Bản tin thời sự sáng 20/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai; Bình Dương dự kiến đầu tư 20.000 tỷ đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Sở Giao thông vận tải Hòa Bình báo cáo nguyên nhân vụ sập cầu Ngòi Móng; xuất khẩu gạo Việt vượt 4 tỷ USD…

Đề xuất đầu tư đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai

Tuyến đường sắt dài 8,7 km đi ngầm theo Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh, có tổng mức đầu tư dự kiến 40.577 tỷ đồng.

Hành khách đi tàu điện Nhổn - Cầu Giấy trên tuyến đường sắt đô thị số 3

Hành khách đi tàu điện Nhổn - Cầu Giấy trên tuyến đường sắt đô thị số 3

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND Hà Nội về dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.

Bộ đề xuất, Chính phủ giao Hà Nội rà soát, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan và phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo các dự án đường sắt đô thị được triển khai đúng tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đề xuất của Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn 3.2) từ ga Hà Nội - Hoàng Mai đi ngầm toàn bộ theo hành trang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh, tổng chiều dài khoảng 8,7 km.

Dự án gồm ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc phía sau vành đai 3. Trên tuyến có 7 ga ngầm là Hàng Bài, Trần Thánh Tôn, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở và khu lập tàu gần trạm bơm Yên Sở.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến 40.577 tỷ đồng, tương đương 1,752 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 801 triệu USD, KfW 258 triệu USD, AFD 198 triệu USD, vốn đối ứng là 494 triệu USD, thực hiện đến năm 2029.

Đoạn đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai thuộc Dự án tuyến đường sắt số 3 của TP. Hà Nội. Tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 26 km, trong đó đoạn Nhổn - Cầu Giấy đi trên cao đã vận hành thương mại, dự kiến sẽ đưa vào khai thác đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội vào năm 2027. Do đó, việc đưa vào vận hành tuyến số 3 đoạn 3.2 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai sẽ hình thành trục đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai, thu hút lượng lớn hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại trên trục Đông - Tây của Hà Nội, giải quyết ùn tắc giao thông trong nội đô.

Bình Dương dự kiến đầu tư 20.000 tỷ đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Bình Dương công bố Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu lớn nhằm giúp Tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Dự án Khu đô thị Một Thế Giới – The One World có tổng diện tích hơn 50 ha nằm ở thành phố Thuận An (Bình Dương)

Dự án Khu đô thị Một Thế Giới – The One World có tổng diện tích hơn 50 ha nằm ở thành phố Thuận An (Bình Dương)

Chiều 19/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu lớn nhằm giúp Tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Quy hoạch này sẽ là nền tảng quan trọng để Bình Dương khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế chiến lược của vùng Đông Nam Bộ và tiến tới thành phố trực thuộc Trung ương.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn nhấn mạnh, Tỉnh sẽ tập trung triển khai 37 nhiệm vụ trọng yếu với nguồn vốn đầu tư công huy động từ nhiều nguồn lực, bao gồm đấu giá đất và kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng trong thời gian tới, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế.

Mục tiêu của Bình Dương đến năm 2050 là nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên 15.000 USD/năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và điều tiết ngân sách.

Hiện tại, Bình Dương chỉ giữ lại 33% nguồn thu nội địa, trong khi phải điều tiết 67% về Trung ương, tạo nên áp lực lớn cho ngân sách địa phương.

Sở Giao thông vận tải Hòa Bình báo cáo nguyên nhân vụ sập cầu Ngòi Móng

Ngày 19/9, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hòa Bình có văn bản báo cáo UBND Tỉnh về sự cố công trình xây dựng trong quá trình khai thác sử dụng tại cầu Ngòi Móng.

Cầu Ngòi Móng bị sụt lún vào rạng sáng ngày 19/9

Cầu Ngòi Móng bị sụt lún vào rạng sáng ngày 19/9

Văn bản nêu rõ, do cầu nằm ở vị trí suối đổ ra sông Đà nên thường xuyên bị ảnh hưởng của nước dâng và nước rút khi Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng, mở cửa xả lũ.

Từ năm 2017, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 đã làm cầu bị hư hỏng, Sở GTVT Tỉnh báo cáo và được UBND Tỉnh phê duyệt cho phép sửa chữa cây cầu; công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng ngày 9/11/2018.

Tuy nhiên, do thời gian khai thác đã lâu, hiện trạng cầu là loại cầu giản đơn; mặt khác, cao độ lòng suối hiện tại thấp hơn so với thời điểm xây dựng cầu năm 1994; việc xây dựng cầu Ngòi Móng mới cũng làm thay đổi dòng chảy của suối tạo dòng xối vào chân mố cầu hiện tại.

Đến năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Công ty Thủy điện Hòa Bình phải mở, đóng cửa xả lũ nên nước suối khu vực cầu Ngòi Móng có hiện tượng dâng, rút dẫn đến ngày 10/9 cầu bị xói mái tứ nón mố M2 phía thượng lưu 8 m.

Sau thời gian mưa lớn xảy ra vào đêm ngày 18/9, rạng sáng ngày 19/9, nước suối chảy xiết gây xói lở mạnh lòng suối và đáy móng mố cầu. Vào lúc 3h sáng cùng ngày, cầu có hiện tượng lún mố. Đến 4h30, đường dẫn đầu cầu phía mố M1 (phía Quốc lộ 6 - phường Kỳ Sơn) bị lún và trượt về phía lòng suối.

Ngay khi có hiện tượng lún sụt, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng đường bộ thường xuyên cử người gác 2 đầu cầu, hướng dẫn giao thông, rào chắn không cho người và phương tiện lưu thông qua cầu từ khi xảy ra sụt lún mố cầu.

Cũng trong sáng 19/9, Sở GTVT Tỉnh cũng đã yêu cầu tổ chức rào chắn bằng tôn chắc chắn ngay ở hai đầu cầu, cấm hoàn toàn không cho người và phương tiện tiếp cận khu vực cầu Ngòi Móng tại Km0+265, Đường tỉnh 445 để đảm bảo an toàn…

Xuất khẩu gạo vượt 4 tỷ USD

Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo, mang về 4,06 tỷ USD. Các thị trường chính vẫn là Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã mang về hơn 4 tỷ USD kể từ đầu năm.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã mang về hơn 4 tỷ USD kể từ đầu năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng nhẹ 6% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu gạo năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ.

Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Trong đó, khách hàng lớn nhất là Philippines đã chi gần 1,72 tỷ USD để mua 2,81 triệu tấn gạo của Việt Nam trong 8 tháng. So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 20% về lượng và 40% về giá trị.

Indonesia cũng đã tăng thu mua gạo Việt từ năm ngoái đến nay. Trong 8 tháng, nước này mua gần 913.900 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương 557,8 triệu USD. Xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia tăng 27% về lượng, tăng 54% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Tương tự, Việt Nam đã xuất khẩu gần 582.900 tấn gạo sang Malaysia, thu về 345,9 triệu USD. Gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng 112% về lượng và tăng gần 153% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 234.272 tấn, mang 37,2 triệu USD.

Như vậy, Malaysia đã vượt Trung Quốc và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam.

Về giá xuất khẩu bình quân, theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cập nhật ngày 11/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 567 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 2 USD/tấn và cao hơn gạo của Pakistan 32 USD/tấn.

Với gạo 25% tấm của Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 15 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 30 USD/tấn.

Lắp đặt trạm phát sóng di động tại địa điểm mới cho bà con tại Làng Nủ

Để đồng bộ hạ tầng viễn thông, cung cấp kết nối thông tin thiết yếu cho người dân Làng Nủ tại khu vực tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thôn Làng Nủ, ngày 19/9, VNPT đã khởi công lắp đặt trạm phát sóng BTS tại địa điểm xây dựng bản mới cho bà con Làng Nủ.

Triển khai lắp đặt trạm phát sóng BTS mơi tại làng Nủ, Lào Cai

Triển khai lắp đặt trạm phát sóng BTS mơi tại làng Nủ, Lào Cai

Trạm BTS sẽ được xây dựng tại mỏm đồi thuộc xã Lương Sơn, Huyện Bảo Yên, Tỉnh Lào Cai, cách 800 m so với khu vực Tái định cư và 2 km so với khu vực cứu hộ.

VNPT đặt quyết tâm cao để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất, giúp bà con tại khu vực có thể nhanh chóng kết nối, dễ dàng liên lạc và sử dụng các dịch vụ viễn thông hiện đại, đồng thời, tối đa hóa đường truyền liên lạc của đội ngũ cứu hộ, góp phần quan trọng trong công tác khắc phục và hỗ trợ khẩn cấp.

Đây không chỉ là nỗ lực của VNPT trong việc mở rộng mạng lưới viễn thông mà còn là cam kết mang lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng. VNPT sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương trong triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là trước ngày 31/12/2024 phải xây dựng xong bản mới tại thôn Làng Nủ.

Đà Nẵng điểm danh loạt chung cư xuống cấp mức nguy hiểm

Kết quả kiểm định chất lượng 9 chung cư, nhà ở tập thể cũ trên địa bàn quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho thấy, nhiều chung cư, nhà tập thể ở mức độ nguy hiểm cấp B và C.

Chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu) xuống cấp nghiêm trọng, sắp bị phá dỡ

Chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu) xuống cấp nghiêm trọng, sắp bị phá dỡ

Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa có thông báo về kết quả kiểm định chất lượng 9 chung cư, nhà ở tập thể cũ trên địa bàn quận Hải Châu.

Theo đó, các chung cư, nhà ở tập thể ở mức độ nguy hiểm cấp C gồm: nhà ở tập thể số 24 Lê Đình Thám (phường Hòa Thuận Đông); nhà tập thể số K33/21 Cao Thắng; nhà tập thể số K33B/12 Cao Thắng; nhà tập thể số 109 Thanh Thủy; nhà tập thể số 103 Nguyễn Tất Thành (cùng ở phường Thanh Bình).

Mức độ nguy hiểm cấp B gồm: nhà tập thể số K33/31 Cao Thắng và nhà ở tập thể số K33/10 Cao Thắng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu).

Đối với khu tập thể số K81 Hải Phòng (phường Thạch Thang), phần nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tầng 2 có mức độ đánh giá nguy hiểm cấp C.

Nhà tập thể Mành Trúc cũ số K371/6 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Đông), theo đánh giá tầng 2 có thể tiếp tục sử dụng thêm từ 2 - 3 năm.

Dù chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ nhưng để đảm bảo các nhà chung cư, tập thể ở mức độ nguy hiểm cấp B, C tiếp tục sử dụng bình thường, Sở Xây dựng kiến nghị các nhà tập thể này cần được kịp thời sửa chữa, gia cường các cấu kiện nguy hiểm và các hư hỏng cục bộ trước khi sử dụng tiếp…

Tháng 8/2024, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch di dời, giải toả, xây dựng lại 3 chung cư xuống cấp là khu chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), khu chung cư Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) và khu chung cư Hòa Minh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Ba khu chung cư này có 18 khối nhà, 648 căn hộ và 621 hộ dân đang ở.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, kết quả kiểm định của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) thực hiện năm 2021 - 2022 cho thấy, tất cả các khối nhà đều ở mức độ nguy hiểm, cần di dời.

Theo kế hoạch, từ tháng 10/2024, Hội đồng triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân từng khu chung cư. Sau khi di dời toàn bộ dân từng khối nhà, sẽ triển khai phá dỡ công trình hiện trạng.

Thuduc House bị cưỡng chế thuế gần 100 tỷ đồng

Cục Thuế TP.HCM vừa ban hành các quyết định cưỡng chế thuế đối với Thuduc House với số tiền 91,1 tỷ đồng. Đây là tiền chậm nộp liên quan đến 365,5 tỷ đồng tiền hoàn thuế trong vụ án buôn lậu linh kiện điện tử.

Một chung cư tại TP. Thủ Đức do Thuduc House làm chủ đầu tư

Một chung cư tại TP. Thủ Đức do Thuduc House làm chủ đầu tư

Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cho biết, vừa nhận được các quyết định của Cục Thuế TP.HCM liên quan tới thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với số tiền 91,1 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 19/8, Thuduc House đã nhận được 5 quyết định của Cục Thuế TP.HCM với cùng nội dung nói trên.

Thành lập từ năm 2001, Thuduc House được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâu đời tại TP.HCM với hàng loạt dự án chung cư, chủ yếu tại TP. Thủ Đức. Năm 2006, Thuduc House niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã giao dịch TDH.

91,1 tỷ đồng đang được Cục Thuế TP.HCM cưỡng chế đối với Thuduc House là tiền chậm nộp dựa trên số tiền 365,5 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng của Công ty được hoàn trong vụ án buôn lậu linh kiện điện tử.

Tại bản án phúc thẩm ban hành ngày 3/5, HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên buộc Thuduc House phải hoàn trả cho Cục Thuế Thành phố số tiền 365,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Đây là tiền thuế giá trị gia tăng mà Công ty được hoàn từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019.

Khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Thuduc House đã nộp 365,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ.

HĐXX yêu cầu, Cục Thi hành án dân dự TP.HCM chuyển số tiền 365,5 tỷ đồng đã tạm giữ cho Cục Thuế Thành phố để Thuduc House khắc phục hậu quả. Đồng thời, 10 bị cáo trong vụ án phải bồi hoàn cho Thuduc House 340 tỷ đồng.

Theo Thuduc House, Cục Thuế TP.HCM đang tính tiền chậm nộp 91,1 tỷ đồng đối với Công ty dựa trên số tiền hoàn thuế 365,5 tỷ đồng các bị cáo trong vụ án nói trên lợi dụng Công ty để chiếm đoạt.

Tháng 8 vừa qua, Cục Thuế TP.HCM có thông báo gửi đến Thuduc House cho rằng Công ty đang nợ thuế tổng cộng 549,5 tỷ đồng. Trong đó, 365,5 tỷ đồng là tiền thuế và các khoản thu khác tính đến ngày 31/7; 183 tỷ đồng còn lại là tiền chậm nộp.

Bình Dương sắp có khu công nghiệp xanh hơn 5.400 tỷ đồng

Bình Dương sẽ có khu công nghiệp xanh, quy mô 700 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng, theo quy hoạch của Tỉnh.

Một góc thành phố mới Bình Dương

Một góc thành phố mới Bình Dương

Thông tin được ông Võ Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết ngày 19/9. Theo ông Tuấn, Khu công nghiệp Cây Trường do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp này được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 vào tháng 11/2023. Khu này rộng 700 ha, quy mô lao động 35.000 người và tổng vốn đầu tư 5.459 tỷ đồng.

Ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết, hiện các thủ tục pháp lý của Khu công nghiệp Cây Trường đã hoàn tất. Khi vào hoạt động, khu công nghiệp này được định hình là nơi tập trung các doanh nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên sản xuất xanh, đổi mới sáng tạo và sinh thái gắn với bảo vệ môi trường.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, Tỉnh sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới đến năm 2030. Trong số này, 2 khu tại huyện Bắc Tân Uyên và TP. Tân Uyên sẽ được đầu tư trong 2 năm tới, tổng diện tích 1.000 ha. 8 khu còn lại bố trí tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo, diện tích trên 6.000 ha.

Đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương đã thu hút trên 3.130 dự án, trong đó dự án FDI chiếm gần 80%, với tổng vốn đăng ký 29,7 tỷ USD. 682 dự án đầu tư trong nước gần 95.000 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD).

Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị phạt thuế

Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị xử lý thuế hơn 5,29 tỷ đồng, trong đó bị buộc nộp đủ hơn 3,2 tỷ đồng số tiền thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Một số sản phẩm của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Một số sản phẩm của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán: RAL) công bố nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Tổng cục Thuế. Tổng cộng, số tiền Công ty bị xử lý thuế hơn 5,29 tỷ đồng.

Công ty có các vi phạm hành chính như khai sai dẫn đến và khai sai không dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp; sử dụng hóa đơn không đúng quy định. Đồng thời, Công ty còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần đối với hành vi kê khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số thuế VAT phải nộp.

Theo quyết định xử phạt, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị phạt tiền gần 769 triệu đồng; buộc nộp đủ hơn 3,2 tỷ đồng số tiền thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, công ty này cũng phải nộp số tiền chậm nộp thuế hơn 477 triệu đồng và giảm tiền thuế VAT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau tại kỳ tính thuế tháng 12/2023 gần 846 triệu đồng.

Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được thành lập từ năm 1961, có 2 cơ sở sản xuất tại Hà Nội và Bắc Ninh. Doanh nghiệp có các sản phẩm về bóng đèn, phích nước, các thiết bị nhà thông minh... Công ty có năng lực sản xuất 100 triệu sản phẩm đèn LED/năm, 5 triệu bóng đèn/năm, 32 triệu phích nước/năm.

Năm 2023, Công ty đạt doanh thu 8.316 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 584 tỷ đồng, đều tăng 20% so với năm trước. Giai đoạn 2019 - 2023, Công ty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu là 15 - 20%/năm.

Nửa đầu năm nay, doanh thu Công ty tăng 35% còn lợi nhuận tăng 13%, lần lượt đạt 4.950 tỷ đồng và 332 tỷ đồng. Tại ngày 30/6, tổng nợ vay tài chính hơn 3.641 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn là nợ vay tài chính ngắn hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,17 lần.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư