Bản tin thời sự sáng 20/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng giao các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways; xuất hiện biển số xe ngũ quý siêu đẹp ở Hà Nội, TP.HCM trong phiên đấu giá đầu tiên; Việt Á bị cáo buộc chi 82 tỷ đồng hối lộ 6 quan chức; UBND tỉnh Đồng Nai dừng thanh tra các dự án, gói thầu liên quan Công ty AIC…

Thủ tướng giao các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways

Thủ tướng yêu cầu các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways về vấn đề vốn, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới, tăng quy mô đội tàu bay.

Thủ tướng yêu cầu các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways về vấn đề vốn, chuyển nhượng cổ phần
Thủ tướng yêu cầu các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways về vấn đề vốn, chuyển nhượng cổ phần

Thời gian qua, sau giai đoạn chuyển giao nhà đầu tư, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính.

Hồi đầu tháng 7, Bamboo Airways đã gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về tình hình hoạt động, các khó khăn của doanh nghiệp này. Trước kiến nghị của hãng, Thủ tướng yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các đơn vị liên quan xem xét, hỗ trợ xử lý các vướng mắc nhằm giúp Bamboo Airways phát triển. Trong đó, Bộ GTVT có trách nhiệm liên quan việc duy trì điều kiện hoạt động của hãng bay này để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hàng không dân dụng.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan như nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước....

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước cần báo cáo để Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu các bên báo cáo kết quả xử lý vấn đề này trước ngày 15/9.

Xuất hiện biển số xe ngũ quý siêu đẹp ở Hà Nội, TP.HCM trong phiên đấu giá đầu tiên

Trong phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô lần thứ nhất, TP. Hà Nội, TP.HCM đã xuất hiện biển ngũ quý.

Nhiều biển số xe đẹp được đưa ra đấu giá. Ảnh minh hoạ

Nhiều biển số xe đẹp được đưa ra đấu giá. Ảnh minh hoạ

Bộ Công an vừa có thông báo về phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô lần thứ nhất.

Theo thông báo, phiên đấu giá đầu tiên được thực hiện bởi Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam vào ngày 22/8.

Thời gian đấu giá 60 phút/biển số ôtô. Trong phiên đấu giá đầu tiên, sẽ có 11 biển số được đưa ra đấu giá gồm: 30K-555.55 và 30K-567.89 (TP. Hà Nội), 51K-888.88 (TP.HCM), 98A-666.66 (Bắc Giang), 19A-555.55 (tỉnh Phú Thọ), 36A-999.99 (Thanh Hóa), 43A-799.999 (TP. Đà Nẵng), 47A-599.99 (Đắk Lắk), 65A-399.99 (TP. Cần Thơ), 99A-666.66 (TP. Bắc Ninh), 15K-188.88 (TP. Hải Phòng).

Trong danh sách xuất hiện 5 biển ngũ quý ở 5 tỉnh, TP như: TP. Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Phú Thọ và Thanh Hoá.

Theo quy định, người dân và tổ chức được đấu giá biển của toàn bộ các địa phương, không bị giới hạn bởi hộ khẩu thường trú hoặc nơi đặt trụ sở cơ quan. Trong thời gian trên, lực lượng của Bộ Công an sẽ giám sát toàn bộ quá trình đấu giá.

Đồng thời, người tham gia đấu giá được trả lại tiền đặt trước trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá nếu không trúng đấu giá.

Việt Á bị cáo buộc chi 82 tỷ đồng hối lộ 6 quan chức

Để được tham gia nghiên cứu, sau đó tự sản xuất kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã chi 82 tỷ đồng hối lộ 6 quan chức.

Phan Quốc Việt lúc quảng cáo kit xét nghiệm

Phan Quốc Việt lúc quảng cáo kit xét nghiệm

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á và cấp phó Vũ Đình Hiệp đối mặt cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do Phan Quốc Việt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Theo kết luận điều tra, từ đầu 2020, khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, nhà chức trách có chủ trương giao các đơn vị khoa học nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch. Nắm bắt được tinh thần này, Việt đã thông đồng với bị can Hùng để Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y thực hiện đề tài với mục đích "tham gia nghiên cứu để sau đó chiếm đoạt, biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty".

Cơ quan điều tra cáo buộc, để được tham gia nghiên cứu đề tài, kinh doanh kit xét nghiệm, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, bị can Việt đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) cho 6 quan chức.

Về thiệt hại của vụ án, C03 xác định lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi chuyển giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 5%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất mỗi kit xét nghiệm chỉ hơn 143.000 đồng nhưng lại bán 470.000. Bởi thế, số tiền hưởng lợi bất chính của Việt Á là 1.235 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất.

Kết luận điều tra cho rằng bị can Việt cùng đồng phạm còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đấu thầu với 1,2 triệu kit test gây thiệt hại cho tài sản nhà nước 400 tỷ đồng.

Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, giám sát xe đưa đón học sinh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 750 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Chính phủ yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp 2/9.

Chính phủ yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp 2/9.

Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 382/KH-BCA-C08 ngày 24/7/2023 của Bộ Công an về tổng kiểm soát xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách và xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông như vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm khi đi qua đường ngang…

Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đối với học sinh trung học phổ thông, kết hợp xử lý hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép.

Cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; tăng cường lực lượng điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng tăng cao trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc bộ, các Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh và hoạt động đi lại của học sinh, sinh viên.

Kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về vận chuyển đưa đón học sinh…

UBND tỉnh Đồng Nai dừng thanh tra các dự án, gói thầu liên quan Công ty AIC

Ngày 19/8, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa quyết định chấm dứt hoạt động của đoàn thanh tra về việc thanh tra các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị thành viên cung cấp.

AIC đã cung cấp nhiều gói thầu, thiết bị mua sắm cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

AIC đã cung cấp nhiều gói thầu, thiết bị mua sắm cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định chấm dứt hoạt động của đoàn thanh tra theo quyết định thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thanh tra các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do AIC và các đơn vị thành viên của công ty này cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn (trừ các gói thầu, dự án đã được cơ quan khác thanh tra).

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao hồ sơ mà đoàn thanh tra đã thu thập thực hiện trong quá trình thanh tra cho Tổ trưởng Tổ kiểm tra 1 theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

Trước đó, tháng 4/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã lập đoàn thanh tra các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do AIC và các đơn vị thành viên của công ty này cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Cụ thể, đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các gói thầu do AIC cung cấp tại Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các dự án, gói thầu do AIC cung cấp trong khoảng thời gian 11 năm, từ đầu năm 2011 đến năm 2021. Thời hạn thanh tra 70 ngày làm việc.

Đấu giá Na Chi Lăng, thu hơn 700 triệu đồng xây nhà, làm cầu

Sau 3 phiên đấu giá ngày 19/8, 8 quả na đã được đặt mua với tổng số tiền 770 triệu đồng. Trong đó, quả na được chốt giá thấp nhất là 20 triệu đồng và giá cao nhất lên tới 220 triệu đồng.

Nghệ sĩ Quang Tèo cùng các Streamer tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na.

Nghệ sĩ Quang Tèo cùng các Streamer tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na.

Tại sự kiện, UBND huyện Chi Lăng đã chọn ra 8 quả na to, đẹp nhất được trồng tại các nhà vườn trên địa bàn huyện để đưa ra bán đấu giá, lấy kinh phí xây dựng nhà cho người nghèo và giúp các địa phương xây cầu dân sinh.

Trong đó, 8 quả na được tham gia đấu giá là 3 giống na đặc trưng ở huyện Chi Lăng, gồm: na dai, na bở và na Thái. Sau nhiều vòng đấu giá, 8 quả na này đã được mua với tổng số tiền lên đến 770 triệu đồng.

Đặc biệt, trong phiên đấu giá, 2 quả Na dai Chi Lăng được đấu giá lần lượt là 200 triệu đồng và 220 triệu đồng/quả. Đây là quả na dai được đấu giá cao nhất từ trước đến nay.

Đồng thời, Ban tổ chức đã đấu giá thành công 1 quả na bở trị giá 100 triệu đồng. Na bở là giống na truyền thống của huyện Chi Lăng. Đây là giống na từ lâu đời có vỏ dày, cùi dày, ít hạt và có vị ngọt thanh mát, phù hợp với sở thích của nhiều người.

Theo UBND huyện Chi Lăng, toàn bộ số tiền thu được từ chương trình bán đấu giá na sẽ được sử dụng để xây dựng 6 cây cầu dân sinh và 2 ngôi nhà cho 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Huyện Chi Lăng hiện có diện tích trồng na lên tới 2.500 ha, tập trung ở các xã Chi Lăng, Vạn Linh, Hòa Bình, Mai Sao, Y Tịch, Thượng Cường, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng; sản lượng na thu hoạch hàng năm khoảng 22.000 tấn. Cây na đang giúp nông dân có nguồn thu từ 600 - 700 tỷ đồng/năm.

Nha Trang đề xuất mở lại điểm lặn biển Hòn Mun

Ban quản lý vịnh Nha Trang đề xuất mở lại điểm lặn ở khu vực Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa) sau hơn một năm tạm ngưng để phục hồi hệ sinh thái san hô.

Khách du lịch lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun

Khách du lịch lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun

Nội dung nằm trong báo cáo thực hiện kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang của UBND TP Nha Trang. Hơn một năm trước, Ban quản lý vịnh đã dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính ở khu vực Hòn Mun.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, Viện Hải dương học sẽ phối hợp, khảo sát và đánh giá lại hiện trạng san hô ở Hòn Mun. Nếu đạt kết quả tốt, một số vị trí ở đảo sẽ được mở lại điểm lặn.

Thời gian tới, ban quản lý vịnh bố trí lặn tạm thời tại khu vực đông bắc Hòn Rơm (gần Hòn Mun) với số lượng khách hạn chế. Ban sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát số lượng khách để không hệ sinh thái quá tải. Khách tham gia lặn phải có chứng chỉ lặn thể thao quốc tế.

Hòn Mun cách bờ hơn 10 km, nằm trong vũng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang (rộng khoảng 160 km2). Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển.

Trước đó ảnh hưởng bão số 9 vào tháng 12/2021, san hô khu vực tây bắc Hòn Mun gãy đổ, thiệt hại hơn 50%. Sau thời gian dừng lặn biển và phục hồi, san hô ở đây có độ phủ khoảng 74,5%.

Chuyên đề