Bản tin thời sự sáng 22/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng, dầu cùng giảm; tuyến cáp quang biển thứ 5 gặp sự cố; khôi phục xuất nhập cảnh Trung Quốc bằng giấy thông hành; hơn 2,7 triệu lao động đang bị nợ bảo hiểm xã hội; hải quan thu giữ lô xe mô tô trị giá khoảng 3 tỷ đồng…

Giá xăng, dầu cùng giảm

Mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 đều hạ 320 đồng, các mặt hàng dầu (trừ mazut) cũng giảm 700 - 750 đồng, từ 15h ngày 21/2.

Mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 đều hạ 320 đồng

Mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 đều hạ 320 đồng

Theo điều chỉnh của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III giảm về còn 23.440 đồng một lít, tức hạ 320 đồng. Tương tự, xăng E5 RON92 cũng giảm 320 đồng, về còn 22.540 đồng.

Các mặt hàng dầu, trừ mazut, cũng được giảm giá bán tại kỳ điều hành hôm qua. Theo đó, dầu diesel giảm 700 đồng, còn 20.860 đồng; dầu hỏa hạ 750 đồng, về mức giá mới 20.840 đồng một lít. Riêng mặt hàng dầu mazut tăng 620 đồng, lên 14.250 đồng một kg.

Kỳ điều hành ngày 21/2, Liên bộ tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn với các loại xăng, dầu mazut. Mức trích Quỹ với dầu diesel và dầu hỏa giữ nguyên như kỳ điều hành ngày 13/2, lần lượt 600 đồng và 200 đồng một lít. Mức chi Quỹ với xăng và dầu vẫn duy trì 0 đồng.

Giá bán lẻ trong nước đi ngược với dự báo của các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ xăng dầu.

Theo giải thích của nhà điều hành, bình quân giá thành phẩm thế giới 10 ngày qua giảm với dầu diesel, dầu hỏa. Xăng RON 95 hay xăng RON 92 (xăng nền để pha chế E5 RON 92) biến động ít.

Cụ thể, mỗi thùng xăng RON 92 giảm 0,16%, về 96,85 USD. Xăng RON 95 giảm 0,04%, còn 100,27 USD. Trong khi đó, dầu diesel hạ trên 5% so với kỳ trước, ở mức 105,95 USD mỗi thùng.

Tuyến cáp quang biển thứ 5 gặp sự cố

Tuyến SMW-3 gặp trục trặc, trong khi bốn tuyến cáp biển còn lại chưa được sửa xong.

Cả năm tuyến cáp quang biển kết nối đến Việt Nam đều gặp sự cố. Ảnh minh họa

Cả năm tuyến cáp quang biển kết nối đến Việt Nam đều gặp sự cố. Ảnh minh họa

Sáng 21/2, một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, SMW-3 bị lỗi cáp, xảy ra ở đoạn S2.7 đi Singapore. Đây là tuyến cuối cùng còn nguyên vẹn sau khi bốn tuyến cáp biển Việt Nam gặp vấn đề từ tháng 11/2022 đến tháng 1 vừa qua.

Như vậy, cả năm tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế đều bị ảnh hưởng toàn bộ hoặc một phần. Trước đó, hai tuyến AAG và APG đã mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 chỉ còn một phần hoạt động.

Mặc dù cả năm tuyến đều không nguyên vẹn, các nhà mạng cho biết, vấn đề mới với SMW-3 không ảnh hưởng quá nhiều. "Việc này không tác động đến chất lượng Internet do đây là tuyến cũ, sắp dừng hoạt động và chúng tôi không sử dụng dung lượng của tuyến này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định", đại diện VNPT cho biết.

Việt Nam hiện kết nối với năm tuyến cáp quang biển gồm AAG, APG, AAE-1, IA và SMW-3. Đến cuối năm nay, VNPT sẽ khai thác thêm tuyến mới là SJC2, trong khi Viettel khai thác tuyến ADC, nâng dung lượng khả dụng lên gấp ba lần hiện nay. Kế hoạch đến 2025, Việt Nam dự kiến có 10 tuyến cáp quang biển, trong đó ba tuyến do doanh nghiệp trong nước làm chủ.

Khôi phục xuất nhập cảnh Trung Quốc bằng giấy thông hành

Người Việt Nam có thể nhập cảnh Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái từ 21/2, với điều kiện có xác nhận âm tính Covid trong 48 giờ.

Người dân làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc

Người dân làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc

Sáng 21/2, khoảng 20 người đã làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc và hơn 30 người từ Trung Quốc nhập cảnh về Việt Nam qua Móng Cái. Đây là lần đầu tiên hoạt động xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành được mở lại tại cửa khẩu này kể từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid.

Theo thỏa thuận giữa UBND TP. Móng Cái và chính quyền TP. Đông Hưng (Trung Quốc), ngoài điểm mới nêu trên, thời gian xuất nhập cảnh sẽ dài hơn so với trước, bắt đầu từ 8h đến 21h (giờ Bắc Kinh), tức từ 7h đến 20h (giờ Việt Nam).

Người xuất, nhập cảnh phải có giấy tờ hợp lệ (hộ chiếu, giấy thông hành) còn hiệu lực, điền thông tin vào thẻ xác nhận sức khỏe xuất, nhập cảnh. Riêng người vào Trung Quốc phải có xác nhận âm tính Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong 48 tiếng.

Chính sách này không áp dụng với khách du lịch đi theo đoàn, thông báo của Văn phòng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho hay.

Sau ba năm gián đoạn vì Covid-19, hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc được khôi phục từ ngày 8/1. Tuy nhiên, trước ngày 21/2, hoạt động xuất nhập cảnh ở cửa khẩu Móng Cái chỉ dành cho người Trung Quốc về nước và ngược lại, chưa thể xuất nhập cảnh bình thường bằng sổ thông hành hoặc hộ chiếu như hiện nay.

Hơn 2,7 triệu lao động đang bị nợ bảo hiểm xã hội

Cả nước có 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ một tháng trở lên, trong đó gần 213.400 người bị treo quyền lợi vì nợ khó thu hồi.

Lao động xếp hàng rút BHXH một lần tại BHXH TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Lao động xếp hàng rút BHXH một lần tại BHXH TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Thống kê của BHXH Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Hà Nội dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chậm đóng BHXH với 3.660 tỷ đồng; tiếp đến là TP.HCM hơn 3.400 tỷ đồng; Hải Phòng 591 tỷ đồng; Cà Mau 86 tỷ đồng và Đăk Nông 44 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ cho hay, khoản nợ khó thu hồi tồn tính từ năm 1995 - thời điểm thực hiện chính sách BHXH đến nay. Đơn vị này đã phân loại trong số gần 213.400 lao động bị ảnh hưởng, có trường hợp giải quyết BHXH một lần, có người đã hưởng hưu trí và phần lớn tiếp tục đóng bảo hiểm khi chuyển cơ quan.

BHXH Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng giải quyết với gần 213.400 lao động bị doanh nghiệp nợ BHXH khó thu hồi.

Cắm mốc bảo vệ 72 km bờ sông Sài Gòn

TP.HCM sẽ cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh rạch với tổng chiều dài hơn 553 km, trong đó có 72 km bờ sông Sài Gòn để tránh tình trạng lấn chiếm.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM nhìn từ trên cao

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM nhìn từ trên cao

Kế hoạch trên vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024. Việc cắm mốc sẽ dựa theo chỉ giới trên bản đồ địa chính để xác định phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch, sau đó mới triển khai thực địa.

Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến lớn nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72 km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP. Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.

Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Đoạn sông chảy qua TP.HCM dài khoảng 80 km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng Thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hiện rất nhiều khu vực bờ sông bị lấn chiếm, ảnh hưởng lớn đến phát triển đồng bộ toàn tuyến sông. Một số con hẻm gần bờ sông cũng bị ngăn lại thành đường nội khu của các dự án, khu biệt thự, nghỉ dưỡng.

Ngoài sông Sài Gòn, một số tuyến sông khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60 km; sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh rạch... nhằm làm cơ sở kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm. Việc này cũng sẽ tạo quỹ đất để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến như: đường giao thông, công trình thoát nước, điện... Ngoài ra, mốc bảo vệ hành lang các tuyến sông, rạch cũng giúp chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, lộ giới khi xây dựng công trình.

Hải quan thu giữ lô xe mô tô trị giá khoảng 3 tỷ đồng

Qua kiểm tra container hàng nhập khẩu từ Đài Loan, nghi vấn gian lận xuất xứ, lực lượng hải quan đã phát hiện 52 xe mô tô hiệu Brixton trị giá khoảng 3 tỷ đồng tại cảng Nam Hải (Hải Phòng).

Hải quan thu giữ lô xe mô tô trị giá khoảng 3 tỷ đồng

Hải quan thu giữ lô xe mô tô trị giá khoảng 3 tỷ đồng

Theo đó, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) vừa chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) kiểm tra 1 container hàng nhập khẩu từ Đài Loan, nghi vấn gian lận xuất xứ, vì trên bao bì không có thông tin xuất xứ, không có thông tin người xuất nhập khẩu.

Lô hàng cập cảng Nam Hải, Hải Phòng ngày 23/10/2022, trên vận đơn hàng hóa thể hiện là 52 units, motorcycle (tạm dịch là 52 chiếc xe máy). Kết quả khám xét cho thấy, trong container có 52 xe mô tô hiệu Brixton. Đáng chú ý, Brixton Motorcycle là thương hiệu xe máy được phân phối bởi tập đoàn KSR (Áo) nhưng lô hàng trên được xuất đi từ Đài Loan (Trung Quốc).

Đồng Nai thu hồi đất của 2.800 hộ phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Hiện các ngành chức năng của Đồng Nai đang phối hợp thực hiện các bước nhằm sớm phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đồng Nai thu hồi đất của 2.800 hộ phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Đồng Nai thu hồi đất của 2.800 hộ phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để triển khai Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngành chức năng trong Tỉnh phải thu hồi hàng trăm ha đất của khoảng 2.800 hộ tại thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó có khoảng 2.500 hộ phải giải tỏa trắng, cần bố trí tái định cư.

Hiện các ngành chức năng của Đồng Nai đang phối hợp thực hiện các bước nhằm sớm phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do số hộ bị thu hồi đất phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu rất lớn nên Đồng Nai sẽ xây dựng 4 khu tái định cư tại phường Phước Tân, phường Tâm Phước (thành phố Biên Hòa) và xã Long Phước, xã Long Đức (huyện Long Thành) với tổng diện tích hơn 140 ha. Các khu tái định cư này có hàng ngàn lô đất, đảm bảo bố trí đủ chỗ ở cho người dân vùng dự án.

Đối với 4 khu tái định cư nêu trên, vừa qua Đồng Nai đã khởi công xây dựng khu tái định cư Long Đức với diện tích 30 ha, có thể bố trí chỗ cho gần 850 hộ; dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành. Riêng 3 khu tái định cư còn lại đang vướng mắc về nguồn gốc đất đai (phần lớn đang là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ) nên phải chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong ngắn hạn chưa thể khởi công.

Phát hiện 2 điểm máy đo nồng độ cồn nhập lậu ở Hà Nội

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 2 điểm bán máy đo nồng độ cồn do nước ngoài sản xuất nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi là hàng nhập lậu.

Một số cơ sở kinh doanh thiết bị y tế trên phố Phương Mai bị phát hiện có bán máy đo nồng độ cồn cá nhân nghi là hàng nhập lậu

Một số cơ sở kinh doanh thiết bị y tế trên phố Phương Mai bị phát hiện có bán máy đo nồng độ cồn cá nhân nghi là hàng nhập lậu

Ngày 21/2, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã thông tin về kết quả kiểm tra các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế trên phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa (TP. Hà Nội), trong đó phát hiện có bán máy đo nồng độ cồn không có nguồn gốc xuất xứ nghi là hàng nhập lậu.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh thiết bị y tế của bà Lê Thúy Hải - 110E2 phố Phương Mai.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 1 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở mã CA 2000 nhãn chữ nước ngoài, không tem kiểm định. Bộ sản phẩm này có giá trị theo giá bán niêm yết tại cửa hàng là 1,5 triệu đồng.

Lực lượng quản lý thị trường và Công an quận Đống Đa đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 4 và Công an quận Đống Đa tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh mang tên Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế Sức khoẻ vàng, số nhà 73A Phương Mai, phát hiện 1 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn có chữ tượng hình mã CA 2000, giá niêm yết 1,5 triệu đồng; 1 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở Drive Safely, giá niêm yết 250.000 đồng/chiếc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư