Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội hoạt động trở lại từ 1/4/2021
Để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ chân cầu Sài Gòn Ngã ba Tân Vạn, Trạm thu phí BOT trên Xa lộ Hà Nội sẽ hoạt động trở lại từ ngày 1/4/2021.
Xa lộ Hà Nội sẽ thu phí trở lại từ 1/4/2021 |
Sau khi xem xét, cân nhắc tất cả các yếu tố pháp lý, tài chính và khả năng ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng, UBND TP.HCM đã thống nhất cho phép Dự án được bắt đầu thu phí từ 1/4/2021. Trong đó, ngoài 11 đối tượng được miễn thu vé sử dụng dịch vụ đường bộ, TP.HCM còn giảm 100% mức cho cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giảm 50% mức giá cụ thể với ô tô dưới 12 chỗ không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng tại các vị trí thuộc mặt tiền của 2 đường song hành trục Xa lộ Hà Nội thuộc TP. Thủ Đức với điều kiện chủ sở hữu sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá vé đã được UBND TP điều chỉnh, trong năm đầu tiên thu phí chỉ là 90% mức giá.
Để kiểm tra hệ thống thu phí, đảm bảo không xảy ra sai sót, Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội sẽ tiến hành hoạt động thử nghiệm từ 0h ngày 27/3/2021.
Được biết, Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7km, từ cầu Sài Gòn đến tiếp giáp chân cầu Đồng Nai, được khởi công vào tháng 4/2010, tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thành toàn bộ đoạn trục chính dài 11,5km, từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia. Một số hạng mục chưa hoàn tất (trên 2 tuyến đường song hành Xa lộ Hà Nội) do vướng mặt bằng.
TP.HCM đã tạm ngưng thu phí Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội từ ngày 1/1/2018 sau khi kết thúc thu phí Dự án cầu Rạch Chiếc vào cuối năm 2017, sớm hơn dự kiến 1 năm.
Hơn 1.800 tỷ đồng xóa 5 điểm ùn tắc giao thông ở Cần Thơ
Cần Thơ dự kiến chi hơn 1.850 tỷ đồng để mở rộng, làm các đường nhánh, xây ba cầu vượt tại 5 nút giao thông thường xuyên ùn tắc ở quận trung tâm Ninh Kiều.
Phương án cải tạo ngã tư Trần Hưng Đạo - Mậu Thân - 3 Tháng 2 |
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ. đã có phương án cải tạo tại 5 ngã tư hiện có lưu lượng xe rất lớn, vượt qua khả năng lưu hành.
Đơn vị tư vấn đề xuất, tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Mậu Thân - 3 Tháng 2, mở rộng đường, làm các nhánh rẽ phải; xây cầu vượt dài 276 m, rộng 12 m; mức đầu tư khoảng 867 tỷ đồng. 136 hộ dân sẽ bị giải tỏa với diện tích hơn 5.200 m2.
Tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ, xây cầu vượt hơn 270 m, rộng 12 m, kinh phí khoảng 428 tỷ đồng. 24 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, diện tích giải tỏa hơn 2.300 m2.
Ngã tư Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2, mở đường Nguyễn Văn Linh lên 40 m; bố trí các nhánh rẽ phải trực tiếp; xây cầu vượt dài 276 m, rộng 12 m; số tiền thi công khoảng 386 tỷ đồng. 11 hộ dân sẽ bị di dời với diện tích hơn 1.300 m2.
Ở nút giao Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ, mở rộng giới hạn lộ giới, tổ chức lại giao thông cho phù hợp, mức đầu tư dự kiến 105 tỷ đồng.
Tương tự, tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4, mở rộng đường, tổ chức lại giao thông, kinh phí khoảng 67 tỷ đồng.
Dự kiến, các ngã tư được cải tạo trong giai đoạn 2021 - 2025, bằng vốn ngân sách.
Đề xuất ưu tiên đầu tư 2 đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết, đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ dự thảo Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Giao thông Vận tải tính toán phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam |
Đáng chú ý, trong dự thảo này đơn vị tư vấn tính toán phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (350 km/h) đối với 2 đoạn là Hà Nội – Vinh (Nghệ An), TP.HCM - Nha Trang, có tổng chiều dài 651 km với hai phương án: thấp và cao.
Nếu theo phương án thấp (nhu cầu thấp) mà đơn vị tư vấn đưa ra thì 2 đoạn tuyến này sẽ xây dựng và đưa vào khai thác trước năm 2032 với tổng mức đầu tư 375.872 tỷ đồng và theo phương án cao (nhu cầu cao) thì 2 đoạn tuyến này sẽ được xây dựng và đưa vào khai thác trước năm 2030 với tổng mức đầu tư 561.598 tỷ đồng.
Hầm sông Sài Gòn lắp hệ thống chữa cháy 95 tỷ đồng
Hầm vượt sông Sài Gòn, nối Quận 1 qua TP. Thủ Đức sẽ được lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động giúp tăng khả năng kiểm soát hỏa hoạn.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy ở hầm vượt sông Sài Gòn |
Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - chủ đầu tư), Dự án đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục liên quan, dự kiến khởi công giữa tháng 4, hoàn thành trong 6 tháng.
Hệ thống chữa cháy gồm nhiều thiết bị như các loại máy bơm; đường ống cấp nước, đầu phun; hệ thống cấp nguồn..., có khả năng phun sương áp lực cao, tự động phát hiện và chữa cháy khi hỏa hoạn mới bùng phát. Thiết bị có thể phân chia khu vực sự cố thành các vùng nhỏ để tăng độ chính xác trong xử lý và tự động điều khiển các đầu phun theo kịch bản được lập trình.
Theo chủ đầu tư, hệ thống chữa cháy này được nhiều nước sử dụng ở các hầm đường bộ. Việc tự động khống chế và dập tắt lửa mới phát sinh giúp tăng khả năng kiểm soát, hạn chế cháy lan và góp phần bảo vệ kết cấu công trình. Hiện, công tác chữa cháy ở hầm vượt sông Sài Gòn chủ yếu hình thức thủ công với lực lượng ứng cứu tại chỗ, trước khi đơn vị chuyên nghiệp có mặt.
Khánh thành năm 2011, hầm vượt sông Sài Gòn là hạng mục quan trọng nhất của đại lộ Đông Tây. Công trình có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á, dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn; tốc độ đạt 60 km/h. Hầm còn có hai làn thoát hiểm hai bên.
Công an tỉnh Gia Lai bao vây, truy bắt bãi vàng “lậu”
Ngày 19/3, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành bao vây, truy bắt các đối tượng khai thác vàng trái phép diễn ra tại xã Hà Tây (huyện Chư Păh) và xã Hà Đông (huyện Đắk Đoa).
Nhiều hố khai thác vàng sâu hoắm để lại tại hiện trường |
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an và dân quân tự vệ đã mật phục, vây bắt tại hiện trường các đối tượng khai thác vàng trái phép.
Do ở địa bàn xa xôi, không có sóng điện thoại nên cuộc vây bắt các đối tượng gặp nhiều khó khăn, một số đối tượng khi thấy bóng dáng công an đã nhanh chóng lẩn trốn vào rừng sâu. Việc vây bắt tiến hành từ trưa 18/3 đến 15 chiều ngày 19/3 vẫn chưa kết thúc.
Tại hiện trường, vàng tặc để lại nhiều hố đào sâu hơn 15m, rộng hơn 50m. Máy nổ, máy múc được các chủ vàng tập kết, chưa kịp cất giấu và tẩu tán. Nhiều ngọn núi rộng lớn bị băm xẻ, nước đãi vàng đục ngầu loang ra các khe suối gần đó.
Công an thu giữ bộ dụng cụ sàng đất, 3 máy nổ, 2 đầu bơm, lán trại và máy múc cùng nhiều mâm đãi vàng, khò, xì được chủ bãi vàng tập kết, cất giấu để đào đãi vàng trái phép.
Vũ trường, bar, karaoke ở TP.HCM được phép hoạt động trở lại
Vũ trường, quán bar, karaoke ở TP.HCM được phép hoạt động lại từ hôm nay nhưng phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Quán bar ở TPHCM được phép hoạt động trở lại |
UBND TP.HCM thông báo việc cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại từ ngày 19/3.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke được phép hoạt động trở lại nhưng phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn bề mặt, trang bị dung dịch sát khuẩn đầy đủ,…
Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu người dân tiếp tục phòng ngừa dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế. Trong đó bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng.
Theo UBND TP.HCM, bằng nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả, sự chỉ đạo quyết liệt, đến nay thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 khi đã 35 ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng.
Trước đó, từ 12h ngày 9/2, chính quyền TP.HCM đã yêu cầu dừng tất cả hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; các trung tâm tiệc cưới; phòng trà, sân khấu-kịch, rạp chiếu phim; các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, phòng tập gym, bida …
Hải Phòng cho phép các dịch vụ trở lại bình thường kể từ 0h ngày 20/3
UBND TP. Hải Phòng vừa điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, cho phép các dịch vụ hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/3.
Hải Phòng cho phép các dịch vụ karaoke, vũ trường... được hoạt động bình thường trở lại từ 0h ngày 20/3 |
Theo UBND TP Hải Phòng, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đến nay đã được kiểm soát, nên cần điều chỉnh một số nội dung để vừa đảm bảo thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa xây dựng kinh tế.
Theo đó, từ 0h ngày 20/3 tất cả các hoạt động bị tạm dừng hoặc hạn chế sẽ được hoạt động trở lại bình thường, nhưng phải thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch trong từng lĩnh vực theo quy định.
TP. Hải Phòng dừng hoạt động tất cả chốt kiểm soát ra vào và các tổ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở các thôn của các xã tiếp giáp với tỉnh Hải Dương.
Người từ tỉnh Hải Dương đến Hải Phòng, những người từ huyện Kim Thành, TP. Chí Linh và TP. Hải Dương sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung. Người từ các địa phương khác thuộc tỉnh Hải Dương chỉ áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà 14 ngày.
Đề nghị truy tố nguyên Chánh thanh tra sở Tài chính TP.HCM và 3 đồng phạm
Cơ quan điều tra xác định, nguyên Chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM và các đồng phạm đã gây thiệt hại 17,7 tỷ đồng trong việc cải tạo, sửa chữa nhiều trường học ở Củ Chi.
Đề nghị truy tố 4 bị can liên quan đến những sai phạm trong việc rút ruột, nâng khống chi phí cải tạo, sửa chữa nhiều trường học ở huyện Củ Chi |
Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 4 bị can liên quan đến những sai phạm trong việc rút ruột, nâng khống chi phí cải tạo, sửa chữa nhiều trường học ở huyện Củ Chi.
Bốn bị can bị đề nghị truy tố về tội “vi phạm các quyết định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm: bà Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi; bà Nguyễn Thị Loan (nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi); ông Phan Văn Duyệt (Phó giám đốc Công ty Đông Phương) và ông Phan Văn Bình Tâm (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Tâm Phú Tài, là em ruột của ông Duyệt).
Trong đó, sai phạm của bà Tuyền được xác định trong giai đoạn giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi.
Cơ quan điều tra xác định rõ hành vi của các bị can trong việc chỉ định thầu, nâng khống khối lượng công trình, nghiệm thu, quyết toán khi cải tạo, sửa chữa các trường học trên địa bàn huyện Củ Chi. Hành vi của những người này được làm rõ là tinh vi khi chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, không phải đấu thầu theo quy định. Hành vi của các bị can đã gây thất thoát cho Nhà nước 17,7 tỷ đồng.