Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật 71 đảng viên trong năm 2024
Năm 2024, cấp ủy các cấp và chi bộ đã kỷ luật 410 tổ chức đảng và 17.562 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 71 đảng viên.
Kỳ họp thứ 52 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
Con số này được đề cập trong báo cáo tổng kết công tác kiểm tra năm 2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo báo cáo, trong năm qua, cấp ủy các cấp kiểm tra 55.075 tổ chức đảng và 308.028 đảng viên; cấp ủy các địa phương, đơn vị kiểm tra 55.055 tổ chức đảng và 308.028 đảng viên.
Qua kiểm tra, các cơ quan đã kết luận 1.709 tổ chức đảng và 6.058 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; 35 tổ chức đảng và 189 đảng viên phải thi hành kỷ luật. Trong đó, các cơ quan đã thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 136 đảng viên.
Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành với 3.133 tổ chức đảng và 8.123 đảng viên; qua đó kết luận có 2.228 tổ chức đảng và 6.685 đảng viên vi phạm.
Số tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật là 262 và số đảng viên phải thi hành kỷ luật là 2.716, trong đó đã thi hành kỷ luật 191 tổ chức đảng và 2.345 đảng viên.
Đáng chú ý, trong năm 2024, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập với 2.825 đảng viên, qua đó kết luận 591 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Cơ quan kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật với 5 đảng viên.
Về thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, trong năm 2024, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng và 17.562 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 71 đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 299 tổ chức đảng và 6.535 đảng viên. Trong đó, ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị thi hành kỷ luật 127 tổ chức đảng và 6.289 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 172 tổ chức đảng và 246 đảng viên.
TP.HCM chốt ngày thông xe toàn tuyến hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
TP.HCM yêu cầu các nhà thầu thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ tập trung triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, đảm bảo tiến độ thông xe hầm chui HC1 vào ngày 31/12 và toàn bộ dự án.
Nhánh hầm chui HC2 tại giao lộ này theo hướng từ khu chế xuất Tân Thuận đi quốc lộ 1 đã được thông xe |
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải tại buổi khảo sát thực tế và làm việc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, đối với Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7), ông Hải giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương xem xét đề nghị của Ban Giao thông về phương án tổ chức giao thông, cấp phép thi công các hạng mục còn lại, đảm bảo tiến độ thông xe hầm chui HC1 vào ngày 31/12 và toàn bộ Dự án.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công trình trong thời gian tới đảm bảo thông xe toàn tuyến theo kế hoạch đề ra.
Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu, Ban Giao thông chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung huy động nhân lực, trang thiết bị phù hợp để triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” bù lại phần tiến độ đã bị chậm trễ, khẩn trương hoàn thành toàn bộ hạng mục còn lại của Dự án.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai (nội dung công việc, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành, thưởng phạt hợp đồng…) đảm bảo tiến độ thông xe toàn tuyến trong năm 2024.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư với quy mô mỗi hầm dài 456 m, đảm bảo cho xe chạy 3 làn xe /1 hầm. Tổng mức đầu tư là 830 tỷ đồng.
Trước đó, nhánh hầm chui HC2 tại giao lộ này theo hướng từ khu chế xuất Tân Thuận đi Quốc lộ 1 đã được thông xe hồi đầu tháng 10/2024. Như vậy, nhánh hầm chui HC1 theo hướng ngược lại thông xe sẽ tạo ra hệ thống hầm chui hoàn chỉnh, giúp giảm tình trạng quá tải, kẹt xe thường xuyên trên trục đường huyết mạch nối TP.HCM với Quốc lộ 1 và cao tốc đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng vào chiều 19/12
Xăng E5RON92 không cao hơn 20.244 đồng/lít (tăng 383 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 760 đồng/lít.
Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng, dầu Petrolimex. |
Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều ngày 19/12.
Theo điều hành của Liên bộ Công Thương - Tài chính, xăng E5RON92 không cao hơn 20.244 đồng/lít (tăng 383 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 760 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.004 đồng/lít (tăng 408 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 18.733 đồng/lít (tăng 478 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 18.968 đồng/lít (tăng 402 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); dầu madút 180CST 3.5S không cao hơn 15.903 đồng/kg (tăng 329 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Kỳ điều hành này, Liên bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.
Long An thu hồi hơn 170 dự án đầu tư
Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Long An đã ban hành 4.191 văn bản yêu cầu doanh nghiệp rà soát báo cáo tình hình hoạt động theo quy định, qua đó rà soát thu hồi 171 dự án đầu tư vi phạm.
Hạ tầng giao thông của Long An được đầu tư tương đối đồng bộ |
Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, giai đoạn 2021 - 2024, đơn vị đã thông báo 839 trường hợp vi phạm, thu hồi 745 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra trực tiếp, gián tiếp 532 trường hợp, xử phạt 244 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền khoảng 14,7 tỷ đồng; đồng thời, rà soát thu hồi 171 dự án đầu tư vi phạm.
Phần lớn các dự án vi phạm như một số dự án phát triển nhà ở thương mại có huy động vốn chưa đúng quy định, kinh doanh sản phẩm khi chưa đủ điều kiện. Ngoài ra là các vi phạm đến lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất chưa đúng quy định vẫn còn xảy ra; có trường hợp kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, chưa đưa đất vào sử dụng.
Nguyên nhân xảy ra vi phạm do dự án ngoài ngân sách được tỉnh tiếp nhận nhiều năm trước (có dự án cách đây trên 20 năm), hình thức tiếp nhận là văn bản giao đất, văn bản phê duyệt quy hoạch chi tiết, văn bản thỏa thuận địa điểm đầu tư, chưa có quy định ràng buộc chặt về tiến độ đầu tư dự án. Trong khi đó, các quy định pháp luật liên quan còn chồng chéo và có sự thay đổi, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Ngoài ra, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khó khăn về tài chính, có trường hợp dự án đã được người dân bán đất qua nhiều người, dẫn đến chậm được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Từ đó chưa giao nền hoặc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cho người dân.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, thời gian tới, Tỉnh tiếp tục tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư và quản lý sử dụng đất đai, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý.
Thanh Hóa đề xuất đầu tư 8.200 tỷ đồng nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị nâng cấp Cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân bằng hình thức xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân bằng hình thức đối tác công tư. Ảnh minh họa |
Ngày 19/12, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa cho biết, Ban cán sự Đảng vừa có tờ trình báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác CHK Thọ Xuân.
Theo đó, sẽ cần khoảng 8.200 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng CHK Thọ Xuân với các hạng mục gồm: Cải tạo nâng cấp, mở rộng nhà ga T1 đạt công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm kết nối đồng bộ với nhà ga T2 xây dựng mới. Sân đỗ tàu bay mở rộng lên 16 vị trí tàu bay, đáp ứng công suất 5 triệu lượt hành khách/năm...
Đầu tư xây dựng mới hệ thống quản lý, điều hành bay cho đường cất hạ cánh số 2; xây dựng mới nhà ga T2 (ga quốc tế) công suất đáp ứng 3,5 triệu lượt hành khách/năm, nâng tổng công suất lên 5 triệu lượt hành khách/năm.
Để triển khai Đề án này, Thanh Hóa cũng đề nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản trên đất hiện có tại CHK Thọ Xuân. Đồng thời phải tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý đối với việc bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thanh Hóa đưa ra phương án đầu tư kết cấu hạ tầng CHK Thọ Xuân theo phương thức đối tác công tư.
Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, CHK Thọ Xuân đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, những năm gần đây lượng khách qua cảng đã vượt công suất thiết kế (trong đó lượng hành khách năm 2022 cao nhất đạt 1,5 triệu hành khách/năm, vượt 25% công suất), trong khi nhà ga T2 chưa được triển khai đầu tư.
Đường lăn, đường cất hạ cánh đã khai thác trên 40 năm (vượt xa tuổi thọ thiết kế công trình trung bình khoảng 20 năm), chất lượng mặt đường băng và khả năng chịu lực đã xuống cấp; các hư hỏng xuất hiện nhiều.
Trong quy hoạch, CHK Thọ Xuân là CHK quốc tế, có chức năng dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài, tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân sự và quân sự với 2 đường cất hạ cánh đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng cấp để bảo đảm công suất khai thác theo quy hoạch xây dựng đường cất hạ cánh số 2, nhà ga T2.
TP.HCM lên lộ trình 'phủ' 100% xe buýt điện năm 2030
Các tuyến buýt mở mới ở thành phố sẽ sử dụng ôtô điện từ năm 2025 trước khi chuyển đổi toàn bộ mạng lưới này sang xe điện, năng lượng xanh từ năm 2030.
Hệ thống buýt điện "gom" khách cho Metro Bến Thành - Suối Tiên chuẩn bị vận hành |
Nội dung nêu trong tờ trình UBND TP.HCM vừa gửi HĐND Thành phố để xem xét ban hành Nghị quyết quy định lộ trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn. Kế hoạch này được đưa ra dựa theo chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải của ngành giao thông vận tải.
Hiện mạng lưới buýt tại TP.HCM có hơn 2.200 xe, trong đó buýt điện và khí CNG có gần 550, còn lại chạy dầu diesel. Theo kế hoạch của Thành phố, trong giai đoạn 2025 - 2029, xe buýt thuộc các tuyến được trợ giá sử dụng khí CNG, dầu diesel nếu thời gian sử dụng từ 15 năm trở lên sẽ phải thay thế bằng ôtô điện, năng lượng xanh. Xe chạy dầu diesel được tiếp tục hoạt động đến năm 2029, nhưng điều kiện là không quá 15 năm sử dụng.
Theo lộ trình, đến năm 2027 có 32 tuyến buýt với 572 xe chạy dầu diesel chuyển sang ôtô điện; năm 2028 thêm 21 tuyến với gần 400 xe; năm 2029 có 19 tuyến với 268 xe. Đến năm 2030, các tuyến còn lại tiếp tục chuyển đổi để đạt 100% xe điện, năng lượng xanh.
Riêng các tuyến buýt không trợ giá (bao gồm cả nội thành hoặc liên tỉnh), từ năm 2025 toàn bộ các tuyến thay thế hoặc mở mới cũng phải dùng ôtô điện mới được hoạt động.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM cũng lên kế hoạch đầu tư mạng lưới trạm sạc điện, khí CNG. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030, hệ thống trạm sạc sẽ xây dựng tại các bến, bãi đỗ xe do các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước quản lý, đáp ứng theo lộ trình chuyển đổi.
Nhằm thu hút các đơn vị vận tải tham gia đầu tư hệ thống buýt trong lộ trình chuyển đổi, thành phố sẽ áp dụng các chính sách như hỗ trợ lãi suất vay thấp trong thời gian dài đối với phần vốn vay khi đầu tư xe. Doanh nghiệp muốn vay vốn đầu tư trạm sạc điện, khí CNG cũng được thành phố hỗ trợ lãi vay...
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 5, đô thị Bắc Giang
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 5, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.
Về tính chất, đây sẽ được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao |
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm các khu vực thuộc xã Song Mai và một phần phường Đa Mai. Ranh giới khu vực nghiên cứu được xác định phía Bắc giáp huyện Tân Yên, phía Nam giáp đường Trần Hưng Đạo, phía Đông giáp đê sông Thương, phía Tây giáp thị xã Việt Yên.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 907 ha (bao gồm cả phần diện tích nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Song Mai - Nghĩa Trung). Dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 14.000 người, đến năm 2045 khoảng 20.400 người.
Về tính chất, đây là khu đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà ở sinh thái, dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, trung tâm dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.