Bản tin thời sự sáng 22/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền trước Tết; giá USD tự do tiếp tục tăng; hơn 6.300 ô tô nhập khẩu về Việt Nam chờ du xuân; siết chặt các điều kiện cấp phép hoạt động trung tâm đăng kiểm; xuất khẩu tăng nhẹ, 5 mặt hàng cán mốc tỷ USD sau nửa tháng…

Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền trước Tết

Tính riêng các giao dịch mua - bán tín phiếu trên thị trường mở, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã bơm hơn 12.600 tỷ đồng ra thị trường trong tuần giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán 2023.

Ngân hàng Nhà nước đã đảo chiều từ hút ròng sang bơm ròng tiền đồng trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023

Ngân hàng Nhà nước đã đảo chiều từ hút ròng sang bơm ròng tiền đồng trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023

Dữ liệu về diễn biến giao dịch của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở cho thấy, càng gần Tết Nguyên đán 2023, nhà điều hành chính sách tiền tệ càng có xu hướng bơm tiền ra để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại vào dịp cao điểm Tết.

Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết kéo dài (19/1), nhà điều hành đã mua vào 11.364,45 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ 5/5 thành viên tham gia đấu giá/trúng thầu, qua đó bơm ra lượng tiền đồng tương ứng hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng.

Thực tế, từ tháng 12/2022 đến nay, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn thường xuyên duy trì các giao dịch mua giấy tờ có giá kỳ hạn trên thị trường mở để bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các đơn vị có nhu cầu. Nhà điều hành cũng sử dụng công cụ bán tín phiếu để hút tiền về với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, xu hướng này đã giảm nhiệt rõ rệt trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (tuần 16 - 19/1).

Giá USD tự do tiếp tục tăng

Giá USD tự do tiếp tục tăng nhưng tốc độ đã chậm hơn trước. Định hướng điều hành tỷ giá ngoại tệ trong năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước là linh hoạt nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt trong năm 2023

Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt trong năm 2023

Ngày 21/1, PVcomBank công bố giá mua USD 23.260 - 23.280 đồng/USD, bán ra 23.620 đồng/USD. PVcomBank là ngân hàng hoạt động đến 21/1 (tức 30 tháng Chạp). Giá USD tự do tiếp tục tăng thêm 20 đồng vào ngày 21/1, lên 23.530 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra 23.610 đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán USD tự do duy trì ở mức 80 đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, định hướng điều hành tỷ giá ngoại tệ trong năm 2023 theo hướng linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Giá USD trên thị trường quốc tế giảm nhẹ, chỉ số USD-Index xuống 0,05 điểm, còn 101,99 điểm. Thị trường chú ý nhiều đến cuộc họp tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng này. Các thành viên Fed kỳ vọng về đề xuất Fed tăng lãi suất hơn 0,25%/năm. Theo công cụ FedWatch của CME, có 99,2% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%/năm trong cuộc họp tiếp theo.

Hơn 6.300 ô tô nhập khẩu về Việt Nam chờ du xuân

Lượng ô tô nhập khẩu trong nửa tháng giáp Tết Nguyên đán (tháng 1/2023) rất ấn tượng với hơn 6.300 chiếc về Việt Nam.

Lượng xe nhập khẩu vẫn tăng bất chấp khó khăn

Lượng xe nhập khẩu vẫn tăng bất chấp khó khăn

Thông tin sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 1, từ 1 - 15/1, Việt Nam đã chi 161,8 triệu USD để nhập khẩu 6.306 ô tô nguyên chiếc các loại.

Như vậy, sau một năm đạt kỷ lục lượng ô tô nhập khẩu, ngay nửa tháng đầu năm, đà mua ô tô của người Việt vẫn chưa hạ nhiệt.

Theo Tổng cục Hải quan, ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang chiếm ưu thế về lượng trong nhập khẩu. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 1 năm nay, cả nước đã nhập khẩu 5.776 xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, kim ngạch 137,766 triệu USD, chiếm đến 91,6% về lượng và 85,1% về kim ngạch nhập khẩu ô tô của cả nước trong cùng thời điểm.

Kết thúc năm 2022, Việt Nam ghi nhận lượng xe nhập khẩu lên đến 173.467 chiếc các loại, với tổng kim ngạch 3,84 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021.

2022 cũng là năm Việt Nam nhập khẩu xe với số lượng cao nhất từ trước đến nay, phá kỷ lục mới lập trong năm 2021 là gần 160.000 xe.

Văn Phú - Invest báo lãi sau thuế gần 500 tỷ đồng

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 tăng 43%, vượt kế hoạch đề ra đầu năm.

Phối cảnh Dự án Vlasta - Sầm Sơn được Văn Phú - Invest đầu tư tại Thanh Hoá

Phối cảnh Dự án Vlasta - Sầm Sơn được Văn Phú - Invest đầu tư tại Thanh Hoá

Theo báo cáo, doanh thu thuần cả năm 2022 của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) đạt hơn 2.154 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 43%, đạt 491 tỷ đồng. Kết quả này ghi nhận từ các dự án: The Terra - An Hưng, The Terra - Hào Nam, Grandeur Palace - Giảng Võ, Oakwood Residence Hà Nội, với 960 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022.

Đặc biệt, Dự án Vlasta - Sầm Sơn tại Thanh Hóa được mở bán từ tháng 6/2022 đã mang về cho VPI khoảng 1.200 tỷ đồng doanh thu năm 2022.

Vlasta - Sầm Sơn là dự án khu đô thị biển với quy mô gần 29 ha, gồm 595 sản phẩm biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề và khu thương mại dịch vụ nằm dọc theo đường bãi biển dài 840 mét. Chủ đầu tư kỳ vọng, khi đi vào vận hành, đây sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn du khách khi đến với Thanh Hoá.

Năm 2022, doanh nghiệp địa ốc này đặt mục tiêu lãi sau thuế 430 tỷ đồng. Với kết quả thực tế, VPI hoàn thành hơn 114% kế hoạch.

Tính đến cuối năm, tổng tài sản của VPI đạt hơn 10.973 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Ở thời điểm này, doanh nghiệp có gần 500 tỷ đồng tiền mặt.

Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho vào khoảng 3.666 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các dự án sẽ mang lại doanh thu cho VPI trong 2023 và 2024 bao gồm Vlasta - Sầm Sơn, The Terra - Bắc Giang (mở bán từ tháng 11/2022)... Khoản thu ngắn hạn của khách hàng giảm hơn 66% so với đầu năm, còn 128,3 tỷ đồng.

Khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm đáng kể so với đầu năm, từ 1.795 tỷ đồng còn 795 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 56%. Vay nợ tài chính dài hạn ở mức 3.172 tỷ đồng.

Siết chặt các điều kiện cấp phép hoạt động trung tâm đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu siết chặt hơn nữa các điều kiện, quy định đối với việc cấp giấy phép hoạt động đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kịp thời bố trí nhân sự, tổ chức hoạt động lại cho 4 đơn vị kiểm định tại TP.HCM

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kịp thời bố trí nhân sự, tổ chức hoạt động lại cho 4 đơn vị kiểm định tại TP.HCM

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa báo cáo về việc triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải liên quan đến công tác đăng kiểm với 4 nội dung cụ thể.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra để cung cấp các tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra theo đúng yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra; ban hành nhiều văn bản để phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tổ chức tốt việc kiểm định.

Đồng thời, đã kịp thời bố trí nhân sự, đánh giá điều kiện và tổ chức hoạt động lại cho 4 đơn vị kiểm định gồm 50-03V; 50-05V; 50-07V và Chi nhánh 50-03V nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Đối với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, thành lập ngay các đoàn kiểm tra đột xuất để kiểm tra một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nhận diện có dấu hiệu nhũng nhiễu, tiêu cực, nguy cơ xảy ra sai phạm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay cơ quan công an các tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục mở rộng vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác tại các đơn vị đăng kiểm. Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo đề xuất trước mắt chưa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này để chờ kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.

Xuất khẩu tăng nhẹ, 5 mặt hàng cán mốc tỷ USD sau nửa tháng

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 1/2023 đạt 28,26 tỷ USD, giảm 1,22 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Sau nửa đầu tháng 1, hàng dệt may ước đạt 1,56 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và lọt top 5 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD

Sau nửa đầu tháng 1, hàng dệt may ước đạt 1,56 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và lọt top 5 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD

Trong đó, xuất khẩu tăng nhẹ 2,9%, tương ứng tăng 408 triệu USD. Có 5 nhóm mặt hàng cán mốc xuất khẩu tỷ USD trong nửa tháng đầu năm.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 1/2023 đạt 28,26 tỷ USD, giảm 1,22 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tăng nhẹ 2,9%, tương ứng tăng 408 triệu USD; nhập khẩu giảm 10,6%, tương ứng giảm 1,63 tỷ USD.

Trong 15 ngày đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 20,19 tỷ USD (giảm 106 triệu USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 8,07 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 1,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 1 ghi nhận gần 14,5 tỷ USD. Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 1 giảm so với nửa cuối tháng 12/2022, tập trung ở một số nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 733 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 359 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 148 triệu USD...

Xét theo mặt hàng xuất khẩu, có 5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cán mốc tỷ USD trong nửa tháng qua gồm: điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 2,68 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 1,83 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 1,71 tỷ USD; hàng dệt may ước đạt 1,56 tỷ USD; giày dép đạt 1,02 tỷ USD.

Eximbank giải trình việc quên báo cáo nhân sự bổ sung vào Hội đồng Quản trị

Eximbank vừa có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc quên báo cáo nội dung danh sách ứng viên ứng cử vào Hội đồng Quản trị tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vừa qua.

Eximbank chưa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về danh sách ứng viên HĐQT bổ sung. Ảnh minh họa

Eximbank chưa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về danh sách ứng viên HĐQT bổ sung. Ảnh minh họa

Thông tin giải trình của Eximbank cho biết, ngày 2/12/2022, Eximbank đã công bố thông tin tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường theo Văn bản số 10066/2022/EIB-TGĐ đến UBCKNN, HoSE và trên trang thông tin điện tử của Eximbank.

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/1/2023 có nội dung bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) theo danh sách ứng viên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.

Thời điểm này, Eximbank chưa nhận được chấp thuận của NHNN đối với 3 ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII.

Ngày 15/1/2023, sau khi nhận được Công văn số 254 của NHNN về việc chấp thuận Danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII, Eximbank đã tiến hành công bố thông tin danh sách ứng viên theo chấp thuận của NHNN kèm theo thông tin liên quan đến ứng viên để cập nhật tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/1/2023 trên trang thông tin điện tử của Eximbank.

Tuy nhiên, do sơ suất trong việc rà soát các quy định về báo cáo và để kịp thời chuẩn bị việc bầu cử cho ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/1, Eximbank đã chưa báo cáo đồng thời cho UBCKNN và HoSE về nội dung cập nhật, bổ sung tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường.

Theo đó, Eximbank công bố thông tin danh sách ứng viên để bổ sung vào tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường, bao gồm các nhân sự: bà Lê Thị Mai Loan, hiện là thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS); ông Phạm Quang Dũng, hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Mỹ; ông Trần Anh Thắng, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước.

Cáp quang biển gặp sự cố ngày 30 Tết

Tuyến cáp APG gặp lỗi mới, trong khi sự cố từ tháng 12 chưa được khắc phục xong, khiến thời gian sửa chữa có thể kéo dài.

Đường đi của tuyến cáp APG

Đường đi của tuyến cáp APG

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, sự cố xảy ra sáng 21/1 (30 Tết). Theo thông báo từ đơn vị quản lý tuyến APG, vấn đề nằm ở nhánh S9, cách bờ 151 km, gây ảnh hưởng đến kết nối trên toàn tuyến. Hiện chưa rõ thời gian xử lý.

Trước đó, hôm 26/12/2022, APG cũng gặp gián đoạn trên nhánh S6 gần Hong Kong, cùng hai tuyến cáp khác là AAG và AAE-1. Đến nay, cả APG và AAG đều chưa khắc phục xong.

Vấn đề cùng xảy ra trên các tuyến cáp quang biển có thể khiến việc truy cập Internet của người dùng Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước đã quen ứng phó với tình trạng này nên việc kết nối chập chờn có thể chỉ xảy ra ở một vài thời điểm nhất định và mang tính cục bộ.

Với Internet trong nước, sự cố cáp quang biển không gây ảnh hưởng nhiều. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng Internet được dự báo tăng cao. Các nhà mạng khẳng định đã có biện pháp tăng cường dung lượng và băng thông cho người dùng. Viettel cho biết sẽ tập trung toàn bộ tài nguyên cho mạng 4G để đáp ứng lưu lượng data tốt hơn. Nhà mạng này bổ sung 7.500 trạm 4G được phát sóng mới, nâng cấp gần 15.000 trạm phát sóng, bổ sung dung lượng phục vụ tăng 20% so với ngày thường. FPT Telecom cũng nâng băng thông miễn phí cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp quang, với băng thông thấp nhất 150 Mbps.

APG là một trong những tuyến cáp quan trọng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế. Tuyến được đưa vào vận hành từ cuối 2016, với chiều dài khoảng 10.400 km, cung cấp băng thông tối đa 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Chuyên đề