Bản tin thời sự sáng 2/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chốt phương án đón người lao động trở lại TP.HCM làm việc; chi hơn 742 tỷ đồng từ Quỹ Vaccine để mua, vận chuyển 5 triệu liều vaccine Abdala; hoàn thành tuyến đường hơn 1.800 tỷ đồng xuyên đảo Cát Bà; trạm thu phí ở TP.HCM hoạt động trở lại từ 12h ngày 2/10; gần 15.000 người có giấy phép lái xe hết hạn được lùi thời gian làm thủ tục cấp đổi…

Chốt phương án đón người lao động trở lại TP.HCM làm việc

Để trở lại TP.HCM làm việc, người lao động phải được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc có xác nhận khỏi Covid-19 và xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Có 3 phương thức vận chuyển người lao động trở lại TP.HCM bằng đường bộ

Có 3 phương thức vận chuyển người lao động trở lại TP.HCM bằng đường bộ

UBND TP.HCM vừa chốt phương án phối hợp vận chuyển người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn).

Theo đó, việc vận chuyển người lao động bằng đường bộ có 3 phương thức. Cách thứ nhất, đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối (UBND các quận huyện, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao...) rà soát, tổng hợp gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT).

Sở GTVT xem xét cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe và thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch. Xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, Miền Tây. Sau đó, lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng taxi đã được Sở GTVT thành phố cấp phép hoặc xe trung chuyển doanh nghiệp đăng ký.

Cách thứ 2, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý, phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang lên kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký.

Cách thứ 3, Thành phố tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP.HCM. Mỗi tuyến chỉ tối đa 4 chuyến mỗi ngày. Các đơn vị vận tải đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TP.HCM thống nhất với Sở GTVT các địa phương cấp giấy nhận diện trước khi thực hiện. Giá vé sẽ được doanh nghiệp kê khai, niêm yết.

Kế hoạch trên thực hiện trong 2 giai đoạn. Từ ngày 1 đến 31/10 tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo cách 1 và 2. Từ 1/11 trở đi, việc vận chuyển sẽ thêm phương thức 3 khi có kế hoạch, phương án hoạt động đường bộ liên tỉnh của Bộ GTVT.

Đối với phương thức đón người dân bằng tàu hoả và máy bay sẽ thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ GTVT.

Chi hơn 742 tỷ đồng từ Quỹ Vaccine để mua, vận chuyển 5 triệu liều vaccine Abdala

Bộ Tài chính sẽ xuất 742,62 tỷ đồng từ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều vaccine Abdala do Cuba sản xuất.

Vaccine phòng Covid-19 Abdala do Cuba sản xuất

Vaccine phòng Covid-19 Abdala do Cuba sản xuất

Bộ Tài chính được giao xuất Quỹ Vaccine, còn Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng việc sử dụng số kinh phí nêu trên. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên được yêu cầu thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Trước đó, ngày 20/9, Chính phủ đã ban hành nghị quyết mua 10 triệu liều vaccine Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học Cuba sản xuất. Đây là vaccine thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp để dùng cho chương trình tiêm chủng phòng, chống Covid-19. Bảy loại vaccine trước đó gồm: AstraZeneca, SputnikV, Johnson & Johnson, Moderna, Pfizer, Sinopharm và Hayat-Vax.

Hoàn thành tuyến đường hơn 1.800 tỷ đồng xuyên đảo Cát Bà

Sau 14 năm, tuyến đường xuyên đảo Cát Bà (Hải Phòng) dài khoảng 20 km với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành.

Tuyến đường xuyên đảo Cát Bà dài khoảng 20 km

Tuyến đường xuyên đảo Cát Bà dài khoảng 20 km

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Tuấn Anh cho biết, Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường 356 xuyên đảo Cát Hải - Cát Bà được thiết kế mặt đường rộng 12 m, thảm bê tông nhựa, vỉa hè mỗi bên rộng 3 m.

Đây là một trong 11 dự án trọng điểm liên quan đến du lịch của Hải Phòng. Thành phố phê duyệt Dự án từ năm 2007, song triển khai dở dang do vướng mắc kinh phí và giải phóng mặt bằng. Năm 2019, tuyến đường được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng đảm nhiệm.

Với ý tưởng đưa tuyến giao thông xuyên đảo thành "đường hoa", từ cuối năm 2019, UBND huyện Cát Hải đã đầu tư 64 tỷ đồng trồng hoa giấy dọc 2 bên đường và xây dựng 3 đồi vọng cảnh ven biển. Trên mỗi đồi vọng cảnh xây dựng một chòi rộng hơn 147 m2, cao trên 11 m, thiết kế hình bát giác bằng gỗ lim, xung quanh lắp đặt lan can đá xanh.

Trạm thu phí ở TP.HCM hoạt động trở lại từ 12h ngày 2/10

BOT xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, An Sương - An Lạc và các trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh hoạt động trở lại từ 12h ngày 2/10, sau hơn 2 tháng tạm dừng.

Xe chạy qua trạm BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân

Xe chạy qua trạm BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân

Chiều 1/10, việc tổ chức cho hoạt động trở lại tại các trạm thu phí trên địa bàn TP.HCM được Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thông báo đến các nhà đầu tư dự án, sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 18.

Hiện, lãnh đạo Sở GTVT yêu cầu các nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn giao thông, trật tự tại khu vực trạm thu phí, đồng thời thông tin cho doanh nghiệp, lái xe về việc các trạm hoạt động trở lại. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần phối hợp với Sở GTVT lập biên bản ghi nhận việc thu phí khi bắt đầu triển khai trở lại. Việc này nhằm phục vụ cho thống kê, tính toán chính xác phương án thời gian thu phí sau này.

Trước đó, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn bộ trạm thu phí trên địa bàn dừng hoạt động từ ngày 20/7.

Trong số các dự án nói trên, trạm BOT xa lộ Hà Nội mới thu phí đầu tháng 4/2021, nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Trạm này thu phí để hoàn vốn cho công trình mở rộng tuyến đường này và đoạn Quốc lộ 1 từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương). Các dự án còn lại đã thu phí từ nhiều năm nay...

Riêng đường Nguyễn Văn Linh có 3 trạm thu phí, hoạt động từ năm 1998 do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng là nhà đầu tư. Đây là trạm thu phí đặc thù trên địa bàn TP.HCM, không phải trạm BOT. Việc thu phí ở tuyến đường này dự kiến đến năm 2028.

Gần 15.000 người có giấy phép lái xe hết hạn được lùi thời gian làm thủ tục cấp đổi

Do nhiều địa phương giãn cách xã hội nên gần 15.000 người có giấy phép lái xe hết hạn được lùi thời gian làm thủ tục cấp đổi.

Giấy phép lái xe hết hạn sẽ được cộng thêm số ngày địa phương áp dụng Chỉ thị 16 để tính thời điểm hết hạn

Giấy phép lái xe hết hạn sẽ được cộng thêm số ngày địa phương áp dụng Chỉ thị 16 để tính thời điểm hết hạn

Đại diện Bộ GTVT cho biết đã yêu cầu sở GTVT địa phương cho phép người cư trú trên địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 được làm thủ tục đổi giấy phép lái xe. Các giấy phép lái xe hết hạn sẽ được cộng thêm số ngày địa phương áp dụng Chỉ thị 16 để tính thời điểm hết hạn.

Sau khi hết giãn cách, người dân phải đi cấp đổi giấy phép lái xe trong vòng một tháng. Nếu quá một tháng, người dân không được hưởng hỗ trợ trên.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các sở tăng cường cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thuận lợi cho người dân.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến cuối tháng 8, cả nước có gần 15.000 giấy phép lái xe bị quá thời hạn. Nguyên nhân là một số địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến người dân không thể đi gửi hồ sơ và chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.

Nha Trang mở lại gần 30 chợ và siêu thị

Sau hơn hai tháng tạm dừng để chống dịch, gần 30 siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) được mở cửa trở lại phục vụ người dân.

Các chợ truyền thống ở Nha Trang phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch khi mở cửa trở lại

Các chợ truyền thống ở Nha Trang phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch khi mở cửa trở lại

Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang Lưu Thành Nhân cho biết, các siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa phải có phương án phòng dịch được Thành phố thông qua. Cụ thể, những nơi này phải thường xuyên phun khử khuẩn, không đón quá 30% công suất người vào mua hàng; bố trí một lối vào và một lối ra. Toàn bộ nhân viên phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Các chợ truyền thống như chợ Đầm, chợ Xóm Mới, chợ Vĩnh Hải, Phương Sơn, Phước Thái (chợ hạng 1, hạng 2), cũng phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch như trên. Bên trong chợ phải đảm bảo giãn cách giữa các hộ kinh doanh, giữa người mua và bán. Các chợ xếp hạng 3 do từng địa phương quyết định.

Người dân đi chợ, siêu thị phải có thẻ xanh hoặc thẻ vàng Covid-19. Nhân viên, tiểu thương, người giao hàng làm việc tại chợ, siêu thị phải có thẻ xanh; người khỏi Covid-19 phải có giấy chứng nhận. Người có thẻ vàng phải kèm giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Việt Nam nhận 300 tủ lạnh bảo quản vaccine từ Nhật Bản

300 tủ lạnh bảo quản vaccine do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đến cảng TP.HCM và Hải Phòng, ngày 1/10.

Lô tủ lạnh do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam về đến cảng Hải Phòng

Lô tủ lạnh do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam về đến cảng Hải Phòng

Theo UNICEF, lô tủ lạnh này nhằm cải thiện dây chuyền thiết bị cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam. 100 tủ được vận chuyển đến TP.HCM, 200 tủ đến cảng Hải Phòng, sau đó được chuyển đến 300 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện để bảo quản vaccine.

Các tủ lạnh này dùng "công nghệ xanh", mức tiêu thụ điện năng thấp, bền vững với môi trường, có thể bảo quản vaccine từ 2 độ đến 8 độ, ngay cả khi mất điện trong 72 giờ. Mỗi tủ có dung tích 80 lít, có thể lưu trữ vaccine cho nhiều ngày tiêm chủng. Tủ còn có thiết bị theo dõi nhiệt độ từ xa. Nếu có sự chênh lệch nhiệt độ, thiết bị sẽ gửi thông báo đến người phụ trách.

Bà Rana Flowers, đại diện UNICEF, khẳng định sự hỗ trợ nêu trên rất quan trọng với việc triển khai tiêm chủng Covid-19 và các chiến dịch tiêm chủng thường xuyên khác một cách an toàn.

Đến hết ngày 1/10, Việt Nam đã tiêm được 42,8 triệu liều vaccine; trong đó 33 triệu người tiêm mũi một; 9,8 triệu người tiêm đủ hai liều.

TP.HCM huy động 113 xe buýt đưa người về các tỉnh miền Tây

113 xe buýt được TP.HCM bố trí tại các chốt kiểm soát cửa ngõ hỗ trợ người dân về quê an toàn, trước tình trạng nhiều người rời thành phố tự phát mấy ngày nay.

Ô tô được huy động chở người dân cùng xe máy về các tỉnh miền Tây

Ô tô được huy động chở người dân cùng xe máy về các tỉnh miền Tây

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, số xe buýt này được Sở chuẩn bị, khi ghi nhận nhiều chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào Thành phố lưu lượng tăng cao do người dân tự chạy xe máy về quê. Các xe buýt có sức chứa 40 - 80 chỗ, được bố trí gần các chốt nhằm sẵn sàng giải toả ùn ứ, hỗ trợ đưa người dân về các tỉnh, thành an toàn.

Trước việc người dân liên tục dồn đến chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1, đoạn qua giao lộ Bùi Thanh Khiết (huyện Bình Chánh) vào sáng 1/10, Sở GTVT điều động 60 xe buýt đến khu vực này. Đến chiều 1/10, hơn 800 người đã được 23 xe buýt đưa về 8 tỉnh miền Tây. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng với 6 xe được huy động. Kế đến, tỉnh Kiên Giang được bố trí 5 xe; An Giang, Bạc Liêu mỗi tỉnh 3 xe. Tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang mỗi tỉnh 1 - 2 xe đưa người dân hồi hương.

Trong công điện gửi UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An chiều 1/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương có phương án chuẩn bị đầy đủ xe tải, ô tô khách và tài xế nhằm kịp thời vận chuyển người dân khi cần hỗ trợ. Bộ cũng yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành nắm tình hình thực tế người dân có nhu cầu về quê để chuẩn bị các phương án cần thiết; phối hợp tổ chức đưa đón trật tự, chu đáo, an toàn; không để xảy ra ùn tắc, nhất là ở các chốt kiểm soát...

Chuyên đề