Nhiều nhà thầu chậm thi công đường dây 500 kV mạch 3 ra Bắc
Dù được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, nhiều nhà thầu vẫn chậm thi công các vị trí móng cọc Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Công nhân nhà thầu thi công đào đúc móng vị trí 1A đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu |
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 514 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.
Hiện các dự án thành phần gồm đường dây 500kV đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, Nam Định I - Phố Nối đang thi công để có thể đóng điện vào tháng 6 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư Dự án là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, nhiều nhà thầu xây lắp đang chậm tiến độ thi công, chậm triển khai đào móng. Nhiều vị trí móng cọc đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu chưa đưa máy ép cọc vào vị trí để thi công. Điều này nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ toàn Dự án.
Do thời gian còn lại rất ngắn, EVNNPT yêu cầu Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung, nhà thầu tư vấn giám sát, xây lắp thi công liên tục 3 ca, 4 kíp, 24/7, xuyên lễ để bảo đảm tiến độ.
Các nhà thầu tư vấn giám sát phải rà soát và báo cáo danh sách các nhà thầu thi công chậm tiến độ để ban quản lý dự án có phương án xử lý.
"Nếu nhà thầu tiếp tục chậm tiến độ, không nghiêm túc thi công sẽ có chế tài xử lý", Chủ đầu tư cho biết. Chế tài nặng nhất là chấm dứt hợp đồng để lựa chọn nhà thầu khác có đủ năng lực, theo EVNNPT.
17 khu đất rộng gần 410 ha sẽ được Đồng Nai đưa ra đấu giá trong năm 2024
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có thông tin chi tiết kế hoạch cũng như thời điểm dự kiến tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng nhiều khu đất trong năm 2024.
Việc đấu giá đất giúp Đồng Nai tạo nguồn chi cho phát triển hạ tầng. |
Theo đó, có tổng cộng 17 khu đất dự kiến đưa ra đấu giá nằm tại TP. Biên Hoà và các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành… bao gồm 6 khu đất của năm 2023 chuyển sang và 11 khu đất mới bổ sung.
Trong đó, 6 khu đất từ kế hoạch đấu giá đất năm 2023 chuyển sang gồm:
Thửa đất số 224, tờ bản đồ địa chính số 35 tại phường Tân Phong (TP. Biên Hòa). Từ nay đến tháng 6/2024, sẽ lập quy hoạch chi tiết rút gọn, xây dựng phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, lựa chọn tổ chức bán đấu giá, đăng thông báo và tổ chức đấu giá.
Thửa đất số 19, tờ bản đồ địa chính số 22 tại phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa). Thời gian dự kiến đấu giá là tháng 6/2024.
Khu đất gồm nhiều thửa với diện tích gần 77 ha tại xã Long Đức (Huyện Long Thành). Huyện Long Thành đã xử lý xong các trường hợp lấn chiếm đất. Từ nay đến tháng 11/2024 sẽ thực hiện thanh lý cây cao su và hoàn tất các thủ tục pháp lý để đấu giá.
Thửa số 61, tờ bản đồ địa chính số 29 tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom). Từ nay đến tháng 6/2024 sẽ xây dựng phương án, xác định giá khởi điểm, lựa chọn tổ chức bán đấu giá, đăng thông báo và tổ chức đấu giá.
Khu đất hồ sen Hưng Lộc tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) dự kiến sẽ tổ chức đấu giá trong tháng 5/2024.
Cuối cùng là thửa đất số 1587, tờ bản đồ địa chính số 18 tại thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Thời gian dự kiến đấu giá là tháng 8/2024.
Đối với 11 khu đất bổ sung mới năm 2024, có một số khu đất diện tích lớn là: khu đất gần 352 ha tại xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom); khu đất cụm nghề đúc gang 4,8 ha tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu); khu đất dự án chợ và khu phố chợ tại xã Tam An 2,2 ha (huyện Long Thành)…
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng 17 khu đất nói trên nhằm tạo nguồn chi cho phát triển hạ tầng, đồng thời sớm đưa các khu đất vào sử dụng. Tổng diện tích các khu đất gần 410 ha, giá trị thu về ước tính hơn 7,7 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi gần 1.900 tỷ đồng
Trong năm 2023, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam vẫn báo lãi gần 1.900 tỷ đồng, nhưng so với năm liền trước, mức lợi nhuận này đã giảm gần 10%.
Hầu hết doanh thu của VNX đến từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con. Trong đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mang lại gần 462 tỷ đồng |
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cho biết đã ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.920 tỷ đồng trong năm ngoái, giảm 44% so với năm 2022.
Hầu hết doanh thu của VNX đến từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con. Trong đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đóng góp hơn 1.395 tỷ đồng và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mang lại gần 462 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng chi phí của VNX trong một năm qua chỉ khoảng 27 tỷ đồng, giảm hơn 96% so với cùng kỳ, qua đó giúp lợi nhuận sau thuế của Sở chỉ giảm gần 10%, xuống 1.886 tỷ đồng.
Tỷ số ROE của VNX giữ ở mức tương đối cao, đạt 62,9%, trong khi ROA đạt 55,7%. VNX tự đánh giá các chỉ tiêu trên cho thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, khả năng sinh lời tốt và bảo toàn phát triển vốn được giao.
VNX được thành lập tháng 2/2021 theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng. VNX có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình mẹ - con dựa trên sự sắp xếp lại HNX và HoSE.
Trong năm đầu hoạt động, doanh thu của VNX đạt 2.054 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.337 tỷ đồng. Sang năm 2022, sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán giúp doanh thu lẫn lợi nhuận của Công ty tăng đột biến, lần lượt đạt 3.423 tỷ đồng và 2.089 tỷ đồng.
Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát pháp lý 14 dự án nhà ở chậm triển khai để xử lý
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiến hành rà soát pháp lý 14 dự án nhà ở chậm triển khai để đưa ra phương án xử lý dứt điểm thu hồi hoặc gia hạn trong quý II/2024.
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao nhiệm vụ xử lý dứt điểm 14 dự án nhà ở chậm triển khai trong quý II/2024 |
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện rà soát, xử lý 14 dự án nhà ở chậm triển khai trên địa bàn Tỉnh.
Để xử lý 14 dự án nhà ở chậm triển khai, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phân loại, chia thành 3 nhóm, gồm: 1 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận nhưng không thực hiện chủ trương đầu tư; 2 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thực hiện thủ tục đầu tư; 11 dự án được UBND Tỉnh ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đầu tư hoặc thoả thuận địa điểm dự án nhưng chưa lập thủ tục đất đai, không thực hiện thủ tục đầu tư.
Trong 14 dự án nhà ở nói trên có 9 dự án toạ lạc tại TP. Vũng Tàu, 4 dự án tại Thị xã Phú Mỹ và 1 dự án tại huyện Long Điền, tổng diện tích khoảng 319ha.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Xây dựng phải xử lý dứt điểm 14 dự án nhà ở nói trên trong quý II/2024. Đối với các dự án đang được kiểm tra, thanh tra hoặc điều tra thì sẽ xử lý khi có kết quả giải quyết.
Đề xuất thay 16 chốt đèn giao thông quanh Tân Sơn Nhất
Hệ thống tín hiệu giao thông ở 16 giao lộ cửa ngõ Tân Sơn Nhất được đề xuất thay mới, kết nối trung tâm điều hành để linh hoạt điều tiết dòng xe, kinh phí 14,5 tỷ đồng.
Xe nối đuôi trên đường Bạch Đằng, hướng vào cổng sân bay Tân Sơn Nhất |
Đây là một trong những giải pháp giảm ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, vừa được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Hiện, đèn tín hiệu ở nhiều giao lộ quanh khu vực trên với chu kỳ đèn xanh, đỏ, vàng được thiết lập sẵn, cài đặt trực tiếp tại các chốt, không thể điều khiển từ xa.
Theo đó, 7 giao lộ gần cổng sân bay dự kiến được thay mới hệ thống tín hiệu giao thông, gồm: Hồng Hà - Bạch Đằng, Bạch Đằng - Đặng Văn Sâm, Hồng Hà - Hồng Hà (nhánh cắt ngang), Đặng Văn Sâm - Hồng Hà, Hoàng Minh Giám - Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám - Hồng Hà, Phổ Quang - Huỳnh Lan Khanh.
Trên đường Trường Chinh dẫn vào khu vực trên, 7 chốt đèn tín hiệu cũng được thay thế, đoạn nút giao với các tuyến: Phạm Văn Bạch, Phan Huy Ích, Tân Sơn Nhì, Tây Thạnh, Phan Văn Hớn và khu vực trước nhà thờ Đông Quang, Lạc Quang. Hai vị trí còn lại là nút giao Út Tịch - Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) và giao lộ An Sương (giáp Quận 12 và huyện Hóc Môn).
Hệ thống tín hiệu giao thông mới khi thay thế sẽ kết nối với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông vận tải), giúp điều khiển tối ưu dòng xe, nâng cao năng lực thông hành ở các nút giao. Công cụ này giúp đơn vị quản lý linh hoạt điều chỉnh thời lượng đèn theo lượng xe thực tế trên các tuyến đường phân luồng từ xa, để hạn chế ùn tắc. Tổng vốn đầu tư hệ thống đèn là 14,5 tỷ đồng, trong đó phần thiết bị và xây dựng khoảng 5,7 tỷ đồng, còn lại là chi phí kết nối.
Ngoài giải pháp trên, ngành giao thông TP.HCM cũng đang nghiên cứu một số phương án khác giảm kẹt xe cho khu vực này, như cấm xe tải theo giờ vào ba tuyến đường gần sân bay; cấm xe máy lên cầu vượt thép nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám...
Hà Nội vượt Singapore khi sở hữu sân bay tốt nhất thế giới năm 2024
Sân bay quốc tế Nội Bài được giới doanh nhân toàn cầu đánh giá là sân bay tốt nhất, theo kênh thông tin tín dụng Business Financing của Anh.
Sân bay Nội Bài được khách doanh nhân đánh giá cao |
Được giới doanh nhân trên khắp thế giới chấm điểm trung bình 6,80 trên 10, sân bay Nội Bài đứng vị trí số 1 trong các cảng hàng không trên thế giới. Đứng thứ hai trong danh sách là sân bay Changi của Singapore với 6,63 điểm.
Bảng xếp hạng đối chiếu các đánh giá của hành khách về các sân bay lớn trên toàn thế giới từ hãng hàng không chất lượng. Danh sách tổng hợp đánh giá từ các hành khách doanh nhân để xếp hạng 20 sân bay tốt nhất trên toàn cầu.
Sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ ba, tiếp theo là sân bay Hamad của Qatar. 14 trong số 20 sân bay quốc tế tốt nhất dành cho giới doanh nhân đều ở châu Á hoặc Trung Đông.
Nội Bài, sân bay bận rộn thứ hai của Việt Nam, sau Tân Sơn Nhất tại TP Hồ Chí Minh, có công suất 25 triệu hành khách mỗi năm.
Ở chiều ngược lại, 20 sân bay quốc tế tồi tệ nhất đối với khách doanh nhân hầu hết là các sân bay tại châu Âu. Trong đó có 6 sân bay ở Anh. Không có sân bay nào trong số 20 sân bay tệ nhất có điểm trung bình trên 2 trên 10. Tệ nhất là sân bay Brussels South Charleroi ở Bỉ, chỉ đạt điểm trung bình là 1,20 trên 10.
Tàu khách Vũng Tàu - Côn Đảo vận hành lại sau hơn 7 tháng ngừng hoạt động
Sau hơn 7 tháng ngừng hoạt động vì lý do thời tiết, tàu vận tải hành khách tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo dự kiến hoạt động trở lại từ ngày 2/3 nhưng với tần suất giảm một nửa so với trước đây.
Tàu vận tải hành khách từ Vũng Tàu đi Côn Đảo sẽ hoạt động trở lại từ ngày 2/3 sau 7 tháng tạm ngừng |
Ngày 20/2, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc có thông báo vận hành tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo sau thời gian ngừng hoạt động từ tháng 7/2023 đến nay.
Theo đó, tuyến đầu tiên hoạt động vào thứ 7, ngày 2/3 và theo hướng Vũng Tàu đi Côn Đảo, quay đầu về Vũng Tàu chiều 3/3. Sau đó, ngừng hoạt động 5 ngày để kiểm tra trước khi vận hành đều đặn kể từ ngày 9/3.
Thời gian tới, lịch vận tải của tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo cũng có sự thay đổi. Thay vì 2 chuyến đi - về một ngày như trước đây thì chỉ còn 1 chuyến đi hoặc về trong ngày. Trong đó, chuyến đi Côn Đảo khởi hành vào 7h30 sáng, còn chuyến về Vũng Tàu khởi hành lúc 13h chiều.