Bản tin thời sự sáng 22/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng, dầu tiếp tục tăng; chứng khoán giảm gần 40 điểm; cảnh cáo nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên liên quan đến Việt Á; kiến nghị dừng thu phí BOT Quốc lộ 19 qua Bình Định; điều tra bổ sung vụ lũng đoạn chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân…

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng

Mỗi lít xăng tăng 200 - 340 đồng, còn dầu tăng thêm 600 - 840 đồng.

Nhân viên một trạm xăng trên đường Trần Não, TP. Thủ Đức điều chỉnh giá xăng dầu.

Nhân viên một trạm xăng trên đường Trần Não, TP. Thủ Đức điều chỉnh giá xăng dầu.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 21/10, mỗi lít xăng RON 95-III có mức giá mới là 22.340 đồng; E5 RON 92 là 21.490 đồng. Còn xăng RON 95-V, loại xăng cao cấp nhất trên thị trường có giá là 23.470 đồng/lít.

Dầu diesel tăng thêm 600 đồng, lên mức 24.780 đồng/lít; dầu hoả tăng lên 23.660 đồng/lít (tăng 840 đồng). Trong khi đó, dầu mazut được nhà điều hành điều chỉnh giảm 200 đồng, về còn 13.890 đồng/kg. Như vậy, giá dầu diesel tiến sát ngưỡng 25.000 đồng/lít và tiếp tục đắt hơn giá xăng.

Cùng với điều chỉnh giá, liên Bộ tăng trích vào Quỹ bình ổn với xăng, giảm trích lập Quỹ với dầu. Cụ thể, mức trích lập với xăng RON 95-III là 400 đồng; E5 RON 92 là 200 đồng; dầu diesel và dầu hỏa là 0 đồng. Mức trích vào Quỹ với mỗi kg dầu mazut là 708 đồng.

Trong kỳ điều hành ngày 21/10, liên Bộ không chi Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng, trừ dầu diesel là 200 đồng/lít.

Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã qua 28 kỳ điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 13 lần giảm. So với đầu năm, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 1.530 đồng nhưng dầu diesel lại đắt hơn trên 6.500 đồng.

Chứng khoán giảm gần 40 điểm

Hơn 450 cổ phiếu giảm khiến VN-Index lao dốc nhanh, chốt phiên mất gần 40 điểm và là phiên giảm mạnh thứ hai kể từ đầu tháng.

Hơn 450 cổ phiếu giảm khiến VN-Index lao dốc nhanh

Hơn 450 cổ phiếu giảm khiến VN-Index lao dốc nhanh

Thị trường chứng khoán ngày 21/10 giao dịch cả phiên dưới tham chiếu. Áp lực bán mạnh khiến VN-Index mất hơn 30 điểm trong phiên sáng, nhưng đà giảm không dừng mà tiếp tục mạnh lên sau giờ nghỉ trưa. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP.HCM có lúc mất hơn 45 điểm, về sát vùng 1.010 điểm, khi bên bán áp đảo hoàn toàn bên mua.

Diễn biến này nằm ngoài dự đoán của nhiều công ty chứng khoán. Trước giờ mở cửa, một số nhóm phân tích cho rằng dòng tiền trên thị trường đang bị thu hẹp do chịu sức ép từ đà tăng của lãi suất tiền gửi, áp lực tỷ giá VND/USD và đáo hạn trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành, nhưng VN-Index vẫn có cơ hội vượt 1.070 điểm sau một tuần giằng co trong biên độ hẹp.

Trong những phút cuối phiên, dòng tiền bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số thu hẹp biên độ giảm còn khoảng 39 điểm. Ngoài nối dài mạch giảm ba phiên liên tiếp và đưa VN-Index về gần 1.020 điểm, cú điều chỉnh ngày 21/10 còn thể hiện thị trường chưa quay lại "trạng thái cân bằng" như nhận định trước đó của nhiều công ty chứng khoán.

Sắc đỏ bao trùm thị trường với hơn 450 mã giảm, trong đó gần 140 cổ phiếu mất hết biên độ. Chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí và ngân hàng là những nhóm có tỷ lệ cổ phiếu giảm sàn nhiều nhất.

Nhà đầu tư đua nhau xả hàng đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt. Số lượng sang tay tính đến 15 phút trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa lên đến 666 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 13.000 tỷ đồng. Đến lúc chốt phiên, thanh khoản đạt hơn 742 triệu cổ phiếu, tương ứng 14.600 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong nửa tháng qua.

Cảnh cáo nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên liên quan đến Việt Á

Do vi phạm các quy định về đấu thầu khi mua sắm kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên bị kỷ luật cảnh cáo.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên

Ngày 21/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên ban hành thông báo về kết quả Kỳ họp lần thứ 13 của Ủy ban. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã thi hành kỷ luật, cách chức hàng loạt cán bộ do vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo thông báo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã xem xét thi hành kỷ luật đối với các đảng viên có trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất và thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có các gói thầu mua sắm kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Ông Phạm Hiếu Vinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, bị cảnh cáo do liên quan mua kit test của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã mua bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á ở giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở địa phương, song số lượng đến nay chưa được công bố.

Cũng liên quan kit test Việt Á, ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh bị khiển trách. Năm 2021, cơ quan này mua tổng cộng hơn 25.000 bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Theo cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên, các gói thầu mua kit xét nghiệm nói trên vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu.

Đường xuống cấp, kiến nghị dừng thu phí BOT Quốc lộ 19 qua Bình Định

Quốc lộ 19 qua Bình Định dài 33 km bị hư hỏng, nhiều ổ gà nên cơ quan chức năng đề nghị dừng thu phí BOT.

Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bị hư hỏng nặng

Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bị hư hỏng nặng

Ngày 21/10, ông Trần Thái Hòa, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ III.4 (Khu quản lý đường bộ 3), cho biết đã kiến nghị Cục Đường bộ dừng thu phí đối với trạm BOT của Công ty TNHH BOT 36.71 trên Quốc lộ 19 qua Bình Định.

Theo Văn phòng Quản lý đường bộ III.4, thời gian qua, đoạn đường này nhiều hư hỏng, gồ ghề, đọng nước, phát sinh ổ gà, đường nứt, lượn sóng, mờ vạch phân làn... gây mất an toàn giao thông, song doanh nghiệp chậm sửa chữa, khắc phục. Do đó, hiện tuyến đường không đáp ứng quy định thu phí của Bộ Giao thông vận tải.

Quốc lộ 19 dài 243 km nối Tây Nguyên và cảng Quy Nhơn (Bình Định). Giữa năm 2016, Công ty TNHH BOT 36.71 thu phí sau khi đầu tư 2.000 tỷ đồng nâng cấp hơn 56 km trên tuyến (33 km qua Bình Định, 23 km qua Gia Lai)…

Ba doanh nghiệp không được nhập khẩu xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà vi phạm về thuế, quy định trang thiết bị nên không được nhập khẩu xăng dầu chứ không phải "vướng mắc" với hải quan.

Xuyên Việt Oil, Nam Sông Hậu và Hải Hà vi phạm thuế, quy định trang thiết bị nên không được nhập xăng dầu

Xuyên Việt Oil, Nam Sông Hậu và Hải Hà vi phạm thuế, quy định trang thiết bị nên không được nhập xăng dầu

Cuối quý III - giai đoạn xuất hiện tình trạng nhiều trạm xăng treo biển hết hàng và than khó nhập, cả nước chỉ có 19 trên tổng số 33 doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu xăng dầu.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối, nhất là 4 đơn vị (Xuyên Việt Oil, Nam Sông Hậu, Dầu khí Đồng Tháp và Hải Hà) được thông quan kịp thời để bổ sung nguồn cung trong nước.

Phản hồi đề nghị này, Bộ Tài chính ngày 21/10 cho biết, Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đang nợ thuế quá hạn 684 tỷ đồng và bị cưỡng chế. Do đó, Cục Thuế TP.HCM đã đề nghị dừng thủ tục hải quan.

Xuyên Việt Oil cũng là một trong 7 doanh nghiệp đầu mối bị Bộ Công Thương tạm tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1,5 tháng từ cuối tháng 7 và đã được cơ quan quản lý trả lại giấy phép kinh doanh từ giữa tháng 9.

Với Công ty Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp này hiện vẫn chưa đáp ứng điều kiện lắp đặt thiết bị nên không thể nhập khẩu.

Tương tự, Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà chưa thực hiện đúng, đủ quy định. Công ty này kiến nghị sử dụng chứng thư chất lượng do nhà cung cấp cấp đi theo tàu nhập khẩu để xem xét thông quan. Điều này không phù hợp với quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ vì xăng dầu là mặt hàng phải kiểm tra chất lượng bởi Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trước khi thông quan.

Như vậy, trong 4 doanh nghiệp mà Bộ Công Thương kiến nghị, chỉ có Dầu khí Đồng Tháp được nhập khẩu trở lại.

Cấm xe qua hầm Thủ Thiêm trong 3 đêm liên tiếp để thử hệ thống chữa cháy

Hầm Thủ Thiêm cấm phương tiện lưu thông từ 23h đến 4h các ngày từ 22 - 25/10 để phục vụ công tác chạy thử toàn hệ thống phòng cháy chữa cháy trong hầm.

Đường hầm sông Sài Gòn nối Quận 1 và TP. Thủ Đức

Đường hầm sông Sài Gòn nối Quận 1 và TP. Thủ Đức

Ngày 21/10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông tại đường hầm Thủ Thiêm (hay còn gọi là hầm sông Sài Gòn) phục vụ công tác chạy thử liên động toàn hệ thống phòng cháy chữa cháy Dự án đầu tư lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bên trong đường hầm.

Theo đó, từ 23h ngày 22/10 đến 4h ngày 23/10, cấm các phương tiện lưu thông qua đường hầm theo hướng từ Quận 1 đến TP. Thủ Đức.

Từ 23h ngày 23/10 đến 4h ngày 24/10, cấm các phương tiện lưu thông qua đường hầm theo hướng từ TP. Thủ Đức đến Quận 1.

Từ 23h ngày 24/10 đến 4h ngày 25/10, cấm các phương tiện lưu thông qua đường hầm Thủ Thiêm theo cả hai hướng.

Lộ trình thay thế hướng từ Quận 1 đến TP. Thủ Đức: Võ Văn Kiệt - đường song hành Võ Văn Kiệt - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - cầu Thủ Thiêm 2 - Tố Hữu - Mai Chí Thọ.

Lộ trình thay thế hướng từ TP. Thủ Đức đến Quận 1: Mai Chí Thọ - Tố Hữu - cầu Thủ Thiêm 2 - Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt.

Đường hầm Thủ Thiêm có tổng chiều dài gần 1,5 km, là đường hầm lớn nhất khu vực Đông Nam Á đi dưới lòng sông.

Dự án lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động trong hầm Thủ Thiêm được khởi công giữa năm 2021 với mức đầu tư 95 tỷ đồng.

Hệ thống chữa cháy tự động phun sương áp lực cao sẽ tự động phát hiện và chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra; phân chia khu vực tự động phát hiện thành các vùng nhỏ để tăng độ chính xác, độ tin cậy, cảnh báo khi có cháy, đồng thời tự động điều khiển hệ thống đầu phun theo từng kịch bản đã lập trình (1 vùng, 3 vùng kế cận...).

Điều tra bổ sung vụ lũng đoạn chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu làm rõ hành vi hưởng lợi của ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, khi thao túng cổ phiếu BII và TGG.

Ông Đỗ Thành Nhân

Ông Đỗ Thành Nhân

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra ở Công ty CP Louis Holdings và các đơn vị liên quan, sau hơn một tháng cơ quan điều tra ra kết luận.

Viện Kiểm sát muốn làm rõ bản chất hành vi sai phạm của các bị can Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt) và đồng phạm trong việc thao túng thị trường chứng khoán nhằm hưởng lợi cá nhân. Thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng, từ ngày 13/10.

Kết luận điều tra xác định, từ năm 2020 đến cuối 2021, Louis Holding của ông Nhân mua cổ phần sở hữu thêm nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm "hệ sinh thái" Louis Holdings. Ông Nhân cùng người thân, bạn bè mua lại 9 triệu cổ phiếu BII của Công ty CP Công nghiệp Bảo Thư, một doanh nghiệp hoạt động yếu kém, có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn.

Dưới sự tư vấn của ông Đỗ Đức Nam, ông Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu "rác" mã TGG của Công ty CP Trường Giang trên sàn với giá 1.800 đồng/cổ phiếu.

Khi có hai mã cổ phiếu BII và TGG trong tay, ông Nhân bàn với Nam tìm cách thao túng. Họ mở các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu. Mục đích của việc này nhằm tăng tính thanh khoản, đẩy giá BII và TGG tăng cao nhằm thu lợi bất chính.

Cùng lúc, người thân, bạn bè của ông Nhân đăng ký 18 tài khoản mở tại Trí Việt và các công ty khác. Các tài khoản này sau khi mở xong đều chuyển về cho ông Nhân và Nam sử dụng.

Để thao túng, ông Nam chỉ đạo liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC... với cổ phiếu TGG và BII.

Đắk Nông yêu cầu đánh sập mỏ vàng trong rừng sâu

UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chính quyền huyện Đắk G'long đánh sập các mỏ vàng trái phép và xử lý dứt điểm trong tháng 11.

Hiện trường khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đắk G'long bị cơ quan chức năng phát hiện trong lần truy quét hồi tháng 9

Hiện trường khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đắk G'long bị cơ quan chức năng phát hiện trong lần truy quét hồi tháng 9

Nội dung trên được ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thông tin. UBND huyện Đắk G'long được yêu cầu chặt đứt các tuyến đường vào mỏ vàng trái phép. Nếu để xảy ra việc khai thác, Huyện cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo xã Quảng Hoà.

Động thái trên được đưa ra sau hơn một thập kỷ tình trạng khai thác khoáng sản trong rừng sâu thuộc Tiểu khu 1660 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý diễn biến phức tạp.

Khu vực này không có sóng điện thoại, lợi dụng mùa mưa, đường đi khó khăn, sự lơ là, chủ quan trong công tác tuần tra, quản lý, nhiều người mang máy móc thô sơ vào dựng lán trại để khai thác vàng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư