Bản tin thời sự sáng 21/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 21/9 có thể giảm lần thứ ba liên tiếp; thông xe cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trước 30/4/2023; Hà Nội thu gần 40.000 tỷ đồng từ khách du lịch sau 9 tháng; kỷ luật Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ; sắp khởi công 8,7 km Vành đai 3 TP.HCM…

Giá xăng ngày 21/9 có thể giảm lần thứ ba liên tiếp

Mỗi lít xăng được dự đoán giảm 140 - 310 đồng một lít trong khi dầu có thể hạ 1.600 đồng.

Dự đoán giá mỗi lít xăng ngày 21/9 được dự đoán giảm 140-310 đồng một lít
Dự đoán giá mỗi lít xăng ngày 21/9 được dự đoán giảm 140-310 đồng một lít

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/9 với RON 92 là 99,6 USD một thùng, RON 95 là 103,79 USD, giảm nhẹ tiếp so với những ngày trước đó. Riêng giá dầu về mốc 120 USD một thùng, giảm mạnh so với kỳ điều hành trước đó.

Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở TP.HCM cho biết, giá xăng dầu thế giới tiếp tục đi xuống. Bình quân tuần qua giá xăng nhập về giảm nhẹ so với cùng kỳ. Riêng giá dầu lao dốc mạnh. Kỳ điều hành này giá xăng có thể giảm tiếp khoảng 160 - 310 đồng một lít, dầu giảm mạnh khoảng 1.600 - 1.800 đồng một lít.

Ở phương án hai, ông cho biết nếu nhà điều hành xem xét điều chỉnh mức trích và sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng sẽ giảm 140 - 290 đồng một lít còn dầu quanh mốc 1.000 - 1.300 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, giá xăng kỳ điều hành này sẽ về mốc 22.000 đồng, còn dầu có thể là 22.500 đồng một lít. Đây đồng thời cũng là mức thấp nhất của giá xăng dầu trong 9 tháng đầu năm.

Kỳ điều hành ngày 12/9, mỗi lít xăng, dầu giảm 1.020 - 1.120 đồng. Hiện xăng RON 95-III có giá 23.210 đồng và E5 RON 92 là 22.230 đồng, dầu diesel còn 24.180 đồng; dầu hỏa là 24.410 đồng một lít.

Thông xe cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trước 30/4/2023

Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị nhà thầu dồn mọi nguồn lực thi công và phải hoàn thành thông xe dự án này vào trước 30/4/2023...

Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ yêu cầu phải hoàn thành thông xe dự án này vào trước 30/4/2023

Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ yêu cầu phải hoàn thành thông xe dự án này vào trước 30/4/2023

Theo Bộ Giao thông vận tải, lũy kế sản lượng thực hiện đối với ba gói thầu xây lắp tại Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tính đến nay đạt 48,51% giá trị các hợp đồng, chậm 2,16% so với tiến độ yêu cầu.

Về giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay đã bàn giao 22,97 km tuyến chính, đạt 100%. Phạm vi các nút giao còn vướng khoảng 0,18 km. Bộ đã yêu cầu Ban Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9/2022.

Nguyên nhân của việc chậm trễ trong tiến độ, Bộ này cho rằng, do nhà thầu tổ chức thi công chưa hợp lý, gia tải nền đường chậm. Vì thế, Bộ yêu cầu Ban Mỹ Thuận chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các nhà thầu dồn lực hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến trước ngày 30/9/2022.

Riêng đối với phần đường, Bộ yêu cầu phải xử lý xong nền đất yếu trước ngày 31/12/2022, hoàn thành lớp móng cấp phối đá dăm trước ngày 28/02/2023, thảm bê tông nhựa và thông xe trước ngày 30/4/2023.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23 km, đi qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, được khởi công vào năm 2021, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2023.

Hà Nội thu gần 40.000 tỷ đồng từ khách du lịch sau 9 tháng

9 tháng đầu năm 2022, thu từ khách du lịch ước đạt 39.690 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 13,87 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766.400 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39.690 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu như năm 2021 phần lớn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, thì hiện nay các đơn vị này dần khắc phục khó khăn và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng; trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 25.057 phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 43,7%, tăng 14,3% so với tháng 8/2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 34,1%; tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động du lịch tại Hà Nội đã náo nhiệt trở lại trong nhiều tháng gần đây, với hàng loạt sự kiện hấp dẫn, nhiều sản phẩm du lịch đã được làm mới và nâng cấp chất lượng để thu hút khách đến Hà Nội, như tour đêm Hỏa Lò, tour xe buýt 2 tầng khám phá phố phường Hà Nội, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội, khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”…

Kỷ luật Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ

Bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bị kỷ luật khiển trách vì những khuyết điểm trong lãnh đạo, điều hành, gây bức xúc trong nội bộ.

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ vừa có quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ.

Bà Nguyễn Việt Thúy, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán của bệnh viện, cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện, Bác sĩ Luận đã có những hạn chế, khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ từ 6/2020 và năm 2021.

Vị lãnh đạo Bệnh viện chưa thực hiện chưa đúng quy chế làm việc, chưa tạo được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, thiếu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Bác sĩ Luận cũng là người trực tiếp ký công văn mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và được cho là thiếu kiểm tra, giám sát, để cấp dưới tham mưu báo cáo việc mua sắm và mượn sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế không đầy đủ, không kịp thời.

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ, những sai phạm này đã gây bức xúc trong nội bộ Bệnh viện. Việc này cũng tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và cá nhân Giám đốc Bệnh viện.

Sắp khởi công 8,7 km Vành đai 3 TP.HCM

Dự án 1A dài 8,7 km, thuộc Vành đai 3 với hạng mục quan trọng là cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM qua Đồng Nai sẽ khởi công vào ngày 24/9, giúp tăng liên kết vùng.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch, thuộc dự án 1A

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch, thuộc dự án 1A

Thông tin được ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay Bộ Giao thông vận tải quản lý Dự án) đề cập tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai.

Dự án 1A dài 8,7 km có hai hạng mục chính gồm: cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m, kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng và đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6 km.

Lãnh đạo Ban Quản lý Mỹ Thuận cho biết, hiện TP.HCM đã bàn giao 1,7 km trong tổng 1,9 km (đạt 91%) để thi công. Trong khi Đồng Nai mới giao 1,1 km trong 6,3 km (đạt 17%) mặt bằng. Do đó, ông đề nghị địa phương này đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng, nhất là phần diện tích giáp sông Đồng Nai để xây cầu Nhơn Trạch.

Dự án 1A kết nối từ tỉnh lộ 25B, tỉnh Đồng Nai đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và nguồn đối ứng trong nước. Giai đoạn một, Dự án làm đường rộng 20 - 26 m cho 4 làn xe, vận tốc 80 km/h.

Ngoài Dự án 1A đầu tư bằng vốn ODA, phần còn lại của Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An được đầu tư giai đoạn một dài hơn 76 km với tổng kinh phí 75.300 tỷ đồng. Tuyến đường dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm.

Sóc Trăng dừng chủ trương xây cặp tượng cá chép hóa rồng gây tranh cãi

Chiều 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, vừa chỉ đạo UBND TP. Sóc Trăng dừng chủ trương xây cặp tượng cá chép hóa rồng hai bên bờ kè sông Maspero.

Phác thảo tượng cá chép hóa rồng bên bờ kè sông Maspero TP. Sóc Trăng.

Phác thảo tượng cá chép hóa rồng bên bờ kè sông Maspero TP. Sóc Trăng.

Trước đó, HĐND TP. Sóc Trăng có nghị quyết chủ trương đầu tư hình tượng cá chép hóa rồng trên bờ sông Maspero, từ ngân sách.

Mục tiêu của dự án là tạo sự đồng bộ với hệ thống vỉa hè dọc hai bên tuyến bờ kè, kết hợp hình thái kiến trúc hài hòa, tạo điểm nhấn đô thị về biểu tượng đặc trưng của Thành phố, góp phần ngày càng hoàn thiện hơn kết cấu hạ tầng đô thị, hình thành điểm tham quan, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho người dân trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau khi có chủ trương xây tượng, UBND tỉnh Sóc Trăng nhận được nhiều ý kiến trái chiều và xét thấy việc này chưa cần thiết, thay vào đó sẽ tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về giáo dục và an sinh xã hội phục vụ người dân và phát triển, thu hút du khách.

Hai tượng cá chép hóa rồng có kích thước tổng thể 5,6m x 8,32m, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Sóc Trăng phân kỳ 2023 - 2025.

An Giang tiếp nhận thêm 44 người Việt từ Campuchia

Ngày 20/9, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tỉnh An Giang) tiếp nhận 44 công dân đa phần là lao động được giải cứu từ các casino Campuchia.

Nhóm lao động được tiếp nhận tại An Giang

Nhóm lao động được tiếp nhận tại An Giang

Đây là lần thứ ba biên phòng An Giang tiếp nhận người từ các casino trở về, tổng cộng 111 người. Một số lao động kể bị lừa, khi sang đến casino họ mới vỡ lẽ công việc, thu nhập khác với hứa hẹn ban đầu. Nhiều người bị đánh đập, bán từ nơi này sang nơi khác, buộc phải bỏ trốn, sau đó được lực lượng chức năng Campuchia giúp đỡ.

Tình trạng người Việt làm trong casino Campuchia trốn về nước dấy lên thời gian gần đây. Ba hôm trước, 56 người làm việc trong một casino ở thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng, do bất đồng công việc đã chạy khỏi sòng bài hướng về cửa khẩu Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, Tây Ninh.

Hơn tháng trước, 42 người Việt làm ở sòng bài Campuchia bị giam giữ đã liều mạng chống trả nhóm lính canh sòng bạc, nhảy xuống sông thuộc địa phận An Giang bơi về nước. 40 người trốn thoát thành công, một người bị nước cuốn tử vong, một người bị bắt sau đó về nước an toàn.

Theo Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia, đầu năm 2022 đến nay đã đưa hơn 600 trường hợp ra khỏi những cơ sở lao động trái phép trở về nước. Từ năm 2021 đến nay, hơn 800 công dân được giải cứu tại địa bàn tỉnh Preah Sihanouk.

Chuyên đề