Bản tin thời sự sáng 20/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Phú Quốc; đầu tư gần 5.000 tỷ đồng mở rộng nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; Hà Nội muốn mời đầu tư 16 dự án nhà ở vốn hơn 117.000 tỷ đồng; điều chỉnh mức đóng BHXH sau cải cách tiền lương…

Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Phú Quốc

Tượng đài cao 20,7 m, đặt giữa quảng trường rộng 7 ha ở TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), khánh thành sáng 19/5, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại quảng trường ở TP. Phú Quốc

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại quảng trường ở TP. Phú Quốc

Tượng đài nặng 93 tấn, làm bằng chất liệu hợp kim đồng, hoàn thành sau hơn 2 năm khởi công. Phía sau tượng là phù điêu dài 63 m, ghép từ 484 khối đá trắng. Mặt trước phù điêu là hình ảnh danh lam thắng cảnh, địa danh tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam gắn liền cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt sau là những địa danh tiêu biểu Kiên Giang, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ, Quảng Ninh đến đảo Thổ Châu, Phú Quốc.

Ngoài tượng đài, Dự án còn có đền thờ, nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà đón tiếp... Trong đó, nhà trưng bày có 3 phần nội dung: câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác; tình cảm của Bác với đồng bào, chiến sĩ miền Nam; sự quan tâm của Bác trong giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư tỉnh Kiên Giang cho biết, công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử sâu sắc. Kinh phí thực hiện Dự án từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương.

Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng mở rộng nhà ga quốc tế T2 Nội Bài

Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài sẽ được mở rộng mặt sàn, tăng thêm quầy làm thủ tục, soi chiếu, nâng công suất khai thác từ 10 triệu lên 15 triệu hành khách mỗi năm.

Phối cảnh quầy làm thủ tục hàng không

Phối cảnh quầy làm thủ tục hàng không

Chiều 19/5, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức khởi công Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài.

Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 412.000 m2, bao gồm mở rộng 2 cánh nhà ga và khu vực trung tâm, thi công từ kết cấu đến hoàn thiện kiến trúc, cơ điện và lắp đặt công trình, bổ sung hệ thống cầu ống lồng. Bên trong nhà ga, nhiều hạng mục được chuyển đổi công năng từ tầng 1 đến tầng 4 nhằm nâng cao năng lực khai thác.

Đảo làm thủ tục hàng không được mở rộng để nâng từ 24 quầy làm thủ tục lên 120 quầy; 2 băng tải trả hành lý lên 8, 15 cầu ống lồng hiện tại lên 29, bổ sung hệ thống lưu trữ hành lý đến sớm và quá cảnh. Hệ thống máy soi chiếu thông minh, hiển thị thông tin chuyến bay, xử lý thông tin hành khách cũng được bổ sung.

Nhà ga T2 Nội Bài sẽ được mở rộng thêm 61.100 m2 sàn và chuyển đổi công năng 18.730 m2, nâng tổng diện tích sàn nhà ga hành khách lên 200.100 m2.

Tổng mức đầu tư Dự án là 4.996 tỷ đồng, trong đó, gói thầu chính trị giá 4.600 tỷ đồng từ nguồn vốn của AVC. Thời gian thực hiện Dự án 22 tháng, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2025.

Liên danh nhà thầu Việt Bắc (Tổng công ty CP Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai) được lựa chọn thi công.

Nhà ga hành khách quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài bắt đầu khai thác năm 2015, gồm 4 tầng có diện tích mặt bằng khoảng 139.000 m2, công suất thiết kế 10 triệu hành khách vào năm 2020. Năm 2019, nhà ga đã bắt đầu quá tải khi sản lượng hành khách thông qua đạt 11,4 triệu, vượt công suất thiết kế. Sau khi Dự án mở rộng nhà ga T2 hoàn thành, công suất thiết kế sân bay quốc tế Nội Bài đạt 30 triệu, khả năng phục vụ 40 triệu hành khách mỗi năm.

Hà Nội muốn mời đầu tư 16 dự án nhà ở vốn hơn 117.000 tỷ đồng

Hà Nội đang muốn tìm nhà đầu tư 16 dự án khu đô thị, nhà ở xã hội quy mô hơn 930 ha, vốn sơ bộ trên 117.000 tỷ đồng.

Huyện Đông Anh có nhiều dự án nhất với 7 dự án

Huyện Đông Anh có nhiều dự án nhất với 7 dự án

Theo danh sách thu hút đầu tư đợt 1 năm nay, TP. Hà Nội có 36 dự án, trong đó có 16 dự án xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội. Các dự án này có mức vốn đầu tư sơ bộ khoảng 117.330 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ nay đến năm 2033.

Huyện Đông Anh có nhiều dự án nhất với 7 dự án gồm: 4 khu đô thị mới và 3 nhà ở xã hội. 4 khu đô thị mới này nằm tại các xã Kim Chung, Đại Mạch, Mai Lâm, Đông Hội, Kim Nỗ, Nam Hồng với tổng quy mô trên 190 ha. 2 dự án ở xã hội đều nằm tại xã Tiên Dương với diện tích 84 ha. Còn 1 dự án nhà xã hội khác tại xã Đại Mạch.

Tiếp sau đó là huyện Thanh Trì có 3 dự án khu đô thị muốn thu hút đầu tư đợt này. Trong đó, Khu đô thị Hữu Hòa quy mô gần 138 ha, vốn trên 12.600 tỷ đồng.

Huyện Mê Linh cũng có 2 dự án khu đô thị và 1 nhà ở xã hội. Khu đô thị mới Mê Linh và Đại Thịnh lần lượt có quy mô 40,6 ha, 33,4 ha, vốn hơn 2.500 tỷ đồng và 2.410 tỷ đồng. 2 dự án này đều Công ty CP Bất động sản Taseco chủ trì đề xuất.

Tại huyện Đan Phượng, 2 dự án quy mô khá lớn muốn mời đầu tư năm nay là Khu đô thị chức năng Thượng Cát (gần 139 ha) và Khu đô thị mới Đan Phượng (128 ha). Đây cũng là dự án có tổng vốn lớn nhất đợt này với hơn 19.100 tỷ đồng, nằm tại các xã Tây Mỗ, Tân Hội, Liên Hà, huyện Đan Phượng.

Ngoài các dự án nhà ở, Hà Nội còn có kế hoạch tìm nhà đầu tư cho trung tâm mua sắm outlet tại xã Vân Nội, Tiên Dương, huyện Đông Anh. Dự án này có quy mô khoảng 22,45 ha, tiến độ dự kiến hoàn thành năm 2030.

Dự án công viên vui chơi giải trí quốc tế tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm cũng sẽ được đấu thầu rộng rãi. Dự án này có diện tích 142 ha. Tiến độ thực hiện dự kiến 2024 - 2030.

Điều chỉnh mức đóng BHXH sau cải cách tiền lương

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ điều chỉnh phù hợp với tiền lương sau cải cách và tối ưu nhất cho người lao động.

Công nhân tại công ty May 10, Hà Nội

Công nhân tại công ty May 10, Hà Nội

Sáng 19/5, trả lời về Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách đóng BHXH mới.

Chính phủ đề xuất mức đóng BHXH không quy định thành số tiền tuyệt đối mà sử dụng mức tham chiếu tính BHXH để thay thế cho mức lương cơ sở. Mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1,8 triệu đồng từ 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở quy định tại Luật năm 2014.

Mức này được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính phủ cho rằng, việc điều chỉnh này thống nhất với thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Theo ông Đoan, Ủy ban Xã hội - cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh mức đóng BHXH, bảo đảm quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau cải cách tiền lương. "Sẽ không có sự chênh lệch quá xa giữa những người hưởng lương mới và những người nghỉ hưu trước 1/7/2024", ông Đoan nói.

Từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm cho đến khi lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu vùng 1 trong doanh nghiệp.

Cuối năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu lao động khu vực nhà nước đang đóng BHXH bắt buộc, không gồm lực lượng vũ trang. Trong đó, hơn 2,2 triệu người hưởng lương từ ngân sách và gần 556.000 người hưởng lương tại các đơn vị tự chủ toàn phần hoặc một phần. Bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm này đạt 6,9 triệu đồng mỗi tháng.

Cần Thơ khánh thành cầu Tây Đô và cầu Cờ Đỏ với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng

Cầu Tây Đô bắc qua sông Cần Thơ có vốn đầu tư 225 tỷ đồng tại huyện Phong Điền và cầu Cờ Đỏ có vốn đầu tư 165 tỷ đồng, bắc qua kênh xáng Thốt Nốt nằm trên Tỉnh lộ 919 (TP. Cần Thơ) được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Cầu Tây Đô vốn đầu tư 225 tỷ đồng, được khánh thành sau hơn 2 năm thi công

Cầu Tây Đô vốn đầu tư 225 tỷ đồng, được khánh thành sau hơn 2 năm thi công

Ngày 19/5, cầu Tây Đô vốn đầu tư 225 tỷ đồng, được khánh thành sau hơn 2 năm thi công. Dự án dài 700 m, điểm đầu giao với đường tỉnh 923, điểm cuối tại đường tỉnh 926 ở thị trấn Phong Điền. Phần cầu chính dài 140 m, rộng 22,5 m bằng bêtông, phần đường dẫn 560 m, rộng 30 m. Công trình được lắp vòm thép kết hợp dây văng tạo cảnh quan bằng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật.

Đây là công trình thứ 6 bắc qua sông Cần Thơ (nhánh sông Hậu), sau cầu: Quang Trung, Hưng Lợi, Cái Răng, Trần Hoàng Na, Vàm Xáng.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, cầu Tây Đô có vai trò thông suốt tuyến Đường tỉnh 926 từ thị trấn Phong Điền đến tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn (tuyến kết nối Quốc lộ 61C đi Hậu Giang và Quốc lộ 1A) đã được đầu tư rộng 5,5 m. Từ đó, công trình góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối khu vực phía Tây Nam lên Đông Bắc của TP. Cần Thơ.

Cùng ngày, cầu Cờ Đỏ có vốn đầu tư 165 tỷ đồng, bắc qua kênh xáng Thốt Nốt nằm trên Tỉnh lộ 919 được khánh thành, đưa vào sử dụng, sau hơn 2 năm xây dựng. Công trình có tổng chiều dài tuyến là 369 m, trong đó cầu chính dài 83 m, 6 làn xe.

Cầu sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác các tuyến tỉnh lộ 919, 922, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Cờ Đỏ và TP. Cần Thơ.

VNDirect được duyệt tăng vốn lên hơn 15.000 tỷ đồng

Sau khi hoàn thành phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của VNDirect sẽ được nâng từ gần 12.200 tỷ đồng lên hơn 15.200 tỷ đồng.

Nếu tăng vốn thành công, VNDirect sẽ là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường

Nếu tăng vốn thành công, VNDirect sẽ là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Công ty CP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND), thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.

Cụ thể, VNDirect sẽ phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, đơn vị này sẽ chào bán hơn 243 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 20%).

Ngoài ra, Công ty cũng sẽ phát hành gần 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5% cho cổ đông hiện hữu. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phần từ 6/6 - 3/7.

Với số tiền chào bán thu về hơn 2.400 tỷ đồng, VNDirect dự kiến dùng 40% tiền thu được để cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, 20% số tiền để đầu tư vào giấy tờ có giá, 20% để bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền.

Sau phát hành, vốn điều lệ của VNDirect sẽ được nâng từ 12.200 tỷ đồng lên gần 15.200 tỷ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì vị thế trong nhóm công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất ngành.

Hiện công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất là SSI, với hơn 15.100 tỷ đồng, kế đến là Chứng khoán VPBank (VPBankS) với vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công, VNDirect sẽ vượt qua 2 công ty chứng khoán này.

Ngoài 2 phương án nêu trên, ĐHĐCĐ thường niên của VNDirect còn thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 244 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời có kế hoạch chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động .

Nếu hoàn tất toàn bộ các kế hoạch, công ty này sẽ phát hành thêm tổng cộng gần 585 triệu cổ phiếu mới, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng từ 12.200 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng.

Quảng Ninh sẽ livestream bán vải chín sớm

Vải chín sớm Phương Nam của Quảng Ninh sẽ lần đầu tiên bán qua livestream trên mạng xã hội vào cuối tháng này.

Nông dân Phương Nam kiểm tra vườn vải

Nông dân Phương Nam kiểm tra vườn vải

Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh cho biết sẽ tổ chức livestream bán vải chín sớm Phương Nam trên fanpage của đơn vị từ ngày 23 - 26/5. Đây được đánh giá là cách làm mới và thiết thực để tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt.

Các phiên livestream được thực hiện ngay tại các vườn vải ở phường Phương Nam. Trong quá trình livestream, đơn vị tổ chức sẽ phát các video quảng bá sản phẩm. Hoạt động mua bán sẽ được thực hiện trực tuyến và trực tiếp.

Cây vải chín sớm Phương Nam được trồng trên đồng đất thuộc phường Phương Nam, TP. Uông Bí từ những năm 1960. Giống vải có chất lượng tốt, trái to vỏ mỏng, gai thưa, cùi dày, nhiều nước, mùi thơm, vị ngọt chua dịu. Điểm đặc biệt nhất là đặc tính chín rất sớm, trước từ 10 - 20 ngày so với các giống vải khác.

Năm 2013, vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được UBND Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của Tỉnh.

Vùng vải Phương Nam hiện có diện tích hơn 400 ha, ước cho sản lượng 1.800 tấn trong vụ năm nay. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 5 cho đến trước ngày 6/6, khi mùa vải thiều bắt đầu.

Hiện thương lái đã tìm đến các vườn vải chín sớm Phương Nam đặt hàng. Đến hết ngày 15/5, khách đặt trước gần 50% tổng sản lượng vùng vải.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đạt trên 22 tỷ USD

Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua tỉnh Lạng Sơn luôn được duy trì và ổn định tại 7 cửa khẩu, góp phần gia tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến giữa tháng 5/2024, tổng kim ngạch XNK các loại hình hàng hoá qua tỉnh Lạng Sơn đạt trên 22 tỷ USD

Tính đến giữa tháng 5/2024, tổng kim ngạch XNK các loại hình hàng hoá qua tỉnh Lạng Sơn đạt trên 22 tỷ USD

Tính đến giữa tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình hàng hoá qua tỉnh Lạng Sơn đạt trên 22 tỷ USD (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023).

Cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 2 cửa khẩu có hoạt động thông quan hàng hoá sôi động và nhộn nhịp nhất, với các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi, ô tô, linh kiện điện tử, hàng gia dụng…

Ông Vũ Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, vào vụ nông sản, trung bình mỗi ngày Chi cục làm thủ tục thông quan cho khoảng 200 phương tiện, cao điểm có ngày gần 300 phương tiện. Sản lượng quả tươi xuất khẩu từ 8.000 - 10.000 tấn/ngày (tăng hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2023).

Chuyên đề