Bản tin thời sự sáng 21/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM dùng 2.700 tỷ đồng phí cảng biển làm ba dự án trọng điểm; tất cả hồ thủy điện thoát mực nước chết; hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái được khôi phục; gần 44 triệu cổ phiếu sắp và có thể bị huỷ niêm yết…

Dùng 2.700 tỷ đồng phí cảng biển làm ba dự án trọng điểm

2.700 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển sẽ được dùng để hoàn thiện các công trình trọng điểm nút giao Mỹ Thủy, An Phú và Vành đai 2 đều ở TP. Thủ Đức.

Công trường thi công dự án nút giao An Phú - một trong dự án được góp vốn từ nguồn thu phí cảng biển

Công trường thi công dự án nút giao An Phú - một trong dự án được góp vốn từ nguồn thu phí cảng biển

Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết ngày 20/6, sau hơn một năm Thành phố thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển. Tổng nguồn thu từ đầu tháng 4 năm ngoái đến cuối tháng 5 năm nay khoảng 2.700 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày 7 - 8 tỷ đồng.

Theo ông Lâm, số tiền này sau khi nộp vào ngân sách được bố trí riêng cho đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển. Trong đó, ba dự án quan trọng trên địa bàn đã có kế hoạch dùng vốn góp từ nguồn kinh phí này gồm: nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn 2), An Phú, Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội.

Trong đó, đoạn Vành đai 2 là công trình có kinh phí lớn nhất với gần 9.800 tỷ đồng (riêng giải phóng mặt bằng hơn 6.400 tỷ đồng). Công trình này dự kiến được HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp vào tháng 7 tới.

Nút giao An Phú tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng đang được triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2025 giúp giảm ùn tắc, tăng liên kết vùng ở cửa ngõ phía Đông Thành phố. Riêng Dự án nút giao Mỹ Thủy tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng, đang triển khai giai đoạn 2 với việc xây thêm các cầu, nhánh rẽ... Nút giao này cũng dự tính hoàn thiện toàn bộ năm 2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn khu vực cảng Cát Lái.

Từ đầu tháng 4/2022, TP.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Thành phố); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Sở Giao thông vận tải tính toán đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu được đầu tư các công trình quanh cảng.

Tất cả hồ thủy điện thoát mực nước chết

Hồ thủy điện cả nước đều thoát khỏi mực nước chết, nhưng một số như Sơn La, Lai Châu chưa phát điện trở lại vì cần tích nước phục vụ cao điểm nắng nóng.

Mực nước hồ thủy điện Lai Châu ngày 20/6

Mực nước hồ thủy điện Lai Châu ngày 20/6

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mực nước hồ thủy điện Lai Châu là 282 m, vượt mực nước chết 17 m; hồ Sơn La 179 m, vượt 4 m; hồ Bản Chát 438 m, vượt 7 m; hồ Tuyên Quang 96 m, vượt 6 m. Các hồ như Thác Bà, Huội Quang, Bản Vẽ, Trị An cũng đã vượt mực nước chết từ 0,5 - 3 m.

Theo đại diện đơn vị quản lý hai thủy điện Lai Châu và Sơn La, mực nước hiện tại đã đủ phát điện trở lại. Tuy nhiên, thủy điện Lai Châu, công suất 1.200 MW, chỉ có thể vận hành cả ba tổ máy được gần 90 tiếng thì về mực nước chết. Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW duy trì được hơn 50 tiếng. Vì thế, hai thủy điện vẫn dừng vận hành để tích nước, phục vụ những ngày nắng nóng sắp tới.

Nhiều thủy điện khác cũng không vận hành như Tuyên Quang, Huội Quảng, Bản Chát, Bản Vẽ, Sông Tranh 2, Đồng Nai 4, Đồng Nai 3.

Mực nước các hồ dâng cao do thủy điện dừng vận hành và những ngày qua miền Bắc thường xuyên mưa vừa, mưa to. Riêng từ đêm 19/6 đến 7h ngày 20/6, cơ quan khí tượng ghi nhận nhiều nơi mưa trên 60 mm như: Nậm Loỏng (Lai Châu) 86 mm, Tả Lèng (Lai Châu) gần 70 mm, Quản Bạ (Hà Giang) gần 65 mm.

Mưa nhiều khiến nước đổ về hồ thủy điện tăng. Theo EVN, lượng nước về hồ Lai Châu hiện gần 950 m3/s, cao hơn thời điểm thấp nhất lúc 17h ngày 8/6 gần 19 lần (50 m3/s). Con số này tại thủy điện Sơn La là hơn 2 lần, Bản Chát gần 3 lần. Riêng thủy điện Thác Bà lưu lượng nước về bằng 0.

Hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái được khôi phục

Tính đến giữa tháng 6, tổng lượt người xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đạt gần 1,1 triệu lượt người; Ban Quản lý Cửa khẩu thu được gần 50 tỷ đồng từ các loại phí từ đầu năm đến nay.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Từ đầu năm đến giữa tháng 6, tổng lượt người xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đạt gần 1,1 triệu lượt người; trong đó, lượng người Việt Nam nhập cảnh là 265.000 lượt, người Trung Quốc nhập cảnh gần 285.000 lượt người và 614 lượt người quốc tịch khác. Có gần 548.000 lượt người xuất cảnh.

Để khôi phục và duy trì hoạt động xuất nhập cảnh, chính quyền thành phố Móng Cái đã tăng cường đối ngoại; thường xuyên nắm bắt tình hình, thông tin trao đổi với Cục Thương vụ và quản lý cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc), kịp thời xử lý những phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; tổ chức hội đàm trao đổi quản lý cửa khẩu 5 tháng năm 2023 giữa các ngành khối cửa khẩu thành phố Móng Cái, Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) vào ngày 19/5/2023.

Cùng đó, Thành phố cũng sớm có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang diễn ra như phê duyệt nhân sự, bố trí lối đi riêng dành cho khách du lịch… tạo điều kiện cho khách du lịch được xuất nhập cảnh thuận lợi.

Trong 6 tháng năm 2023, Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã thu được 47,9 tỷ đồng từ các loại phí, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022, gồm: phí phương tiện đường bộ, phí hàng hoá tạm nhập tái xuất và phí dịch vụ.

Đơn vị này đã nộp ngân sách nhà nước gần 43,5 tỷ đồng đồng. Ước thực hiện đến 30/6, tổng số thu phí đạt 52.379,5 triệu đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ 2022, đạt 29,6% kế hoạch giao.

Gần 44 triệu cổ phiếu sắp và có thể bị huỷ niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa phát thông báo huỷ niêm yết và có khả năng huỷ niêm yết với một số cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu sắp và có thể bị huỷ niêm yết

Nhiều cổ phiếu sắp và có thể bị huỷ niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa phát thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty CP Cơ điện Thủ Đức (mã chứng khoán: EMC). Theo đó, gần 15,3 triệu cổ phiếu EMC, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá 152,97 tỷ đồng sẽ chính thức hủy niêm yết từ ngày 14/7. Lý do là tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu EMC trên sàn HOSE là ngày 13/7/2023.

Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn về việc hủy tư cách công ty đại chúng đối với Cơ điện Thủ Đức kể từ ngày 15/4. Mới đây vào ngày 5/6, HOSE cũng đã có công văn gửi công ty về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu EMC.

Ở một diễn biến khác, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo cổ phiếu DNM của Tổng công ty CP Y tế Danameco có khả năng bị hủy niêm yết theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Nguyên nhân là công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. HNX sẽ xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DNM theo đúng quy định.

Trước đó, cổ phiếu DNM đã bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Cổ phiếu này hiện chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Theo báo cáo tài chính, với khoản lỗ kỷ lục năm ngoái, Y tế Danameco lỗ luỹ kế 78,5 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2022, trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức 52,5 tỷ đồng.

HNX cũng thông báo cổ phiếu SIC của Công ty CP ANI có khả năng bị hủy bỏ niêm yết theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP do tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. HNX sẽ xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SIC theo quy định.

Bộ GTVT báo cáo Chính phủ triển khai thu phí không dừng ETC ở các sân bay

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tài khoản thu phí giao thông tự động ETC chỉ được sử dụng để phục vụ việc thanh toán phí đường bộ. Do vậy, để triển khai thu phí không dừng ETC tại các cảng hàng không, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ của hệ thống thu phí điện tử không dừng...

Bộ GTVT báo cáo Chính phủ triển khai thu phí không dừng ETC ở các sân bay

Bộ GTVT báo cáo Chính phủ triển khai thu phí không dừng ETC ở các sân bay

Trước kiến nghị của đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về việc nhanh chóng triển khai thu phí không dừng ở các sân bay trong đó có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT khẳng định việc này là cần thiết nhằm góp phần hiện đại hóa hoạt động thu phí, thuận tiện cho người sử dụng, hạn chế ùn tắc tại các trạm thu phí ra vào cảng hàng không.

Vừa qua, Bộ GTVT nhận được đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về nội dung này. Tuy nhiên, quy định tại Quyết định 19/2020 của Thủ tướng nêu rõ, tài khoản giao thông chỉ được sử dụng để phục vụ việc thanh toán phí đường bộ.

Do vậy, để triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không cần báo cáo Thủ tướng cho phép mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ của hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất cho phép được triển khai thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan để xem xét đề xuất của Bộ GTVT. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ phối hợp với ACV và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

Đồng Nai đề xuất chuyển đổi 32 ha đất rừng cho tái định cư

Hơn 32 ha đất rừng phòng hộ tại Đồng Nai được đề xuất chuyển đổi để thực hiện dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang được đề xuất bố trí thêm 1.824 suất tái định cư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang được đề xuất bố trí thêm 1.824 suất tái định cư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hội đồng Thẩm định chuyển mục đích sử dụng đất rừng tỉnh Đồng Nai vừa bỏ phiếu thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, Dự án hạ tầng tái định cư tại xã Long Phước, huyện Long Thành có quy mô gần 34 ha, bố trí chỗ ở cho khoảng 4,5 nghìn người thuộc diện phải thu hồi đất phục vụ Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, có 32,3 ha là đất rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Võ Văn Phi đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục theo quy định để UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.

Sau khi được HĐND Tỉnh thông qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc, đề nghị chủ dự án xây dựng phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế.

Cũng liên quan đến công tác bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành về việc bố trí tái định cư Dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Kon Tum chấp thuận chủ đầu tư thủy điện 328 tỷ đồng

Tỉnh Kon Tum có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Pek với tổng mức vốn là 328 tỷ đồng.

Tỉnh Kon Tum có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Pek. Ảnh minh họa

Tỉnh Kon Tum có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Pek. Ảnh minh họa

Ngày 20/6, UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Pek.

Theo đó, Dự án Thủy điện Đăk Pek tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum do Công ty CP Thủy điện Đăk Pek làm chủ đầu tư. Dự án có công suất thiết kế là 10,2 MW; điện lượng trung bình năm (Eo) 34,12 triệu Kwh.

Dự án có diện tích mặt đất sử dụng là 34,13 ha với tổng vốn đầu tư là 328 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 115 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Dự án Thủy điện Đăk Pek có thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2026.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, kể từ ngày được Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Dự án sử dụng công nghệ Tuabin Francis trục ngang không thuộc danh mục công nghệ hạn chế hoặc cấm chuyển giao.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện Dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Chuyên đề