Bản tin thời sự sáng 21/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công bố quy hoạch trụ sở bộ ngành, cơ quan trung ương; hơn 4,3 tỷ USD kiều hối chảy về TP.HCM; giá thép giảm về đáy gần ba năm; hộ chiếu Việt Nam tăng 10 bậc; đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng xây 3 cầu kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang…

Công bố quy hoạch trụ sở bộ ngành, cơ quan trung ương

Bộ Xây dựng công bố đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành, các cơ quan trung ương tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì với tổng diện tích đất 90 ha, sáng 20/7.

Phối cảnh khu Mễ Trì

Phối cảnh khu Mễ Trì

Theo Đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt, khu Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ) có diện tích 35 ha, nằm giữa khu trung tâm Tây Hồ Tây, bố trí tối đa 14 cơ quan. Các trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất, cao 12 - 25 tầng; các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng về phía Bắc và phía Nam gắn với hai trục đường đô thị.

Không gian mở đi giữa lô đất, kết nối từ Đông sang Tây, có lối đi bộ rộng mở hai bên với các công trình dịch vụ công cộng phục vụ cán bộ, khách đến làm việc và người dân trong khu vực…

Hiện nay 11 bộ, cơ quan dự kiến xây dựng trên khu Tây Hồ Tây gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) diện tích khoảng 55 ha, không gian tổng thể là các cụm công trình cao từ 17 - 25 tầng bao quanh khu đất, tiếp giáp với đại lộ Thăng Long.

Dự kiến số người làm việc của các cơ quan khoảng 18.700, trong đó khu Tây Hồ Tây khoảng 14.500 (gồm 1.000 người làm việc tại cơ quan dự trữ), khu Mễ Trì khoảng 4.200 người.

Về nguồn vốn, quy hoạch xác định vốn đầu tư công dùng giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các trụ sở làm việc của bộ, ngành. Vốn xã hội hóa được đầu tư các công trình công cộng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn...

Theo lộ trình, từ năm 2023 - 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 - 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 - 2035 xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và công trình công cộng.

Hơn 4,3 tỷ USD kiều hối chảy về TP.HCM

Sáu tháng năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 65,6% so với cả năm 2022.

Sáu tháng năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD

Sáu tháng năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD

Nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM phần lớn đều trong xu hướng tăng trưởng trong các năm trở lại đây. Kể từ năm 2019, kiều hối chảy về Thành phố luôn chiếm ít nhất một nửa lượng kiều hối của cả nước.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 6/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 65,6% so với cả năm 2022.

Riêng quý II/2023, lượng kiều hối chuyển về đạt 2,21 tỷ USD, tăng 4,5% so với quý I/2023.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á và châu Phi tăng trưởng cao so với cùng kỳ và so với quý đầu năm.

Trong đó, châu Á là khu vực đóng góp lớn nhất, chiếm 47% trong quý II, tăng gần 15% so với quý trước. Đây cũng chính là động lực giúp dòng kiều hối đổ về TP.HCM tăng cao so với năm trước.

Ông Lệnh đánh giá, kiều hối là nguồn lực "vàng" cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Thành phố. Đây là nguồn ngoại tệ, với bản chất là nguồn tiền thu nhập, tích lũy, tiết kiệm của kiều bào, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân.

Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD.

Giá thép giảm về đáy gần ba năm

Sau 13 lần giảm liên tiếp, giá thép về quanh 14 triệu đồng một tấn, thấp nhất kể từ cuối năm 2020 khi nhu cầu tiêu thụ vẫn còn yếu.

Sau 13 lần giảm liên tiếp, giá thép về quanh 14 triệu đồng một tấn

Sau 13 lần giảm liên tiếp, giá thép về quanh 14 triệu đồng một tấn

Những ngày qua, các thương hiệu thép lần lượt điều chỉnh giá bán sản phẩm. Hòa Phát giảm 140.000 đồng cho mỗi tấn thép thanh vằn D10 CB300 về 14,24 triệu đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã hạ giá ở cả hai loại thép phổ biến, đẩy giá thép cuộn CB240 về còn 14,04 triệu đồng một tấn.

Mức giảm 140.000 - 350.000 đồng cũng được các hãng Việt Ý, Việt Đức, Kyoei Việt Nam, Pomina áp dụng. Riêng Thép Miền Nam giảm 410.000 đồng một tấn cho thép CB240.

Như vậy sau 13 lần điều chỉnh liên tiếp, giá thép trên thị trường hiện về quanh 14 triệu đồng một tấn. Theo dữ liệu từ Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina..., đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Một số thương hiệu còn đưa giá bán về dưới mốc 14 triệu đồng như Thép Mỹ, Việt Mỹ, Việt Sing, Tung Ho. Trong đó, Thép Tuyên Quang hạ giá loại CB240 và D10 CB300 lần lượt về 13,6 - 13,75 triệu đồng một tấn.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bán hàng thép các loại đạt gần 2,2 triệu tấn, giảm hơn 6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2022. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất còn khoảng 149.000 tấn thép.

Tình hình ngành thép hiện tại trái ngược với dự báo của các doanh nghiệp và đơn vị quan sát thị trường. Trước đó, các bên cùng nhau nêu quan điểm ngành này sẽ có diễn biến khả quan từ quý II, chậm nhất đến đầu quý III.

Hộ chiếu Việt Nam tăng 10 bậc

Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu 2023 nhưng ở mức thấp ngay cả trong khu vực, trong khi điểm đến miễn hoặc xin visa cửa khẩu, e-visa giữ nguyên.

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam, bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam, bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím

Theo bảng xếp hạng do công ty tư vấn định cư Henley & Partners trụ sở tại Anh công bố ngày 19/7, hộ chiếu Việt Nam đứng 82 trên 103 bậc, tăng 10 bậc so với năm 2022 và 6 bậc so quý I năm nay. Số bậc tăng cao nhưng số lượng điểm đến miễn hoặc chỉ cần xin visa cửa khẩu, e-visa của người cầm hộ chiếu Việt không thay đổi so đầu năm, với 55 điểm đến. 2006 và 2007 là hai năm Việt Nam có xếp hạng hộ chiếu cao nhất, thứ 78 với 18 điểm đến chấp nhận.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết, Việt Nam tăng hạng thứ tự hộ chiếu là "tín hiệu đáng mừng". Tuy nhiên không riêng Việt Nam, 10 nước Đông Nam Á còn lại cũng đều tăng từ một đến năm bậc. Theo ông Chính, việc tăng hạng hộ chiếu "có thể do thế giới đánh giá cao về mức độ ổn định về kinh tế, chính trị, an ninh an toàn của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam" và "nhiều nước khác tụt hạng do bất ổn".

Đại diện một công ty lữ hành tại Việt Nam cho biết, việc hộ chiếu Việt Nam tăng hạng "là điều phấn khởi". Du khách Việt sẽ thêm tự tin hơn khi đi du lịch quốc tế. Khách Việt ra nước ngoài càng đông thì danh tiếng Việt Nam càng được biết đến rộng hơn. Tuy nhiên, việc du lịch quốc tế của người Việt được người này đánh giá "không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước" vì tiền bị "chảy" ra nước ngoài.

Đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng xây 3 cầu kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang

Ba cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Cần Giuộc nằm trên Đường tỉnh 827E, tổng vốn hơn 4.700 tỷ đồng dự kiến khởi công cuối năm tới.

Phối cảnh cầu bắc qua sông Cần Giuộc

Phối cảnh cầu bắc qua sông Cần Giuộc

Thông tin được Sở Giao thông vận tải Long An cho biết, ngày 20/7. Ba cầu nằm trên Đường tỉnh 827E, kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Dự án có vốn vay nước ngoài 174 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng hơn 700 tỷ đồng.

Trong đó, cầu bắc qua sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) gồm hai cầu song song, mỗi cầu có tổng chiều dài 2,7 km, rộng trên 14 m. Hai cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông (huyện Tân Trụ) và Vàm Cỏ Tây (huyện Châu Thành) giai đoạn 1 mỗi cầu dài hơn 6 km bao gồm đường dẫn, mặt cầu rộng 13 m.

Ba cầu khi hoàn thành có vai trò kết nối, tạo tuyến giao thông xuyên suốt từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang ở phía Đông, góp phần giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50.

Ba cầu tại Long An nằm trong gói vay 2,53 tỷ USD từ 6 đối tác nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Thủ tướng đồng ý chủ trương hôm 8/7.

Cho phép xe quá tải thông quan tại Cửa khẩu La Lay

Chính phủ cho phép xe chở than quá tải từ Lào được thông quan qua Cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị) nhằm giúp doanh nghiệp tăng sản lượng than nhập khẩu.

Xe tải chở than sang hạ tải ở Cửa khẩu quốc tế La Lay

Xe tải chở than sang hạ tải ở Cửa khẩu quốc tế La Lay

Theo văn bản được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký, phương tiện quá tải trọng chở than đá từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) được phép thông quan vào sâu nội địa 10 km mới cần hạ tải.

Xe quá tải được thông quan sẽ thí điểm trong hai năm, kể từ ngày văn bản ban hành. Tỉnh Quảng Trị, các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công an có nhiệm vụ phối hợp quản lý xe vận chuyển hàng hóa trước và sau thông quan, bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng trục lợi, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm.

Quảng Trị phải lập phương án tổ chức giao thông để kiểm soát các xe quá tải sau khi thông quan; đồng thời kiểm định, gia cường cầu, cống, đường dọc Quốc lộ 15D.

Trước đó, nội dung này được Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất với mong muốn tháo gỡ tình trạng ùn ứ xe quá tải, đẩy nhanh thông quan và tăng lượng than nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế La Lay. Mỗi ngày có 400 - 500 lượt xe tải chở than nhập khẩu. Trong khi cửa khẩu này chỉ mới hoạt động một luồng nhập khẩu, bãi sang hạ tải chưa có.

Vì vậy, xe tải dừng đỗ tùy tiện, sang tải ngay trên Quốc lộ 15D dẫn đến ùn ứ, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm năng lực thông quan của cửa khẩu cũng như mất cơ hội tăng sản lượng của doanh nghiệp.

Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Trị, có ba doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đầu tư bãi sang hạ tải cho xe chở than dọc Quốc lộ 15D với diện tích 4 - 15 ha, đáp ứng khoảng cách 10 km từ cửa khẩu.

Một lãnh đạo Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay cũng khẳng định, không kiểm soát tải trọng tại cửa khẩu sẽ giúp xe chở than thông quan nhanh chóng, đẩy nhanh lượng hàng hóa nhập khẩu. Trong 7 tháng đầu năm, hải quan La Lay thu 390 tỷ đồng, trong đó gần 90% đến từ mặt hàng than.

Tàu, phà đi các đảo ở Kiên Giang được hoạt động trở lại

Tàu, phà ra các đảo ở Kiên Giang hoạt động trở lại giải quyết tình trạng du khách bị mắc kẹt ở các đảo trong những ngày qua.

Tàu, phà đi các đảo ở Kiên Giang được hoạt động trở lại

Tàu, phà đi các đảo ở Kiên Giang được hoạt động trở lại

Ngày 20/7, ông Võ Minh Tuấn - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang cho biết, Cảng vụ đã cấp phép cho các hãng tàu, phà các tuyến ra đảo và ngược lại được hoạt động bình thường.

Các tuyến gồm tàu, phà tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc; tuyến Rạch Giá - Nam Du, các tuyến ra đảo thuộc huyện Kiên Hải, huyện Kiên Lương và TP. Hà Tiên.

Các hãng tàu khách tuyến Rạch Giá - Nam Du sẽ đưa hơn 1.300 hành khách từ đảo vào đất liền và ngược lại sau nhiều ngày mưa, bão tàu ngưng hoạt động.

Trước tình hình mưa gió, không có tàu, phà khiến du khách bị kẹt lại đảo, nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã chủ động hỗ trợ cho khách, giảm tiền thuê phòng, hỗ trợ mua thực phẩm, nhu yếu phẩm giá ưu đãi cho khách. Các mặt hàng bán đầy đủ, giá ổn định.

Chuyên đề