Dừng chạy toàn bộ tàu chở khách tuyến Bắc - Nam trên hệ thống đường sắt quốc gia từ ngày 25/8
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 25/8, ngành đường sắt dừng tổ chức chạy tàu khách thường xuyên trên tuyến Bắc - Nam, chỉ tổ chức chạy các đoàn tàu hàng.
Tất cả các chuyến tàu chở khách trên tuyến Bắc - Nam thường lệ phải tạm dừng khai thác do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 |
Hiện tại, ngành đường sắt chỉ duy trì chạy một đôi tàu khách trên tuyến Bắc - Nam (SE7/8); không tổ chức đón, trả khách tại Ga Sài Gòn và các tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) triển khai phương án mới để đảm bảo an toàn hành khách.
ĐSVN quyết định bãi bỏ chạy tàu SE7/8. Cụ thể, bãi bỏ tàu SE8 xuất phát tại Ga Sài Gòn kể từ ngày 23/8 và bãi bỏ tàu SE7 xuất phát tại Ga Hà Nội kể từ ngày 25/8 cho đến khi có lệnh mới.
Đối với hành khách đã mua vé đi trên các đoàn tàu SE7, SE8 sẽ được làm thủ tục trả và bảo lưu tiền vé.
Như vậy, kể từ ngày 25/8, ĐSVN không tổ chức chạy tàu khách thường xuyên trên tuyến Bắc - Nam, chỉ tổ chức chạy các đoàn tàu hàng.
Ngành đường sắt chỉ tổ chức chạy tàu khách chuyên biệt theo yêu cầu của các địa phương và khi được các cơ quan chức năng cho phép.
Hà Nội phong tỏa hai phường Văn Miếu và Văn Chương đến ngày 4/9
Quận Đống Đa quyết định phong tỏa hai phường Văn Miếu và Văn Chương 14 ngày, sau khi ghi nhận 22 ca dương tính SARS-CoV-2.
Quận Đống Đa lập rào chắn phong tỏa khu vực tại phường Văn Chương và Văn Miếu |
Quyết định trên được UBND quận Đống Đa ban hành chiều 21/8. Thời gian cách ly y tế từ 18h ngày 21/8 đến ngày 4/9. Quận đã lên phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách. Hai phường Văn Miếu và Văn Chương có tổng số diện tích 0,69 km2, gồm 21.000 dân.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố 22 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại phường Văn Miếu (phát hiện qua sàng lọc diện rộng), có 1 ca tại phường Quang Trung và 2 ca tại phường Văn Chương.
Trước đó, quận Đống Đa đã thiết lập vùng cách ly y tế tại các khu dân cư 5 phường gồm Văn Chương, Văn Miếu, Khâm Thiên, Thổ Quan, Hàng Bột, với hơn 7.500 dân.
Theo thông tin từ CDC Hà Nội, tại đợt xét nghiệm diện rộng thứ 2, tổng số mẫu theo kế hoạch xét nghiệm là 856.000 mẫu. Trong đó, 65.000 mẫu trong khu vực phong tỏa; 416.000 mẫu thuộc các khu vực nguy cơ và 375.000 mẫu thuộc đối tượng nguy cơ.
Tính đến 16h ngày 21/8, toàn thành phố đã lấy được hơn 788.000 mẫu xét nghiệm, đạt 92% so với kế hoạch. Tổng số mẫu đã được xét nghiệm là trên 383.000 mẫu, trong đó có 49 ca dương tính, chưa có kết quả là 404.749 trường hợp.
Tính đến 19h ngày 21/8, CDC Hà Nội ghi nhận 2.554 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, trong đó có 1.305 ca phát hiện trong cộng đồng.
Người dân "vùng xanh" ở TP.HCM được đi chợ 1 lần mỗi tuần từ 23/8
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch.
TP.HCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến 6/9 |
Theo đó, TP.HCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch” kể từ 0h ngày 23/8 đến hết 6/9.
Thành phố thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao - “vùng cam”, “vùng đỏ". Thành phần bao gồm: Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, công an, quân đội, công chức, viên chức quận, huyện, TP. Thủ Đức và cán bộ phường, xã, thị trấn, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tham gia kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; duy trì các tổ tự quản bảo vệ "vùng xanh", đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội...
Tổ công tác hoạt động gắn với địa bàn phường, xã, thị trấn, do UBND phường, xã, thị trấn quản lý.
Thành phố tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông; thống nhất triển khai từ 0h ngày 23/8 hoặc có thể sớm hơn.
Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức nghiên cứu, thực hiện các biện pháp bố trí để người dân ở “vùng xanh” được đi chợ 1 lần/tuần. Chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Người dân Đà Nẵng "ở yên trong nhà" thêm 3 ngày đến 8h ngày 26/8
Sau 7 ngày thực hiện "cách ly nhà với nhà", TP. Đà Nẵng quyết định kéo dài thêm 3 ngày nữa để thực hiện chiến lược tách F0 khỏi cộng đồng.
Chuỗi 7 ngày yêu cầu người dân "ở yên trong nhà" sẽ hết hiệu lực vào 8h ngày 23/8, nay kéo dài đến 8h ngày 26/8 |
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký quyết định nêu trên. Trước đó, chuỗi 7 ngày yêu cầu người dân "ở yên trong nhà" sẽ hết hiệu lực vào 8h sáng 23/8, nay kéo dài đến 8h ngày 26/8.
Trong thời gian này, Đà Nẵng tiếp tục chiến lược xét nghiệm toàn diện 3 lần cho đại diện 100% hộ dân.
Thành phố cho khoảng 900 shipper của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm được phép hoạt động để giảm tải công việc cho các tổ dân phố, với điều kiện đã tiêm vaccine, có xét nghiệm âm tính và mang đồ bảo hộ, găng tay, khử khuẩn sau mỗi lần giao hàng.
Quyết định của lãnh đạo TP. Đà Nẵng được đưa ra trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn đang rất phức tạp. Số ca dương tính mới chưa có dấu hiệu chững lại, trong đó ca lây nhiễm cộng đồng và chưa rõ nguồn lây đang tăng.
Ông Lê Trung Chinh cho biết, 5 ngày qua, người dân đã ủng hộ chủ trương của Thành phố trong việc ở yên tại chỗ, ngành y tế đang nỗ lực xét nghiệm toàn diện và đã phát hiện nhiều F0 để tách khỏi cộng đồng.
Nhận định khi Thành phố tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh để chống dịch sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ông Chinh yêu cầu ngành lao động và các quận, huyện phải nhanh chóng khảo sát để kiến nghị Thành phố hỗ trợ thêm.
Bộ Công an thống nhất sử dụng một mẫu tờ khai di chuyển nội địa
Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất sử dụng một mẫu tờ khai báo y tế để người dân kê khai trước khi di chuyển nội địa qua các chốt kiểm soát dịch.
Người dân chỉ cần khai báo y tế theo mẫu chung do Bộ Công an xây dựng |
Ngày 21/8, sau khi đạt được thống nhất với Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cho biết đã xây dựng mẫu tờ khai y tế khai báo di chuyển nội địa và đưa vào sử dụng để người dân kê khai trước khi lưu thông qua các chốt.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, nhấn mạnh, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc khai báo y tế chưa thống nhất khiến quá trình truy vết F0, F1, F2 còn hạn chế.
Ba cơ quan đã thống nhất một mã QR, một tờ khai y tế với việc khai báo thông tin đơn giản hơn trên nền tảng dữ liệu dân cư có sẵn.
Theo kế hoạch, Bộ Công an đảm nhận khâu hoàn thiện phần mềm và hệ thống khai báo, theo dõi, quản lý di chuyển nội địa của dân cư qua các chốt kiểm soát dịch. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về hạ tầng kết nối, bảo đảm dữ liệu thông suốt.
Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ cung cấp ứng dụng có tên VNEID trên thiết bị di động để người dân dễ dàng sử dụng hơn khi khai báo y tế. Dự kiến cuối tháng 8, ứng dụng sẽ được triển khai. Trước mắt, người dân vẫn kê khai qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để lấy mã QR.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khuyến khích công dân sử dụng phần mềm của Bộ Công an bởi dữ liệu khai báo đảm bảo độ chính xác về nơi tạm trú, thường trú, nơi đi và nơi đến. Đặc biệt, các thông tin được đối chiếu với căn cước công dân.
Shipper ngừng hoạt động ở 8 quận, huyện TP.HCM từ ngày 23/8
Lực lượng giao hàng ứng dụng công nghệ tạm ngưng hoạt động tại Quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn và TP. Thủ Đức từ ngày 23/8.
Shipper ngừng hoạt động ở 8 quận, huyện TP.HCM từ ngày 23/8 |
Nội dung trên được đề cập trong văn bản về tăng cường kiểm soát các nhóm người được ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký.
Theo đó, từ 0h ngày 23/8 đến 6/9, các nhóm người được phép ra đường vẫn thực hiện theo Công văn số 2718 ngày 15/8 của UBND Thành phố, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Riêng lực lượng giao hàng dùng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại Quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn và TP. Thủ Đức.
Đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận, phải có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại Công văn số 2491 ngày 26/7 của UBND Thành phố.
Sân bay Chu Lai sẽ được xây dựng thành cảng hàng không quốc tế
UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ và đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm triển khai kế hoạch đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế với công suất 40 triệu hành khách/năm, đạt tiêu chuẩn cấp 4E vào giai đoạn 2021 - 2030.
Cảng hàng không Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế với công suất 40 triệu hành khách/năm |
Đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không cửa ngõ với quy mô, sân bay cấp 4F, công suất phục vụ 40 triệu hành khách/năm theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Bộ Giao thông vận tải xây dựng và đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam đề nghị trong năm 2022, ACV sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ga hành khách công suất phục vụ 5 triệu khách/năm. Ngoài ra, cần cải tạo nhà ga hàng hóa, mở rộng sân đỗ máy bay, các công trình phụ trợ và các hạng mục phục vụ bay. Việc này nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh, thành lân cận trong khu vực miền Trung.
Cảng hàng không quốc tế Chu Lai ngoài việc vận chuyển hành khách còn là trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, đào tạo phi công và các hoạt động khác gắn với khu phi thuế quan phía Bắc sân bay Chu Lai.
Shipper tự do dừng hoạt động tại Vinh từ ngày 22/8
Các shipper tự do từ ngày 22/8 sẽ dừng hoạt động để phòng Covid-19. Shipper thuộc doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Shipper thuộc doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa được hoạt động từ 7h đến 18h tại TP. Vinh |
Đây là một trong các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường phòng chống Covid-19 trên địa bàn vừa được UBND TP. Vinh ban hành. Theo đó, 25 xã, phường dừng cấp thẻ hành nghề shipper tự do, theo kế hoạch Thành phố ban hành 6 ngày trước.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Cẩm Tú cho biết, việc dừng hoạt động shipper tự do nhằm quản lý chặt người giao nhận hàng, giảm nguy cơ dịch lây lan. TP. Vinh hiện có khoảng 300 shipper tự do.
Từ ngày 22/8, shipper thuộc doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh, khi tham gia giao thông phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ; có thẻ hành nghề của chủ doanh nghiệp và nhật trình giao nhận hàng hóa. Họ chỉ được hoạt động từ 7h đến 18h. Ước tính có cả nghìn người làm trong lĩnh vực này tại TP. Vinh.
Chính quyền chỉ đạo lực lượng của 25 phường, xã duy trì các chốt để kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông; phạt nghiêm trường hợp ra đường khi không có việc cần thiết.
Khám xét khẩn cấp các địa điểm sản xuất thuốc trị Covid-19 giả ở Sài Gòn
Nguyễn Đức Thuận và đồng phạm mua nhiều tân dược không rõ nguồn gốc đem về chế biến, đóng nhãn mác các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 đem bán.
Nguyễn Đức Thuận cùng các loại tân dược giả |
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM đã tạm giữ hình sự Nguyễn Đức Thuận về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. 8 người khác bị triệu tập để làm rõ hành vi liên quan đến đường dây này.
Trước đó, PC03 phát hiện nhiều nhóm đã lợi dụng tâm lý người dân muốn mua tích trữ các loại thuốc chữa bệnh hô hấp, phòng và điều trị Covid-19 nên đã rao bán các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Sau thời gian theo dõi, trinh sát bám theo Thuận đang chở thùng carton, yêu cầu dừng để kiểm tra. Trong thùng giấy có 150 hộp viên nang nhãn hiệu TERPINCODEIN. Thuận cho biết đây là "thuốc có chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19" mang bán cho khách. Số hàng này Thuận chế biến, sản xuất từ nhiều tân dược trôi nổi.
Khám xét khẩn cấp 3 địa điểm tại Quận 8, Phú Nhuận, Tân Bình - nơi sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, lực lượng chức năng tìm thấy một lượng lớn nguyên liệu cùng các loại công cụ sản xuất tại nhà kho, nhà vệ sinh dơ bẩn.
Hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả trong hộp nằm lăn lóc dưới nền, bao gồm: hơn 3.100 hộp thuốc phòng, hỗ trợ chữa trị Covid-19 giả các nhãn hiệu Neo-Cordion, Augmentin; 2,5 kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo-codein; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu...