Bản tin thời sự sáng 21/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 21/9, đã 19 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng; Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt dài 38 km nối Văn Cao với Hòa Lạc; gỡ vướng mặt bằng cầu Thủ Thiêm 2 trước 15/10; 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu gần 54.000 ô tô; ông Nguyễn Thành Tài lĩnh 8 năm tù...

Sáng 21/9, đã 19 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Sáng ngày 21/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19. Đến nay cũng đã 19 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Sáng 21/9, đã 19 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng
Sáng 21/9, đã 19 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 21/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 20/9 đến 6h ngày 21/9 không có ca mắc mới.

Như vậy, đến sáng nay Việt Nam đã bước vào ngày thứ 19 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 24.626 người. Trong đó, 385 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.294 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 8.947 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 942 bệnh nhân Covid-19/1.068 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 14 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 22 ca. Tại Việt Nam, đến nay số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt dài 38 km nối Văn Cao với Hòa Lạc

UBND TP. Hà Nội vừa trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài hơn 38 km, với tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng.

Mẫu đoàn tàu của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đưa từ Pháp về Việt Nam

Mẫu đoàn tàu của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đưa từ Pháp về Việt Nam

UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Tuyến metro số 5 đi qua 7 quận huyện (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất) là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám.

Tuyến đường được thiết kế có 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha. TP. Hà Nội dự kiến toàn tuyến sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Theo đề xuất của Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố gồm: vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà; vốn phát hành trái phiếu; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Hà Nội dự kiến khởi công Dự án vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

TP.HCM: Gỡ vướng mặt bằng cầu Thủ Thiêm 2 trước 15/10

Khó khăn về mặt bằng tại Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 và Quận 2 sẽ được giải quyết trước ngày 15/10 để công trình tiếp tục thi công.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang dần bắc qua sông Sài Gòn, tháng 7/2020

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang dần bắc qua sông Sài Gòn, tháng 7/2020

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết để "không chậm trễ hơn", Thành phố đang phối hợp với Tổng công ty Ba Son tổ chức kiểm đếm, đo vẽ, cắm ranh..., khi vướng mắc được giải quyết sẽ triển khai ngay giải phóng mặt bằng.

Cuối năm 2018, phần mặt bằng của Dự án phía Quận 1 bị vướng với diện tích khoảng 13.000 m2, liên quan 6 tổ chức, 4 hộ dân. Trong đó, phần đất bị vướng nhiều nhất do Tổng công ty Ba Son quản lý, chiếm hơn 11.000 m2. Hiện mới chỉ một phần nhỏ trong tổng số diện tích nói trên được bàn giao.

Hiện nay việc vướng mặt bằng ở khu vực nhà máy Ba Son khiến nhịp cuối của cầu Thủ Thiêm 2 không thể thi công, dù Dự án đã đạt khoảng 70% khối lượng.

Đến nay phần cầu chính nhịp dây văng ở phía Quận 2 đã hoàn thành kết cầu dầm bêtông. Phần trụ tháp ở giữa sông Sài Gòn cũng xong 27 trong tổng số 34 đốt trụ. 56 bộ cáp dây văng được chủ đầu tư nhập từ nước ngoài và 36 bộ cáp đã lắp đặt ở công trình.

Trong khi đó, ở phần cầu dẫn phía Quận 1 đã hoàn thành kết cấu dầm đoạn từ đường Nguyễn Trung Ngạn đến đoạn phần đường cong tuyến Tôn Đức Thắng (gần ga ngầm Ba Son thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên).

8 tháng, Việt Nam nhập khẩu gần 54.000 ô tô

8 tháng qua, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký nhập khẩu về Việt Nam đạt 53.812 chiếc, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu, cảng biển TP.HCM và Hải Phòng

Xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu, cảng biển TP.HCM và Hải Phòng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2020, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đạt 8.836 chiếc, tổng trị giá 202 triệu USD. Như vậy, trong tháng 8, lượng xe nhập tăng hơn 4 nghìn chiếc so với tháng 7.

Về nguồn gốc, lượng xe nhập chủ yếu có xuất xứ từ 3 thị trường chính gồm Thái Lan với 4.743 chiếc, từ Indonesia với 2.523 chiếc, và từ Trung Quốc với 572 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm tới gần 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 8.

Trong đó, số xe được đăng ký tờ khai nhập khẩu chủ yếu ở khu vực cửa khẩu, cảng thành phố Hồ Chí Minh với 3.870 chiếc, và thành phố Hải Phòng với 2.227 chiếc.

Như vậy, 8 tháng qua, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký nhập khẩu về Việt Nam đạt 53.812 chiếc, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Giang: Phát hiện hàng trăm người nhập cảnh trái phép

Trong mấy ngày qua, các tổ công tác Đồn biên phòng Xín Cái liên tục phát hiện, bắt giữ 107 người Việt nhập cảnh trái phép qua đường biên.

Nhóm 14 công dân nhập cảnh trái phép qua mốc 457

Nhóm 14 công dân nhập cảnh trái phép qua mốc 457

Các nhóm lao động bất hợp pháp chủ yếu nhập cảnh trái phép ở khu vực mốc giới thuộc xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc.

Những ngày qua, tổ công tác Đồn biên phòng Xín Cái phát hiện, bắt giữ nhiều nhóm nhập cảnh trái phép qua đường biên gồm 107 người Việt Nam. Phần lớn có môi giới dẫn đường. Những người này đều được đưa đi cách ly tập trung phòng, chống Covid-19 theo quy định.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và bão Noul, biên giới Mèo Vạc có mưa, sáng sớm và chiều tối sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, nhiệt độ ban đêm giảm xuống còn khoảng 13 độ C. Nhiều lao động bất hợp pháp người Việt từ bên kia biên giới đã lợi dụng thời tiết để trở về.

Đồn biên phòng Xín Cái quản lý 24 km đường biên thuộc địa bàn hai xã Thượng Phùng và Xín Cái của huyện Mèo Vạc. Huyện giáp Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là khu vực phát hiện, bắt giữ nhiều nhất số người nhập cảnh trái phép trên toàn tuyến biên giới Hà Giang, khoảng 3.000 trong tổng số hơn 3.500 người bị phát hiện từ đầu năm đến nay.

TP.HCM: Ông Nguyễn Thành Tài lĩnh 8 năm tù

Toà xác định cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài vì quen biết nên giúp bà chủ doanh nghiệp được giao khu đất "vàng" trái pháp luật, bị tuyên 8 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài

Bị cáo Nguyễn Thành Tài

Ngày 20/9, sau 4 ngày xét xử, TAND TP.HCM đưa ra phán quyết đối với ông Nguyễn Thành Tài, và 4 bị cáo về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015.

Khu nhà đất rộng gần 5.000 m2 tại Số 8-12 Lê Duẩn (Quận 1) là tài sản Nhà nước. TP.HCM chủ trương xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh. Tuy nhiên, năm 2011, ông Tài "do quen biết" Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm) nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định, chủ trương của Thành phố.

Hành vi của ông Tài, bà Thuý và các bị cáo đã gây thiệt hại 1.927 tỷ đồng như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, do vụ án đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khu đất được thu hồi trả lại cho Nhà nước nên chỉ còn thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng.

Toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù; Lê Thị Thanh Thuý 5 năm tù.

Bị cáo Kiệt bị tuyên 5 năm tù, tổng hợp hình phạt 6 năm 6 tháng tù trong vụ án cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, bị cáo phải chấp hành 11 năm 6 tháng tù; Trương Văn Út 3 năm tù, tổng hợp với hình phạt 8 năm trước đó, bị cáo phải chấp hành 11 năm tù; Nguyễn Hoài Nam bị phạt 4 năm tù.

Chuyên đề