Bản tin thời sự sáng 20/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Samsung không chuyển dây chuyền sản xuất smartphone khỏi Việt Nam; Đà Nẵng điểm danh 173 doanh nghiệp nợ gần 90 tỷ đồng tiền bảo hiểm; xe container phải 'check-in online' trước khi vào cảng Cát Lái; Vietnam Airlines nối lại đường bay thẳng Bắc Kinh - Hà Nội; điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc giao đất cho dự án dân cư tại Đồng Nai…

Samsung không chuyển dây chuyền sản xuất smartphone khỏi Việt Nam

Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, tập đoàn này không chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ.

Nhân viên sản xuất smartphone Samsung trong nhà máy tại Thái Nguyên

Nhân viên sản xuất smartphone Samsung trong nhà máy tại Thái Nguyên

Tháng trước, The Korea Herald dẫn nguồn tin cho biết, Samsung Electronics quyết định chuyển dần hoạt động sản xuất mẫu flagship của tập đoàn này sang Ấn Độ, trong đó gồm mẫu điện thoại đang sản xuất tại Việt Nam. Việc này để giảm thiểu thiệt hại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế thứ năm thế giới.

Tuy nhiên, tại buổi gặp lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Cổng thông tin của Thái Nguyên dẫn lời ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Tập đoàn không chuyển sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ.

Ông Choi Joo Ho cho hay, những sản phẩm sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và một phần nhỏ xuất khẩu sang các nước châu Phi. Còn tại Việt Nam, các mẫu điện thoại sản xuất và xuất khẩu sang 128 nước trên thế giới. Như vậy, sản lượng của nhà máy Samsung tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sản lượng ở Ấn Độ.

Theo Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, tập đoàn này cam kết đầu tư lâu dài tại Thái Nguyên và gần đây đã tăng vốn thêm gần 1,2 tỷ USD vào nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. Số vốn này giúp nâng tổng vốn đầu tư của Samsung tại địa phương này lên 7,5 tỷ USD.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cho thấy, Samsung đạt doanh thu 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam góp 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Lợi nhuận của các cơ sở ở Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD.

Samsung Thái Nguyên (SEVT) là nhà máy có doanh thu cao nhất tại Việt Nam của Samsung, khoảng 28 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2021. Mức lãi mà SEVT đem lại cho tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc là khoảng 2,1 tỷ USD vào năm ngoái.

Đà Nẵng điểm danh 173 doanh nghiệp nợ gần 90 tỷ đồng tiền bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng vừa công bố danh sách các doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian nợ rất dài dẫn tới tình trạng nhiều người lao động không được hưởng chế độ theo quy định.

Xe buýt trợ giá của chi nhánh II - Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An I, doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất Đà Nẵng

Xe buýt trợ giá của chi nhánh II - Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An I, doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất Đà Nẵng

Ngày 19/3, BHXH Đà Nẵng thông tin, tính đến ngày 28/2, số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm các loại của 173 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã lên đến gần 90 tỷ đồng.

Trong báo cáo của BHXH thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những doanh nghiệp có số nợ lớn, cũng có những doanh nghiệp nợ chỉ vài trăm triệu đồng nhưng thời gian nợ rất dài, dẫn tới tình trạng nhiều người lao động không được hưởng chế độ trợ cấp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật.

Trong đó, dẫn đầu danh sách là Chi nhánh II - Công ty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng, nợ hơn 8 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng nợ hơn 6,6 tỷ đồng. Công ty TNHH Empire Hospitality nợ hơn 6,5 tỷ đồng.

Xe container phải 'check-in online' trước khi vào cảng Cát Lái

Từ 8h ngày 27/3, cảng Cát Lái (TP.HCM) chỉ tiếp nhận các xe container đã làm thủ tục trực tuyến (Check-in online) 2 giờ trước khi đến.

Một góc cảng Cát Lái nhìn từ trên cao

Một góc cảng Cát Lái nhìn từ trên cao

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, khách hàng, đơn vị vận tải, tài xế có thể làm thủ tục qua 2 cách: sử dụng máy tính truy cập trang Eport của Tân Cảng Sài Gòn hoặc qua ứng dụng "Cảng điện tử đa tính năng – SNP ePort Mobile".

Việc check-in online nhằm giảm thời gian xe chờ đợi hoàn thành thủ tục vào cảng giao nhận container. Tài xế biết tình trạng lô hàng trước khi tới cảng và hoàn tất các thủ tục còn thiếu. Nhờ vậy, xe container sẽ rút ngắn tối đa thời gian đứng chờ và kiểm tra trước cổng cảng, vốn là nguyên nhân gây ra ùn tắc. Việc hạn chế ùn tắc từ biện pháp này cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường, theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, trung bình mỗi ngày có 16.000 - 18.000 lượt xe ra vào cảng. Dù vậy, hạ tầng giao thông kết nối quanh khu vực cảng chưa phát triển kịp, dẫn đến việc dễ ùn tắc giao thông quanh cảng.

Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thủ Đức, ước tính khoảng 16.400 xe tải và container lưu thông ở cảng Cát Lái mỗi ngày, nếu xếp thành đường thẳng có thể dài đến 320 km. Do đó, ngoài tăng tốc thi công đường vành đai thì cần xây thêm hệ thống đường trên cao nối cảng Cát Lái với cao tốc. Giải pháp này sẽ giải tỏa ùn tắc và thu hút thêm hàng đi về cảng.

Với tổng diện tích 160 ha, gồm 9 bến container và một bến sà lan, Cảng Tân Cảng - Cát Lái là cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam. Theo nghiên cứu năm 2022 của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), cảng Cát Lái xử lý hơn 90% khối lượng container xếp dỡ hàng năm ở TP.HCM và khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước.

Vietnam Airlines nối lại đường bay thẳng Bắc Kinh - Hà Nội

Hãng hàng không Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên, kết nối Bắc Kinh (Trung Quốc) với Hà Nội sau 3 năm tạm dừng khai thác vì Covid-19.

Hãng hàng không Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên, kết nối Bắc Kinh (Trung Quốc) với Hà Nội

Hãng hàng không Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên, kết nối Bắc Kinh (Trung Quốc) với Hà Nội

Chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN513 khởi hành lúc 15h30 (giờ địa phương) từ Bắc Kinh và hạ cánh tại Hà Nội lúc 17h55.

Hiện nay, Vietnam Airlines khai thác đường bay Hà Nội - Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần và dự kiến tăng thêm từ giữa năm nay. Vietnam Airlines cũng có kế hoạch mở thêm đường bay kết nối với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh.

Trung Quốc là một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của Vietnam Airlines. Đến nay, hãng đã nối lại hầu hết đường bay tới các điểm đến ở Trung Quốc, bao gồm giữa Hà Nội, TP.HCM và Quảng Châu, Thượng Hải; giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Trong các tháng tới, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc.

Việc khôi phục các đường bay sẽ tạo thuận lợi lớn cho quá trình phục hồi du lịch, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc sau đại dịch, cũng như góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về đón du khách quốc tế của Việt Nam năm 2023.

Game online có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Bộ Tài chính dự kiến đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Game online có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Game online có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Nội dung này được đề cập tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được bộ này lấy ý kiến.

Trò chơi điện tử trên mạng (game online) là loại hình giải trí gắn với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và người chơi với máy chủ của doanh nghiệp qua máy tính cá nhân, máy chơi game, thiết bị di động.

Bộ Tài chính đánh giá, ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Bộ thấy cần thiết nghiên cứu tính thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng.

Ngoài game online do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, người chơi hiện nay cũng có thể chơi các game do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam và thanh toán qua cổng thanh toán, thẻ cào điện thoại, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng, thẻ tín dụng.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online từng được thảo luận tại Thường vụ Quốc hội từ năm 2014 nhưng sau đó không được Chính phủ đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều ý kiến khi đó lo ngại việc áp thuế làm hạn chế năng lực cạnh tranh trong nước khi sản phẩm nội chưa phát triển để thay thế nguồn trò chơi ngoại nhập.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, doanh thu từ thị trường game trong nước năm 2021 đạt trên 665 triệu USD. Nhiều loại game do người Việt sáng lập, kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại lập công ty ở Singapore dẫn đến khó truy thu thuế.

Điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc giao đất cho dự án dân cư tại Đồng Nai

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra về việc giao đất cho Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát thực hiện dự án khu dân cư tại huyện Long Thành.

Công ty An Hưng Phát

Công ty An Hưng Phát

Ngày 19/3, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này đang tiến hành điều tra, xác minh dấu hiệu sai phạm tại Dự án Khu dân cư Long Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) do Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát (Công ty An Hưng Phát) làm chủ đầu tư.

Đây là dự án có quy mô hơn 46 ha, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, đầu tư xây dựng mới khu dân cư theo tiêu chuẩn đô thị loại IV với các loại hình nhà ở. Dự án khu dân cư này ở vị trí đắc địa ở huyện Long Thành, khi nằm gần khu vực đường kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành với Quốc lộ 51, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, PC03 yêu cầu, các cơ quan chức năng liên quan cung cấp văn bản thủ tục pháp lý đất đai, xây dựng của Dự án Khu dân cư Long Phước để phục vụ công tác điều tra, xác minh theo quy định pháp luật, xác minh trình tự thủ tục giao đất sử dụng cho Công ty An Hưng Phát.

Ngoài ra, Công ty An Hưng Phát còn là chủ đầu tư của Dự án Khu dân cư và tái định cư phường Phước Tân, TP. Biên Hòa với quy mô 48 ha. Dự án này đã bị hộ dân có đất bị thu hồi khiếu nại. Sau 9 năm triển khai, đến nay hạ tầng kỹ của Dự án chưa chưa hoàn chỉnh, khu nhà liền kề phục vụ tái định cư mới thực hiện rất ít nhưng chủ đầu tư đã bán khoảng 700 lô đất nền kinh doanh.

Quảng Ninh muốn xây dựng sân bay Cô Tô rộng 130 ha

Sân bay chuyên dụng tại huyện đảo Cô Tô dự kiến được đầu tư trên diện tích trên 130 ha, đường băng dài 1.800 m với các hạng mục như sân đỗ, khu vực quân sự, khu vực cảnh quan, hạ tầng kết nối… đảm bảo khai thác tốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Sẽ xây dựng sân bay Cô Tô rộng 130ha.

Sẽ xây dựng sân bay Cô Tô rộng 130ha.

Theo hồ sơ Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dụng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050.

Việc triển khai đường bay này sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho Tỉnh, đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của quốc gia.

Cô Tô sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch với lượng khách tới tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; lượng du khách không ngừng tăng qua các năm. Theo quy hoạch, đảo Cô Tô lớn phân thành 6 phân vùng chính: Nam Đồng sẽ phát triển cộng đồng sân golf, bãi biển Vàn Chảy nâng cấp thành thị trấn biển, xã Hải Tiến phát triển sân golf và dịch vụ biển, hồ Ông Tiên định hướng du lịch, khu vực sân bay và hậu cần hỗ trợ cho tổng thể cả đảo.

Cô Tô được định hướng mở rộng quỹ đất phát triển đô thị hiện có tại đảo Cô Tô Lớn, Thanh Lân, bố trí đất ở và di dân ra đảo Trần. Đảo Cô Tô Con không bố trí đất ở, 3 đảo phát triển 3 chức năng bổ trợ cho nhau.

Trước đó, vào giữa năm 2022, một doanh nghiệp khai thác máy bay thuỷ phi cơ tại TP. Hạ Long đã khảo sát, nghiên cứu mở đường bay thuỷ phi cơ ra đến đảo Cô Tô từ đảo Tuần Châu (TP. Hạ Long).

Theo đó, dự kiến thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Cô Tô và ngược lại khoảng 15 - 17 phút, máy bay được sử dụng là loại thủy phi cơ cỡ nhỏ, 12 chỗ ngồi, cất và hạ cánh tại mặt nước khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và đảo Cô Tô lớn. Trên mỗi chuyến bay, du khách sẽ được ngắm vịnh Hạ Long, Bãi Tử Long trên cao.

TP.HCM di dời dân khỏi chung cư Tôn Thất Thuyết sau sự cố sập hành lang

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sau sự cố tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô C), Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị cho phép sử dụng 130 căn hộ tại chung cư số 4 Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh phục vụ tạm cư.

TP.HCM di dời dân khỏi chung cư Tôn Thất Thuyết sau sự cố sập hành lang

TP.HCM di dời dân khỏi chung cư Tôn Thất Thuyết sau sự cố sập hành lang

Văn phòng UBND TP.HCM vừa phát đi thông báo khẩn sau sự cố sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô C) ở Phường 4, Quận 4.

Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND Quận 4 căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm, cấp bách theo từng thời điểm để quyết định việc di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân. Những hộ đang ở tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô C) sẽ được bố trí quỹ căn hộ chưa sử dụng đã được phân bố tại chung cư số 4 đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Trước đó, UBND Quận 4 có báo cáo gửi UBND và Sở Xây dựng Thành phố xem xét, cấp kinh phí thực hiện gia cố, sửa chữa khẩn cấp các vị trí nguy hiểm cục bộ tại chung cư Tôn Thất Thuyết (lô A, B, C) và chung cư Hoàng Diệu (lô Y) để Quận có cơ sở thực hiện di dời hộ dân.

Động thái trên diễn ra sau khi chung cư Tôn Thất Thuyết (lô C) gặp sự cố sập đà, sàn hành lang, tường lan can lối đi ngày 6/2. Ngoài ra, tại các vị trí trước số nhà 101, 205, 210, 201…, các cấu kiện cột, dầm, sàn bê tông, ban công bằng gạch đều bị nứt vỡ có nguy cơ sụp đổ gây nguy hiểm.

UBND Quận 4 đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận và các đơn vị liên quan thực hiện gia cố khẩn cấp các vị trí nguy hiểm trong thời gian chờ thực hiện di dời.

Năm 2021, UBND TP.HCM chấp thuận phân bổ cho Quận 4 sử dụng 252 căn hộ để giải quyết tái định cư, tạm cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư