Bản tin thời sự sáng 2/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng có thể tăng tiếp gần 800 đồng/lít tại kỳ điều hành ngày 3/1; tiếp nhận máy bay xuống Tân Sơn Nhất vì không lưu Philippines tê liệt; Trung Quốc mở cửa khẩu, thông quan hàng hóa xuyên Tết; kiến nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023…

Giá xăng có thể tăng tiếp gần 800 đồng/lít tại kỳ điều hành ngày 3/1

Trong kỳ điều hành sắp tới (3/1), giá xăng E5 RON 92 được dự báo có thể tăng 790 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 750 đồng/lít. Giá các loại dầu cũng có thể tăng 210 - 760 đồng/lít, kg.

Trong kỳ điều hành sắp tới (3/1), giá xăng có thể tăng tiếp gần 800 đồng/lít

Trong kỳ điều hành sắp tới (3/1), giá xăng có thể tăng tiếp gần 800 đồng/lít

Theo Nghị định 95, kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên trong năm 2023 sẽ rơi vào ngày 3/1 khi mà ngày 1/1 trùng thời gian nghỉ Tết Dương lịch.

Giá xăng trước đó được điều chỉnh tăng hơn 1.000 đồng/lít từ 0h ngày 1/1 do mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn... được giảm 50% so với mức trần biểu khung thuế. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023 với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít (mức đang áp dụng là 1.000 đồng/lít); dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít, kg; dầu hỏa 600 đồng/lít.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 27/12/2022 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore thời gian qua có xu hướng tăng so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 dùng để điều chế xăng E5 RON 92 là 87,7 USD/thùng, RON 95 là 91,2 USD/thùng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu, dựa trên diễn biến giá thế giới, trong kỳ điều hành 3/1, giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 790 đồng/lít, xăng RON 95 có thể tăng 750 đồng/lít. Còn dầu hỏa có thể tăng 760 đồng/lít, dầu diesel tăng 210 đồng/lít, dầu mazut tăng 680 đồng/kg.

Nếu dự báo này chính xác, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ có lần tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp.

Năm 2022 là năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu, giá nhiên liệu đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Tiếp nhận máy bay xuống Tân Sơn Nhất vì không lưu Philippines tê liệt

Ngày 1/1/2023, Cục Hàng không Việt Nam kích hoạt ứng phó không lưu để điều hành máy bay ảnh hưởng sự cố không lưu ở Philippines.

Cục Hàng không Việt Nam kích hoạt ứng phó không lưu để điều hành máy bay ảnh hưởng sự cố không lưu ở Philippines. Ảnh minh hoạ

Cục Hàng không Việt Nam kích hoạt ứng phó không lưu để điều hành máy bay ảnh hưởng sự cố không lưu ở Philippines. Ảnh minh hoạ

Sau khi cơ quan không lưu của Philippines tê liệt, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai phương án ứng phó không lưu, hướng dẫn máy bay tránh vùng thông báo bay của Philippines, tiếp nhận máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất để chờ bay sang Philippines.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Trung tâm Điều hành bay Việt Nam nhận được thông báo qua điện thoại từ Trung tâm Điều hành bay Philippines rằng sẽ mất liên lạc với trung tâm điều hành bay này trong vài phút.

Sau đó trung tâm điều hành bay của Việt Nam bị mất liên lạc với trung tâm điều hành bay của Philippines trên mọi kênh liên lạc hàng không từ chính thức đến dự phòng, khẩn nguy cho đến điện thoại thông thường.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam ngay lập tức yêu cầu triển khai ngay phương án ứng phó không lưu với 2 giải pháp.

Với các chuyến bay trong vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam điều hành chuẩn bị có đích đến là các sân bay ở Philippines, Trung tâm Điều hành bay Việt Nam thông báo cho phi công bay chờ và khuyến cáo quay về hạ cánh xuống các sân bay dự bị ở Việt Nam mà các hãng đã đăng ký. Thời điểm đó có 4 chuyến bay đang trong FIR của Việt Nam, chuẩn bị vào FIR của Philippines.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết, các hãng hàng không có chuyến bay qua vùng trời Việt Nam đến Philippines đều đăng ký các sân bay ở Việt Nam làm sân bay dự bị trong tình huống này.

Có 3 chuyến bay chọn hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất để chờ bay sang Philippines. Đến chiều 1/1, 3 chuyến bay đến Philippines quay trở lại bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Các chuyến bay này không ảnh hưởng hoạt động khai thác tại Tân Sơn Nhất.

Lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày, nhà chức trách hàng không Philippines phát điện văn thông báo với Cục Hàng không Việt Nam là dự kiến 8 giờ sáng 2/1, giờ Việt Nam sẽ khôi phục các phương tiện điều hành bay như hệ thống radar, thông tin liên lạc của Philippines.

Cảng Đà Nẵng tổ chức đón tấn hàng đầu tiên năm 2023

Tấn hàng đầu tiên năm 2023 của Cảng Đà Nẵng được xếp dỡ từ Tàu Haian Park, quốc tịch Việt Nam thuộc Hãng tàu Hải An, có tải trọng 12.649 DWT và tàu Ever Optima, quốc tịch Panama.

Tàu Haian Park cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để bốc xếp hàng hóa trong ngày đầu năm mới 2023

Tàu Haian Park cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để bốc xếp hàng hóa trong ngày đầu năm mới 2023

0 giờ ngày 1/1/2023, tại Cảng Tiên Sa, Công ty CP Cảng Đà Nẵng (Cảng Đà Nẵng) tổ chức đón tấn hàng đầu năm 2023.

Tấn hàng đầu tiên năm 2023 của Cảng Đà Nẵng được xếp dỡ từ Tàu Haian Park, quốc tịch Việt Nam thuộc Hãng tàu Hải An, có tải trọng 12.649 DWT và tàu Ever Optima, quốc tịch Panama thuộc Hãng tàu Ever Green có tải trọng 33.577 DWT.

Theo Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn, năm 2023, Cảng Đà Nẵng quyết tâm phấn đấu phấn đấu đạt sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tăng ít nhất 2% so với năm 2022, doanh thu tăng ít nhất 4% so với so với năm 2022, lợi nhuận tăng ít nhất 6% so với so với năm 2022...

Cảng Đà Nẵng đã triển khai 23 dự án, tập trung chủ yếu đầu tư các phương tiện thiết bị chuyên dụng, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 cơ bản đều đạt kế hoạch, doanh thu tăng 10%, lợi nhuận tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc mở cửa khẩu, thông quan hàng hóa xuyên Tết

Cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo mở cửa khẩu, lối mở và tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu xuyên suốt dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, cửa khẩu Vạn Điểm và nhiều lối mở tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mở cửa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu

Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, cửa khẩu Vạn Điểm và nhiều lối mở tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mở cửa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Văn phòng cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã có thông báo về việc duy trì thông quan hàng hóa trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Đây là quyết định nhằm quán triệt thực hiện "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" công bố trong tháng 11/2022, cũng như đảm bảo cho hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng được duy trì thông suốt, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu của hai nước.

Theo thông báo từ phía Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023, cửa khẩu Hữu Nghị Quan (bao gồm lối mở Pò Chài, Lũng Vài); cửa khẩu Ái Điểm và khu thương mại cư dân biên giới Đông Hưng triển khai bình thường các nghiệp vụ kiểm tra, kiểm nghiệm hàng hoá thông quan. Các cửa khẩu biên giới khác sẽ thông quan theo nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, từ ngày 21 - 27/1, tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước.

Sau khi nhận thông báo này từ phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đã thông tin đến các doanh nghiệp trong nước đang có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, chủ động phối hợp với đối tác xây dựng kế hoạch sản xuất, vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Quảng Tây trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Kiến nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023

Nhiều hiệp hội kiến nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023. Các hiệp hội cho rằng việc kéo dài chính sách giảm VAT 2% sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị cần tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023

Các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị cần tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023

Cụ thể, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xem xét gia hạn chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến 31/12/2023.

Theo FFA, dù đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2022, các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM vẫn cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động; cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho xã hội, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đó là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chính sách giảm thuế VAT 2% áp dụng từ ngày 1/1 - 31/12/2022 đã phát huy hiệu quả cao, tác động nhanh và trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, FFA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.

Tương tự, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% tới năm 2023.

Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm 2% thuế suất VAT xuống còn 8%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất VAT 10%. Thời gian áp dụng từ 1/2/2022 đến hết 31/12/2022.

Phạt hơn nửa tỷ đồng vì dùng 47 tài khoản thao túng giá cổ phiếu

Một cá nhân sinh sống tại TP.HCM đã dùng 47 tài khoản để thực hiện thao túng giá cổ phiếu Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam trong 5 tháng.

UBCKNN vừa thông tin về việc xử phạt một cá nhân 550 triệu đồng vì sử dụng 47 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu

UBCKNN vừa thông tin về việc xử phạt một cá nhân 550 triệu đồng vì sử dụng 47 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông tin về việc xử phạt một cá nhân 550 triệu đồng vì sử dụng 47 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu của Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam (mã: TNA).

Theo đó, cơ quan quản lý cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/12/2020, ông Hồ Nam Huy đã sử dụng 47 tài khoản bao gồm 6 tài khoản đứng tên mình và 41 tài khoản của 13 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch khớp đối ứng cổ phiếu TNA giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNA.

Do đó, UBCKNN đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Huy. Căn cứ kết quả kiểm tra, kết quả tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm của ông Hồ Nam Huy cho thấy không có số lợi bất hợp pháp.

Trong thời gian ông Hồ Nam Huy thao túng giá, cổ phiếu TNA từng tăng giá mạnh bắt đầu từ thời điểm tháng 8/2019, thị giá từ dưới 10.000 đồng/CP lên gần 20.000 đồng/CP, sau đó cổ phiếu này rớt giá mạnh từ cuối tháng 12/2019 về quanh ngưỡng 10.000 đồng/CP và mất dần thanh khoản.

Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam tiền thân là Công ty Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu (Tenimex), trực thuộc UBND Quận 10 (TP.HCM). Đây là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực: sắt thép, bất động sản, phân phối thực phẩm, phân phối điện máy và đầu tư giáo dục.

Khởi tố vụ buôn bán hơn 90.000 quyển sách giáo khoa giả tại Thái Bình

Vũ Ngọc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về tội "buôn bán hàng giả" do đã mua hơn 90.000 quyển sách giáo khoa giả về bán tại huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình).

Nhà sách do Vũ Ngọc Anh làm chủ

Nhà sách do Vũ Ngọc Anh làm chủ

Ngày 1/1, thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Ngọc Anh (51 tuổi, trú tại tổ 4, thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về tội “buôn bán hàng giả”, theo Khoản 3, Điều 192, bộ luật Hình sự. Các quyết định, lệnh trên đã được Viện KSND tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Vũ Ngọc Anh là chủ nhà sách tự chọn tại huyện Đông Hưng (Thái Bình). Trong quá trình khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ được nhiều giấy tờ, tài liệu và sách liên quan đến vụ án.

Theo thông tin ban đầu, năm 2021, mặc dù biết Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát, chủ nhà sách Minh Thuận, 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội) sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục nhưng Vũ Ngọc Anh vẫn mua 750 thùng sách với trên 90.000 quyển sách giáo khoa các loại (trị giá trên 2 tỷ đồng) về bán ở Thái Bình.

Trước đó, tháng 6/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Nhà xuất bản Giáo dục, đã bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại các địa điểm tại Hà Nội.

Sau đó, lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa…

Chuyên đề