Bản tin thời sự sáng 20/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế đề nghị các địa phương thanh tra về đấu thầu mua kit xét nghiệm; trùng tu di tích Hải Vân Quan; đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng nâng cấp kênh Chợ Gạo; ngày 20/12, đại gia Trịnh Sướng hầu toà vì sản xuất, buôn bán hơn 192 triệu lít xăng giả; Hải quan Tây Ninh bắt vụ vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới…

Bộ Y tế đề nghị các địa phương thanh tra về đấu thầu mua kit xét nghiệm

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 nội dung về đấu thầu, mua thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Thời gian qua, kit xét nghiệm nhanh trên thị trường cũng loạn giá
Thời gian qua, kit xét nghiệm nhanh trên thị trường cũng loạn giá

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long gửi văn bản đề nghị Bí thư và Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nội dung nêu trên. Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế rà soát kế hoạch đấu thầu mua thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, mặt hàng phục vụ chống dịch.

Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp tháng 10/2021, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Thời gian vừa qua, cơ quan điều tra đã xử lý một số vụ liên quan mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19. Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ án, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thiết bị Việt Á Phan Quốc Việt, cùng một số thuộc cấp gồm: Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ, kiêm cửa hàng trưởng Âu Lạc), Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý tài chính), Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh) cũng bị khởi tố.

Trùng tu di tích Hải Vân Quan

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức trùng tu, phục hồi di tích Hải Vân Quan.

Hiện trạng di tích Hải Vân Quan

Hiện trạng di tích Hải Vân Quan

Di tích Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, sẽ được trùng tu theo hiện trạng dưới triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng.

Công trình và các kết cấu xây dựng được xác định không thuộc thời kỳ nhà Nguyễn trong khu vực sẽ được hạ giải, trong đó có tháo dỡ lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.

Theo đề án trùng tu, hệ thống cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc với việc phục hồi; thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ.

Hệ thống chân tường được gia cố thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông. Đoạn chân móng thành hướng Tây Nam di tích được bảo tồn bằng cách làm sạch và gia cố chân móng... Hệ thống nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố 3 gian sẽ được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. 5 lô cốt được xây dựng thời Pháp chiếm đóng, được tu bổ chống xuống cấp; phục hồi các chi tiếp bị sập vỡ.

Di tích Hải Vân Quan được trùng tu, tu bổ với tổng diện tích 6.500 m2, thời gian triển khai trùng tu hai năm. Tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng do Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đóng góp, mỗi địa phương 50%.

Hải Vân Quan được xây dựng năm 1826, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí hết sức đắc địa, được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế. Với cái nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự.

Đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng nâng cấp kênh Chợ Gạo

Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 1.335 tỷ đồng dự kiến hoàn thành sau 2 năm.

Kênh Chợ Gạo thường xuyên quá tải do nhiều tàu thuyền đi qua

Kênh Chợ Gạo thường xuyên quá tải do nhiều tàu thuyền đi qua

Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 sẽ nạo vét, mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây công trình bảo vệ bờ nam kênh, cầu và đường đi qua các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo. Đoạn luồng sau cải tạo sâu hơn 3,5 m, rộng 50 m giúp tàu thuyền di chuyển thuận lợi.

Hơn 600 hộ dân sống ven kênh bị ảnh hưởng bởi dự án. Hiện, chính quyền địa phương đã bồi thường, xây 5 khu tái định cư để ổn định đời sống người dân.

Kênh Chợ Gạo dài 28,5 km, đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Công trình được người Pháp cho đào thủ công năm 1876, nối sông Tiền và Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây ngắn nhất.

Mỗi ngày, khoảng 1.800 tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn đi qua tuyến kênh này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, sạt lở hai bên bờ. 6 năm trước, kênh được nâng cấp giai đoạn một, kinh phí hơn 780 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều tàu thuyền đi qua đây, bờ kênh xảy ra hàng trăm điểm sạt lở, ảnh hưởng hơn 2.000 hộ dân.

Ngày 20/12, đại gia Trịnh Sướng hầu toà vì sản xuất, buôn bán hơn 192 triệu lít xăng giả

Sau 8 tháng vụ án phải điều tra bổ sung, Trịnh Sướng, đại gia xăng dầu ở miền Tây và đồng phạm bị đưa ra xét xử vì sản xuất, buôn bán hơn 192 triệu lít xăng giả.

Bị cáo Trịnh Sướng (giữa) và đồng phạm tại phiên toà hồi tháng 4

Bị cáo Trịnh Sướng (giữa) và đồng phạm tại phiên toà hồi tháng 4

Ngày 20/12, ông Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) và 38 người bị TAND tỉnh Đăk Nông xem xét tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, khung hình phạt 7 - 15 năm tù. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 30/12.

Trước đó, hồi tháng 4, sau 12 ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ về khối lượng xăng giả, số tiền thu lợi bất chính của Trịnh Sướng và các bị cáo khác.

Trong cáo trạng lần này, Trịnh Sướng và đồng phạm bị cáo buộc pha trộn 192 triệu lít xăng giả, bán ra thị trường gần 189 triệu lít, trị giá hơn 3.570 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng. Số lượng xăng giả và tiền thu lợi bất chính nhiều hơn so với kết quả điều tra trước đó.

Cơ quan công tố xác định, sau thời gian dài kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm có liên quan, Trịnh Sướng biết cách pha chế dung môi để làm xăng giả nên đầu năm 2017 thuê người và nhiều kho bãi để làm xăng A95 và E5 Ron 92 bán ra thị trường...

Tháng 5/2019, ông này mua hàng triệu lít dung môi và hóa chất chở bằng đường thủy và đường bộ về hai kho của mình. Khi các công nhân đang bơm hóa chất Toluene đã pha trộn với MTBE và xăng A95 từ tàu lên bồn tại Kho xăng dầu Ressol để pha trộn thì bị cảnh sát bắt và thu giữ nhiều tang vật.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2017 đến năm 2019, Trịnh Sướng và đồng phạm đã sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả tương đương trị giá hàng thật hơn 3.570 tỷ đồng.

Trong vụ án, Nguyễn Thị Thu Hòa (Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn) được xác định là người cung cấp phần lớn dung môi cho Sướng và các đầu mối khác.

Ngoài Sướng, một số chủ doanh nghiệp xăng dầu khác như Nguyễn Ngọc Quan (Giám đốc Công ty TNHH thương mại hóa chất Tâm Quang); Đinh Chí Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng)... đã sản xuất và bán ra thị trường hàng chục triệu lít xăng giả.

Sinh viên TP.HCM trở lại trường từ ngày 20/12

Hơn 2.500 sinh viên cao đẳng, trung cấp năm cuối học trực tiếp trong hai tuần thí điểm, một số đại học cũng cho sinh viên trở lại trường từ ngày 20/12.

Sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đến trường thực hành, làm đồ án tốt nghiệp hồi cuối tháng 11

Sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đến trường thực hành, làm đồ án tốt nghiệp hồi cuối tháng 11

Bốn trường cao đẳng, gồm Cao đẳng nghề TP.HCM, Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng, Đại Việt Sài Gòn, và Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương dạy trực tiếp các môn lý thuyết, thực hành cho hơn 2.500 học viên từ tuần sau. UBND TP.HCM đã chấp thuận đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho phép các trường nghề mở cửa.

Sau thời gian thí điểm 20/12 - 7/1/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế đánh giá kết quả, đề xuất phương án dạy học tiếp theo cho các trường cao đẳng, trung cấp. Để chuẩn bị đón sinh viên, các trường đã tổ chức tập huấn phương án phòng, chống dịch và kịch bản xử lý khi phát hiện F0 tại trường.

Trước đó, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng đã tổ chức một số lớp học trực tiếp tại trường, quy mô nhỏ, chủ yếu dành cho sinh viên năm cuối hoàn thành học phần trước khi tốt nghiệp.

Ở khối đại học, nhiều trường cũng lên kế hoạch học trực tiếp. Qua một tháng thí điểm Đại học Kinh tế TP.HCM dự định áp dụng hình thức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp (hybrid class) cho học kỳ đầu năm 2022.

Tại Đại học Hoa Sen, một số lớp của chương trình Hoa Sen Plus và ngành thiết kế thời trang của Trường cũng được tổ chức dạy trực tiếp trong tuần sau. Giảng viên, sinh viên tham gia đã được khảo sát ý kiến.

Từ cuối tháng 11, Đại học Y dược TP.HCM cũng cho sinh viên học lý thuyết, thi tập trung tại các cơ sở của trường theo thời khóa biểu, kế hoạch của các khoa. Đại học Công nghiệp Thực phẩm cũng cho sinh viên năm cuối quay lại trường để hoàn thành các học phần thực hành, đề án tốt nghiệp.

Hải quan Tây Ninh bắt vụ vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới

Lực lượng Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân (Cục Hải quan Tây Ninh) đã bắt giữ vụ vận chuyển trái phép qua biên giới 200.000 USD trong 2 bọc đen giấu trong thùng mì tôm trên xe tải chở hàng hóa đi Campuchia.

Vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới trong thùng mì tôm

Vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới trong thùng mì tôm

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân (Cục Hải quan Tây Ninh), đơn vị đang điều tra làm rõ vụ vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới.

Bước đầu xác định, khoảng 9 giờ 30 ngày 19/12, trong quá trình kiểm tra thủ tục tại luồng xuất hàng hóa qua Campuchia, nhân viên hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân (tại xã Thành Long, huyện Châu Thành) phát hiện tờ khai hải quan của xe tải BS 67C - 030.50 không đúng.

Theo đó, xe tải do N.T.H (An Giang) điều khiển, chở các loại hàng hóa nhôm, quần áo may sẵn… tổng trị giá khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện 2 bọc đen nằm bên trong 2 thùng mì gói có chứa tổng cộng 200.000 USD không khai báo theo quy định.

Trong quá trình phát hiện vụ việc, ông Đ.P.N, xưng là giám đốc một công ty vận tải có trụ sở tại quận Bình Tân (TP.HCM) đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân xin nhận 200.000 USD trên vì cho rằng đó là tiền của ông.

Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới.

Chuyên đề