Việt Nam phản đối hành động xâm phạm chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng |
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 18/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu nghiên cứu của Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó phát ngôn khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Đối với các vụ việc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã, đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam", Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ.
Liên quan tới thông tin Trung Quốc gần đây đã mở phi pháp một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này".
Ô tô được chạy tối đa 80 km/h trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm
Từ 10h ngày 19/5, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết bắt đầu khai thác, cho phép ôtô chạy tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm |
Đây là phương án tổ chức giao thông trên hai đoạn cao tốc Bắc - Nam được Bộ Giao thông vận tải công bố ngày 18/5. So với một số cao tốc khác đang khai thác, tốc độ này thấp hơn 20 - 40 km/h, do hai tuyến mới đầu tư giai đoạn một, với nền đường rộng 17 m, 4 làn xe, không có làn khẩn cấp. Cả hai dự án sẽ chưa tổ chức thu phí sau khi thông xe.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Do hai tuyến kết nối là Vân Phong - Nha Trang và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa thông, nên dự án này chỉ mới khai thác 2 trong tổng số 4 nút giao.
Theo đó, xe được phân luồng từ Quốc lộ 1 nhập vào cao tốc tại nút giao Quốc lộ 27C (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), đến nút giao Cam Ranh (xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh) ra Quốc lộ 1 thông qua Quốc lộ 27B.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km, thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Xe được chạy từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km) đã thông xe từ ngày 29/4. Cả 5 nút giao trên tuyến đều được khai thác, sắp tới một trạm dừng nghỉ trên tuyến sẽ được xây dựng.
Hai cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe sẽ nâng tổng số km cao tốc trục Bắc - Nam đã hoàn thành lên 835 km, tăng 458 km so với giai đoạn trước năm 2020.
Sắp xét xử 5 cựu tướng cảnh sát biển trong vụ tham ô 50 tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Sơn - cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển cùng với 4 cấp tướng khác dưới quyền bị cáo buộc tham ô 50 tỷ đồng từ ngân sách mua thiết bị rồi chia nhau.
Cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn |
Vụ án được Tòa án Quân sự Thủ đô xét xử vào ngày 31/5. Ngoài ông Sơn, cựu Trung tướng, còn có 6 bị cáo là: Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy); Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh); Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó phòng Tài chính).
Họ đều bị truy tố về tội Tham ô tài sản theo Khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự - khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong đó, ông Sơn bị xác định vai trò "chủ mưu, khởi xướng", phải chịu trách nhiệm chính.
Cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương xác định, tháng 2/2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách chi quản lý hành chính năm 2019, tổng 450 tỷ đồng. Trong đó, 150 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn gặp ông Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật, đưa ra yêu cầu "khi mua sắm vật tư, thiết bị, phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng".
Đầu tháng 4/2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn trao đổi với 4 cấp dưới (Trung tướng Đồng cùng 3 Thiếu tướng Quyết, Hậu, Dũng) về kế hoạch "rút ruột" 50 tỷ đồng để ăn chia. Tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác.
Sau khi nhận 50 tỷ đồng, tướng Sơn chia cho mình và Đồng, Hậu, Quyết, Dũng. Đến ngày 19/6/2020, ông Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm. Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xác minh. Tháng 9/2021, 5 người hưởng lợi tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Đắk Nông rà soát thu hồi cụm công nghiệp hơn 12 năm chưa hoàn thiện hạ tầng
Đã hơn 12 năm nay, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng để thu hút nhà máy, doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh. Tỉnh Đắk Nông đang triển khai rà soát các thủ tục pháp lý để tiến hành thu hồi dự án không hiệu quả này.
Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa hoạt động đúng mục tiêu ban đầu, gây lãng phí về mặt đất đai |
Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông có diện tích 374.415 m2 với tổng mức đầu tư hơn 83 tỷ đồng và thời hạn thực hiện kéo dài 70 năm. Dự án do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của Dự án là đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông để cho thuê lại đất với diện tích sử dụng là 324.463 m2.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 3/2018, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC đã đầu tư hoàn thành khoảng 80% tổng khối lượng Dự án.
Khối lượng chưa thực hiện như hạ tầng kỹ thuật điện, hạ tầng giao thông nội bộ chưa được hoàn chỉnh khoảng 1.100 m đường bê tông nhựa, đường đi bộ chưa thi công, hạ tầng xử lý nước thải...
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông, do nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đầu tư nên đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Sau đó, nhà đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm nên Sở Kế hoạch - Đầu tư đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh một phần Dự án hạ tầng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện đơn vị đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Dự án Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông để Sở Tư pháp nghiên cứu, góp ý kiến về quy trình, thủ tục thu hồi Dự án theo đúng quy định.
TP.HCM có thêm công viên sinh thái hơn 6 ha
Công viên sinh thái rộng hơn 6 ha, vốn đầu tư 70 tỷ đồng ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa đưa vào sử dụng sau nửa năm thi công.
Một phần công viên sinh thái Hóc Môn từ trên cao |
Công viên nằm bên đường Xuân Thới Thượng 6, xã Xuân Thới Sơn mở cửa phục vụ miễn phí người dân từ ngày 18/5. Công trình được xây dựng trên khuôn viên rộng 6,14 ha, gồm các phân khu chính như: quảng trường đường đi dạo, khu mặt nước, hội quán, vườn hoa, khu ngắm cảnh với 6 nhà thủy tạ... Trong đó, điểm nhấn là quảng trường văn hóa với biểu tượng câu chuyện trầu cau rộng hơn 2.000 m2.
Trong khuôn viên dự án cũng có nhiều hạng mục phụ trợ, gồm: khu thể dục thể thao, hồ bơi ngoài trời, bãi xe cùng hệ thống đường nội bộ, đèn chiếu sáng, cây xanh.
Theo chính quyền huyện Hóc Môn, công viên đưa vào khai thác góp phần đáp ứng không gian vui chơi, trải nghiệm của người dân, du khách, trong bối cảnh địa phương còn thiếu nhiều diện tích mảng xanh. Việc triển khai công trình cũng giúp khai thác hiệu quả quỹ đất, bảo vệ môi trường, phục vụ nhu cầu văn hoá, thể thao của người dân. Toàn bộ công trình được đầu tư bằng ngân sách của Huyện.
Toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở, với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha.
Đồng Nai giám sát giảm thiểu bụi tại Dự án sân bay Long Thành 2 tuần 1 lần
Ngày 18/5, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết vừa có văn bản gửi Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc giám sát việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Sẽ giám sát việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi tại Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tần suất 2 tuần một lần |
Theo đó, trên phương án giảm thiểu ô nhiễm bụi của ACV đưa ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ phối hợp với UBND huyện Long Thành và các đơn vị liên quan giám sát việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi tại Dự án với tần suất 2 tuần một lần.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cũng đề nghị ACV cử cán bộ liên quan có trách nhiệm phối hợp với đoàn giám sát trong quá trình kiểm tra.
Trước đó, ACV có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai về phương án giảm thiểu ô nhiễm bụi tại Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, ACV cam kết hoàn thiện hệ thống đường công vụ theo thiết kế đã được phê duyệt trước ngày 15/5, triển khai ngay các hố lắng, mương thoát nước tại khu vực 722 ha và các hồ điều tiết theo đúng hồ sơ thiết kế đã được duyệt.
Hà Nội cưỡng chế biệt thự xây trái phép trên đất rừng
Huyện Ba Vì (Hà Nội) đã cưỡng chế hai biệt thự diện tích 500 - 1.000 m2 xây trái phép trên đất rừng, bốn căn khác đang xem xét thời điểm phá dỡ.
Chính quyền phá dỡ một biệt thự vi phạm trên đất rừng tại khu vực đồi Đống |
Cả sáu biệt thự vi phạm nằm tại khu vực đầm Đống, xã Vân Hòa, được xây dựng khoảng 10 năm trước, cao hai tầng với đầy đủ tiện ích. Hai trong số đó bỏ không đã được phá dỡ. Bốn căn còn lại đã có quyết định cưỡng chế, đang hoàn thiện thủ tục.
Ông Chu Mạnh Huy - Phó Chủ tịch xã Vân Hòa cho biết, trước khi tổ chức cưỡng chế, các ngành chức năng của huyện, xã đã tuyên truyền để chủ hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng họ không chấp hành.
Lý giải thích việc chưa cưỡng chế bốn biệt thự còn lại, ông Huy cho hay, các căn này chủ không phải người địa phương nên liên hệ khó khăn. Hơn nữa, đây là công trình kiên cố, phá dỡ mất thời gian và kinh phí. Chi phí phá hai biệt thự đầu tiên khoảng 100 triệu đồng.
Việc cưỡng chế các căn biệt thự dựa trên kết luận thanh, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thành ủy Hà Nội ban hành tháng 3/2019. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án trên địa bàn; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn trong 7 buổi tối
19h45 - 23h các ngày 20 - 26/5, toàn bộ xe bị cấm qua hầm sông Sài Gòn để diễn tập chữa cháy và cứu nạn, theo thông báo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Diễn tập chữa cháy ở hầm sông Sài Gòn |
Ngoài thời gian trên, từ 7h45 đến 11h ngày 27 và 28/5, hầm vượt sông cũng đóng cả hai hướng để tổ chức diễn tập quy mô cấp thành phố.
Lộ trình thay thế cho xe từ Quận 1 qua TP. Thủ Đức: đường Võ Văn Kiệt - song hành - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2) - Tố Hữu - Mai Chí Thọ. Hướng ngược lại, xe theo đường Mai Chí Thọ - Tố Hữu - cầu Ba Son - Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt.
Việc diễn tập chữa cháy và cứu nạn là công tác thường niên tại hầm vượt sông Sài Gòn, nhằm nâng cao tính chủ động, hạn chế thấp nhất các thiệt hại khi xảy ra cháy nổ. Ngoài diễn tập xử lý các tình huống, trong đường hầm đã được lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động để kịp thời xử lý các sự cố phát sinh.
Hầm vượt sông Sài Gòn được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác cách đây 12 năm, là hạng mục quan trọng nhất của đại lộ Đông Tây. Đường hầm dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho ôtô và xe máy); tốc độ đạt 60 km/h. Hiện, mỗi ngày có khoảng 55.000 ô tô, 300.000 lượt xe máy qua hầm.
Quảng Ngãi tạm giữ nhiều đồ vật gốm sứ nghi cổ vật trên tàu cá
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Ngãi vừa tạm giữ một số hiện vật gốm sứ, nghi cổ vật do ngư dân trên tàu cá BĐ 10546 TS khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ thuộc xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra tàu cá và phát hiện một số vật gốm sứ, nghi cổ vật do ngư dân khai thác trái phép |
Ngày 18/5, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa tạm giữ một số hiện vật gốm sứ, nghi cổ vật do ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ thuộc xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguồn gốc.
Theo đó, trong lúc làm nhiệm vụ trên biển, lực lượng tuần tra Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS do ông Nguyễn Văn Triển (trú ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 8 lao động đang hành nghề lặn cách mũi Gành Yến (thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) khoảng 3 hải lý về hướng Đông Bắc có dấu hiệu hoạt động không đúng ngành nghề.
Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng tuần tra phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS cất giấu 33 đĩa gốm sứ, đường kính khoảng 20 cm và 7 tô (bát), đường kính khoảng 15 cm trong các khoang tàu.
Làm việc với lực lượng tuần tra, thuyền trưởng khai báo số hiện vật này do các ngư dân trên tàu khai thác tại vùng biển thuộc xã Bình Hải (huyện Bình Sơn).
Nhận định tàu cá BĐ 10546 TS có dấu hiệu khai thác cổ vật trái phép, lực lượng tuần tra đã tiến hành kiểm đếm, lập biên bản niêm phong và tạm giữ toàn bộ đồ vật để phối hợp với cơ quan chức năng xác minh điều tra, làm rõ.
Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã tạm giữ số gốm sứ trên để điều tra làm rõ nguồn gốc.