Bản tin thời sự sáng 21/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 89 gói thầu y tế chống Covid-19 ở Hà Nội bị xác minh; Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xin gia hạn nộp báo cáo tài chính; Hòa Phát lỗ thêm gần 2.000 tỷ đồng; dừng dịch vụ lái xe trung chuyển ở cửa khẩu Móng Cái; truy tố cựu Chủ tịch và Tổng Giám đốc Cienco 1 vì gây thiệt hại gần 240 tỷ đồng…

89 gói thầu y tế chống Covid-19 ở Hà Nội bị xác minh

Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 89 gói thầu của nhiều đơn vị, bệnh viện ở Hà Nội để Bộ Công an xác minh "đội giá" từ 1,2 đến gần 3 lần so với giá nhập khẩu.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng ở Hà Nội

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng ở Hà Nội

Theo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phục vụ phòng chống Covid-19 tại CDC Hà Nội và 11 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm về tổ chức mua sắm.

Thanh tra Chính phủ kết luận, CDC Hà Nội cùng các bệnh viện và đơn vị liên quan có trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm trong đấu thầu các loại thiết bị chống dịch như máy X-quang, máy thở, máy lọc máu... Tổng giá trị các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư, kit xét nghiệm mà CDC Hà Nội và 11 bệnh viện ký hợp đồng mua sắm trị giá hơn 73 tỷ đồng và bị chênh lệch so với giá nhập khẩu khoảng 35 tỷ đồng (gần 50%).

Mặt hàng Kit realtime PCR bị "đội giá" khi CDC Hà Nội và các bệnh viện mua của một số công ty. Trong đó, sản phẩm của Công ty Thiết bị y tế Phương Đông có mức giá chênh lệch 2,49 lần giữa giá nhập khẩu và trúng thầu. Công ty 3TK cung cấp 7 mặt hàng cho CDC Hà Nội có mức chênh lệch từ 1,68 - 5,52 lần. Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam trúng thầu có mức chênh lệch từ 2,79 - 4,59 lần.

Liên quan đến việc đặt hàng xét nghiệm, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng đã có nhiều sai phạm: Sở Y tế Hà Nội chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án, đơn giá đặt hàng xét nghiệm Covid-19 (hơn 3 triệu mẫu); CDC Hà Nội chưa ký hợp đồng xét nghiệm nhưng vẫn gửi mẫu cho các đơn vị thực hiện xét nghiệm gây khó khăn và không có căn cứ để thanh toán.

Trong 89 gói thầu chuyển sang Bộ Công an, có một số gói thầu bị đề nghị điều tra như 7 gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật số. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty Tài Lộc, còn chủ đầu tư là 7 bệnh viện: Đa Khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Phổi Hà Nội, Thanh Nhàn, Xanh Pôn.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xin gia hạn nộp báo cáo tài chính

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xin gia hạn công bố Báo cáo tài chính quý IV/2022 chậm nhất đến ngày 10/2 do cần thời gian rà soát số liệu, biến động bất thường về nhân sự cấp cao.

Biến động bất thường về nhân sự cấp cao là một trong những lý do khiến Xây dựng Hòa Bình phải xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính

Biến động bất thường về nhân sự cấp cao là một trong những lý do khiến Xây dựng Hòa Bình phải xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) xin gia hạn thời gian nộp Báo cáo tài chính quý IV/2022.

Theo đó, tập đoàn này cho biết, thời hạn nộp Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty là ngày 30/1 nhưng lịch nghỉ Tết Nguyên đán sẽ kéo dài từ ngày 21 - 29/1.

Doanh nghiệp nêu lý do, đặc thù của Hòa Bình có nhiều công trình dài khắp cả nước và nghiệp vụ kế toán quý IV/2022 cần rà soát số liệu cho cả năm 2022, đồng thời phải hợp nhất số liệu báo cáo tài chính các công ty con, công ty liên kết nên cần nhiều thời gian để tổng hợp.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng có nhiều tác động bất lợi lên toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty từ những biến động bất thường về nhân sự cấp cao nên Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành báo cáo tài chính và công bố thông tin đúng thời hạn.

Vì thế, Công ty xin được gia hạn thời gian công bố Báo cáo tài chính quý IV/2022 chậm nhất đến ngày 10/2.

Hòa Phát lỗ thêm gần 2.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp đứng đầu thị phần về thép xây dựng lỗ thêm trong quý cuối năm, nhưng đánh giá ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

Hòa Phát lỗ thêm gần 2.000 tỷ đồng

Hòa Phát lỗ thêm gần 2.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022. Theo đó, "vua thép" ghi nhận doanh thu 3 tháng cuối năm đạt 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, với lỗ ròng gần 2.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn mức lỗ gần 1.800 tỷ đồng trong quý III - quý đầu tiên Hòa Phát báo lỗ sau 13 năm.

Lũy kế cả năm, doanh nghiệp này đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ. Lãi sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Năm qua, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC). Thép xây dựng ghi nhận 4,2 triệu tấn, tăng 10% và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại. Con số này, theo Hòa Phát, giúp doanh nghiệp tiếp tục dẫn đầu thị phần trong nước với gần 35%.

Dừng dịch vụ lái xe trung chuyển ở cửa khẩu Móng Cái

Từ ngày 30/1, lái xe Việt Nam và Trung Quốc được phép lái ô tô vào bãi kiểm hóa, điểm tập kết phương tiện của hai bên để giao nhận hàng hóa.

Hàng hóa thông quan ở cửa khẩu Bắc Luân II

Hàng hóa thông quan ở cửa khẩu Bắc Luân II

Ngày 20/1, UBND TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thông báo đến các cửa khẩu, Trung tâm Y tế thành phố và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cư dân biên giới có hoạt động thương mại biên giới nội dung trên.

Để xuất nhập cảnh hàng hóa, tài xế phải có hộ chiếu, hoặc sổ thông hành, hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hợp lệ; thẻ ra vào khu vực cửa khẩu hoặc căn cước công dân; giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển và các giấy tờ hợp lệ liên quan đến phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh.

Ngoài ra, tài xế phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCR còn hiệu lực trong 48 giờ; đeo khẩu trang và găng tay y tế khi làm việc.

UBND TP. Móng Cái yêu cầu, sau khi tài xế người Trung Quốc và người Việt Nam trả xe tại bãi hàng, nếu không lái xe về thì phải đón phương tiện chuyên chở để quay về đầu cầu, sau đó đợi xe của hai bên đón về, không được tự ý đi bộ, làm thủ tục xuất nhập cảnh để về nước.

Chính quyền TP. Móng Cái cũng cho biết, cửa khẩu Bắc Luân II và lối mở Km3+4 Hải Yên sẽ nghỉ Tết từ ngày 21/1 đến hết 27/1 (từ 30 tháng chạp đến hết mùng 6 Tết), việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian này sẽ tạm ngừng. Hoạt động làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái (qua cầu Bắc Luân I) vẫn hoạt động bình thường.

Quyết định dừng dịch vụ lái xe trung chuyển ở cửa khẩu Móng Cái xuất phát từ bối cảnh ngày 8/1 phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19. Trước đó đầu năm 2022, để phòng chống dịch, duy trì xuất nhập khẩu, TP. Móng Cái thành lập đội xe trung chuyển hàng hóa với 117 người.

Ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT Saigonbank

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vừa công bố thông tin bất thường về việc thay đổi nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT Saigonbank

Ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT Saigonbank

SaigonBank cho biết, ông Nguyễn Cao Trí, Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024, đã "đương nhiên mất tư cách", không còn là thành viên HĐQT Ngân hàng kể từ ngày 19/1 theo quy định tại Điều 35 Luật Các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong thông báo của phía SaigonBank không nêu cụ thể lý do ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT.

Theo báo cáo quản trị SaigonBank, ông Trí bắt đầu tham gia HĐQT nhà băng này từ tháng 10/2019. Tháng 6/2021, ông Trí đã mua vào gần 580.000 cổ phiếu SGB, tương đương 0,19% vốn điều lệ Ngân hàng.

Trước khi lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, ông Trí là cái tên nổi tiếng trong giới đầu tư, đặc biệt tại TP.HCM. Ông Nguyễn Cao Trí từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group)…

Trong hệ thống, hiện SaigonBank cũng thuộc nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ với vốn điều lệ 3.081 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 25.300 tỷ đồng.

Truy tố cựu Chủ tịch và Tổng Giám đốc Cienco 1 vì gây thiệt hại gần 240 tỷ đồng

Hai bị can Cấn Hồng Lai, cựu Tổng Giám đốc và Phạm Dũng, cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 bị cáo buộc sai phạm khi cổ phần hóa doanh nghiệp, gây thiệt hại gần 240 tỷ đồng.

Hai cựu lãnh đạo Cienco 1 Cấn Hồng Lai (trái) và Phạm Dũng

Hai cựu lãnh đạo Cienco 1 Cấn Hồng Lai (trái) và Phạm Dũng

Ngày 20/1, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1).

Các bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Cienco 1 bị truy tố gồm: Cấn Hồng Lai, cựu Tổng Giám đốc; Phạm Dũng, cựu Chủ tịch HĐTV; Lê Văn Long, cựu Kế toán trưởng; Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Ngọc Tuyển, cựu kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C và hai người khác.

Theo cáo trạng, năm 2013, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt Cienco 1 trong danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, quá trình cổ phần hóa, dàn cựu lãnh đạo Cienco 1 đã có nhiều sai phạm gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền lớn. Cụ thể, để xử lý tài chính trước khi cổ phần hóa, với mục đích Cienco 1 không còn các khoản nợ xấu, ông Dũng và Lai cùng các thuộc cấp đã thống nhất cùng nhau xử lý các khoản nợ phải thu trái quy định pháp luật.

Viện Kiểm sát cáo buộc hành vi trên của cựu lãnh đạo Cienco 1 dẫn đến không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa số tiền gần 185 tỷ.

Viện Kiểm sát xác định, ông Lai phải chịu trách nhiệm xuyên suốt trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp và cổ phần hoá tại Cienco 1.

Cũng theo cáo trạng, Cienco 1 khi cổ phần hóa còn không xác định giá trị quyền sử dụng bốn khu đất vào giá trị doanh nghiệp. Bốn khu đất bị "bỏ quên" này đều nằm ở vị trí đẹp, rộng từ 422 m2 đến hơn 16.000 m2 tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang và Gia Lai.

Viện Kiểm sát kết luận, sai phạm của ông Phạm Dũng và ông Cấn Hồng Lai trong việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Cienco 1 gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 240 tỷ đồng. Hành vi của các bị can còn lại bị cáo buộc cùng gây thiệt hại gần 185 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng

Dù doanh thu năm 2022 phục hồi bằng hai năm dịch cộng lại, Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 10.000 tỷ đồng do giá nhiên liệu, tỷ giá biến động mạnh.

Đến hết 31/12, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng

Đến hết 31/12, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu quý IV/2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng trên 10.000 tỷ đồng so với cùng năm 2021. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia lại rơi vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp gần 830 tỷ đồng trong kỳ. Quý trước đó, Vietnam Airlines lần đầu có lãi gộp từ khi bị dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh từ năm 2020.

Cả năm 2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt gần 71.000 tỷ đồng. Con số này tương đương trên 70% mức trước dịch năm 2019 và lớn hơn cả hai năm 2020, 2021 gộp lại. Dù vậy, mức doanh thu này vẫn chưa thể giúp hãng bù đắp được những chi phí tăng mạnh trong bối cảnh giá nhiên liệu bay, tỷ giá tăng mạnh năm ngoái.

Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất vẫn âm khoảng 10.091 tỷ đồng cả năm ngoái. Tuy nhiên, mức lỗ này đã giảm 3.000 tỷ đồng so với năm 2021 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi giữa năm. Đến hết 31/12, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ của hãng âm khoảng 10.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ đồng.

Chuyển Bộ Công an xác minh sai phạm của Mường Thanh ở Hà Nam

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ cho Bộ Công an xem xét dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh ở Hà Nam vận hành 5 năm qua nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê...

Khách sạn Mường Thanh nằm ở vị trí đắc địa của thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Khách sạn Mường Thanh nằm ở vị trí đắc địa của thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng ở tỉnh Hà Nam.

Theo kết luận, giai đoạn 2012 - 2018, việc quản lý, sử dụng đất đai của UBND tỉnh Hà Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư triển khai các khu công nghiệp, khu dân cư... Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, vi phạm.

Một trong các sai phạm được chỉ ra là Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ để bán, cho thuê Mường Thanh diện tích 1,25 ha, đưa vào kinh doanh từ tháng 6/2017. Nhưng thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Hà Nam chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, thuê đất.

Thanh tra kết luận, Mường Thanh đã xây dựng công trình không đúng giấy phép được cấp, chuyển nhượng 118/130 căn hộ khi chưa có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Việc này bị cơ quan thanh tra đánh giá là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Nam nhất trí chủ trương chỉ định doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư dự án không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã "vi phạm quy định Luật Nhà ở".

Về xử lý kinh tế, Mường Thanh đã tạm nộp hơn 69 tỷ đồng tiền sử dụng đất tạm xác định vào ngân sách nhà nước. Dù vậy, theo cơ quan thanh tra, UBND tỉnh Hà Nam vẫn phải rà soát, thu hồi số tiền trên 69 tỷ đồng tiền sử dụng đất tạm xác định đối với phần diện tích đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp hơn 4.300 m2 của dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh.

Sau khi chỉ ra các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ Mường Thanh đến Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Chuyên đề