Bản tin thời sự sáng 20/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hoàn thành 100% khối lượng xây dựng; khách vay ngân hàng được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm nay; đề xuất quy định nhà ở bắt buộc có lối thoát nạn; Pacific Airlines hoạt động lại với 3 tàu bay thuê từ Vietnam Airlines…

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hoàn thành 100% khối lượng xây dựng

Nhà ga T3 xây trên diện tích 112.500 m2 hoàn thành toàn bộ khối lượng phần thô, các hạng mục lớn khác cũng sắp hoàn thiện kết cấu sau gần một năm thi công.

Một phần hạng mục nhà ga hành khách đang được thi công

Một phần hạng mục nhà ga hành khách đang được thi công

Đến nay, công trình quy mô một tầng hầm, 4 tầng nổi, đã xây dựng xong kết cấu, vượt tiến độ 15 ngày. Đây là hạng mục chính của toàn bộ Dự án ga T3, bắt đầu thi công từ tháng 8/2023 sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng và xây móng.

Cùng với ga hành khách, dự án là nhà xe PNA xây trên khu đất 130.000 m2 cũng đạt khoảng 96% khối lượng xây dựng. Công trình gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi, ngoài chức năng để xe còn kết hợp các dịch vụ phi hàng không, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng ăn uống phục vụ hành khách, nhân viên...

Nhiều hạng mục khác cũng đã hoàn thành thi công kết cấu, như nhà cơ điện UC (ba tầng), trạm xử lý nước thải. Ngoài ra, một số hạng mục như sân đỗ máy bay, buýt, hệ thống cầu cạn... đang được các nhà thầu tập trung triển khai.

Song song thi công phần kết cấu, hệ thống thiết bị, máy móc cũng đang được nhập để lắp đặt theo tiến độ của từng hạng mục. Hiện trên công trường có khoảng 2.500 công nhân, kỹ sư, chia nhiều mũi triển khai để đẩy nhanh hoàn tất phần xây dựng.

Dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV). Dự kiến, công trình hoàn thành dịp 30/4 năm sau, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Khách vay ngân hàng được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm nay

Ngân hàng Nhà nước chính thức duy trì chính sách cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp đến hết năm nay, thay vì phải dừng từ cuối tháng 6.

Ngân hàng Nhà nước cho duy trì chính sách cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp đến hết năm nay thay vì phải dừng từ cuối tháng 6

Ngân hàng Nhà nước cho duy trì chính sách cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp đến hết năm nay thay vì phải dừng từ cuối tháng 6

Thông tư 02 về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06, kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12 năm nay.

Theo Thông tư 02, các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ). Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.

Sau khi cơ cấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo 2 giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích đủ 100% cuối năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06.

Đề xuất quy định nhà ở bắt buộc có lối thoát nạn

Bộ Công an đề xuất quy định bắt buộc nhà ở phải có phương án thoát nạn và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng.

Vụ cháy nhà dân xảy ra tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Vụ cháy nhà dân xảy ra tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Sáng 19/6, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Điều 17 nêu yêu cầu phòng cháy nhà ở với hàng loạt tiêu chí như: hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn; chất dễ cháy nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nhà ở phải có giải pháp thoát nạn, thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. Nhà ở kết hợp kinh doanh cần có thêm giải pháp ngăn cháy giữa khu vực ở với khu vực kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, ngoài kế thừa quy định hiện hành, dự Luật đã bổ sung quy định mới để khắc phục những vướng mắc hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy. Trong đó, dự thảo quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao yêu cầu cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang thẩm định dự thảo Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế để giải quyết bất cập phòng cháy chữa cháy với nhà ở đô thị. Các tiêu chuẩn không mang tính bắt buộc mà khuyến nghị áp dụng cho các công trình nhà ở nhiều căn hộ, nhà dưới 7 tầng xây mới, hoặc cải tạo, chuyển đổi công năng, thay đổi mục đích sử dụng, kinh doanh hỗn hợp.

Với nhà ở không kinh doanh, chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra thoát nạn (cửa ra) và đường thoát nạn (gồm hành lang, cầu thang bộ, buồng thang bộ) để toàn bộ người trong nhà thoát được ra bên ngoài hoặc sang nhà liền kề…

Gần một năm qua, Hà Nội xảy ra 2 vụ cháy lớn. Tháng 9/2023, chung cư mini ở Khương Đình (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Hôm 24/5/2024, một vụ hỏa hoạn khác xảy ra trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy khiến 14 người chết, 6 người bị thương.

Trung tâm đăng kiểm 17.01D ở Thái Bình tạm dừng hoạt động 3 tháng từ 1/7

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 17.01D thuộc sở hữu của Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng kể từ ngày 1/7, theo quyết định của Sở Giao thông vận tải Thái Bình.

Trung tâm Đăng kiểm 17.01D (đặt trên đường Quang Trung, TP. Thái Bình) bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng

Trung tâm Đăng kiểm 17.01D (đặt trên đường Quang Trung, TP. Thái Bình) bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng

Ngày 19/6, thông tin xác nhận từ phía Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Bình cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định số 294/QĐ-SGTVT về việc tạm đình chỉ hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ thời hạn 3 tháng đối với Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình (mã số 17.01D) từ ngày 1/7.

Lý do của quyết định tạm đình chỉ này bởi Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình (Trung tâm 17.01D) có 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.

Quyết định của Sở GTVT Thái Bình yêu cầu Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình (mã số 17.01D) có trách nhiệm thông báo quyết định này tới cán bộ, nhân viên, người lao động tại đơn vị và các tổ chức cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, phải nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định xe cơ giới về Sở GTVT và thực hiện dừng hoạt động đăng kiểm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.

Như vậy, từ ngày 1/7, trong thời gian 3 tháng tại tỉnh Thái Bình chỉ còn lại Trung tâm Đăng kiểm 17.02D (đặt tại huyện Đông Hưng) hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ.

Pacific Airlines hoạt động lại với 3 tàu bay thuê từ Vietnam Airlines

Pacific Airlines sẽ khai thác các đường bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất với 3 máy bay thuê từ Vietnam Airlines.

Pacific Airlines sẽ khai thác trở lại với 3 tàu bay

Pacific Airlines sẽ khai thác trở lại với 3 tàu bay

Pacific Airlines vừa có văn bản gửi tới các đơn vị, thông báo về việc khai thác thương mại trở lại. Cụ thể, sau thời gian thực hiện tái cơ cấu đội bay, đơn vị sẽ khai thác trở lại các chặng bay nội địa đi/đến tại sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến từ cuối tháng 6 bằng máy bay thuê của Vietnam Airlines.

Xác nhận thông tin này, ông Đỗ Hồng Cẩm, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hãng bay sắp khai thác trở lại với 3 máy bay trên các đường bay đi/đến TP.HCM.

Trước đó, hôm 19/3, đại diện Pacific Airlines cho biết việc trả hết máy bay đã giúp hãng xóa nợ khoảng 220 triệu USD. Đây là một phần chiến lược trong quá trình tái cơ cấu của Pacific Airlines.

“Hiện Pacific Airlines đã thỏa thuận với các chủ tàu xóa được các khoản công nợ khoảng 220 triệu USD. Tuy nhiên, Pacific Airlines phải thực hiện cam kết trả toàn bộ đội tàu bay A320 cho các chủ tàu. Do đó, từ ngày 18/3, Pacific Airlines đã tạm dừng các chuyến bay để tập trung đảm bảo điều kiện trả tàu như đã cam kết”, đại diện Pacific Airlines cho biết.

Đại diện hãng bay giá rẻ thời điểm đó cũng cho biết sẽ thuê khô 3 máy bay từ Vietnam Airlines để khôi phục hoạt động khai thác. Hãng cũng sẽ tận dụng các nguồn lực sẵn có của Vietnam Airlines Group để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ với mục tiêu xây dựng Pacific Airlines.

Trong quá trình tạm dừng bay, Pacific Airlines vẫn duy trì lực lượng lao động nhờ phục vụ mặt đất cho Bamboo Airways và Vasco.

Cần Thơ công khai các đơn vị nợ thuế hơn 2.100 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/5/2024, TP. Cần Thơ có 163 đơn vị, cá nhân còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, với tổng số tiền hơn 2.130 tỷ đồng.

Cần Thơ công khai các đơn vị nợ thuế hơn 2.100 tỷ đồng

Cần Thơ công khai các đơn vị nợ thuế hơn 2.100 tỷ đồng

Cục Thuế TP. Cần Thơ vừa có thông báo công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Danh sách trên có 163 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/5/2024, với tổng số tiền hơn 2.130 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách là Công ty CP Dầu khí Đông Phương, với số tiền nợ thuế hơn 760 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận đứng thứ 2 với số nợ thuế hơn 625 tỷ đồng; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P - Chi nhánh Cần Thơ nợ thuế hơn 238 tỷ đồng…

Theo Cục Thuế Cần Thơ, năm 2023, ngành thuế Thành phố thu được 10.843 tỷ đồng, đạt hơn 100% dự toán được giao. Cục Thuế Thành phố mới đây đã tuyên dương 71 người nộp thuế tiêu biểu năm 2023, trong đó có 6 doanh nghiệp được UBND Thành phố tặng bằng khen và 65 doanh nghiệp được Cục Thuế tặng giấy khen.

Cần Thơ là địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương, với mức 9% từ năm 2021 trở về trước, năm 2022 giảm còn 2% và năm 2023 trở thành địa phương nhận cân đối ngân sách.

Cảnh sát làm khống hồ sơ PCCC quán karaoke cháy 32 người chết

Phạm Thị Hồng, cựu cảnh sát, bị cáo buộc nhận thầu hệ thống PCCC của quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương), sau đó làm khống hồ sơ hoàn thiện.

Hiện trường vụ cháy karaoke An Phú

Hiện trường vụ cháy karaoke An Phú

Ngày 19/6, bà Phạm Thị Hồng, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn; Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh, bị Công an tỉnh Bình Dương khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Động thái này được đưa ra sau 3 tháng TAND tỉnh Bình Dương trả hồ sơ vụ án sai phạm khiến 32 người chết trong đám cháy quán karaoke An Phú ở TP. Thuận An tháng 9/2022, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều nội dung.

Kết quả điều tra bổ sung xác định, Hồng nhận thi công và hoàn thiện hệ thống phòng cháy của quán An Phú. Do không đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xin nghiệm thu nên Hồng đã thuê ông Nguyễn Nhất Linh, thi công.

Tiếp đó, Hồng bị cho là lợi dụng mối quan hệ với đồng nghiệp, nhờ Phạm Quốc Hùng (cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Bình Dương) nghiệm thu hệ thống phòng cháy đối với quán karaoke trên. Để hợp thức hóa, Hùng không thực hiện nghiệm thu đúng quy định mà lập khống biên bản kiểm tra, nghiệm thu.

Sau đó, Hồng đưa biên bản kiểm tra, nghiệm thu cho Nguyễn Thành Luân (do Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh có đủ chức năng thiết kế, thi công các hạng mục liên quan đến phòng cháy) nhờ ký khống vào biên bản.

Theo cơ quan điều tra, mặc dù công ty không phải là đơn vị thi công, Luân cũng không đến cơ sở karaoke An Phú để tham gia nghiệm thu nhưng "do nể nang Hồng là cán bộ PCCC" nên đã ký vào biên bản, dưới mục đơn vị thi công.

Tối 6/9/2022, lửa bất ngờ bùng lên tại lầu 2 karaoke An Phú rồi nhanh chóng lan nhanh toàn bộ quán. Lúc này có khoảng 60 người gồm khách và nhân viên ở trong. Sau gần một ngày chữa cháy, cảnh sát tìm thấy 32 thi thể. Những người còn lại may mắn chạy thoát hoặc được cứu, trong đó có 17 nạn nhân bị thương.

Công an Bình Dương đã khởi tố Lê Anh Xuân (chủ quán), Vũ Trường Sơn, Phạm Quốc Hùng (cựu cảnh sát PCCC) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Riêng Nguyễn Văn Võ (cựu cảnh sát PCCC) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bắt tạm giam thêm 1 bị can liên quan đến Chủ dự án thủy điện "công khai phá rừng"

Trưởng ca vận hành của nhà máy thủy điện Tr'hy tại tỉnh Quảng Nam bị bắt tạm giam vì liên quan đến vụ phá rừng tự nhiên trên địa bàn.

Bị can Lê Hùng Cường bị bắt tạm giam

Bị can Lê Hùng Cường bị bắt tạm giam

Ngày 19/6, Công an huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an Huyện vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Hùng Cường (ngụ xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; tạm trú tại huyện Tây Giang) để điều tra hành vi hủy hoại rừng.

Theo tài liệu điều tra, trong quá trình thực hiện Dự án Đường dây 110 kV đấu nối Nhà máy Thủy điện Tr'hy vào lưới điện quốc gia tại huyện Tây Giang, do Công ty CP Tài chính và Phát triển Năng lượng là Chủ đầu tư, bị can Cường (trưởng ca vận hành của nhà máy) đã tổ chức triển khai thực hiện chặt hạ cây rừng tự nhiên theo sự chỉ đạo của ông Lê Quang Hào.

Trước đó, ông Lê Quang Hào, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính và Phát triển Năng lượng cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Hào được xác định đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công triển khai thực hiện Dự án tại các vị trí thuộc rừng tự nhiên trên địa bàn các xã Lăng, Atiêng, Dang (huyện Tây Giang) dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Hậu quả, đã gây thiệt hại hơn 1,7 ha rừng tự nhiên.

Chuyên đề