Bản tin thời sự sáng 2/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 17 bộ, ngành, địa phương xin trả hơn 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư công; Việt Nam đã tiêm được 260 triệu liều vaccine Covid-19; thành lập thị xã Chơn Thành từ 1/10; xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022; Bộ Giao thông vận tải hối thúc TP.HCM sớm thu hồi đất quốc phòng làm nhà ga T3…

17 bộ, ngành, địa phương xin trả hơn 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo tin từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8, giải ngân vốn vay nước ngoài rất thấp, chỉ trên 15% kế hoạch vốn. Có 14 bộ, ngành và địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào. Cùng với đó, có tới 17 bộ, ngành, địa phương xin trả hơn 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư công; 6 bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn bằng 0%.

Đại học Quốc gia Hà Nội chưa giải ngân được vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Đại học Quốc gia Hà Nội chưa giải ngân được vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu - ghi chi) vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm trung bình cả nước đạt hơn 15% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương là hơn 11% kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân của bộ, ngành là gần 23% kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho biết, có đến 6 bộ, ngành, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá hơn 6.800 tỷ đồng.

Việt Nam đã tiêm được 260 triệu liều vaccine Covid-19

Trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ tháng 7/2021 đến nay, Việt Nam đã tiêm được 260 triệu liều vaccine Covid-19, là quốc gia có tỷ lệ bao phủ cao trên thế giới.

Tất cả người dân từ 12 tuổi đều được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 cơ bản

Tất cả người dân từ 12 tuổi đều được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 cơ bản

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng vừa ký báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết 30 về các chính sách đặc thù phòng chống Covid-19.

Theo đó, tất cả người dân từ 12 tuổi đều được tiêm đủ hai liều vaccine cơ bản; hiệu suất sử dụng vaccine cao (100%); tốc độ tiêm tháng cao điểm đạt 40 triệu liều.

52% dân số từ 18 tuổi được tiêm mũi thứ ba, cao gấp đôi trung bình thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi một và hai cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số nước phát triển như Mỹ, Đức, Italy, Pháp. Việt Nam triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 với quy mô rộng rãi, nhiều nhóm, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại. Các địa phương đã đẩy nhanh tốc độ tiêm với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người.

Cả nước có 1,2 triệu liều vaccine Covid-19 phải hủy, chiếm 0,005% so với số liều được sử dụng, nằm trong giới hạn hao hụt thường quy của công tác tiêm chủng, do vaccine cấp phép ngắn hạn khẩn cấp, theo báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng tại một số nơi chưa đảm bảo đầy đủ chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng giao, nhất là với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi bốn cho người từ 18 tuổi. Từ tháng 6, người dân tại nhiều địa phương không muốn tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, 4) khiến vaccine Covid-19 bị tồn. Thủ tướng và Bộ Y tế nhiều lần đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ, kêu gọi người dân nêu cao trách nhiệm, tham gia tiêm chủng. Một số địa phương yêu cầu người dân không tiêm vaccine phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh.

Thành lập thị xã Chơn Thành từ 1/10

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thị xã Chơn Thành với 9 phường, xã.

Khu công nghiệp Minh Hưng, thị xã Chơn Thành

Khu công nghiệp Minh Hưng, thị xã Chơn Thành

Thị xã được thành lập trên cơ sở địa giới hành chính huyện Chơn Thành, diện tích hơn 390 km2, dân số hơn 121.000 người, với 5 phường Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành và 4 xã Minh Thắng, Minh Lập, Nha Bích, Quang Minh.

Với việc thành lập thị xã Chơn Thành, Bình Phước có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Đồng Xoài, 3 thị xã Bình Long, Phước Long, Chơn Thành và 7 huyện.

Theo UBND thị xã Chơn Thành, sau gần 20 năm thành lập, địa phương này đã trở thành một trung tâm kinh tế, phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Phước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt từ 17 - 20%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 81 triệu đồng (bằng 1,42 lần mức bình quân của cả nước).

9 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,5 tỷ USD.

Xuất khẩu cá tra tăng trưởng cao nhất trong tháng 9, đạt hơn 160 triệu USD (tăng 97% so với cùng kỳ năm trước)

Xuất khẩu cá tra tăng trưởng cao nhất trong tháng 9, đạt hơn 160 triệu USD (tăng 97% so với cùng kỳ năm trước)

VASEP cho biết, lạm phát đang làm giảm nhu cầu của các thị trường nên xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 9 đều tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 vẫn ước đạt trên 850 triệu USD (tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, đạt hơn 160 triệu USD (tăng 97%), xuất khẩu tôm đạt gần 350 triệu USD (tăng 13%), cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55%.

Theo VASEP, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã chạm mốc 8,5 tỷ USD (tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu tôm mang về gần 3,4 tỷ USD (tăng 23%), cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD (tăng 82%), các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD (tăng 33%).

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhiều nhất với gần 1,8 tỷ USD, (tăng 22%). Các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng nhập khẩu gần 2,2 tỷ USD thủy sản Việt Nam (tăng 41%).

Bộ Giao thông vận tải hối thúc TP.HCM sớm thu hồi đất quốc phòng làm nhà ga T3

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề nghị TP.HCM sớm ban hành quyết định thu hồi, bàn giao 14,757 ha đất để triển khai Dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Thiết kế nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Thiết kế nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93 nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và Dự án Đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thực hiện theo Nghị quyết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của TP.HCM, quận Tân Bình, Quân chủng Phòng không - Không quân triển khai các thủ tục để thu hồi và bàn giao đất.

Do tính cấp bách của Dự án và yêu cầu bàn giao ngay 14,757 ha (đợt 1) theo Nghị quyết Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị TP.HCM sớm triển khai thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất.

Đồng thời, TP.HCM cũng có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân khẩn trương bàn giao mặt bằng đợt 1.

Theo Nghị quyết số 93, Chính phủ đồng ý chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 27,85 ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP.HCM quản lý để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 (khoảng 16,05 ha) và Dự án Đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3 (đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa khoảng 11,8 ha).

Giữa năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ACV và UBND TP.HCM khởi công Dự án Nhà ga hành khách T3 và các dự án giao thông kết nối với nhà ga trong quý III/2022 sau khi nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thành đồng bộ đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9/2024.

Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong thủ tục bàn giao mặt bằng, Dự án chưa thể khởi công và đang lùi tiến độ, dự kiến đến quý IV/2022 mới khởi công.

TP.HCM thu ngân sách 9 tháng tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lũy kế 9 tháng ước thực hiện 349.902 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán cả năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các khoản thu ngân sách nhà nước liên quan đến bất động sản và dầu thô có mức tăng trưởng mạnh mẽ

Các khoản thu ngân sách nhà nước liên quan đến bất động sản và dầu thô có mức tăng trưởng mạnh mẽ

Hoạt động thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận mức tăng cao mới, khi 9 tháng năm 2022 đã tăng tới 27,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 90,5% dự toán. Đặc biệt, các khoản thu liên quan đến bất động sản và dầu thô có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 222.039 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán, chiếm 63,5% tổng thu cân đối và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 91,4% dự toán, chiếm 6,9% tổng thu và tăng 20,2%; thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt 87,6% dự toán, chiếm 16,9% tổng thu và tăng 20,6%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 87,6% dự toán, chiếm 14,7% tổng thu và tăng 12,6%.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 104.739 tỷ đồng, đạt gần 90% dự toán, chiếm 29,9% tổng thu cân đối và tăng 19,7%.

Đáng chú ý, thu từ dầu thô ước thực hiện 23.114 tỷ đồng, vượt 120% dự toán, chiếm 6,6% tổng thu cân đối và tăng 116%. Thu ngân sách liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản cũng ghi nhận tăng tới 152,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thị trường bất động sản diễn biến sôi động trong những tháng đầu năm, cộng thêm các khoản thu đột biến liên quan đến đất đai.

Hà Nội bổ sung 2 khu tập thể vào danh mục nhà chung cư cũ cần phá dỡ để cải tạo

Khu tập thể hóa chất và Khu tập thể rau quả nông sản, số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) được bổ sung vào Danh mục nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại. Đây là các khu tập thể được 100% chủ sở hữu thống nhất về chủ trương xây dựng mới…

Thời gian phá dỡ 2 khu tập thể sẽ theo tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, dự kiến từ quý III/2023. Ảnh minh họa

Thời gian phá dỡ 2 khu tập thể sẽ theo tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, dự kiến từ quý III/2023. Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội, đợt 2.

Theo đó, UBND Thành phố đã bổ sung Khu tập thể hóa chất và Khu tập thể rau quả nông sản, số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên vào Danh mục nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại. Đây là các khu tập thể được 100% chủ sở hữu đồng ý thống nhất về chủ trương xây dựng mới.

Chủ đầu tư dự án phối hợp với các sở, ngành tổ chức lập, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đất đai, xây dựng theo quy định, hoàn thành trong quý II/2023. Thời gian phá dỡ nhà chung cư sẽ theo tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, dự kiến từ quý III/2023.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ, chiếm hơn 60% tổng số chung cư cũ cả nước, phần lớn được xây dựng từ năm 1960 đến 1994, cá biệt có một số nhà xây dựng trước năm 1954. Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.

Cách chức Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định cách chức đối với ông Nguyễn Tiến Lưu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa, sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông này.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Chi ủy Chi bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa và cách hết tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Tiến Lưu, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận thấy, Chi ủy Chi bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa nhiệm kỳ 2018 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2023 có vi phạm, khuyết điểm trong việc không thực hiện chế độ họp Chi ủy, Chi bộ định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng; vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng lãnh đạo, thiếu tính đấu tranh để Trung tâm Phát triển quỹ đất vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công.

Ông Nguyễn Tiến Lưu cùng chịu trách nhiệm đối với những vi phạm của Chi ủy Chi bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất; chịu trách nhiệm chính đối với việc Trung tâm Phát triển quỹ đất vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công. Bản thân ông Lưu thiếu gương mẫu, xây dựng nhà ở không có giấy phép, vi phạm quy định về trật tự xây dựng, vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư