Bản tin thời sự sáng 22/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh từ 15h00 ngày 21/7; Tập đoàn Trung Nguyên xin chuyển nhượng đất tại dự án bị thu hồi ở Lâm Đồng; đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ dự tính xong trước năm 2035; ngân hàng lại cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo…

Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh từ 15h00 ngày 21/7

Giá xăng E5RON92 và RON95-III tăng 1.220 - 1.300 đồng/lít so với kỳ điều hành trước, giá dầu các loại tăng từ 440 - 890 đồng/lít.

Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng đồng loạt từ 15h00 chiều 21/7.

Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng đồng loạt từ 15h00 chiều 21/7.

Theo điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng, dầu áp dụng từ 15h00 ngày 21/7.

Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 1.220 đồng/lít so với kỳ điều hành trước lên 21.630 đồng/lít. Giá xăng RON95-III cũng tăng 1.300 đồng/lít lên mức 21.790 đồng/lít.

Kỳ điều hành này, giá dầu diezel 0.05S có giá bán mới 19.500 đồng/lít (tăng 890 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); giá dầu hỏa không cao hơn 19.180 đồng/lít (tăng 860 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Cùng với đó, giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 440 đồng/kg so với kỳ trước và giá bán mới là 15.720 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Tập đoàn Trung Nguyên xin chuyển nhượng đất tại dự án bị thu hồi ở Lâm Đồng

Sau khi Lâm Đồng quyết định thu hồi đất Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An vì chậm triển khai, đến nay, Tập đoàn Trung Nguyên bất ngờ xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản trên đất tại khu vực dự án này.

Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm Cà phê Trung Nguyên Legend chậm tiến độ

Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm Cà phê Trung Nguyên Legend chậm tiến độ

Ngày 21/7, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, xem xét đề nghị của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi có quyết định chấm dứt hoạt động Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm.

Vào tháng 9/2022, tỉnh Lâm Đồng quyết định chấm dứt dự án nêu trên và giao UBND huyện Bảo Lâm quản lý diện tích đất sau khi thu hồi đúng quy định.

Tháng 5/2023, UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo tỉnh Lâm Đồng xem xét, ban hành quyết định thu hồi diện tích đất Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend, giao cho UBND Huyện để làm cơ sở quản lý theo quy định.

Mặc dù có chủ trương thu hồi đất, nhưng đến tháng 6/2023, Tập đoàn Trung Nguyên lại có văn bản đề nghị chấp thuận được chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi chấm dứt hoạt động Dự án “Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend”.

Đến tháng 7/2023, khi nhận được bản vẽ khu đất tại Dự án “Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend” từ Văn phòng đăng ký đất đai Lâm Đồng, Tập đoàn Trung Nguyên đã nộp và bàn giao bản vẽ này cho Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó thể hiện rõ ranh giới của 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp vào năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn Trung Nguyên chưa nhận được kết quả giải quyết.

Đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ dự tính xong trước năm 2035

Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM nối miền Tây dài gần 175 km, vốn đầu tư 220.000 tỷ đồng, dự kiến xây trước năm 2030, hoàn thành sau 5 năm. Thông tin trên được đại diện Liên danh tư vấn cho biết trong buổi tọa đàm về các dự án kết nối TP.HCM và miền Tây, tại Cần Thơ, ngày 21/7.

Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Đường sắt cao tốc có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng). Công trình đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, với 13 ga.

Tuyến được xây theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 200 km/h, tàu hàng 120 km/h; dự kiến chạy từ TP.HCM đến Cần Thơ mất 45 phút.

Hiện Dự án đã xong báo cáo cuối kỳ, Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các địa phương, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự kiến trong năm nay. Sau đó Dự án sẽ được trình cấp thẩm quyền quyết định trong năm 2024, hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội năm 2025; xem xét thông qua chủ trương đầu tư, khởi công trước năm 2030; hoàn thành trước năm 2035.

Theo Chủ đầu tư, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, việc xây tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao. Việc này giúp tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP.HCM - Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đề xuất Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh trái phiếu

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu kiến nghị cho phép Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thanh toán trái phiếu như tiền gửi ngân hàng.

VAFI đề xuất Nhà nước bảo lãnh trái phiếu như tiền gửi ngân hàng

VAFI đề xuất Nhà nước bảo lãnh trái phiếu như tiền gửi ngân hàng

Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cùng một số bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

Đồng thời, Văn phòng Chính phủ đề nghị VAFI phối hợp, tham gia đóng góp ý kiến với các bộ, ngành để góp phần thúc đẩy phát triển công khai, minh bạch, an toàn và bền vững thị trường tài chính Việt Nam.

Trước đó, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế khi lãi suất huy động giảm mạnh.

Theo VAFI, từ những trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… trước đây, cần rút ra bài học sâu sắc.

VAFI kiến nghị cần xây dựng các loại trái phiếu an toàn tuyệt đối, là trái phiếu được bảo lãnh thanh toán tiền lãi và vốn gốc đúng hạn trong mọi tình huống, nhưng có thể có rủi ro nhỏ như lạm phát, đồng Việt Nam mất giá.

Bên cạnh đó, đơn vị này đề xuất xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thanh toán.

Theo VAFI, quy định trên để bảo đảm trong mọi tình huống, các ngân hàng thương mại có đủ khả năng thanh toán lãi và vốn gốc mua trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân.

Ngoài ra, cần có quy định cho phép Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh loại trái phiếu này khi phát hành cho nhà đầu tư cá nhân vì từ trước tới nay hệ thống ngân hàng thương mại luôn dễ dàng huy động tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn hạn từ khu vực dân cư, kể cả các ngân hàng yếu kém, thua lỗ.

Phát hiện hơn 1 tỷ đồng sai phạm tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai

Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều sai phạm khi thi công các hạng mục tại khu vực Quốc môn, cửa khẩu Lệ Thanh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai

Ngày 21/7, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, vừa yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai có trách nhiệm thu hồi gần 600 triệu đồng sai phạm tại khu vực Quốc môn, cửa khẩu Lệ Thanh.

Theo kết luận thanh tra, việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2022 có sai phạm trên 1 tỷ đồng.

Đối với các công trình đầu tư xây dựng tại cụm công trình Quốc Môn (khu vực cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, giáp Campuchia), Thanh tra phát hiện sai phạm gần 600 triệu đồng.

Sai phạm nhiều nhất tại các hạng mục: dự toán, quyết toán sai giá trị mặt đường bê tông nhựa trên 160 triệu đồng; quyết toán sai định mức đào phá bỏ bê tông xi măng đường cũ gần 98 triệu đồng và một số hạng mục khác như: sai khối lượng xà bần, mức rải cáp ngầm hạ thế, sai giá trị tường chắn...

Thanh tra cũng phát hiện Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế Gia Lai - đơn vị được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai giao đại diện Chủ đầu tư - thanh toán sai kinh phí tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh năm 2019 với số tiền trên 430 triệu đồng, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt báo cáo đánh giá theo quy định.

Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai có trách nhiệm thu hồi hơn 1 tỷ đồng trả lại ngân sách nhà nước.

Ngân hàng lại cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo

Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan thuế nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Dù liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy các thủ đoạn lừa đảo tài chính công nghệ

Dù liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy các thủ đoạn lừa đảo tài chính công nghệ

Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tiếp tục cảnh báo khách hàng cảnh giác với chiêu lừa mạo danh cơ quan thuế.

Để lừa đảo, kẻ gian mạo danh cán bộ thuế liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức như gọi điện, nhắn tin hoặc kết bạn qua mạng xã hội để hỗ trợ quyết toán thuế, đề nghị cập nhật thông tin khai thuế, hỗ trợ thủ tục hoàn thuế... rồi cung cấp các đường link tải ứng dụng thuế giả mạo và đề nghị người dùng cài đặt ứng dụng.

Sau khi cài đặt, các ứng dụng thuế giả mạo chứa mã độc trên nhiều hệ thống khác nhau sẽ "bẫy" người dùng cung cấp quyền trợ năng (Accessibility) yêu cầu cho phép truy cập vào các thiết bị như xem màn hình, hành động, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình…

Thủ đoạn này nhằm thu thập thông tin thao tác trên điện thoại; thu thập thông tin mã OTP, Smart OTP hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị truy cập các ứng dụng ngân hàng.

"Với các thông tin thu thập được, kẻ gian có thể sử dụng để chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của người dùng", Agribank khuyến cáo.

Để bảo đảm an toàn tài khoản cho khách hàng, ứng dụng Agribank E-Mobile Banking đã cập nhật phiên bản mới với chức năng hiển thị cảnh báo thiết bị có ứng dụng đang bật quyền trợ năng và ẩn chứa rủi ro, yêu cầu tắt quyền trợ năng trên ứng dụng đã cài đặt và điều hướng cài đặt phân quyền bật, tắt trợ năng với các ứng dụng bình thường.

Trước đó, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank… cũng đã cảnh báo thủ đoạn trên.

4 dự án giao thông tại Bình Dương đội vốn khoảng 1.800 tỷ đồng

Do mức bồi thường và giá vật liệu khác trước, chính quyền tỉnh Bình Dương kiến nghị nâng vốn đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện 4 dự án trọng điểm.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 bị đội vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng

Dự án cầu Bạch Đằng 2 bị đội vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng

Bốn dự án đầu tư công vừa được UBND tỉnh Bình Dương trình HĐND xem xét, điều chỉnh tổng vốn thực hiện tạm tính tăng khoảng 1.800 tỷ đồng so với trước, gồm: Dự án cầu Bạch Đằng 2; Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa; Dự án đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A và Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài.

Trong đó, Dự án cầu Bạch Đằng 2 được Bình Dương phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 với tổng vốn đầu tư 658 tỷ đồng, sau nhiều năm vốn đã đội lên 819 tỷ đồng.

Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa được đề nghị điều chỉnh tổng đầu tư từ hơn 1.492 tỷ đồng thành 3.100 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026. Dự án đội vốn hơn 1.500 tỷ đồng do tổng kinh phí bồi thường hơn 2.054 tỷ đồng, vượt so với chủ trương đầu tư phê duyệt năm 2019 của HĐND Tỉnh.

Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài cũng được Tỉnh đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 119 tỷ đồng thành 190 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương là 84 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 106 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án điều chỉnh là năm 2018 - 2025.

Cuối cùng là Dự án đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A đến giáp Quốc lộ 1K do bổ sung đoạn nối từ ranh giữa đường trục chính Đông Tây và Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2), đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, biển báo... Các công trình này chưa được Tỉnh cập nhật vốn đầu tư mới, song thời gian thực hiện được kiến nghị điều chỉnh đến 2025.

Thanh tra hoạt động kiểm định phương tiện thuỷ nội địa

Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tiến hành thanh tra hoạt động kiểm định phương tiện thuỷ nội địa trong 45 ngày kể từ ngày 17/7/2023.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra đợt 1 về hoạt động kiểm định phương tiện thuỷ nội địa tại 7 địa phương. Ảnh minh họa

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra đợt 1 về hoạt động kiểm định phương tiện thuỷ nội địa tại 7 địa phương. Ảnh minh họa

Thanh tra Bộ GTVT vừa ban hành quyết định về việc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa (đợt 1).

Theo đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai và các Sở Giao thông vận tải: Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ khác có liên quan. Hoạt động thanh tra sẽ diễn ra trong 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (ngày 17/7/2023).

Chuyên đề