Bản tin thời sự sáng 21/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Tết Dương lịch được nghỉ 3 ngày; Hà Nội cho 26 quận, huyện cách ly F1 tại nhà; chuyến bay chở du khách quốc tế mang "hộ chiếu vaccine" đầu tiên đến Phú Quốc; khắc phục sự cố cáp biển AAE-1, chất lượng internet được cải thiện; Hà Nội nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai ở Thủ đô…

Tết Dương lịch được nghỉ 3 ngày

Người lao động nghỉ liên tục từ 1/1 đến hết 3/1/2022, do Tết Dương lịch rơi vào cuối tuần và được nghỉ bù thứ hai tuần kế tiếp.

Tết Dương lịch 2022 sẽ có một ngày nghỉ chính thức 1/1 và nghỉ bù vào 3/1

Tết Dương lịch 2022 sẽ có một ngày nghỉ chính thức 1/1 và nghỉ bù vào 3/1

Luật hiện hành quy định người lao động được nghỉ một ngày, hưởng nguyên lương dịp Tết Dương lịch hằng năm. Song ngày 1/1/2022 rơi vào thứ Bảy, người lao động sẽ được nghỉ bù cuối tuần vào ngày làm việc kế tiếp, tức thứ Hai 3/1/2022.

Từ năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, Tết chính thức. Số lượng ngày nghỉ tăng thêm một vào trước hoặc sau kỳ Quốc khánh 2/9 hằng năm, do Chính phủ quy định. Nếu ngày lễ rơi vào cuối tuần, người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp, thuận tiện cho kế hoạch nghỉ ngơi, về quê hoặc đi du lịch.

Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào kỳ nghỉ lễ, Tết hưởng lương ít nhất bằng 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc ngày này. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài 11 ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.

Sau Tết Dương lịch khoảng một tháng là đến Tết Âm lịch. Kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần dự kiến kéo dài 9 ngày, gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần, từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần, tức ngày 29/1/2022 đến 6/2/2022.

Hà Nội cho 26 quận, huyện cách ly F1 tại nhà

F1 trên địa bàn Hà Nội nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ được cách ly tại nhà, trừ những người ở 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Theo hướng dẫn do UBND TP. Hà Nội ban hành, các đơn vị áp dụng cách ly F1 tại nhà là 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và Tây Hồ; 17 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.

F1 ở 26 quận, huyện thực hiện cách ly tại nhà.

F1 ở 26 quận, huyện thực hiện cách ly tại nhà.

Trường hợp cách ly tại nhà bao gồm F1, người ở cùng nhà và người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ. Ngoài ra, những người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, xét nghiệm PCR ngày thứ 7 âm tính thì được chuyển về cách ly tại nhà.

F1 muốn cách ly tại nhà phải có đơn đăng ký gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn (qua Trạm Y tế) tại nơi cư trú... Biên bản thẩm định gửi về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn để cấp "Giấy xác nhận"; sau đó Ban Chỉ đạo cấp cơ sở ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với F1.

Điều kiện cách ly F1 tại nhà thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như: Có nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, phòng riêng khép kín. Trước cửa nhà có biển cảnh báo "Địa điểm cách ly y tế phòng chống Covid-19"…

Chuyến bay chở du khách quốc tế mang "hộ chiếu vaccine" đầu tiên đến Phú Quốc

Chuyến bay VJ3749 chở hơn 200 du khách Hàn Quốc tới Phú Quốc chiều 20/11. Đây là đoàn khách du lịch quốc tế mang "hộ chiếu vaccine" đầu tiên của Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới sau gần 2 năm "đóng băng" do Covid-19.

200 du khách Hàn Quốc mang "hộ chiếu vaccine" đầu tiên đến Phú Quốc trưa 20/11.

200 du khách Hàn Quốc mang "hộ chiếu vaccine" đầu tiên đến Phú Quốc trưa 20/11.

Chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air chở đoàn khởi hành từ Seoul, Hàn Quốc hạ đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc lúc hơn 12h.

Sau khi hạ cánh, du khách di chuyển theo lối đi được phân luồng riêng để thực hiện các thủ tục nhập cảnh và tiến hành sàng lọc sức khỏe ngay tại sân bay. Sau đó đoàn khách được đưa lên xe di chuyển khoảng 45 phút để đến nghỉ dưỡng và du lịch 4 ngày 3 đêm tại quần thể Phú Quốc United Center.

Tại đây, du khách sẽ có trải nghiệm chuyến đi qua hành trình khép kín: lưu trú tại phòng nghỉ và biệt thự biển 5 sao; khám phá thể thao, giải trí, vui chơi Vinpearl Golf; công viên chủ đề VinWonders, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari; Corona Casino và "thành phố không ngủ" Grand World Phú Quốc. Trong suốt thời gian kỳ nghỉ, khách được xét nghiệm Covid-19 hai lần (khi đến và trước lúc rời đảo...

Phấn đấu đưa vào khai thác tuyến đường nối cao tốc với Sa Pa nửa đầu năm 2022

Tuyến đường dài gần 14 km nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác trong nửa đầu năm 2022.

Dự kiến đưa vào khai thác tuyến đường nối cao tốc với Sa Pa trong nửa đầu năm 2022

Dự kiến đưa vào khai thác tuyến đường nối cao tốc với Sa Pa trong nửa đầu năm 2022

Giai đoạn một tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thị xã Sa Pa dài 13,8 km, điểm đầu tại nút giao với cao tốc (TP. Lào Cai), điểm cuối tại cầu Móng Sến, xã Tung Chải (thị xã Sa Pa).

Dự án có kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn một trong nửa đầu năm 2022.

Đường nối cao tốc được xây dựng hoàn toàn trên địa hình mới, nhiều đoạn đơn vị thi công phải nắn suối để đảm bảo thiết kế. Hàng chục cống ngầm được xây dựng để không cản trở dòng chảy của các khe suối khi mùa mưa đến.

Đường nối Lào Cai với Sa Pa được xây dựng trên địa hình hiểm trở. Quá trình khảo sát lập phương án thi công kéo dài hơn hai năm, nhiều đoạn phải chỉnh sửa để phù hợp điều kiện thực tế.

Toàn tuyến có 6 cây cầu, ngoài cầu Móng Sến trụ cao nhất Việt Nam sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021, còn có cầu Suối Đum 2 với chiều dài gần 200 m cũng đang được gấp rút xây dựng.

Một số đoạn đường mới và đường cũ (Quốc lộ 4D) chạy song song. Tuyến đường mới sẽ rút ngắn hành trình khoảng 7 km, thời gian 20 phút và tránh được nhiều khúc cua nguy hiểm.

Khắc phục sự cố cáp biển AAE-1, chất lượng internet được cải thiện

Theo thông tin từ Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks), tính đến 17 giờ ngày 20/11, nhánh S1H.3 phân đoạn rẽ vào Campuchia của tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 đã được sửa chữa xong. Nhờ đó, toàn bộ băng thông kết nối quốc tế của các nhà mạng qua tuyến cáp này trở lại hoạt động bình thường.

Tính đến 17 giờ ngày 20/11, nhánh S1H.3 phân đoạn rẽ vào Campuchia của tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 đã được sửa chữa xong.

Tính đến 17 giờ ngày 20/11, nhánh S1H.3 phân đoạn rẽ vào Campuchia của tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 đã được sửa chữa xong.

Hiện tại, nhánh S1H.4 của tuyến cáp quang AAE-1 vẫn đang tiếp tục được sửa chữa nhưng không ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền và băng thông kết nối.

Tuyến cáp quang biển AAE-1 với tổng chiều dài 23.000 km, kéo dài từ châu Á, châu Phi sang châu Âu, đi qua 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuyến cáp AAE-1 sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao DWDM, mỗi bước sóng mang dung lượng 100Gbps. Trong tổng số 21 điểm cập bờ, Việt Nam là một nút giao quan trọng (điểm cập bờ của cáp biển AAE-1 tại Việt Nam thuộc vùng biển Vũng Tàu).

AAE-1 là một trong 5 tuyến cáp quang biển quan trọng, chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với các tuyến AAG, APG, IA, SMW3. AAE-1 có vai trò nâng cao chất lượng internet Việt Nam hướng kết nối đi châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 gặp sự cố từ tháng 9/2021 khiến người dùng internet Việt Nam gặp khó khi truy cập website và dịch vụ quốc tế, đặc biệt vào buổi tối. Khi sự cố xảy ra, tất cả nhà mạng của Việt Nam đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp mà không tập trung ở một hoặc hai tuyến cáp nhằm giảm thiểu rủi ro.

Hà Nội nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai ở thủ đô

Lãnh đạo Hà Nội vừa yêu cầu cơ quan chuyên môn nghiên cứu bổ sung sân bay quốc tế thứ hai ở phía Nam, Đông Nam Thành phố, hỗ trợ cho sân bay quốc tế Nội Bài ở phía Bắc.

Máy bay ở sân bay Nội Bài

Máy bay ở sân bay Nội Bài

Theo đó, ngoài yêu cầu nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai, Lãnh đạo Hà Nội còn giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc phân bổ dân số và dự kiến phát triển các thành phố trực thuộc Thành phố (thành phố Hòa Lạc, thành phố Bắc Sông Hồng...).

Hà Nội đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan chuyên môn được giao nghiên cứu lấy sông Hồng làm trục cơ sở phát triển cân bằng kết nối không gian đô thị hai bên Bắc - Nam dòng sông, hoàn chỉnh đô thị trung tâm; thiết lập cấu trúc đô thị vệ tinh thuộc chùm đô thị đặt trong cấu trúc thành phố - thị xã - hành lang xanh - đô thị trung tâm thuộc Thành phố.

Trước đó, Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, Thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Qua khảo sát sơ bộ, phương án ý tưởng sân bay thứ hai được dự kiến đặt ở phía Nam, nằm giữa vành đai 4 và 5, với quy mô 1.300 ha.

Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải gửi Chính phủ, Bộ đã đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía Đông Nam Hà Nội.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư