Đưa vụ án tại Bộ Công Thương vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi
2 vụ án thống nhất được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, trong đó có vụ "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" xảy ra ở Bộ Công Thương.
Trụ sở Bộ Công Thương |
Tại cuộc họp thông báo kết quả phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chiều 1/2, Ban Nội chính Trung ương thông tin về nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong năm 2024.
Tại Phiên họp thứ 25, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Một là vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Hai là vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án, 11 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ năm 2024, Ban Chỉ đạo lưu ý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Trong đó, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, nhất là khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.
Ngoài ra, các cơ quan cần tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 11 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm địa phương; vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh…
Giá vàng miếng vượt 78 triệu đồng
Mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 1,5 triệu đồng trong ba ngày qua, lên mức cao nhất một tháng và nới rộng khoảng cách với thế giới.
Giao dịch vàng miếng tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh |
Sáng 1/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết vàng miếng tại 76 - 78,3 triệu đồng. Giá SJC mua vào tăng 600.000 đồng trong khi chiều bán ra tăng nhẹ 400.000 đồng mỗi lượng so với ngày trước đó.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp kim loại quý đi lên, nâng giá vàng miếng lên mức cao nhất một tháng. Chênh lệch giá mua và bán được thu hẹp nhưng vẫn ở mức cao 2,3 triệu đồng một lượng.
So với mức đỉnh thiết lập vào 26/12/2023, mỗi lượng vàng miếng SJC mua vào đang thấp hơn 3 triệu đồng, còn chiều bán ra chỉ kém khoảng 2 triệu đồng.
Tại các thương hiệu kinh doanh khác, giá vàng miếng ngày 1/2 cũng vượt 78 triệu đồng. DOJI yết giá tại 75,85 - 78,25 triệu đồng. Còn tại PNJ, giá vàng miếng lên 76,2 - 78,4 triệu đồng một lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và nữ trang sáng 1/2 tăng với biên độ thấp hơn. Mỗi lượng vàng nhẫn SJC tăng 100.000 đồng lên 63,05 - 64,3 triệu đồng một lượng. Vàng nữ trang tăng 50.000 đồng lên 62,85 - 63,85 triệu đồng.
Giá vàng miếng trong nước tăng nhanh hơn thế giới khiến chênh lệch giữa hai thị trường nới rộng lên 17,7 triệu đồng một lượng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay biến động quanh vùng 2.040 USD một ounce.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, phá mốc 24.000 đồng/lít
Từ 15h ngày 1/2, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 đồng loạt tăng mạnh.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh trong chiều 1/2 |
Theo đó, giá xăng RON 95-III tăng mạnh so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 24.160 đồng (tăng 760 đồng/lít); xăng E5 RON 92 là 22.910 đồng một lít (tăng 740 đồng).
Giá các mặt hàng dầu đều tăng mạnh. Giá dầu diesel là 20.990 đồng một lít (tăng 620/lít); dầu hỏa có mức giá mới là 20.920 đồng (tăng 380 đồng/lít); dầu mazut tăng 590 đồng, có giá mới là 16.080 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đối với các mặt hàng xăng và dầu DO, dầu hoả. Trong khi đó, dầu mazút trích lập 300 đồng.
Trước đó, giá xăng dầu được áp dụng tại kỳ điều chỉnh ngày 25/1 với mức xăng RON 95 có giá 23.400 đồng/lít; xăng E5 RON92 có giá 22.170 đồng/lít, dầu diesel có giá 20.370 đồng/lít.
Giá USD tự do giảm mạnh, mất mốc 25.000 đồng
Giá USD trên thị trường tự do giảm mạnh, tới 250 đồng mỗi USD ở chiều mua, giá bán ra mất mốc 25.000 đồng. Giá USD trên thị trường chính thức cũng đi xuống.
Giá USD tự do giảm mạnh |
Giá USD trên thị trường tự do ngày 1/2 giảm rất nhanh. Giá USD tự do hiện được giao dịch phổ biến quanh mức 24.700 - 24.800 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Như vậy, so với phiên trước đó, giá USD tự do ngày 1/2 giảm tới 250 đồng/USD ở chiều mua vào và hạ 200 đồng ở chiều bán ra. Giá USD bán ra đã rời xa mốc 25.000 đồng.
Cùng xu hướng, trên thị trường chính thức, giá USD cũng có xu hướng hạ nhiệt.
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 1/2 ở mức 23.960 đồng/USD, giảm 31 đồng so với mức niêm yết hôm qua.
Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần hôm nay là 25.158 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.762 đồng/USD.
Tỷ giá mua tham khảo vẫn được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 23.400 đồng/USD. Còn tỷ giá bán tham khảo hôm 1/2 giảm 33 đồng, niêm yết ở mức 25.108 đồng/USD.
Tỷ giá USD/VND tại nhiều ngân hàng thương mại ngày 1/2 cũng đi xuống.
Cụ thể, lúc 14h15' ngày 1/2, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.190 - 24.560 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 50 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với trưa ngày 31/1.
VietinBank cũng hạ giá USD khi mua vào ở mức 24.165 đồng/USD và bán ra ở mức 24.585 đồng/USD (bán ra), giảm 25 đồng/USD ở cả 2 chiều so với trưa 31/1.
Còn Techcombank mua vào USD với giá 24.236 đồng/USD, bán ra ở mức 24.582 đồng/USD, giảm 22 đồng/USD ở cả chiều mua vào và bán ra so với trưa 31/1.
Sacombank niêm yết giá USD ở mức 24.205 - 24.670 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 35 đồng/USD ở cả 2 chiều so với trưa 31/1.
Có thể thấy, giá USD trên thị trường tự do dù đã giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với giá USD tại các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, giá mua USD trên thị trường tự do đang cao hơn tại các ngân hàng thương mại xấp xỉ 500 đồng mỗi USD. Còn giá bán USD trên thị trường tự do đang cao hơn giá bán USD ở các ngân hàng thương mại khoảng 130 - 240 đồng.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% quý I
UBND TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý I không thấp hơn 6,5%, mức cao nhất kể từ 2020 đến nay.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% quý I |
Thông tin được ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu tại cuộc họp kinh tế - xã hội của Thành phố, sáng 1/2. Theo ông Dũng, mục tiêu này nhằm tạo tiền đề tăng trưởng cả năm có thể đạt 7,5 - 8%.
Quý I/2023, GRDP TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7%. Để tránh lặp lại kịch bản này, kể từ cuối năm ngoái, đầu tàu kinh tế đã có loạt hành động thúc đẩy động lực cho năm 2024, thông qua đầu tư công, tiêu dùng nội địa, liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử, thu hút vốn "xanh".
Với mục tiêu GRDP quý I/2024 tối thiểu 6,5%, TP.HCM đang chọn kịch bản tăng trưởng lạc quan nhất trong 3 kịch bản do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) dự báo.
HIDS cho rằng, nếu điều kiện môi trường trong nước và quốc tế cải thiện, các yếu tố rủi ro được kiểm soát tốt, kết hợp với niềm tin của người dân và doanh nghiệp nâng cao, GRDP quý này có thể tăng 6,56% (dao động trong 6 - 7,12%).
Tuy nhiên, vẫn còn hai khả năng khác, với kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng 6,05% nếu nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi từ cuối 2023. Trong khi, kịch bản bất lợi xảy ra nếu các nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, xung đột chính trị leo thang, thiên tai - dịch bệnh phức tạp, gây tác động đến xuất khẩu và đầu tư. Khi ấy, GRDP có thể tăng 5,39% (dao động trong 4,83 - 5,95%).
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, bức tranh kinh tế tháng đầu năm tốt - xấu đan xen. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sản xuất công nghiệp giảm 4,5% so với cuối 2023 và tăng 26,9% so với cùng kỳ (do tháng 1/2023 là tháng Tết Nguyên đán).
Xuất khẩu tháng qua cũng giảm nhẹ so với tháng cuối năm ngoái. Thu hút FDI đạt khoảng 126 triệu USD, giảm 29,8%. HIDS đánh giá sức mua tiêu dùng tại TP.HCM nối tiếp đà tăng, hoạt động sản xuất duy trì nhưng xuất khẩu vẫn khó. Một số ngành sản xuất có nguy cơ khó khăn do nhu cầu thế giới giảm.
Năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công, với tổng vốn phân bổ gần 78.750 tỷ đồng, bao gồm gần 3.170 tỷ ngân sách trung ương và hơn 75.500 tỷ ngân sách địa phương.
Ngân hàng Vietcombank lãi kỷ lục hơn 40.000 tỷ đồng
Vietcombank giữ vững ngôi đầu bảng lợi nhuận ngân hàng năm 2023 song kết quả kinh doanh cũng lộ rõ hệ lụy của việc "tiền thừa trong kho".
Ngân hàng Vietcombank lãi kỷ lục hơn 40.000 tỷ đồng |
Năm 2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. So với các nhà băng kề cận trong bảng xếp hạng, "ông lớn" này giữ cách biệt lợi nhuận hơn chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietcombank trên thực tế trải qua một năm khó khăn trong bối cảnh chung của ngành.
Thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng năm 2023 của Vietcombank gần như không tăng trưởng so với 2022. Các nguồn thu ngoài lãi như từ dịch vụ, ngoại hối cũng đều kém hơn so với năm trước.
Riêng trong quý IV, thu nhập từ tín dụng của Vietcombank thậm chí giảm mạnh 14%, lãi thuần dịch vụ và ngoại hối cũng đều giảm trên 20%. Do đó, lãi trước thuế của Vietcombank trong quý IV/2023 giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 11.690 tỷ đồng.
Vietcombank giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận là nhờ vào "nguồn tích lũy" từ các năm trước. Sau giai đoạn mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, năm 2023, Vietcombank giảm một nửa khoản chi phí này xuống còn hơn 4.500 tỷ đồng. Việc hạ mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro là yếu tố then chốt khiến Vietcombank tăng trưởng được lợi nhuận trong 2023.
Năm 2023, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ Vietcombank tăng trưởng thấp 11%, kém mức tăng trưởng 13% của tiền gửi của khách hàng. Hệ lụy của việc "thừa tiền trong kho" cộng hưởng với tác động của giai đoạn huy động lãi suất cao vào cuối 2022, là nguyên nhân khiến thu nhập từ hoạt động tín dụng của Vietcombank kém hơn năm ngoái.
Chất lượng tài sản của Vietcombank cũng xấu hơn trong xu hướng chung của ngành. Tỷ lệ nợ xấu từ 0,68% hồi đầu năm lên 1% vào cuối 2023. Tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng tăng mạnh 40% lên hơn 5.500 tỷ đồng.
Ngày 4/2, sẽ có thêm tuyến buýt một tầng ở Huế
Ngày 4/2 tới, Công ty CP Xe khách Hà Nội sẽ vận hành tuyến buýt một tầng thoáng nóc ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuyến buýt một tầng thoáng nóc có màu tím rất đặc trưng ở Huế. |
Công ty CP Xe khách Hà Nội vừa cho biết, từ ngày 4/2 tới đơn vị này chính thức tổ chức vận hành dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô buýt thoáng nóc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dịch vụ vận chuyển khách du lịch nước ngoài và trong nước tham gia trải nghiệm tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế.
Về lộ trình, tuyến H1: Bến thuyền Tòa Khâm - Lê Lợi - Cầu Trường Tiền - Trần Hưng Đạo - Chợ Đông Ba - Trần Hưng Đạo - Cửa Ngăn - Ông Ích Khiêm - Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân - Lê Huân - Ông Ích Khiêm - Nguyễn Trãi (Cửa Nhà Đồ) - Lê Duẩn - Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Chùa Thiên Mụ - Nguyễn Phúc Nguyên - Kim Long - Cầu Dã Viên - Bùi Thị Xuân - Điện Biên Phủ - Lê Ngô Cát – Huyền Trân Công Chúa (Làng Hương) - Đoàn Nhữ Hải (Lăng Tự Đức) - Đoàn Nhữ Hải - Huyền Trân Công Chúa - Lê Ngô Cát - Minh Mạng - Quốc lộ 49 - Khải Định (Đồi Thiên An & Lăng Khải Định) - Khải Định - quốc lộ 49 - Minh Mạng - Ngự Bình (Đàn Nam Giao) - Phan Bội Châu - Lê Lợi (Trường Quốc học Huế) - Bến thuyền Tòa Khâm. Chiều dài tuyến là 34 km.
Tuyến H2, lộ trình tuyến: Bến thuyền Tòa Khâm - Lê Lợi - Cầu Trường Tiền - Trần Hưng Đạo - Chợ Đông Ba - Trần Hưng Đạo - Cửa Ngăn - Ông Ích Khiêm - Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân - Lê Huân - Ông Ích Khiêm - Nguyễn Trãi (Cửa Nhà Đồ) - Lê Duẩn - Cầu Dã Viên - Bùi Thị Xuân - Cầu Ga - Lê Lợi - Hà Nội (Vincom Plaza Huế) - Bến Nghé - Đội Cung - Bến thuyền Tòa Khâm. Chiều dài tuyến là 10 km theo tuyến vòng tròn.