Bản tin thời sự sáng 22/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đông Anh trình đề án lên quận; giá xăng tiếp tục giữ nguyên, tăng giá dầu; Bộ GTVT lên tiếng về sự cố rơi dầm cầu cao tốc Bắc - Nam; Quảng Ngãi tính xây khu đô thị hơn 7.300 ha ở Dung Quất; Phú Yên hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Đông Anh trình đề án lên quận

Chính quyền huyện Đông Anh đã có tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội và Sở Nội vụ việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Theo đề án, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có. Sau khi lên quận, Đông Anh có 24 phường.

Về địa giới hành chính, phía Đông giáp TP. Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía Tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía Nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ. Huyện đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan...).

Huyện cũng đã tổ chức lấy ý kiến cử tri và đại biểu HĐND các cấp. Kết quả lấy ý kiến cử tri hôm 11/6 cho thấy, hơn 99% đồng ý với đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Địa bàn huyện có hai khu công nghiệp lớn là Bắc Thăng Long và Đông Anh; 3 cụm công nghiệp Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà. Ngoài ra, Huyện có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Trạm khắc gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Vân Hà, Thụy Lâm, Liên Hà; nghề sơn mài và sản xuất đồ gỗ ép phun sơn ở xã Liên Hà, Bắc Hồng, Thụy Lâm; nghề sản xuất thép và cơ khí ở xã Dục Tú.

Ngoài những khu đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu, huyện đã và đang hình thành các khu đô thị mới như: Eurowindow River Park thuộc Khu tái định cư Đông Hội, Kim Chung...

Đề án thành lập quận Đông Anh sẽ được trình HĐND Thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 và Thành phố hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023.

Giá xăng tiếp tục giữ nguyên, tăng giá dầu

Từ 15h ngày 21/6, xăng E5 RON 92 được giữ nguyên theo mức giá của kỳ điều hành trước. Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã có 9 lần tăng, 6 lần giảm và ba lần giữ nguyên.

Giá xăng trong nước có lần thứ 2 giữ nguyên giá liên tiếp

Giá xăng trong nước có lần thứ 2 giữ nguyên giá liên tiếp

Chiều 21/6, Liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên mức giá xăng E5 RON 92 và RON 95. Cụ thể, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.870 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh tăng nhẹ trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 150 đồng, lên 18.180 đồng/lít.

Đến nay, xăng trong nước có lần thứ hai giữ nguyên giá liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu này đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Bộ GTVT lên tiếng về sự cố rơi dầm cầu cao tốc Bắc - Nam

Liên quan sự cố rơi dầm cầu tại Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, ngày 21/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, Bộ đã yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xác minh, báo cáo cụ thể về nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Hiện trường vụ rơi dầm cầu

Hiện trường vụ rơi dầm cầu

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) đã kiểm tra, làm việc với các nhà thầu.

Theo đó, ngày 19/5, trong quá trình thi công lao dầm cầu Nghi Mỹ (Km 448+141) thuộc Gói thầu XL-02, xảy ra va chạm giữa dầm đang lắp đặt và dầm đã đặt trên nhịp, làm đổ gãy dầm Super T nhịp từ trụ T3 - T4.

Nguyên nhân được xác định do sơ suất của thợ vận hành cẩu thao tác không nhịp nhàng dẫn tới va chạm.

Doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu đã tiến hành lập biên bản xác nhận sự việc, đánh giá sơ bộ nguyên nhân và thống nhất di dời toàn bộ các dầm bị hư hỏng ra khỏi hiện trường.

Đến sáng 20/5, nhà thầu đã di dời xong toàn bộ các phiến dầm bị hỏng về vị trí bãi tập kết.

Nhà thầu và tư vấn giám sát có văn bản báo cáo sự việc do lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình thi công lao lắp và nhận hoàn toàn trách nhiệm về sơ suất này. Đồng thời, nhà thầu cam kết chấn chỉnh lại quá trình thi công, tự bỏ chi phí để thi công bù lại các dầm mới thay thế đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.

Ngày 22/5, doanh nghiệp dự án có văn bản phê bình nghiêm khắc, yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Song song đó, nhà thầu cần khẩn trương tổ chức thi công lại các phiến dầm bị hỏng, tăng cường cán bộ, tư vấn giám sát thường trực tại hiện trường, không để tái diễn sự cố tương tự.

Quảng Ngãi tính xây khu đô thị hơn 7.300 ha ở Dung Quất

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa duyệt nhiệm vụ khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị Đông Nam Dung Quất.

Quảng Ngãi tính xây khu đô thị hơn 7.300 ha ở Dung Quất. Ảnh minh họa

Quảng Ngãi tính xây khu đô thị hơn 7.300 ha ở Dung Quất. Ảnh minh họa

Theo quyết định này, phạm vi khảo sát xây dựng Dự án tại các xã Bình Hải, Bình Châu, Bình Trị, Bình Phước, Bình Hòa, Bình Thanh và Bình Tân Phú thuộc huyện Bình Sơn. Tổng quy mô Dự án Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất là 7.345 ha. Dự án có một mặt giáp biển, phía Bắc giáp Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây sẽ là khu vực phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ, cửa ngõ phía Đông Nam của Khu kinh tế Dung Quất. Theo quy hoạch, dân số tại Dự án đến năm 2045 là 200.000 người.

Kinh phí dự toán để lập quy hoạch là gần 12 tỷ đồng. Quảng Ngãi yêu cầu thực hiện trong 9 tháng từ ngày ký hợp đồng tư vấn.

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2045, Khu kinh tế Dung Quất có diện tích hơn 45.300 ha, trong đó diện tích đất liền trên 33.500 ha, còn lại là đảo Lý Sơn và diện tích mặt nước.

Đến năm 2030, Khu kinh tế Dung Quất có dân số khoảng 347.000 người, trong đó 85% là dân số đô thị. Tầm nhìn đến năm 2045, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 575.000 người, với dân số đô thị chiếm 95%.

Phú Yên hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Phú Yên hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản đối với 3 doanh nghiệp vì không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản.

Phú Yên hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa

Phú Yên hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo, UBND Tỉnh vừa ban hành 6 quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát, 3 mỏ sét gạch ngói. Các mỏ này đều được UBND tỉnh Phú Yên công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác vào ngày 9/11/2022 (3 doanh nghiệp được công nhận).

Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên hủy kết quả trúng đấu giá của Công ty TNHH Phước Cát Vàng (trụ sở Phường 4, TP. Tuy Hòa) tại 2 mỏ cát xây dựng gồm mỏ sông Cái, thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân (diện tích 5 ha, tài nguyên dự báo 150.000 m3); mỏ sông Đà Rằng tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa (diện tích 10 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3).

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cát Vàng Phú Yên (Công ty Cát Vàng Phú Yên, trụ sở Phường 9, TP. Tuy Hòa) cũng bị hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát xây dựng sông Đà Rằng ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (diện tích 10 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3).

Đáng chú ý, Công ty TNHH Xây dựng và Lắp đặt Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát, trụ sở tại thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa) là tổ chức bị UBND tỉnh Phú Yên hủy kết quả trúng đấu giá tại 3 mỏ sét gạch ngói gồm: mỏ thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (diện tích 6,3 ha, tài nguyên dự báo 100.000 m3); mỏ thôn Suối Cau, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa (diện tích 15 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3); mỏ thôn Đá Mài, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (diện tích 3,29 ha, tài nguyên dự báo 85.000 m3).

UBND tỉnh Phú Yên cho biết, lý do hủy kết quả trúng đấu giá là quá thời hạn quy định (6 tháng kể từ ngày 6/10/2022) nhưng 3 doanh nghiệp trên không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản đối với khu vực trúng đấu giá…

Cùng với hủy kết quả trúng đấu giá, các doanh nghiệp đều bị mất số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá (được nộp vào ngân sách nhà nước).

Xuất khẩu rau quả 6 tháng gần bằng cả năm ngoái

Chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả 6 tháng gần bằng cả năm ngoái

Xuất khẩu rau quả 6 tháng gần bằng cả năm ngoái

Đây là thống kê sơ bộ vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố sau khi trích xuất dữ liệu từ Hải quan Việt Nam. Riêng tháng 6, xuất khẩu đạt trên 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022, trong đó, sầu riêng, thanh long đóng góp nhiều nhất.

Lũy kế nửa năm, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD - chiếm 90% giá trị của cả năm ngoái (3,16 tỷ USD).

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đây là năm mà kim ngạch xuất khẩu nông sản có mức tăng trưởng đột biến và có thể lập kỷ lục từ trước tới nay. Còn 10 ngày nữa mới hết 6 tháng, nếu thống kê đầy đủ, xuất khẩu rau quả có thể đạt 3 tỷ USD.

Trong nhóm trái cây xuất khẩu, sầu riêng là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất. 5 tháng, xuất khẩu quả sầu riêng đạt hơn 503 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD).

Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ.

Dự báo nửa cuối năm nay, ông Nguyên cho rằng, xuất khẩu rau quả có thể cán đích 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).

Vườn quốc gia Cát Tiên nhận hơn 11,6 nghìn ha đất rừng Đồng Nai để mở rộng

Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ tăng diện tích lên 83,1 nghìn ha sau khi tiếp nhận thêm trên 11.6 nghìn ha đất rừng tại Đồng Nai.

Cổng vào Vườn quốc gia Cát Tiên

Cổng vào Vườn quốc gia Cát Tiên

Ngày 21/6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh này và Bộ NN-PTNT đã có có buổi làm việc về việc bàn giao đất mở rộng Vườn quốc gia Cát Tiên.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc mở rộng Vườn quốc gia Cát Tiên, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã đề xuất bàn giao gần 11,6 nghìn ha đất cho Vườn quốc gia Cát Tiên quản lý. Trong đó, hơn 9,9 nghìn ha (thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà tạm bàn giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên từ năm 2016; diện tích đất còn lại chưa bàn giao do vướng thủ tục pháp lý; một số diện tích đang cho người dân nhận khoán rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, việc bàn giao hơn 11,6 nghìn ha diện tích rừng để mở rộng Vườn quốc gia Cát Tiên thuận lợi nhiều mặt, phù hợp quyết định của Chính phủ, quy hoạch của Tỉnh; nhất là trong công tác bảo tồn, quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.

Vườn quốc gia Cát Tiên hiện đang quản lý gần 71,3 nghìn ha, trong đó diện tích trên địa phận Đồng Nai hơn 39,5 nghìn ha. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng diện tích quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên là trên 83,1 nghìn ha, trong đó diện tích trên địa phận Đồng Nai hơn 51,7 nghìn ha.

Chuyên đề