Đề xuất 4 vị trí làm bãi xe cao tầng ở TP.HCM
4 khu đất được đề xuất làm bãi xe cao tầng gồm một phần đường Lê Lai, trước công viên Lê Văn Tám (Quận 1), một phần Bến xe Chợ Lớn và đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5).
Bãi xe cao tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất |
Các vị trí trên được một số đơn vị đề xuất sau khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị rà soát các khu đất công có thể làm bãi xe công cộng. Tổng diện tích các khu đất này dự kiến hơn 1.500 m2, sức chứa khoảng 350 ôtô từ 9 chỗ trở xuống và 200 xe máy.
Động thái trên được đưa ra sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù, cho phép TP.HCM được xây dựng các bãi xe công cộng có thời hạn trên đất do Nhà nước quản lý.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố, hiện có hai hình thức phổ biến xây dựng các bãi xe lắp ghép thông minh là tự động hoàn toàn và bán tự động. Trong đó, việc áp dụng công nghệ bán tự động được đánh giá có chi phí đầu tư thấp, quản lý không phức tạp, thời gian thi công ngắn hơn so với hình thức còn lại.
Công trình đầu tư theo cách này cũng có thời gian thu hồi vốn nhanh, phí bảo trì thấp... Cơ quan trên đã đưa ra các ưu, nhược điểm cụ thể của hai hình thức này để các bên liên quan đánh giá và đề xuất triển khai.
Việc nghiên cứu thí điểm bãi xe cao tầng nằm trong định hướng ngành giao thông Thành phố về triển khai các công trình giữ xe ở trung tâm và những nơi thiếu chỗ đậu xe. Các bãi xe cao tầng lắp ghép được cho chiếm ít diện tích, chi phí thấp so với bãi xe ngầm; dễ lắp đặt, thi công nhanh; khi cần có thể tháo dỡ, di dời...
Trung tâm TP.HCM được quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm, tổng sức chứa khoảng 6.300 ôtô, 4.000 xe máy, nhưng hiện chưa dự án nào được triển khai trong bối cảnh khu vực này thiếu nơi đậu xe trầm trọng.
Sacombank bị kiến nghị xử lý trách nhiệm trong việc cấp tín dụng và xử lý nợ xấu
Theo Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thiếu sót và vi phạm ở các bước của quy trình cấp tín dụng; một số khách hàng chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi và chưa chuyển nhóm nợ đúng thời điểm quy định.
Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An trong điều kiện dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý khi vay vốn của Sacombank |
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank tại ngày 31/12/2017 ghi nhận tổng dư nợ tín dụng là 15.372 tỷ đồng, giảm về còn 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018.
Trong đó, Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/8/2018).
Cụ thể 9 doanh nghiệp vay gần 50% tổng vốn tự có của Sacombank là Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Công ty CP Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP Thương mại xây dựng Công Phúc, Công ty CP Hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, Công ty CP Việt Hà và Công ty CP Hiệp Ân.
Mục đích 9 doanh nghiệp vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. Tuy nhiên, hàng loạt những vi phạm xảy ra với những hồ sơ tín dụng của các doanh nghiệp này.
Sacombank chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng (Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng…) cùng vay vốn tại Sacombank và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng nhận chuyển nhượng phân khu thuộc Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty CP SDI.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rủi ro, bất cập trong xác định tính pháp lý của tài sản đảm bảo dùng thế chấp cho khoản vay của 9 doanh nghiệp là toàn bộ quyền tài sản/lợi ích thu được từ Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An trong điều kiện Dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án.
Những khoản cho vay “khủng” của Sacombank được thẩm định chưa chặt chẽ, hồ sơ tín dụng thiếu và yếu nhưng vẫn được bỏ qua.
Việt Nam lập kế hoạch phát triển du lịch đêm tại 12 tỉnh thành
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng, nhằm thu hút du khách, tăng chi tiêu.
Du khách chơi đêm ở phố Tây Bùi Viện, Quận 1, TP.HCM |
Theo đề án ban hành ngày 14/7, đến năm 2025, các tỉnh thành gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Ngoài mục tiêu tăng lượng du khách, tăng chi tiêu, đề án còn nhằm kéo dài thời gian lưu trú (tăng thêm ít nhất một đêm) của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đề án, có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra gồm mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
12 địa phương có tên trong đề án có nhiệm vụ chủ động lựa chọn các mô hình du lịch đêm phù hợp điều kiện thực tế, phát huy lợi thế sẵn có, đáp ứng định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm của quốc gia và nhu cầu của khách du lịch. Từ đó hình thành các khu phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm hoặc các trung tâm mua sắm, thể thao, giải trí.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến bàn giao về Hà Nội từ 1/8
Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được bàn giao nguyên trạng về Hà Nội với chức năng khoa học công nghệ, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến bàn giao về Hà Nội từ 1/8 |
Thông tin được bà Phạm Thị Vân Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý II, chiều 19/7.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội. Nghị quyết xây dựng nhiều chính sách mới thuận lợi cho phát triển khu công nghệ cao ở các địa phương, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 26/7.
"Việc bàn giao sẽ được thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội quản lý, thời hạn dự kiến từ 1/8", bà Vân Anh nói.
Việc ban hành quyết định theo hướng thuận lợi cho việc chuyển giao, không làm gián đoạn hoạt động của Ban Quản lý cũng như tác động đến Khu công nghệ cao. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng rà soát các nội dung công việc cần thiết để có thể tiến hành bàn giao ngay sau khi có quyết định.
Việc chuyển giao thực hiện theo chủ trương chung trong Nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển khoa học công nghệ qua các thời kỳ. Từ khi thành lập, quy hoạch của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào năm 2008). Hiện nay, Khu thực hiện theo điều chỉnh quy hoạch chung (lần 2, năm 2016) đến năm 2030.
Khác với các khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học công nghệ nơi tập trung các hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam hiện có ba khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) và là khu công nghệ cao duy nhất không trực thuộc chính quyền địa phương.
Vay gần 2,5 tỷ USD vốn ODA cho các dự án hạ tầng giao thông
Chính phủ đồng ý vay gần 2,5 tỷ USD vốn ODA để đầu tư, xây dựng 16 dự án hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ đồng ý vay gần 2,5 tỷ USD vốn ODA để đầu tư, xây dựng 16 dự án hạ tầng giao thông |
Tại nghị quyết do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký, các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông và 13 địa phương sẽ được vay vốn ưu đãi nước ngoài để thực hiện.
Tổng vốn vay của các dự án hơn 2,48 tỷ USD. Chính phủ cũng đồng ý áp dụng tỷ lệ cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài là 10% với 14 dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai bộ và các địa phương có dự án trong diện vay vốn (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang...) được yêu cầu thực hiện đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm.
"Các dự án cần được xây dựng phù hợp với quy hoạch, khả năng vay, trả nợ và bố trí vốn đối ứng", nghị quyết Chính phủ nêu.
16 dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các dự án hạ tầng giao thông như tuyến đường bộ ven biển tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre; cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc; hệ thống đê bao thuộc tỉnh Vĩnh Long và một số dự án phát triển mạng lưới giao thông, nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ đi qua các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay, tổng dự toán vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách trung ương được Thủ tướng giao 11 bộ, ngành là hơn 11.858 tỷ đồng, cho 57 dự án và tiểu dự án.
15 ô tô Vinaxuki sản xuất từ năm 2012 được rao bán
Khoản nợ gốc 82,4 tỷ đồng của Vinaxuki hiện đã lên tới gần 250 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 15 ô tô Vinaxuki sản xuất từ năm 2012, chưa hoàn thiện trong kho, đang được VietinBank AMC rao bán.
15 ô tô Vinaxuki sản xuất từ năm 2012 được rao bán. Ảnh minh họa |
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) thông báo xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki).
Khoản nợ gốc 82,416 tỷ đồng của Vinaxuki tính đến ngày 4/7 có số lãi phát sinh lên đến 166,1 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản nợ là 248,5 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm là 15 ô tô tải thương hiệu Vinaxuki đang trong Kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc). Các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, được sản xuất từ năm 2012. Mức giá khởi điểm cũng như tình trạng hiện tại của lô xe này không được công khai.
Năm 2012 cũng là thời điểm Vinaxuki trình làng mẫu xe 4 chỗ giá rẻ tại Triển lãm về ô tô - xe máy.
Những chiếc xe này là tâm huyết của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Vinaxuki. Tuy nhiên, ô tô "Made in Vietnam" đầu tiên này chỉ dừng lại ở việc xuất hiện tại triển lãm.
Thực tế, không phải lần đầu tài sản của Vinaxuki bị ngân hàng rao bán. Các ngân hàng những năm trở lại đây vẫn thường đăng tải thông tin về việc rao bán các khoản nợ hoặc tài sản của Vinaxuki.
Đà Nẵng miễn học phí từ mầm non đến lớp 12
Đà Nẵng sẽ chi hơn 408 tỷ đồng để hỗ trợ toàn bộ học phí cho trẻ mầm non, học sinh theo mức thu học phí công lập năm học 2023 - 2024.
Học sinh mầm non tại Đà Nẵng trong một buổi học làm chiến sĩ nhí |
HĐND TP. Đà Nẵng chiều 19/7 thông qua Nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Thành phố hỗ trợ 100% học phí công lập cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông (lớp 1 - 12) trong 9 tháng của năm học tới. Những học sinh đang được giảm học phí theo các chính sách khác sẽ được cấp bù để tổng số bằng 100% mức học phí công lập.
Với học phí hiện hành là 50.000 - 300.000 đồng một tháng, tùy theo địa bàn, Đà Nẵng dự kiến kinh phí hỗ trợ cho học sinh công lập là 316 tỷ đồng; học sinh ngoài công lập là 92 tỷ đồng. Trẻ mầm non và học sinh các trường có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện được miễn học phí.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Đà Nẵng thực hiện chính sách này. Hai lần trước, chính quyền Thành phố miễn học phí do đời sống người dân gặp khó khăn vì Covid-19.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống của nhân dân, nhiều địa phương trong cả nước có chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Trong đó, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ 100% mức đóng theo quy định của HĐND tỉnh. Các tỉnh, thành còn lại hầu hết hỗ trợ ở mức 50%.