Cựu Phó chủ tịch Khánh Hòa bị bắt và khám xét nơi ở
Ông Đào Công Thiên, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt với cáo buộc giao đất "vàng" cho doanh nghiệp không qua đấu giá, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Ông Đào Công Thiên lúc còn đương chức |
Sáng 20/5, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Đào Công Thiên, về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Khoản 3 Điều 229 BLHS, được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt cho bị can.
Tuy nhiên, từ chiều ngày 19/5, cựu Phó chủ tịch Khánh Hòa đã nhập viện Bệnh viện Quân y 87. Cảnh sát đến bệnh viện công bố các quyết định, đồng thời cắt cử người giám sát, chờ kết quả bệnh lý của bị can để đưa ra phương án xử lý.
Lực lượng chức năng sau đó có mặt tại nhà của ông Thiên trên đường Chi Lăng, phường Phước Tân, thành phố Nha Trang, thực hiện lệnh khám xét với sự có mặt của vợ ông này.
Bị cáo buộc vai trò đồng phạm, ông Võ Tấn Thái (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa) cũng bị bắt tạm giam.
Trong sáng ngày 20/5, cảnh sát đưa ông Thái đến Sở Tài nguyên và Môi trường, nơi ông từng làm việc, để thực hiện việc khám xét. Tại đây, cảnh sát thu giữ nhiều thùng carton tài liệu liên quan đến các vụ giao đất cho doanh nghiệp. Cựu Giám đốc Sở được đưa về chung cư cũ trên đường Lê Hồng Phong, tiếp tục chứng kiến việc khám xét tại nơi ở của mình.
Suốt quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Thái giữ vẻ bình tĩnh, trả lời các câu hỏi và chỉ những nơi lưu giữ các tài liệu, hồ sơ liên quan vụ án.
Động thái này được đưa ra sau hơn một tháng cơ quan điều tra khởi tố vụ án, làm rõ các sai phạm của ông Thiên khi còn đương chức (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và những người liên quan.
Bắc Ninh cách ly xã hội huyện Quế Võ từ 15h ngày 20/5
Sau hai ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, từ 15h ngày 20/5, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, với dân số khoảng 200.000 bắt đầu cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Hội phụ nữ xã Bằng An thu hoạch hoa màu giúp các hộ đang cách ly |
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, quyết định nâng mức độ chống dịch ở huyện Quế Võ khi sáng 20/5 huyện ghi nhận 2 ca nhiễm mới. Phía bắc huyện giáp với huyện Việt Yên - ổ dịch lớn của tỉnh Bắc Giang với vài trăm ca nhiễm trong khu công nghiệp.
Theo Chỉ thị 16, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, nhân viên sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ đến công sở trong trường hợp thật cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu...; tăng cường tổ chức họp trực tuyến.
Đến nay tỉnh Bắc Ninh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với huyện Thuận Thành, TP. Bắc Ninh, Quế Võ; các huyện Lương Tài, Tiên Du, thị xã Từ Sơn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Ở bên trong các huyện, thành phố này có nhiều điểm phong tỏa cục bộ.
Từ 14h ngày 20/5, Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp phường xã chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất cho cán bộ, nhân viên nghỉ luân phiên, tối thiểu 50% tổng số cán bộ.
Đà Nẵng kiểm soát người đi chợ bằng thẻ QR-Code
Người dân ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng sẽ được phát thẻ QR-Code thay cho thẻ giấy để đi chợ 3 ngày một lần.
Chốt kiểm soát ra vào ở một khu chợ trên địa bàn Đà Nẵng |
Ngày 20/5, Sở Công Thương Đà Nẵng hướng dẫn việc triển khai thí điểm ứng dụng "thẻ vào chợ QR-Code" tại 4 chợ do Thành phố quản lý, gồm chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Hàn và chợ đầu mối Hoà Cường.
Thời gian áp dụng từ ngày 24/5, với các hộ dân thuộc 5 phường Hải Châu I, Hải Châu II, Thanh Bình, Thuận Phước, Hòa Cường Nam (cùng quận Hải Châu). Người dân ở các địa phương khác tạm thời vẫn đi chợ bằng thẻ giấy như trước.
Thẻ QR-Code sẽ được các phường in và gửi đến Tổ dân phố để phát cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên và người lao động thuê trọ trên địa bàn.
Nhân viên kiểm soát tại các chợ sẽ được hỗ trợ thiết bị thông minh kết nối wifi, quét thẻ bằng ứng dụng Eticket - Da Nang; trường hợp thẻ không hợp lệ hoặc người có thẻ đã sử dụng đi chợ trong ngày thì không được vào chợ.
Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện nghiên cứu theo bảng hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để nhân rộng việc áp dụng "thẻ vào chợ QR-Code" cho các địa phương trên toàn Thành phố.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng, cho biết việc áp dụng "thẻ vào chợ QR-Code" đem lại tiện lợi cho người dân vì có thể lưu trữ ngay trên thiết bị di động.
Với cơ quan quản lý, thẻ giúp tiết kiệm chi phí in ấn, nhân lực cấp phát thẻ vé đi chợ cho từng hộ gia đình và tra cứu thông tin người ra, vào chợ theo từng thời điểm nhanh chóng, hỗ trợ truy vết người đi chợ nghi nhiễm Covid-19 hiệu quả.
Thành phố Hải Dương yêu cầu người dân không ra đường từ 22 giờ đến 5 giờ sáng
Lãnh đạo thành phố Hải Dương yêu cầu người dân toàn Thành phố ở tại nhà, chỉ ra ngoài đường trong trường hợp thật cần thiết; không ra ngoài đường từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Các chiến sỹ công an trực tại chốt vị trí cuối đường Nguyễn Lương Bằng |
Bắt đầu từ 22 giờ ngày 20/5, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) sẽ áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch trên địa bàn.
Cụ thể, lãnh đạo Thành phố yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài đường trong trường hợp thật cần thiết; không ra ngoài đường từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau; thực hiện nghiêm "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế.
Người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp không tự mua thuốc điều trị, liên hệ ngày với Trạm Y tế nơi đang lưu trú để được hướng dẫn khám, điều trị và làm xét nghiệm.
Các cơ sở kinh doanh dược, hiệu thuốc, cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh khi phát hiện người dân đến mua thuốc, khám, chữa các bệnh về ho, sốt, khó thở... phải lập danh sách gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại và thông báo ngày với Trạm Y tế trên địa bàn.
Lãnh đạo thành phố Hải Dương cũng yêu cầu dừng các cuộc hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập hoặc đi thành từng nhóm từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng trừ các hoạt động phục vụ cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhưng phải giữ khoảng cách, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Tổ bầu cử.
Tháo gỡ nút thắt hơn 2.800 tỷ đồng vốn bảo trì đường sắt
Bộ Giao thông vận tải sẽ ký hợp đồng quản lý bảo trì đường sắt với Tổng công ty Đường sắt, tháo gỡ tình trạng nợ lương công nhân.
Nhân viên tuần đường sắt trên cầu Long Biên |
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ chịu trách nhiệm đặt hàng công tác quản lý, bảo trì đường sắt năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trước ngày 24/5.
VNR sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đảm bảo thông suốt, an toàn.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết vì VNR là đơn vị không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nên hai bên cần có hợp đồng đặt hàng; sau đó Tổng công ty sẽ ký hợp đồng với các công ty con và điều phối chung. Hơn 3.100 km đường sắt và trên 1.500 đường ngang đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Dự kiến, vốn bảo trì hạ tầng đường sắt năm 2021 là 2.822 tỷ đồng.
Những năm trước đây, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho VNR là đơn vị trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, từ năm 2019, VNR chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, nên Bộ Giao thông vận tải không được tiếp tục giao vốn ngân sách.
Việc chậm giao vốn bảo trì đường sắt từ đầu năm 2021 đã khiến hàng nghìn lao động đường sắt bị chậm lương. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giao vốn cho Cục Đường sắt là cơ quan trực thuộc Bộ và Cục sẽ ký hợp đồng với 20 đơn vị bảo trì (là các công ty con của VNR).
Ông Vũ Anh Minh cho rằng, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo thêm khâu trung gian, phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải đường sắt. Do đó, VNR kiến nghị Chính phủ được nhận trực tiếp vốn bảo trì đường sắt như các năm trước.
50 sinh viên, cán bộ Đại học Y Hà Nội chi viện Bắc Ninh chống dịch
50 sinh viên, cán bộ Đại học Y Hà Nội đến huyện Yên Phong và bệnh viện dã chiến ở Bắc Ninh hỗ trợ lấy mẫu, truy vết và đào tạo chuyên môn phòng chống Covid-19.
Những sinh viên đi Bắc Ninh đều đang học năm cuối, tự nguyện tham gia phòng chống dịch |
Theo GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, các cán bộ, sinh viên của trường sẽ hỗ trợ Bắc Ninh trên mọi mặt liên quan đến công tác chuyên môn, sau khi đoàn công tác của trường đã đến địa phương tiền trạm.
Tỉnh Bắc Ninh đã thống nhất để Đại học Y Hà Nội phụ trách Yên Phong - huyện gồm 13 xã, một thị trấn với dân số khoảng 200.000, vừa cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ 14h ngày 19/5. Trường Y Hà Nội sẽ phụ trách hoàn toàn về mặt chuyên môn trong những ngày tới. Bất kỳ đơn vị nào đến huyện hỗ trợ cũng phải tuân theo những quy chuẩn của Đại học Y Hà Nội.
Sau khi thống nhất như vậy, ngày 20/5, 30 sinh viên năm cuối của Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đến Yên Phong hỗ trợ việc truy vết, tìm hiểu dịch tễ. Hơn 10 cán bộ của trường chuyên về lấy mẫu và giảng dạy về lấy mẫu cũng đến địa phương hỗ trợ công tác này. Các mẫu sau đó sẽ được chuyển về Đại học Y Hà Nội trong ngày để xét nghiệm và trả kết quả online cho CDC Tỉnh.
Trước Đại học Y Hà Nội, thầy trò Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Học viện Quân y đã lên đường chi viện cho Bắc Giang - địa phương có số ca Covid-19 nhiều nhất cả nước với 644 ca.