Bản tin thời sự sáng 20/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Trung Quốc tăng thời gian thông quan với hàng Việt; Lâm Đồng sắp xây dựng Trung tâm huấn luyện phi công, tiếp viên hàng không; UNESCO khảo sát quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn; cổ đông Dược Hậu Giang sắp nhận cổ tức cao kỷ lục…

Trung Quốc tăng thời gian thông quan với hàng Việt

Việt Nam và Trung Quốc tăng thời gian thông quan hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan thêm 2 tiếng, tới 20h hàng ngày, do lượng hàng nhập và xe tồn tăng.

Việt Nam và Trung Quốc tăng thời gian thông quan hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan thêm 2 tiếng

Việt Nam và Trung Quốc tăng thời gian thông quan hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan thêm 2 tiếng

Ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Lạng Sơn) cho biết, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc tăng nhanh.

Đến ngày 16/3, lượng xe tồn bên phía cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) khoảng 1.000 chiếc, chủ yếu là nguyên liệu, máy móc, ôtô, thiết bị sản xuất.

Vì thế, từ 17/3, lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc tăng thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu thêm 2 tiếng, đến 20h hàng ngày. Hai bên cũng phân luồng riêng cho xe hàng trống và mở đường chuyên dụng với phương tiện chở hàng xuất khẩu. Các giải pháp này giúp đẩy nhanh thông quan, giảm xe tồn tại các cửa khẩu.

Theo số liệu của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tới ngày 18/3, lượng xe tồn tại cửa khẩu phía Trung Quốc giảm một nửa, còn 500 xe. Số xe thông quan tại các cửa khẩu của Lạng Sơn (Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma) cũng cải thiện hơn trước, như ngày 18/3 là hơn 1.300 chiếc.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt trên 54,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do sản xuất, đơn hàng xuất khẩu phục hồi nên nhu cầu nhập nguyên - nhiên liệu, máy móc thiết bị tăng mạnh, lần lượt trên 22% và 25% so với cùng kỳ 2023.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, gần 21 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm. Mức này tăng gần 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, Việt Nam nhập siêu từ thị trường này gần 13 tỷ USD, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lâm Đồng sắp xây dựng Trung tâm huấn luyện phi công, tiếp viên hàng không

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến chỉ đạo huyện Đức Trọng và Sở Xây dựng khẩn trương lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tại khu vực đề xuất Dự án Trung tâm bay tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Lâm Đồng sắp xây dựng Trung tâm huấn luyện phi công, tiếp viên hàng không. Ảnh minh họa

Lâm Đồng sắp xây dựng Trung tâm huấn luyện phi công, tiếp viên hàng không. Ảnh minh họa

Đây là Dự án Trung tâm huấn luyện bay Venture Aviation của Công ty CP Đào tạo Venture Aviation (địa chỉ Phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt theo Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 27/1/2022 về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án có tên Trung tâm Huấn luyện bay Venture Aviation. Địa điểm thực hiện tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có mục tiêu dịch vụ giáo dục huấn luyện phi công, huấn luyện tiếp viên hàng không; tư vấn giáo dục đào tạo cung cấp dịch vụ cho phi công và những ứng cử viên phi công về việc học phi công ở nước ngoài; tư vấn và hướng dẫn về các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực hàng không.

Quy mô đầu tư Dự án có tổng diện tích đất sử dụng 15.333 m2. Công trình gồm 3 khu vực là khu huấn luyện chuyển loại cho học viên phi công và hành chính; khu huấn luyện tiếp viên hàng không và khu thể thao hàng không, bãi xe, Mockup chữa cháy.

Quy mô đào tạo với 3 chương trình gồm chương trình đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn cho tiếp viên hàng không cho khoảng 300 học viên/năm, chi phí huấn luyện khoảng 100 triệu đồng/học viên; chương trình huấn luyện định kỳ cho tiếp viên cho khoảng 1.000 học viên/năm, chi phí huấn luyện khoảng 100 triệu đồng/học viên.

Chương trình huấn luyện định kỳ cho phi công khoảng 2.000 giờ/năm, chi phí huấn luyện 500 USD/giờ.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 345,6 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 103,68 tỷ đồng, vốn huy động 241,92 tỷ đồng.

Thời gian hoạt động của Dự án 50 năm, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện Dự án từ quý II/2024 - IV/2026.

UNESCO khảo sát quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn

Đoàn chuyên gia của UNESCO sẽ khảo sát quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn để đánh giá hồ sơ đề cử di sản thế giới.

Vườn tháp Huệ Quang ở Yên Tử thuộc quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn

Vườn tháp Huệ Quang ở Yên Tử thuộc quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn

Trong thông báo gửi UBND các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang ngày 19/3, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn là di sản thế giới đáp ứng yêu cầu thể thức. Tổ chức này đề nghị, Việt Nam gửi ảnh mới nhất của di sản để tiếp tục đánh giá và sẽ cử đoàn chuyên gia thẩm định thực địa vào tháng 9.

Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn là hồ sơ đầu tiên nằm trên 3 tỉnh với 6 khu di tích quốc gia đặc biệt và 32 điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Nơi đây có nhiều công trình tín ngưỡng, tâm linh thờ thần linh, anh hùng dân tộc, đặc biệt là di tích văn hóa liên quan thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Việc xây dựng hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thể di tích được khởi động năm 2013 nhưng sau đó tạm dừng để bổ sung, chứng minh các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, gồm: giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực.

Năm 2020, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản.

Đầu năm nay, hồ sơ của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới. Nếu được công nhận, đây sẽ là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam sau vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc Quảng Ninh và Hải Phòng)

Cổ đông Dược Hậu Giang sắp nhận cổ tức cao kỷ lục

Lãnh đạo Dược Hậu Giang đề xuất tăng tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 lên đến 75% và giữ nguyên chính sách này cho năm 2024.

Dược Hậu Giang dự kiến chi trả mức cổ tức cao kỷ lục trong giai đoạn 2023 - 2024

Dược Hậu Giang dự kiến chi trả mức cổ tức cao kỷ lục trong giai đoạn 2023 - 2024

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 mới công bố, HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đề xuất chi trả cổ tức năm 2023 ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu, tức tỷ lệ 75% bằng tiền mặt.

Đây sẽ là tỷ lệ chi trả cổ tức cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp dược phẩm này. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trước đó, mức cổ tức đề xuất và được cổ đông thông qua cho năm 2023 của Công ty vào khoảng 35%.

Theo tài liệu họp cổ đông năm 2024, hãng dược phẩm này sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay cũng là 75%.

Việc nâng tỷ lệ chi trả cổ tức giai đoạn 2023 - 2024 của Dược Hậu Giang diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty tăng trưởng tích cực trong năm vừa qua.

Cụ thể, năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm liền trước, kéo theo là khoản lãi trước thuế đạt 1.160 tỷ đồng, tăng 5%. Đáng chú ý, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Công ty.

Tại phiên họp cổ đông tới đây, ban lãnh đạo Dược Hậu Giang sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái. Tuy vậy, lãi trước thuế mục tiêu của Công ty dự kiến giảm 7%, đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Xuất khẩu tôm hùm tăng hơn 18 lần

2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm hùm tăng hơn 18 lần so với cùng kỳ 2023, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP).

Tôm hùm bán trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM

Tôm hùm bán trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM

Hai loại tôm hùm đang xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm hùm xanh và hùm bông. Theo số liệu của VASEP, tính đến cuối tháng 2, kim ngạch xuất 2 loại này đều tăng vọt. Trong đó, tôm hùm xanh xuất 27,6 triệu USD, còn hùm bông gần 2,2 triệu. Các mức này tăng lần lượt 80 lần và 45 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm hùm đạt gần 30 triệu USD, cao hơn 18 lần so với mức 1,6 triệu USD cùng thời điểm 2023.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của loại hải sản này, gần 29 triệu USD, gấp 27 lần cùng kỳ 2023. Các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng chuộng tôm hùm xanh từ Việt Nam.

Xuất khẩu tôm hùm bật tăng sau khi nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm hùm xanh để bán sang Trung Quốc - nơi ngừng nhập hùm bông Việt Nam từ cuối năm ngoái.

"Nhu cầu tôm hùm xanh từ Trung Quốc khá cao. Người nuôi chủ yếu xuất hàng tươi sống, trong khi hùm bông là hàng đông lạnh", theo VASEP.

Từ tháng 10/2023, Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông của Việt Nam vì quy định mới liên quan đến Luật Bảo vệ động vật hoang dã.

Để xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân, các doanh nghiệp phải chứng minh tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, nghĩa là con giống phải thuộc thế hệ F2 và quá trình nuôi rõ ràng. Phía doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần có giấy phép.

Đầu năm nay, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với phía Trung Quốc về xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu loại thủy sản này. Theo đó, trong khi chờ nghị định thư ký giữa 2 nước, Trung Quốc sẽ tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này.

Bắc Ninh công khai 58 dự án chậm đưa đất vào sử dụng

Tỉnh Bắc Ninh vừa công bố công khai 58 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 2.120.024,7 m2.

Tỉnh Bắc Ninh công bố công khai 58 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 2.120.024,7 m2

Tỉnh Bắc Ninh công bố công khai 58 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 2.120.024,7 m2

Theo đó, tại TP. Bắc Ninh có 17 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng gồm: Dự án Đầu tư xây dựng nhà hỗn hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng và chung cư cho thuê của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc; Dự án xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, giới thiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Bảo Hưng...

Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực Bắc Ninh của Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô Incolan; Dự án xây dựng Trường Trung cấp nghề kỹ thuật cao Bắc Ninh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ tự động; Dự án trung tâm dịch vụ văn hóa thể thao của Công ty CP Thương mại dịch vụ Tân Hoàng Phát; Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cao cấp Long Vân của Công ty TNHH Long Vân...

Tại TP. Từ Sơn, có 14 dự án chậm đưa đất vào sử dụng gồm: Dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ tại phường Đông Ngàn của Công ty CP Thương mại Hà Nội; Dự án xây dựng Bệnh viện cuộc sống mới tại phường Tân Hồng của Công ty TNHH Quốc tế công nghệ cao Hamec; Dự án xây dựng Trường Đại học Kinh Bắc tại phường Phù Chẩn của Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ; Dự án khu nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp của Công ty CP Vạn Khởi Thành.

Dự án xây dựng Khu liên hợp Khoa học - Đào tạo của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; Dự án xây dựng khu nhà ở, thương mại dịch vụ phường Trang Hạ của Công ty CP Tập đoàn Long Phương…

Riêng tại thị xã Thuận Thành, có 9 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, trong đó đáng chú ý gồm: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì bạt nhựa Tú Phương của Công ty CP Tập đoàn hóa chất nhựa; Dự án Đầu tư trồng, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thực nghiệm cây dược liệu quý Việt Nam của Công ty CP Khai Sơn; Dự án xây dựng Nhà máy Chế biến than công nghệ sạch của Công ty CP công nghệ TLB; Dự án xây dựng nhà ở xã Gia Đông của Công ty CP Tập đoàn Đức Việt...

Đề xuất đầu tư gần 9.000 tỷ đồng trồng lúa chất lượng cao ở miền Tây

Hệ thống thủy lợi, giao thông liên vùng, logistic và cơ giới hóa tổng kinh phí 375 triệu USD (gần 9.000 tỷ đồng) được đề xuất đầu tư để trồng lúa phát thải thấp, chất lượng cao.

Nông dân Hậu Giang chăm sóc lúa

Nông dân Hậu Giang chăm sóc lúa

Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất được trình bày tại hội nghị góp ý ở Cần Thơ, ngày 19/3. Trong tổng vốn, có 360 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới và 15 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Dự án nhằm phục vụ đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Chính phủ.

Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2031 tại 12 tỉnh, thành miền Tây, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

"Mục tiêu của Dự án nhằm thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao tại miền Tây", ông Hinh nói và cho biết, kết quả sẽ đo được qua các chỉ số như: tăng năng suất, sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín chỉ carbon...

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Đề án nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam và thu nhập của nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.

Đến năm 2025, 12 tỉnh thành trong Vùng sẽ trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, Vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...

Hiện, mỗi năm miền Tây sản xuất 24 - 25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Khởi tố vụ cán bộ Sở GTVT Sóc Trăng bị tố nhận khoảng 4 tỷ đồng cấp phù hiệu

Ngày 19/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ nhận hối lộ, xảy ra tại Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Sóc Trăng.

Cơ quan công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án xảy ra tại Sở Giao thông vận tải liên quan đến doanh nghiệp tố một cán bộ tại đây nhận hối lộ

Cơ quan công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án xảy ra tại Sở Giao thông vận tải liên quan đến doanh nghiệp tố một cán bộ tại đây nhận hối lộ

Việc khởi tố này để điều tra làm rõ đơn tố giác tội phạm của doanh nghiệp liên quan đến một cán bộ của đơn vị này nhận hối lộ khoảng 4 tỷ đồng.

Theo thông tin ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng nhận được tố giác về tội phạm với nội dung ông T.T.S, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc một công ty ở Phường 7, TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) tố giác một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng đã có hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp để nhận tiền cấp phù hiệu.

Theo nội dung tố giác, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, ông S nộp thủ tục xin cấp phù hiệu tại Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng thì luôn bị cấp chậm và bị gây khó khăn về thủ tục.

Sau nhiều lần bị gây khó khăn trong các thủ tục liên quan đến việc xin cấp phù hiệu, ông T.T.S chủ động tìm gặp một cán bộ có thẩm quyền ký cấp phù hiệu cho các xe hoạt động kinh doanh thuộc Sở GTVT để xin được cấp phù hiệu nhanh chóng, đúng thời gian, không bị gây khó dễ.

Cán bộ này đồng ý với đề nghị, để cấp phù hiệu nhanh gọn, mỗi xe được cấp phù hiệu phải nộp cho cán bộ này số tiền 500.000 đồng.

Do lo sợ gặp khó khăn trong việc kinh doanh, nên ông T.T.S đồng ý đưa tiền theo yêu cầu. Tổng số xe do công ty của ông S quản lý từ 280 - 1.800 đầu xe (tùy thuộc vào từng thời điểm và nhu cầu vận tải).

Ông T.T.S đưa tiền cho cán bộ này bắt đầu từ đầu năm 2015 đến đầu năm 2023, số tiền đưa được tính hàng tháng, mỗi tháng ông T.T.S đưa từ 3,5 - 90 triệu đồng (tùy vào số lượng xe được cấp). Tổng số tiền ông T.T.S đã đưa ước tính khoảng 4 tỷ đồng.

Chuyên đề