh giá việc này "quá chậm", ảnh hưởng tới triển khai các dự án, cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng.

"Hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là yêu cầu cấp bách, không chậm trễ thêm", Chính phủ nêu quan điểm, và yêu cầu Bộ Công Thương trình trước ngày 2/3.

Thực tế, kế hoạch này từng được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền từ giữa năm ngoái, nhưng không đạt yêu cầu và phải hoàn thiện lại nhiều lần. Vướng mắc chính là danh mục dự án điện tái tạo được các địa phương đề xuất vượt quy hoạch. Chẳng hạn, điện tái tạo gấp 3,7 lần, điện sinh khối gấp 4,4 lần, hay điện rác gấp 1,7 lần.

Vì thế, Chính phủ lưu ý Bộ Công Thương làm rõ căn cứ pháp lý của danh mục các dự án dự phòng, cơ chế điều hành phát triển điện linh hoạt. Kế hoạch cũng cần xác định tiến độ dự án đưa vào vận hành hàng năm và bổ sung chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo... để đảm bảo cung ứng điện.

"Chỉ đưa vào kế hoạch các dự án đủ căn cứ pháp lý, tránh tùy tiện, xin - cho", Thường trực Chính phủ yêu cầu.

Các địa phương, cơ quan tư vấn và Bộ Công Thương cần làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ lập, thực hiện kế hoạch.

Quy hoạch điện VIII xác định tới 2030 phát triển công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW; điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW. Điện sinh khối, rác là 2.270 MW và thủy điện 29.346 MW.

Theo Dự thảo Kế hoạch trình cuối năm ngoái, quy mô vốn ước tính để phát triển các loại nguồn điện được Bộ Công Thương tính toán gần 120 tỷ USD. Trong đó, gần 76% là vốn tư nhân (gần 91 tỷ USD), Nhà nước chỉ chiếm 24%. Vốn đầu tư công, khoảng 50 tỷ USD, ưu tiên hoàn thiện chính sách, tăng năng lực ngành điện. Vốn cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo gần 29.800 tỷ đồng, hiện cân đối được 30%.

TP.HCM "tồn" 59.000 căn hộ chưa cấp sổ hồng

Gần 59.000 căn hộ thương mại ở TP.HCM đủ điều kiện nhưng chưa được cấp sổ hồng, do dự án vướng mắc về thuế, pháp lý.

Bất động sản ở TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Bất động sản ở TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Thông tin trên được ông Võ Công Lực, Trưởng phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) nêu tại họp báo về kinh tế - xã hội vừa tổ chức.

Theo đó, năm ngoái, 81.000 căn hộ tại 335 dự án được thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng). Hơn 27% căn đã có sổ, còn 73% chưa được cấp, tương đương 59.000 căn hộ.

Lý do, theo ông Lực, chủ đầu tư dự án chậm nộp hồ sơ; bất động sản mới (officetel, shophouse) thiếu pháp lý; căn hộ phải nộp tài chính bổ sung hoặc thuộc diện đang thanh tra, điều tra.

Việc xử lý hồ sơ cấp sổ hồng, ông Lực cho hay, sẽ được Sở giải quyết theo từng vướng mắc. Chẳng hạn, cơ quan này sẽ xác định giá đất cụ thể làm căn cứ cho ngành thuế tính nghĩa vụ tài chính bổ sung; cùng cơ quan thuế đẩy nhanh xác định nghĩa vụ nộp tài chính.

Ngoài ra, hiện TP.HCM còn nhiều căn hộ chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng, do dự án đang thế chấp ngân hàng, vi phạm trong xây dựng.

Năm 2023, TP.HCM đã cấp hơn 22.000 sổ hồng. Hai tháng đầu năm, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cấp giấy chứng nhận cho 1.486 hồ sơ và tiếp nhận mới 1.189 hồ sơ.

Đồng Nai chuyển đổi rừng sản xuất để xây Khu tái định cư Long Phước

Đây là khu tái định cư nhằm bố trí chỗ ở cho các hộ nhường đất phục vụ Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án khác trên địa bàn huyện Long Thành, giai đoạn 2021 - 2025.

32 ha rừng sản xuất được chuyển mục đích sử dụng để xây dựng Khu tái định cư Long Phước

32 ha rừng sản xuất được chuyển mục đích sử dụng để xây dựng Khu tái định cư Long Phước

UBND tỉnh Đồng Nai vừa quyết định chuyển mục đích sử dụng hơn 32 ha rừng trồng sản xuất để thực hiện Dự án Khu tái định cư Long Phước.

Vị trí chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Lô 76, Khoảnh 1, Tiểu khu 217, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý.

Đồng Nai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trình tự, thủ tục về khai thác lâm sản theo đúng quy định; cập nhật diễn biến rừng đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án nêu trên.

Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh có trách nhiệm rà soát, tham mưu các trình tự, thủ tục về đất đai đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ để triển khai dự án.

Để bố trí chỗ ở cho hàng nghìn hộ nhường đất phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai dự kiến xây dựng 4 khu tái định cư. Hiện 2 khu tái định cư là Long Đức và Long Phước đã triển khai.

Khu tái định cư Long Phước có diện tích gần 34 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ đồng, khi hoàn thành có hơn 1.000 lô đất. Dù đã khởi công hơn 2 tháng nhưng việc thi công khu tái định cư này bị đình trệ hoàn toàn do hầu hết đất trong phạm vi Dự án là đất rừng sản xuất, chưa được chuyển mục đích sử dụng.

Khu tái định cư Long Đức khởi công đầu năm 2023 nhưng sau đó cũng chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng diện tích trồng cây cao su. Mới đây, cây cao su đã được cưa cắt, việc thi công đang triển khai.

Giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng từ ngày đầu tháng 3

Giá gas bình Petrolimex bán lẻ (bao gồm VAT) tháng 3 ở Hà Nội là 460.740 đồng/bình dân dụng 12 kg, tăng 2.640 đồng/bình; 1.842.760 đồng/bình công nghiệp 48 kg, tăng 10.560 đồng/bình so với tháng trước.

Giá gas bán lẻ trong nước tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay

Giá gas bán lẻ trong nước tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay

Giá gas bán lẻ trong nước tháng 3 tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ ngày 1/3. Như vậy, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng tháng thứ ba liên tiếp từ đầu năm đến nay.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh gas dân dụng và thương mại thuộc Tổng công ty Gas Petrolimex cho biết, mặc dù hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 3 này ở mức 635 USD/tấn, không thay đổi so với tháng trước nhưng do biến động tỷ giá nên Tổng công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

Theo Công ty TNHH Ban Mai Việt Nam, hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế. Mặc dù giá nhập khẩu gas thế giới theo hợp đồng (giá CP) cho tháng 3 chính thức chốt ở mức 635 USD, bằng với tháng trước, nhưng tỷ giá USD/VND tăng nên giá gas tháng 3 trong nước được điều chỉnh tăng khoảng 1.000 đồng/bình 6kg, tăng 2.000 đồng/bình 12kg và tăng 8.000 đồng/bình 45kg.

TP.HCM sẽ đào tạo tiểu thương chợ truyền thống livestream bán hàng

Đào tạo các tiểu thương bán hàng online, gồm livetream, là một trong những hướng phát triển thương mại điện tử của TP.HCM năm nay.

KOL, Tiktoker, người nổi tiếng livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành

KOL, Tiktoker, người nổi tiếng livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM), thay vì nhìn nhận ở góc độ bị cạnh tranh gay gắt bởi thương mại điện tử, chợ truyền thống có thể chuyển đổi số, tận dụng lợi thế về nguồn hàng và văn hóa đi chợ để bán online.

"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đưa thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi livestream, đào tạo thương nhân, đội ngũ KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng)", ông Hùng cho biết.

Sở Công Thương đánh giá, hình thức mua sắm kết hợp với giải trí như livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người bán. Năm ngoái, trong 5 ngày (từ 11 đến 16/12), hơn 100 KOL, người nổi tiếng được Ban Quản lý chợ Bến Thành mời đến để livestream bán hàng cùng tiểu thương, tiếp cận 81,6 triệu người, chốt được 18.200 đơn hàng trị giá 4,2 tỷ đồng.

Hay cuối tháng 1, "Ngày hội mua sắm Tết TP.HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến" chốt được 17.000 đơn qua hình thức bán livestream.

TP.HCM là nơi có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất cả nước, đạt 37% vào 2023. Năm ngoái, nơi đây chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, với doanh số bán hàng (tính theo vị trí kho) đạt 4,7 tỷ USD. Cùng với đó, người dân TP.HCM chi tiền nhiều nhất để mua hàng trên mạng, khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 29%.

Theo Sở Công Thương, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh nhưng cũng còn nhiều vấn đề, như hàng giả, kém chất lượng; lừa đảo trực tuyến; mua bán hàng hóa không hóa đơn, nhất là với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Muốn kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế phải qua đấu thầu

Dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế sẽ phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, theo Nghị định vừa được Chính phủ ban hành.

Dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế sẽ phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư

Dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế sẽ phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư

Nghị định số 23/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các trường hợp phải tổ chức đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu.

Theo Nghị định này, nhà đầu tư phải tham gia đấu thầu khi muốn kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế tại Việt Nam. Cùng với đó, các dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó phải đấu thầu khi có 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm.

Quy định này cũng được nêu tại Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế được ban hành từ năm 2017. Thời điểm đó, Nhà nước cho phép một doanh nghiệp thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế qua đấu thầu.

Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép thí điểm tham gia loại hình kinh doanh này. Năm ngoái, đại diện một doanh nghiệp xổ số điện toán từng chia sẻ trong chiến lược phát triển đến năm 2025, doanh nghiệp này dự kiến triển khai kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2021, Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 06 với một số điểm mới như cho phép đặt cược các giải bóng đá vô địch quốc gia châu Âu, người chơi có thể mua vé đặt cược trên Internet...

Hàng năm, cơ quan công an liên tiếp phát hiện và khởi tố các đường dây cá độ bóng đá bất hợp pháp lên đến cả nghìn tỷ đồng cho nhiều trận đấu của giải bóng đá thế giới. Các trang web cá độ với những cái tên gần giống nhau như FB88, Fi88, Bet88... được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Doanh số của thị trường cá cược bóng đá bất hợp pháp tại Việt Nam ước tính lên tới hàng chục tỷ USD nhưng Nhà nước không kiểm soát được dòng tiền cũng như thu thuế.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế ở Việt Nam. Trên thế giới, nhiều nước đã cho phép loại hình này.

Động thổ Dự án đường nối Ninh Thuận - Khánh Hòa - Lâm Đồng

Dự án đường nối liên vùng dài gần 57 km, nối 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, được động thổ chiều 1/3.

Vị trí tuyến đường

Vị trí tuyến đường

Công trình có quy mô đường cấp 3 miền núi, điểm đầu giao Quốc lộ 27C (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối giao Đường tỉnh 656, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Toàn tuyến phần lớn thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Nền đường rộng 9 m, 2 làn xe và dự kiến có 17 cầu. Tốc độ thiết kế 60 km/h, riêng đoạn hiểm trở, khó khăn là 40 km/h để đảm bảo an toàn.

Trong hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư Dự án, có 1.000 tỷ đồng ngân sách trung ương, phần còn lại là ngân sách địa phương. Tuyến đường dự kiến hoàn thành năm 2027.

Công trình nhằm xóa bỏ tính độc đạo của Tỉnh lộ 9, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, Dự án cũng giúp tăng kết nối địa phương này với Ninh Thuận và Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội 3 tỉnh.

Đề xuất hỗ trợ người dân Cần Giờ chuyển sang dùng xe điện

Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, người dân Cần Giờ sẽ được hỗ trợ tiền, lãi suất, giảm phí đăng ký, cấp biển số khi chuyển sang sử dụng xe điện.

Đường Rừng Sác ở Cần Giờ

Đường Rừng Sác ở Cần Giờ

Nội dung trên được Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu tại tờ trình gửi UBND Thành phố về chính sách hỗ trợ người dân sử dụng xe điện. Chương trình được thí điểm ở huyện Cần Giờ trước khi nhân rộng ra toàn Thành phố.

Theo đề xuất, giai đoạn 2024 - 2025, hộ nghèo ở Cần Giờ khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện sẽ được hỗ trợ 100% chi phí, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%. Các trường hợp khác sẽ được hỗ trợ toàn bộ lệ phí đăng ký, cấp biển số. Người mua xe máy điện trả góp sẽ được duy trì lãi suất vay ưu đãi mỗi năm 4%.

Các chính sách hỗ trợ lệ phí đăng ký, cấp biển số, lãi suất khi mua xe máy điện tiếp tục được duy trì đến năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu đến thời điểm này, toàn bộ cá nhân, hộ gia đình ở Cần Giờ chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đề xuất hỗ trợ thu mua khi người dân đổi từ xe xăng sang xe sử dụng năng lượng sạch. Cụ thể, xe máy xăng đã sử dụng 1 - 5 năm khi đổi sẽ nhận được 5 triệu đồng. Các mức hỗ trợ sẽ giảm dần từ 4 triệu đồng đến 500.000 đồng cho xe đã sử dụng từ 5 năm đến trên 20 năm.

Huyện Cần Giờ hiện có hơn 34.500 xe máy xăng cần chuyển đổi và hơn 2.200 hộ nghèo, 2.600 hộ cận nghèo. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện thí điểm tại địa phương này là hơn 250 tỷ đồng.

TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 20 - 30% người dân và 30 - 50% khách du lịch đến Cần Giờ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, 100% phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện.

Chuyên đề