Bản tin thời sự sáng 20/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi hơn 50.300 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ 5; Hà Giang thu hồi 80.000 m2 đất từng cho Tập đoàn FLC thuê; Tập đoàn Hà Đô bị phạt gần 4,5 tỷ đồng…

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi hơn 50.300 tỷ đồng

Trong 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước đạt 50.360 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm.

Doanh thu công ty mẹ của nhóm tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước đạt gần 1 triệu tỷ đồng sau 9 tháng

Doanh thu công ty mẹ của nhóm tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước đạt gần 1 triệu tỷ đồng sau 9 tháng

Theo số liệu mới nhất, sau 9 tháng kinh doanh năm 2024, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) ước đạt 971.593 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và hoàn thành 83% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 50.360 tỷ đồng, vượt kế hoạch 20%.

Giá trị nộp ngân sách nhà nước của nhóm doanh nghiệp này ước đạt 62.904 tỷ đồng, tương đương thực hiện cùng kỳ và vượt 15% kế hoạch năm.

Tính đến hết tháng 9, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty này ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 90% kế hoạch năm.

Trong số hơn 800 doanh nghiệp nhà nước hiện nay, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nắm giữ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu cũng như tài sản.

Ủy ban cho biết, ở lĩnh vực điện, điện sản xuất lũy kế 9 tháng năm nay ước đạt 232,9 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt 209,2 tỷ kWh; sản lượng điện truyền tải đạt 186,56 tỷ kWh. Cả 3 chỉ tiêu đều có mức tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với lĩnh vực dầu khí, sản lượng dầu thô lũy kế 9 tháng ước đạt 7,45 triệu tấn, giảm 6%. Sản lượng khai thác khí đạt 4,8 tỷ m3, giảm 17%.

Ở lĩnh vực xăng dầu, sản lượng xăng dầu hợp nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam (không bao gồm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) ước đạt 4,9 triệu tấn, giảm 10%. Sản lượng xăng dầu hợp nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đạt 11,5 triệu m3/tấn, tăng 5%.

Về lĩnh vực than, than nguyên khai sản xuất lũy kế 9 tháng đạt gần 27,7 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Than thành phẩm sản xuất đạt 37,4 triệu tấn, tăng 2%. Than tiêu thụ đạt 34,3 triệu tấn, giảm 6%.

Đối với lĩnh vực hàng không, thông qua toàn bộ mạng lưới các cảng hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 83,52 triệu lượt, giảm 4%. Riêng sản lượng vận chuyển hành khách của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 9%.

Ngành đường sắt tính đến hết tháng 9 vận chuyển hơn 5,4 triệu lượt khách, tăng 20%.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ 5

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Trọng Đường

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Trọng Đường

Tổng cộng 13 bị can bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC), ông Nguyễn Trọng Đường (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc VNCERT), ông Trần Duy Hiếu (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông)...

Theo Kết luận điều tra, năm 2016, VNCERT được Bộ Thông tin và Truyền thông giao triển khai Dự án Mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế.

Ngay từ giai đoạn lập dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cử Nguyễn Văn Thế, Trưởng ban KT7 phối hợp với VNCERT xây dựng danh mục trang thiết bị, phần mềm dự kiến sẽ mua sắm và ấn định giá đầu ra. Đồng thời, đàm phán giá đầu ra với các hãng bán hàng để đảm bảo Công ty AIC được lợi nhuận 40% và được định hướng là đơn vị sẽ trúng thầu.

Bị can Nguyễn Trọng Đường là đại diện Chủ đầu tư trong quá trình xây dựng danh mục trang thiết bị phần mềm và triển khai đấu thầu Gói thầu số 8 thuộc Dự án, đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia vào tất cả giai đoạn.

Trong giai đoạn đấu thầu, ông Đường thành lập ban quản lý dự án, chỉ đạo phối hợp với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu có lợi cho Công ty AIC, tạo điều kiện cho Công ty AIC sử dụng "quân xanh, quân đỏ". Nhờ đó, AIC đã trúng Gói thầu số 8. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định hậu quả thiệt hại của vụ án là hơn 17 tỷ đồng.

Kết luận điều tra xác định, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC gọi điện hẹn chúc Tết. Do ông Đường không có mặt tại cơ quan nên đã nhận túi quà từ bộ phận lễ tân VNCERT.

Ông Đường kiểm tra thì thấy có số tiền 1 tỷ đồng. Ông Đường sử dụng cá nhân 200 triệu đồng, phần còn lại, cựu Giám đốc VNCERT giao cho Dương Thị Minh, Kế toán trưởng chia cho các thành viên tham gia dự án và sử dụng phục vụ các hoạt động chung của VNCERT.

Đây là vụ án thứ 5 bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố. Tuy bà Nhàn đang bỏ trốn, chưa lấy được lời khai, nhưng cơ quan chức năng cáo buộc bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.

Hà Giang thu hồi 80.000 m2 đất từng cho Tập đoàn FLC thuê

Diện tích đất bị thu hồi từng được Tập đoàn FLC thuê để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo (tỉnh Hà Giang).

Phối cảnh dự án khu sinh thái tại Hà Giang của FLC bị thu hồi

Phối cảnh dự án khu sinh thái tại Hà Giang của FLC bị thu hồi

UBND tỉnh Hà Giang vừa ban hành Thông báo số 3433/UBND-KTTH thu hồi gần 80.000 m2 đất thương mại, dịch vụ giao cho Công ty CP Tập đoàn FLC thuê để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo.

Lý do thu hồi đất là Dự án đã bị chấm dứt hoạt động đầu tư theo Thông báo số 2304/TB-SKHĐT ngày 19/10/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang.

Trong thời hạn 15 ngày, Tập đoàn FLC có trách nhiệm xử lý tài sản trên đất theo quy định để bàn giao.

Hết thời hạn nêu trên, UBND tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện thu hồi đất theo quy định.

Trước đó, tháng 3/2021, Công ty CP Tập đoàn FLC đã tổ chức Lễ khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hà Giang tại khu vực núi Mỏ Neo.

Dự án quy tụ nhiều hạng mục cao cấp như: khách sạn 5 sao, bể bơi vô cực, trung tâm hội nghị quốc tế, khu resort bungalow, các phố đi bộ, phố thương mại...

Dự án được chia thành hai giai đoạn với quy mô đáp ứng khoảng 2.000 du khách/ngày.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đạt gần 68%

Trong 14 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy 100% gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ I, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (thị xã Phú Mỹ); Khu công nghiệp Đá Bạc (huyện Châu Đức).

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 17 khu công nghiệp, trong đó 14 khu đã đi vào hoạt động

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 17 khu công nghiệp, trong đó 14 khu đã đi vào hoạt động

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động (14 khu công nghiệp) trên địa bàn Tỉnh đạt 67,65%, trong số đó, có 4 khu đã được lấp đầy 100%.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 17 khu công nghiệp; trong đó có 14 khu đã đi vào hoạt động. Ngoài 4 khu công nghiệp đã được lấp đầy 100%, một số khu công nghiệp khác cũng có tỷ lệ lấp đầy khá cao như: Khu công nghiệp Đông Xuyên (99,31%); Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac (97,57%); Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng (80%)...

Thời điểm đầu năm 2024, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn chỉ đạt 66,63% trên tổng số 13 khu công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Đến nay, con số này đạt 67,65%.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án với tổng vốn đăng ký quy đổi tương đương 2,357 tỷ USD.

Trong số đó, 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,674 tỷ USD; đầu tư trong nước có 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 16.483 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, trong các khu công nghiệp của Tỉnh có 606 dự án đầu tư còn hiệu lực, đầu tư trong nước là 291 dự án; nước ngoài là 315 dự án.

Tập đoàn Hà Đô bị phạt gần 4,5 tỷ đồng

Tập đoàn Hà Đô bị Tổng cục Thuế xử phạt gần 4,5 tỷ đồng vì các hành vi khai sai thuế, lập hóa đơn không đúng thời điểm, sử dụng hóa đơn không đúng quy định.

Dự án HaDo Centrosa Garden của Tập đoàn Hà Đô tại Quận 10, TP.HCM

Dự án HaDo Centrosa Garden của Tập đoàn Hà Đô tại Quận 10, TP.HCM

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) vừa bị Tổng cục Thuế xử phạt 4,49 tỷ đồng vì các hành vi khai sai thuế, lập hóa đơn không đúng thời điểm, sử dụng hóa đơn không đúng quy định, có tình tiết tăng nặng.

Quyết định xử phạt nêu rõ đối tượng bị xử phạt là Công ty Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, địa chỉ tại số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội), do ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT - làm người đại diện pháp luật.

Tình tiết tăng nặng của Hà Đô là vi phạm hành chính nhiều lần, cụ thể là lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trong tổng số tiền phạt 4,49 tỷ đồng, có gần 4,12 tỷ đồng tiền phạt cho hành vi khai sai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (4,05 tỷ đồng năm 2022 và 60,8 triệu đồng năm 2023).

Bên cạnh đó, Hà Đô bị phạt gần 374 triệu đồng vì lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, có áp dụng tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, Tổng cục Thuế phạt hơn 1 triệu đồng đối với vi phạm sử dụng hóa đơn không đúng quy định (liên quan đến bên lập hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh theo kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ).

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Tổng cục Thuế yêu cầu Hà Đô phải nộp đủ 1,051 tỷ đồng tiền thuế thiếu và 2,109 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế.

"Tổng số tiền xử lý về thuế tại Công ty Hà Đô là 7,654 tỷ đồng, giảm lỗ số tiền hơn 13,15 tỷ đồng", theo quyết định của Tổng cục Thuế.

Hà Nội giải tỏa gần 700 hộ dân làm đường rộng 40m, 6 làn xe

Quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) sẽ thu hồi đất của 664 hộ dân và 17 tổ chức để xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng, vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Ảnh minh họa

Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Ảnh minh họa

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng là một trong những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội).

Dự án có tổng diện tích đất thu hồi hơn 60 nghìn m2 của 681 trường hợp (gồm 664 hộ dân và 17 tổ chức) và 36 trường hợp đã thu hồi đất từ trước đó (thuộc các phường Thượng Đình, Hạ Đình, Khương Trung, Khương Đình).

Theo UBND quận Thanh Xuân, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc điều tra, đo đạc kiểm đếm đối với các tổ chức và các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện Dự án.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, UBND quận Thanh Xuân đã công khai quy hoạch, chỉ giới đường đỏ dự án tại các phường.

Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cư dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ Dự án. Trong đó, đa phần các ý kiến đồng ý với chủ trương đầu tư, xây dựng Dự án.

Một trong những vấn đề được người dân quan tâm là bồi thường thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. UBND quận Thanh Xuân đã công bố công khai phương án bồi thường và các căn cứ theo quy định pháp luật.

Dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn qua quận Thanh Xuân dài khoảng 1,5 km, điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình), điểm cuối tại Đầm Hồng - Quốc lộ 1 (phường Khương Đình).

Cấp hạng tuyến đường là đường liên khu vực, vận tốc thiết kế 60 km/h. Quy mô mặt cắt ngang 40 m, trong đó lòng đường 22,5 m với 6 làn xe, vỉa hè 14,5 m và dải phân cách rộng 3 m.

Đây là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án đã phê duyệt trong giai đoạn năm 2022 - 2026.

Bắt một trưởng phòng giao dịch ngân hàng ABBank ở Quảng Ninh chiếm đoạt 80 tỷ đồng

Trần Văn Tài bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả xác nhận của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, làm giả bản chứng thực hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp để chiếm đoạt tiền.

Trần Văn Tài bị khởi tố, bắt tạm giam

Trần Văn Tài bị khởi tố, bắt tạm giam

Ngày 19/10, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Tài (Trưởng Phòng giao dịch Mạo Khê, Ngân hàng TMCP ABBank) về tội “Tham ô tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện Trần Văn Tài đã lợi dụng chức vụ được giao thực hiện hàng loạt vi phạm.

Bước đầu xác định, Tài đã sử dụng 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, 4 sổ tiết kiệm giả để lập khống các hồ sơ vay vốn, tự phê duyệt giải ngân theo thẩm quyền để chiếm đoạt số tiền khoảng 80 tỷ đồng của Ngân hàng ABBank.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát hiện Phạm Ngọc Hưng (Phó phòng Khách hàng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh Mạo Khê - Tây Quảng Ninh) từ năm 2020 đã nhiều lần cho Tài vay tiền với lãi suất lên đến 123,42%/năm. Lãi suất này gấp 6,17 lần so với lãi suất quy định, để thu lợi bất chính 1 tỷ đồng.

Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Ngọc Hưng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Hiện Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề