Bản tin thời sự sáng 21/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất 2 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2024; sắp thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng dự án của EVN, HANDICO, VietinBank; đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng làm đường ven biển Khu kinh tế Vân Phong; Thủy điện sông Bồ bị phạt 210 triệu đồng; khách Việt đến Hàn nhiều thứ 5 thế giới…

TP.HCM đề xuất 2 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2024

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin phép tổ chức bắn pháo hoa tầm cao, tầm thấp nhân dịp Tết Dương lịch năm 2024.

TP.HCM đề xuất 2 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2024

TP.HCM đề xuất 2 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2024

Theo UBND TP.HCM, để góp phần lan tỏa không khí vui tươi, phấn khởi, đón chào năm mới năm 2024, đồng thời phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí tinh thần của nhân dân và du khách, TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Thành phố được bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch năm 2024.

Dự kiến, 2 điểm bắn pháo hoa chào đón Tết Dương lịch 2024 tại TP.HCM gồm: Một điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP. Thủ Đức; số lượng pháo hóa là 1.500 quả tầm cao, với 30 giàn tầm thấp, 10 giàn hỏa thuật; một điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, Quận 11 với số lượng 90 giàn tầm thấp và 30 giàn hỏa thuật. Thời gian bắn pháo hoa chào đón năm mới 2024 là 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 1/1/2024. Chi phí thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Sắp thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng dự án của EVN, HANDICO, VietinBank

Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng một số dự án do EVN, HANDICO, VietinBank và hàng loạt ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án VietinBank Tower đang xây dựng dở dang nhiều năm tại Khu đô thị Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội)

Dự án VietinBank Tower đang xây dựng dở dang nhiều năm tại Khu đô thị Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội)

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký Quyết định Kế hoạch thanh tra năm 2024.

Danh mục thanh tra năm 2024 của Bộ Xây dựng gồm 3 phần là hành chính, chuyên ngành và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với thanh tra hành chính, Bộ Xây dựng thanh tra Viện Khoa học công nghệ xây dựng về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Bộ Xây dựng thanh tra chuyên ngành về công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại một số địa phương gồm UBND tỉnh: Phú Thọ, Nghệ An, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Sơn La và chủ đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan. Nội dung thanh tra là hoạt động đầu tư xây dựng và một số dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương; hoạt động kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng sẽ thanh tra về hoạt động xây dựng một số dự án của 10 đơn vị được giao làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư. Cụ thể, các đối tượng thanh tra gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) và một số đơn vị thành viên; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Các đối tượng thanh tra hoạt động xây dựng còn có Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải; Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng; Ban Quản lý các dự án đường thủy - Bộ Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Đồng Nai; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội.

Đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng làm đường ven biển Khu kinh tế Vân Phong

Đường ven biển ở khu kinh tế Vân Phong, đi qua hai huyện, với tổng mức đầu tư hơn 2.030 tỷ đồng sẽ được thực hiện trong năm 2024.

Một đoạn tuyến đường ven biển ở Khu kinh tế Vân Phong

Một đoạn tuyến đường ven biển ở Khu kinh tế Vân Phong

Thông tin trên nằm trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa, vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua.

Dự án dài khoảng 20 km, điểm đầu nối phía Bắc cầu Hiền Lương 2 (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) và điểm cuối thuộc Quốc lộ 26B (phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa); dự kiến khởi công năm 2024, hoàn thành trong 3 năm.

Mục tiêu Dự án hình thành trục giao thông chính, đáp ứng nhu cầu vận tải đối với cảng Hòn Khói, góp phần giảm ách tắc trên tuyến Quốc lộ 1. Công trình cũng thúc đẩy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phát triển Khu kinh tế Vân Phong thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.

Khu kinh tế Vân Phong rộng khoảng 150.000 ha, trong đó hơn một nửa là diện tích mặt nước, còn lại là đất liền và đảo. Toàn khu được chia thành 19 phân khu, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, hướng tới phát triển về cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng...

Thủy điện sông Bồ bị phạt 210 triệu đồng

Công ty CP Thủy điện sông Bồ ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị phạt 210 triệu đồng vì không lưu trữ hồ sơ và phát điện khi chưa có phép.

Thủy điện sông Bồ ở thượng nguồn sông Bồ

Thủy điện sông Bồ ở thượng nguồn sông Bồ

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký ban hành, Công ty CP Thủy điện sông Bồ bị phạt 30 triệu đồng vì không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu. Doanh nghiệp cũng bị phạt 180 triệu đồng vì đưa hạng mục công trình, công trình điện lực vào vận hành khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài bị xử phạt 210 triệu đồng, Công ty phải kiểm định chất lượng công trình đối với hạ tầng đã kết thúc thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp phải lưu trữ, bổ sung đầy đủ danh mục tài liệu lưu trữ và nộp lại số tiền có được từ hoạt động phát điện khi chưa được phép để sung vào ngân sách.

Sở Công Thương Thừa Thiên Huế khi kiểm tra đã phát hiện Dự án Thủy điện sông Bồ do Công ty CP Thủy điện Sông Bồ đầu tư vi phạm khi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện, năng lực tham gia giám sát thi công xây dựng.

Thủy điện sông Bồ được xây dựng ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới có công suất 20 MW với hai tổ máy, sản lượng điện hàng năm dự kiến 68,7 triệu KWh. Công trình khởi công tháng 2/2018 và hoàn thành tháng 10/2020.

Nhiều công ty vận chuyển cấp cứu tại TP.HCM bị phạt do không niêm yết giá

Nhiều công ty vận chuyển cấp cứu tại TP.HCM bị phạt vì loạt sai phạm, chủ yếu là không niêm yết giá, điều dưỡng không có chứng chỉ hành nghề.

Xe cấp cứu di chuyển trên đường ở TP.HCM. Ảnh minh họa

Xe cấp cứu di chuyển trên đường ở TP.HCM. Ảnh minh họa

Theo quyết định Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 20/12, Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt bị phạt nhiều nhất với 62 triệu đồng, do một chi nhánh ở Quận 8 không niêm yết giá dịch vụ, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ. Một điều dưỡng nơi này bị phạt 35 triệu đồng do khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Công ty TNHH 115 Niềm tin Việt, quận Bình Tân, bị phạt 31 triệu đồng do hoạt động không có biển hiệu, không lập sổ khám chữa bệnh, thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết.

Hai doanh nghiệp không niêm yết giá dịch vụ, không đảm bảo điều kiện hoạt động sau khi được cấp phép, gồm: Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ vận chuyển 299, huyện Củ Chi (bị phạt 16 triệu đồng) và Công ty TNHH Trung tâm cấp cứu toàn quốc, Quận 8 (bị phạt 12 triệu đồng).

Cuối tháng 11, Sở Y tế TP.HCM kiểm tra 8 công ty vận chuyển cấp cứu tư nhân, chỉ 2 cơ sở thực hiện đúng quy định, 6 đơn vị còn lại có nhiều vi phạm như: không có bãi đậu xe, chưa đáp ứng thuốc cấp cứu trên xe cứu thương, bổ sung và thay thế xe vận chuyển chưa qua thẩm định các điều kiện an toàn cho người bệnh, không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ, chưa lập sổ theo dõi vận chuyển người bệnh, theo dõi chuyên môn các ca cấp cứu, chuyển viện...

Đến nay, Sở Y tế TP.HCM cấp phép 10 công ty trong lĩnh vực vận chuyển cấp cứu người bệnh, trong đó 2 cơ sở đã đóng cửa.

Khách Việt đến Hàn nhiều thứ 5 thế giới

Việt Nam là thị trường gửi khách đến Hàn Quốc lớn thứ 5 trên thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc.

Khách Việt đến Busan, Hàn Quốc "săn" lá vàng

Khách Việt đến Busan, Hàn Quốc "săn" lá vàng

Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO), khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc tính đến hết tháng 11 đạt hơn 386.000 lượt, cao nhất Đông Nam Á và top 5 toàn thế giới. Việt Nam cũng là thị trường đứng đầu Đông Nam Á về khách đoàn MICE với gần 40.000 lượt khách ghé thăm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022.

"Đây là điều đặc biệt khi lần đầu tiên Việt Nam chiếm vị trí số 1, là thị trường gửi khách lớn nhất Đông Nam Á", KTO nhận xét.

Lượng khách Việt đến Hàn năm nay bằng 140% so với cùng kỳ 2022 và bằng 74% năm 2019. Dự kiến hết tháng 12, lượng khách đến Hàn đạt 420.000 lượt.

Ở chiều ngược lại, khách Hàn Quốc sang Việt Nam 11 tháng đầu năm đạt hơn 3,2 triệu lượt và trở thành thị trường gửi khách lớn nhất, đứng thứ hai là Trung Quốc với hơn 1,5 triệu lượt. Trưởng đại diện KTO tại Việt Nam Lee Jae Hoon cho biết, Việt Nam sẽ luôn là thị trường hàng đầu của du lịch Hàn Quốc tại Đông Nam Á.

TP.HCM tháo gỡ 3/156 dự án bất động sản bị ách tắc

Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản của TP.HCM đã khơi thông ách tắc cho 3 dự án trên địa bàn.

Một dự án được UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắc

Một dự án được UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắc

Năm 2023, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2215 về việc kiện toàn Tổ công tác trên địa bàn với 14 thành viên, do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng.

Đến nay, Tổ công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để giải quyết những nội dung còn tồn tại vướng mắc tại các dự án sử dụng vốn đầu tư công và dự án không sử dụng vốn ngân sách TP.HCM.

Kết quả, có 3 dự án đã được giải quyết gồm: Dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty CP Quốc Lộc Phát; dự án nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Hiện có 12 dự án đang được sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM; 2 dự án đang được tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư là Moonlight Centre Point của Công ty CP Địa ốc Vĩnh Tiến (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) và Metro Star của Công ty TNHH Đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group)

Trong đó, với Dự án Moonlight Centre Point, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến của cơ quan có liên quan và đang tổng hợp trình UBND TP.HCM xem xét chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.

Với Dự án Metro Star, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất việc bàn giao hồ sơ có ý kiến về nội dung liên quan Dự án để UBND TP. Thủ Đức xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định.

Trước đó, cuối tháng 2/2023, UBND TP.HCM đã ban hành Văn bản số 96/TB-VP chỉ đạo sở, ngành tìm cách khơi thông các dự án bất động sản ách tắc trên địa bàn. Trong văn bản này, có 116 dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Sau đó, cuối tháng 3/2023, Văn phòng UBND TP.HCM ban hành Văn bản số 2435/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường về việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho 156 dự án bất động sản (tăng 40 dự án so với văn bản trước đó).

Bắt Chủ tịch HĐQT công ty tài chính lừa gửi tiền, chiếm đoạt hơn 200 tỷ

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tài chính Vietnam Capital - Chi nhánh Đà Nẵng bị bắt vì chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.

Trương Quốc Thái khi bị cơ quan chức năng bắt giữ

Trương Quốc Thái khi bị cơ quan chức năng bắt giữ

Tối 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng cho biết vừa tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Trọng Linh và Trương Quốc Thái về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, sau thời gian trinh sát, nắm tình hình về hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm tại Công ty CP Tài chính Vietnam Capital - Chi nhánh Đà Nẵng, lực lượng công an nhận thấy nhiều dấu hiệu gian dối, đưa thông tin giả mạo, nhận tiền gửi tiết kiệm sai quy định của pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phòng Cảnh sát kinh tế đã báo cáo Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng xác lập chuyên án để đấu tranh, khám phá.

Lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện hành vi phạm tội của Lê Trọng Linh (sinh năm 1989, trú tại 69 Khánh An 11, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu - Chủ tịch HĐQT Công ty) và Trương Quốc Thái (sinh năm 1986, trú tại 3 Morrison, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng - Tổng giám đốc Công ty).

Qua khám xét nơi ở và nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ được nhiều tài liệu có giá trị trong việc chứng minh, xử lý vụ án.

Đến thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố xác định số bị hại trong vụ án lên đến hàng trăm người, số tiền lừa đảo lên hơn 200 tỷ đồng.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam bị điều tra tham ô

Ông Trương Hoàn Lạc, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam, bị bắt với nghi vấn tham ô tài sản.

Cảnh sát, viện kiểm sát khám xét tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam

Cảnh sát, viện kiểm sát khám xét tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, việc bắt ông Lạc và 3 cán bộ dưới quyền được thực thi chiều 20/12.

Số tiền tham ô được ước tính ban đầu trên 600 triệu đồng, do lập khống chứng từ. Nhà chức trách chưa công bố sai phạm cáo buộc với 4 người.

Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam thành lập ngày 8/4/2011, đóng xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Đây là cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư