Bản tin thời sự sáng 20/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sẽ xác lập kỷ lục về trình diễn máy bay không người lái đêm Giao thừa; huy động 1.400 công nhân thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; gần 100 nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội; 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nợ thuế nghìn tỷ…

Hà Nội sẽ xác lập kỷ lục về trình diễn máy bay không người lái đêm Giao thừa

Hà Nội sẽ tổ chức màn trình diễn ánh sáng để xác lập kỷ lục Đông Nam Á, với 2.024 máy bay không người lái biểu diễn, trước thời điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2024.

Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 30 điểm

Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 30 điểm

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 do TP. Hà Nội tổ chức chiều 19/1, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND Thành phố cho biết, Hà Nội sẽ xác lập kỷ lục Đông Nam Á, cao nhất Việt Nam về màn trình diễn ánh sáng máy bay không người lái (2.024 drone) kết hợp âm nhạc. Địa điểm dự kiến tại hồ Tây và nghiên cứu thêm tại sân vận động Mỹ Đình.

Ông Dũng cho biết thêm, việc trình diễn ánh sáng kết hợp âm nhạc sẽ tổ chức trước thời điểm bắn pháo hoa (trong khoảng 23h - 23h30) đêm Giao thừa và sẽ truyền hình trực tiếp.

“Đây là nét mới, điểm nhấn quan trọng trong không khí vui tươi, chào mừng thắng lợi kết quả năm 2023, chào mừng và bước vào năm 2024 với nhiều khí thế mới, cũng như thực hiện công nghiệp văn hóa Thủ đô. Màn trình diễn ánh sáng có thể là chưa từng có, nội dung chi tiết Thành phố sẽ thông báo sau,” ông Dũng cho hay.

Cũng theo kế hoạch, trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán năm 2024, TP. Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 30 điểm với 32 trận địa, trong đó có 9 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp tại: quận Hoàn Kiếm - trước trụ sở Tòa soạn Báo Hà Nội Mới và Bưu điện Hà Nội; quận Tây Hồ (tại vườn hoa Lạc Long Quân, trước cổng UBND quận).

Huy động 1.400 công nhân thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Khoảng 1.400 công nhân, kỹ sư cùng gần 400 phương tiện, thiết bị được huy động thi công nhà ga T3 nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Dự án vào năm sau.

Công trường thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Công trường thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Thông tin trên được ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban Quản lý Dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết sáng 19/1, khi đề cập tiến độ công trình sau hơn một năm khởi công. Đây là ga phục vụ khách nội địa quy mô lớn nhất nước, công suất 20 triệu khách mỗi năm, được đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Theo ông Hồng, sau khi khởi công cuối năm 2022, hiện công trình đã hoàn thành toàn bộ phần phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm. Trên công trường, nhà thầu đang đồng loạt triển khai các hạng mục chính là ga hành khách, nhà xe, trung tâm dịch vụ phi hàng không... Những hạng mục này hiện đạt khoảng 50% phần thô, trong đó ga hành khách dự kiến hoàn thiện kết cấu vào tháng 5 năm nay, nhà để xe sẽ xong sau đó 3 tháng.

"Để đảm bảo kế hoạch, 5 nhà thầu của Dự án hiện huy động khoảng 1.400 công nhân, kỹ sư, 16 cẩu tháp cùng 350 đầu xe, phương tiện trên công trường", ông Hồng nói và cho biết, quá trình thi công được tổ chức, kiểm soát chặt về tiến độ theo chu kỳ 15 ngày. Những phần việc chậm trễ, nhà thầu phải có giải pháp bù lại tiến độ để bám sát kế hoạch chung.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, mặt bằng chật hẹp khiến việc tổ chức thi công, lắp dựng cẩu, đường công vụ, bãi vật liệu, lán trại công nhân... gặp khó khăn. Các nhà thầu phải luân phiên, linh hoạt điều chỉnh vị trí tuỳ theo tiến độ công trình.

Dự án nhà ga T3 được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020, nhằm nâng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm, cùng với hai nhà ga T1 và T2 hiện hữu. Nhà ga T3 gồm ba hạng mục chính, gồm: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn.

Gần 100 nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, hiện nay, có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án, dự án cải tạo chung cư cũ của TP. Hà Nội.

Theo kế hoạch, đợt đầu tiên Hà Nội sẽ triển khai cải tạo 10 khu chung cư cũ

Theo kế hoạch, đợt đầu tiên Hà Nội sẽ triển khai cải tạo 10 khu chung cư cũ

Theo ông Mạc Đình Minh, Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, kèm theo Đề án là 6 kế hoạch triển khai, trong đó, Sở Xây dựng là cơ quan thường trực triển khai Đề án.

“Sau khi Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, hiện nay, có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án, dự án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội,” ông Mạc Đình Minh nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư. Thời gian qua, 2 nội dung liên quan xây dựng hệ số K và chọn chủ đầu tư được Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể.

Ông Minh nhấn mạnh, sắp tới, Ban Chỉ đạo sẽ ủy quyền cho các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ triển khai xây dựng hệ số K, xây dựng tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư với từng dự án. Lúc đó, Ban chỉ đạo sẽ có cơ hội triển khai dự án theo đúng tiến độ của Thành phố.

Về kết quả cải tạo chung cư cũ, ông Mạc Đình Minh cho hay, theo kế hoạch, đợt đầu tiên triển khai 10 khu, trong đó có 4 khu cấp độ D. Công việc đầu tiên phải làm là kiểm định và quy hoạch.

Về kiểm định, Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định cho 1.022 chung cư cũ, trong đó, Sở Xây dựng trực tiếp kiểm định 126 tòa, các quận, huyện đã nộp hồ sơ kiểm định 47 tòa nhà lên Sở.

“Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ công bố 53 kết quả kiểm định chung cư cũ. Sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch, sẽ xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư theo quy định,” ông Minh cho hay.

10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nợ thuế nghìn tỷ

Trong 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, có 10 doanh nghiệp nợ thuế, trong đó nhiều đơn vị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cửa hàng xăng dầu của Hải Hà Petro tại Hà Nội đóng cửa sau khi doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu

Cửa hàng xăng dầu của Hải Hà Petro tại Hà Nội đóng cửa sau khi doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu

Thông tin này được ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nêu tại họp báo chiều 19/1. Ông Sơn cho biết, phần lớn các doanh nghiệp nợ tiền thuế bảo vệ môi trường - khoản gián thu do họ tự tính, tự nộp.

"Trong 34 đầu mối, có 10 đơn vị nợ thuế. Tổng cục Thuế đang đôn đốc việc thu hồi nợ này", ông Sơn nói.

Chẳng hạn, Công ty Xuyên Việt Oil nợ hơn 1.529 tỷ đồng tiền thuế, riêng số thuế bảo vệ môi trường gần 1.250 tỷ đồng. Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ 1.780 tỷ đồng. Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu nợ hơn 1.000 tỷ đồng và phải xin trả dần.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi đầu tháng 1 cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu mối nợ hàng nghìn tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, hơn 6.320 tỷ đồng đến cuối tháng 10/2022.

Ông Sơn nói, cục thuế các địa phương "làm hết trách nhiệm theo quy định về quản lý thuế" trong thu hồi nợ của doanh nghiệp xăng dầu.

Chẳng hạn, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cưỡng chế nợ thuế với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (doanh nghiệp bị Bộ Công Thương tước giấy phép hôm 12/1), số tiền khoảng 1.780 tỷ đồng. Trước đó, Cục Thuế tỉnh Nghệ An yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), tạm hoãn xuất cảnh với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức do nợ gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thừa nhận, việc thu hồi nợ thuế gặp khó khăn vì cơ quan thuế không nắm được dòng tiền của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc kê biên tài sản cũng vướng mắc khi doanh nghiệp đã cầm cố hoặc lấy làm tài sản đảm bảo khoản vay tại ngân hàng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các địa phương có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nợ thuế lớn là An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Phòng, Hậu Giang...

Novaland nâng giá chuyển đổi cổ phiếu lên gấp đôi

Các trái chủ của lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD phải tốn 77.000 đồng để đổi sang một cổ phiếu NVL, tăng 93% so với mức trước đó.

Thị giá hiện tại của cổ phiếu NVL khoảng 16.400 đồng

Thị giá hiện tại của cổ phiếu NVL khoảng 16.400 đồng

Theo nghị quyết mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland - NVL) đã điều chỉnh giá chuyển đổi của gói trái phiếu phát hành năm 2021 còn 77.000 đồng một cổ phiếu, cao gấp 4,7 lần so với thị giá hiện tại của NVL - khoảng 16.400 đồng chốt phiên 19/1.

Lô trái phiếu này là khoản huy động vốn từ năm 2021, không có tài sản đảm bảo và được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). Mỗi trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD với lãi suất 5,25% mỗi năm. Giá chuyển đổi sang cổ phiếu ban đầu là 135.700 đồng. Sau đó đến đầu năm 2022, mức này điều chỉnh về 85.000 đồng một cổ phiếu. Tháng 11/2022, một trong những trái chủ là Citigroup Global Markets đã đổi 5 trái phiếu sang hơn 270.700 cổ phiếu NVL với mức giá trên.

Đến giữa tháng 12/2023, Novaland đạt được thoả thuận với các trái chủ chấp thuận về phương án tái cấu trúc với mức giá chuyển đổi mới - 40.000 đồng một cổ phiếu. Novaland cho biết giao dịch trái phiếu chuyển đổi theo thỏa thuận mới sẽ giúp giảm áp lực cho công ty trong bối cảnh khó khăn chung và các vướng mắc pháp lý gây ra nhiều thách thức cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính.

Novaland và các bên tư vấn đang trong quá trình triển khai các văn kiện và phê duyệt liên quan để phương án tái cấu trúc có hiệu lực.

Thời gian qua, Novaland và hệ sinh thái Novagroup tập trung vào tái cấu trúc nợ. Họ tích cực đàm phán để gia hạn, thay đổi lãi suất hoặc hoán đổi nợ sang tài sản khác, cũng như tìm cách huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Dư nợ cho vay margin của HSC tăng 164%

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay margin của Chứng khoán TP.HCM đạt 12.135 tỷ đồng, tăng 164% so với hồi đầu năm.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay margin của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM đạt 12.135 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay margin của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM đạt 12.135 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Chứng khoán TP.HCM - HSC (HoSE: HCM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023.

Theo đó, HSC ghi nhận doanh thu đạt 601 tỷ đồng, nhỉnh hơn 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại tăng 41% lên 225 tỷ đồng nhờ điều chỉnh các loại chi phí.

Tính chung cả năm 2023, doanh thu của HSC đạt 2.255 tỷ đồng, giảm 21% và hoàn thành 96% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm 21% xuống 842 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch.

Trong cơ cấu doanh thu của HSC, hoạt động môi giới chứng khoán đem về 672 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu. Trong quý IV/2023, HSC đã mở rộng thị phần từ 5,06% lên 5,35%, xếp thứ 5 trong nhóm các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất HoSE.

Doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ đạt 1.066 tỷ đồng, tương đương 47% tổng doanh thu. Trong năm 2023, hoạt động cho vay margin của HSC tăng trưởng đều đặn và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu. Tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay ký quỹ đạt hơn 12.135 tỷ đồng, tăng 64% so với đầu năm.

Doanh thu từ hoạt động tự doanh đạt 473 tỷ đồng, đóng góp 21% vào tổng doanh thu công ty. Hoạt động tự doanh đa phần là tạo lập thị trường cho các sản phẩm ETF và chứng quyền có bảo đảm.

Mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 22 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động này không đạt kỳ vọng do một số thương vụ tư vấn chậm hơn so với tiến độ ban đầu và sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh sau khi hoàn tất.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của HSC đạt 17.911 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm do gia tăng dư nợ vay margin. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 8.312 tỷ đồng.

Đầu tháng 12/2023, HSC đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kế hoạch phát hành 297 triệu cổ phiếu thông qua 2 phương án là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2021, qua đó tăng vốn điều lệ lên 7.552 tỷ đồng.

575 trường hợp cán bộ, công chức tại Hà Nội vi phạm nồng độ cồn

Sau 1 tháng ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, Công an Thành phố Hà Nội đã xử lý 29.134 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính hơn 53 tỷ đồng.

Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. Về kết quả sau 1 tháng ra quân đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết trong lĩnh vực giao thông, Công an TP. Hà Nội đã xử lý 29.134 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính hơn 53 tỷ đồng.

Cụ thể, Công an TP. Hà Nội tập trung xử lý nghiêm các nhóm vi phạm, là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông như: vi phạm nồng độ cồn (7.068 trường hợp), xe quá khổ quá tải (906 trường hợp), vi phạm tốc độ (733 trường hợp). Công an Thành phố cũng xử phạt 7.506 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, phạt tiền 4,5 tỷ đồng.

Tính trong năm 2023, Công an Hà Nội đã xử lý vi phạm nồng độ cồn với hơn 73.000 trường hợp, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky khẳng định, Công an Hà Nội luôn xác định rõ xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Công an Thành phố cũng tiến hành xác minh nhân thân 575 trường hợp công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn. Theo quy định, các trường hợp này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của cơ quan, ngành chủ quản...,” Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho hay.

Chuyên đề