Bản tin thời sự sáng 22/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng giảm, thủng mốc 24.000 đồng/lít sau lần tăng sốc; dự kiến ngày 10/5 xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai; miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đối với ông Nguyễn Tấn Chân; chấm dứt hoạt động dự án du lịch tại Dinh I, Đà Lạt; đề xuất thu phí lập hồ sơ với xe miễn đăng kiểm…

Giá xăng giảm, thủng mốc 24.000 đồng/lít sau lần tăng sốc

Giá xăng ngày 21/4 quay đầu giảm theo xu hướng thế giới. Xăng E5 RON 92 giảm 490 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 610 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel giảm 750 đồng/lít.

  1. Bản tin thời sự sáng 22/4 ảnh 1

Giá xăng ngày 21/4 quay đầu giảm theo xu hướng thế giới

Liên bộ Tài chính - Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới, áp dụng từ 17h ngày 21/4.

Thông thường, thời điểm áp dụng của nhiều kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây thường vào 15h. Lý do quyết định điều hành giá lần này chậm hơn, theo đại diện Bộ Công Thương là do chờ số liệu của Bộ Tài chính (bản đóng dấu).

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tại kỳ điều hành giá ngày 21/4 giảm 490 đồng/lít, xuống 22.680 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 610 đồng/lít, xuống 23.630 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 750 đồng/lít còn 19.390 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, Liên bộ trích lập 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa. Cơ quan quản lý không chi quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu.

Như vậy, tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 12 lần điều chỉnh giá, trong đó có 7 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Dự kiến ngày 10/5 xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai

Ông Nguyễn Ngọc Hai bị cáo buộc giao đất cho doanh nghiệp vào năm 2017 nhưng áp dụng giá đất được phê duyệt từ năm 2013, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Dự kiến ngày 10/5, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đưa ra xét xử ông Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), ông Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) về tội danh trên.

Ngoài ra, có 9 người khác cũng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, 1 người bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, thời điểm giữ vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Hai có trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn. Bị cáo nắm rõ quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhưng năm 2017, ông Hai vẫn ban hành chủ trương giao 3 lô đất số 18, 19, 20 của quỹ đất hai bên Đường tỉnh 706B (phường Phú Hải, TP. Phan Thiết) cho Công ty Tân Việt Phát.

Viện Kiểm sát cáo buộc ông Hai giao đất cho doanh nghiệp vào năm 2017 nhưng áp dụng giá đất được phê duyệt từ năm 2013. Điều này là trái với quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cùng thực hiện hành vi trên với ông Hai là lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính. Những cơ quan này được giao nhiệm vụ trực tiếp, liên quan đến quản lý đất đai và tài chính về đất đai.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo đều nắm rõ quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhưng vẫn thống nhất đề xuất, tham mưu cho UBND Tỉnh giao 3 lô đất trên cho Công ty Tân Việt Phát.

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45 tỷ đồng. Trong vụ án này, Viện Kiểm sát cáo buộc ông Hai là người chịu trách nhiệm với vai trò chính, 9 bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm.

Miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đối với ông Nguyễn Tấn Chân

Các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên đã biểu quyết đồng ý miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh đối với ông Nguyễn Tấn Chân. Trước đó, ông Chân bị kỷ luật cảnh cáo do có một số vi phạm.

Ông Nguyễn Tấn Chân

Ông Nguyễn Tấn Chân

Ngày 21/4, tại Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh Phú Yên, các đại biểu đã biểu quyết đồng ý miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Tấn Chân.

Trước đó, ông Chân bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Theo kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên, trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa (nhiệm kỳ 2016 - 2021), ông Nguyễn Tấn Chân đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Chân còn bị xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện Tây Hòa vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ông Chân đã ký quyết định cho phép các cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Ngoài ra, ông Chân còn bị xác định đã ký phê duyệt phương án tái định cư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại Khu tái định cư thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Chấm dứt hoạt động dự án du lịch tại Dinh I, Đà Lạt

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng vừa chấm dứt hoạt động Dự án du lịch King Palace - Dinh I sau khi Thanh tra Chính phủ xác định có vi phạm về đất đai và đầu tư.

Dinh I nằm trên đường Trần Quang Diệu, thuộc Phường 10, TP. Đà Lạt

Dinh I nằm trên đường Trần Quang Diệu, thuộc Phường 10, TP. Đà Lạt

Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt khu đồi thông rộng 18 ha gồm một số biệt thự cùng Dinh I với thời gian 50 năm để thực hiện dự án du lịch. Ở giai đoạn một, Dinh I được doanh nghiệp trùng tu, nâng cấp các hạng mục với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Công trình sau đó được khai thác, đón khách du lịch tham quan. Giai đoạn tiếp theo, doanh nghiệp dự tính đầu tư xây khu nghỉ dưỡng cao cấp với tổng vốn 600 tỷ đồng.

Giữa năm 2020, qua thanh kiểm tra, Thanh tra Chính phủ kết luận tỉnh Lâm Đồng cho Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê nhà, đất Dinh I là vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư... Từ đó, cơ quan thanh tra đề nghị chấm dứt Dự án. Trường hợp doanh nghiệp muốn sử dụng thì phải xác định lại giá, cho thuê tài sản theo đúng quy định, tránh làm thất thu ngân sách.

Một năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản chấm dứt hoạt động Dự án du lịch King Palace - Dinh I. Doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị tiếp tục thuê lại Dinh I, các biệt thự và đất trong khuôn viên để thực hiện Dự án. Tuy nhiên, đề nghị này không được chính quyền chấp thuận do theo quy định hiện hành phải tiến hành đấu giá.

Tỉnh Lâm Đồng giao các cơ quan chuyên môn lập thủ tục chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt; rà soát số tiền phải hoàn trả cho doanh nghiệp sau khi chấm dứt hoạt động đầu tư. UBND TP. Đà Lạt được giao xử lý dứt điểm việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chấm dứt hợp đồng thuê Dinh I và xây dựng phương án quản lý, sử dụng, đấu giá.

Dinh I (Đà Lạt) là công trình mang phong cách kiến trúc tân cổ điển châu Âu, được xây dựng từ những năm 1940 bởi triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery và được vua Bảo Đại mua lại để làm tổng hành dinh trong thời gian làm Quốc trưởng (1949 - 1955).

Đề xuất thu phí lập hồ sơ với xe miễn đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất bổ sung phí dịch vụ lập hồ sơ cho xe mới là 50.000 đồng sau khi phương tiện này được miễn đăng kiểm.

Xe đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03 Hà Nội

Xe đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03 Hà Nội

Theo Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 21/3, ô tô mới được miễn kiểm định lần đầu, tức chủ xe không phải bỏ ra từ 250.000 đến 570.000 đồng phí dịch vụ đăng kiểm tùy theo loại xe. Họ chỉ phải nộp phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ô tô từ 40.000 đến 90.000 đồng vào ngân sách nhà nước.

Các xe mới diện miễn đăng kiểm sẽ không cần kiểm tra trên dây chuyền, chủ xe hoặc người được ủy quyền chỉ cần mang giấy tờ đến các trung tâm kiểm định để lập hồ sơ phương tiện và được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định.

Ngày 21/4, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, phương tiện không phải kiểm định nhưng các trung tâm vẫn phải bố trí người lập hồ sơ, chi trả lương nhân viên, chi phí in ấn, điện nước. Do đó, Cục đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ lập hồ sơ là 50.000 đồng với mỗi xe đăng kiểm lần đầu để giúp các trung tâm giảm khó khăn.

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết đang trả lương cho nhân viên lập hồ sơ khoảng 9 triệu đồng/tháng, cộng với chi phí máy in, điện nước, văn phòng, trung bình mỗi ngày khoảng 450.000 - 500.000 đồng. Nếu mỗi ngày trung tâm có 10 - 15 xe mới được miễn kiểm định thì cần thu khoảng 50.000 - 60.000 đồng mỗi xe để bù đắp chi phí.

Khách sạn 12 tầng xây trái phép ở Phú Quốc sắp bị tháo dỡ

Trong tháng 5, UBND TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ công trình khách sạn 12 tầng xây trái phép ngay cửa ngõ Thành phố.

Công trình khách sạn 12 tầng tại Phú Quốc sắp bị tháo dỡ do xây trái phép

Công trình khách sạn 12 tầng tại Phú Quốc sắp bị tháo dỡ do xây trái phép

Lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc cho biết, đang tìm đơn vị lập phương án tháo dỡ trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt. Việc này nhằm xử lý dứt điểm các công trình xây trái phép tại Thành phố.

Công trình bị tháo dỡ là khách sạn xây trên diện tích 2.700 m2 tại đường Trần Hưng Đạo, ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ. Tháng 8/2022, chủ đầu tư này bị phạt hơn 60 triệu đồng do xây công trình không đúng quy hoạch được duyệt, chuyển gần 500 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, chủ dự án chỉ bị phạt vi phạm hành chính, không chấp hành việc tháo dỡ. Tại cuộc họp giữa tháng 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh chỉ đạo UBND TP. Phú Quốc khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng giải quyết dứt điểm vụ việc khi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đã hết.

Những năm gần đây, do phát triển quá nóng, đất đai tăng giá, địa bàn TP. Phú Quốc liên tục xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.

Tháng trước, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Phú Quốc, gồm: 774 trường hợp chiếm đất do Nhà nước quản lý, hơn 200 khu phân lô bán nền tự phát, gần 1.000 vụ vi phạm đất rừng.

Kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, cán bộ sở ở Gia Lai

Liên quan đến các sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ của 2 sở ở Gia Lai bị xử lý, kỷ luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, nơi ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở làm việc

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, nơi ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở làm việc

Ngày 21/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Gia Lai đã có thông cáo báo chí về các kỳ họp lần thứ 32 và 33. Tại các kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy Gia Lai đã xem xét, kết luận một số nội dung.

Trong đó, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư; Nguyễn Minh Khoa, Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, về trách nhiệm cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm theo Thông báo 314 ngày 25/7/2022 của UBKT Trung ương.

Qua xem xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, UBKT Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông Nguyễn Văn Hoan, Lê Tiến Anh và Nguyễn Minh Khoa.

Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy Gia Lai đang tiếp tục quy trình xem xét, thi hành kỷ luật theo quy định đối với Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường và các ông/bà: Phạm Duy Du, nguyên Giám đốc Sở; Huỳnh Minh Sở, Phó Giám đốc Sở; Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai; Nguyễn Đình Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin; Nguyễn Thị Diễm Tình, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính và Thống kê.

Khởi công đường 3.700 tỷ đồng song hành Vành đai 4 TP.HCM

Đường tỉnh 830E (song hành Vành đai 4 TP.HCM) đi qua vùng phát triển công nghiệp, dân cư đô thị của tỉnh Long An với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, vừa được khởi công ngày 21/4.

Vị trí tuyến Đường tỉnh 830E (màu xanh)

Vị trí tuyến Đường tỉnh 830E (màu xanh)

Tuyến Đường tỉnh 830E dài gần 9,4 km, điểm đầu giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (An Thạnh, Bến Lức), điểm cuối kết nối Đường tỉnh 830 (Long Định, huyện Cần Đước). Trong đó, hơn 1 km đoạn đầu tuyến sau khi hoàn thành sẽ quản lý theo quy hoạch Vành đai 4, TP.HCM.

Đoạn còn lại, gồm hai đường song hành, mỗi đường hai làn xe hỗn hợp rộng 7 m, cùng làn xe thô sơ rộng 2,5 m. Riêng phần nối ra Đường tỉnh 830 rộng 30 m, 6 làn xe. Trong tương lai, tuyến sẽ được đầu tư thành đường cao tốc 8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành có 4 làn xe hỗn hợp.

Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng gần 2.500 tỷ đồng, còn lại là tiền đầu tư xây dựng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 2 năm thi công.

Khi hoàn thành, Đường tỉnh 830E sẽ tạo trục kết nối từ các tuyến đường tỉnh của Long An với Quốc lộ 1, Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM. Công trình cũng kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Hiệp Phước - TP.HCM, cảng quốc tế Long An thông qua Đường tỉnh 830 đã hoàn thành.

Chuyên đề